Tái cơ cấu đề hướng tới phát triển bền vững các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở đồng bằng sông Hồng

ThS. VƯƠNG ĐÌNH THANH (Sở Công Thương Hà Nội)

TÓM TẮT:

Làng nghề là hoạt động kinh tế mang bản sắc văn hóa độc đáo ở nước ta. Nhiều làng nghề có truyền thống từ lâu đời vẫn duy trì và phát triển, góp phần tích cực vào sự ổn định và tăng trưởng kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng bằng sông Hồng hiện có 1.336 làng nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) với khoảng 200 loại sản phẩm khác nhau. Các làng nghề TCMN ở Đồng bằng sông Hồng đang tạo việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt trên 500 triệu USD.

Từ khóa: Tái cơ cấu, làng nghề, thủ công mỹ nghệ, đồng bằng sông Hồng.

1. Một số vấn đề lý luận cơ bản

1.1. Tái cơ cấu làng nghề thủ công mỹ nghệ

Theo các học giả Michael Hammer và James A. Champy đưa ra năm 1993 trong các cuốn sách Reengineering the Corporation, khái niệm Tái cơ cấu (Reengineering) được hiểu là “việc xem xét và cấu trúc lại một phần, một số phần hay toàn bộ một tổ chức”. Tái cơ cấu có thể ở các cấp độ khác nhau, cấp độ cao là sự thay đổi tầm nhìn, chiến lược, cơ cấu lại toàn bộ tổ chức có tính hệ thống; cấp thấp là sự chuyển đổi, sắp xếp lại, đổi mới quy trình hoạt động và cũng có thể bao gồm cả hai cấp, vừa thay đổi tầm nhìn chiến lược, vừa thực hiện tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp.

Làng nghề TCMN đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ phát triển và hội nhập. Nhưng một điều ai cũng nhìn thấy sự yếu kém và nhiều khó khăn của các làng nghề TCMN như: thiếu vốn, mặt bằng cho sản xuất chật hẹp, môi trường bị ô nhiễm, thị trường chưa được mở rộng, trình độ quản lý chậm được nâng cao… Vì vậy, trước yêu cầu trên, mô hình làng nghề TCMN phải chuyển đổi, đây là một sự chuyển đổi rất cần thiết, cơ bản và toàn diện nhằm đưa làng nghề lên một bước phát triển mới. Chỉ có trên cơ sở cơ cấu lại các làng nghề TCMN theo hướng khai thác tốt các lợi thế cạnh tranh, đồng thời duy trì giá trị truyền thống, cốt lõi của các làng nghề chúng ta mới đảm bảo phát triển làng nghề TCMN một cách bền vững.

1.2. Phát triển bền vững làng nghề thủ công mỹ nghệ

Khái niệm phát triển bền vững (PTBV) được đưa ra năm 1987 trong báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED, theo đó “Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Ở Việt Nam, khái niệm PTBV được hiểu theo một cách toàn diện hơn, đó là “Phát triển bền vững bao trùm các mặt của đời sống xã hội với nghĩa là, phải gắn kết sự phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và cải thiện môi trường, giữ vững ổn định chính trị- xã hôi, đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia”.

Làng nghề TCMN có đặc điểm khác biệt, sản phẩm của làng nghề TCMN ngoài yếu tố và giá trị về kinh tế, còn mang trong mình yếu tố và giá trị về văn hóa truyền thống được tích lũy qua hàng trăm năm lịch sử. Vì vậy, theo tác giả phát triển bền vững làng nghề TCMN phải dựa trên 4 trụ cột chính đó là: Bền vững về kinh tế, bền vững về văn hóa, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường. Khái niệm phát triển bền vững làng nghề TCMN không thể tách rời khái niệm phát triển bền vững, tuy nhiên cần vận dụng cho phù hợp với đặc thù của làng nghề TCMN và đặc thù của ngành thương mại. Vì vậy có thể định nghĩa “Phát triển bền vững làng nghề TCMN là quá trình phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề TCMN một cách ổn định, lâu dài nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng hiện tại mà không làm tổn hại đến sự phát triển của thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường”.

2. Thực trạng phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ ở đồng bằng sông Hồng và những vấn đề đặt ra

Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cửa ngõ ở phía biển Đông với thế giới và là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực kinh tế phát triển năng đông là Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Vùng đồng bằng sông Hồng có dân cư đông đúc với khoảng 20 triệu người chiếm khoảng 22% tổng dân số trong cả nước.

Nói đến đồng bằng sông Hồng không thể không nói đến các làng nghề TCMN truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, như: Gốm sứ (Hà Nội, Hải Dương), lụa tơ tằm, sơn mài, mây tre giang đan (Hà Nội), gỗ mỹ nghệ (Hà Nội, Bắc Ninh)... Đồng bằng sông Hồng hiện có 1.336 làng nghề TCMN với trên 200 loại sản phẩm, đang tạo việc làm cho khoảng 1,2 triệu lao động với thu nhập bình quân đạt 35-37 triệu đồng/người/năm; Sản phẩm TCMN các làng nghề khu vực đồng bằng sông Hồng rất đa dạng, phong phú, được tạo ra bởi bí quyết sản xuất tích lũy qua thế hệ các nghệ nhân, thợ giỏi được truyền từ đời này sang đời khác. Xuất khẩu là một trong những hướng tiêu thụ chính của các làng nghề TCMN đồng bằng sông Hồng hiện nay với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt trên 500 triệu USD, mức tăng trưởng sản xuất bình quân của các làng nghề TCMN đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2011-2016 luôn đạt từ 10-15%/ năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các làng nghề TCMN ở đồng bằng sông Hồng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức như:

- Sản phẩm: Cơ cấu sản phẩm các làng nghề TCMN thiếu linh hoạt, ít đổi mới, theo số liệu khảo sát năm 2016 cho thấy trung bình 72,5% số sản phẩm là hàng truyền thống, chỉ có 27,5% số sản phẩm là mặt hàng mới. Một năm, một cơ sở sản xuất tạo ra từ 2,35-4,17 mẫu sản phẩm mới, trong đó có đến 80-85% mẫu do khách hàng đặt hoặc sao chép mẫu có sẵn trên thị trường. Như vậy có thể thấy khả năng tự phát triển mẫu mã sản phẩm của các cơ sở sản xuất làng nghề TCMN đồng bằng sông Hồng rất hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất tư vấn thiết kế mẫu, tuy nhiên giai đoạn 2011-2016 trong số 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng chỉ có thành phố Hà Nội thực hiện hỗ trợ, nhưng số lượng không đáng kể (trong 6 năm chỉ có 149 cơ sở sản xuất trong tổng số khoảng 60.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng TCMN ở Hà Nội được hỗ trợ thiết kế mẫu).

- Về thị trường: Các làng nghề thủ công mỹ nghệ đồng bằng sông Hồng chưa chú trọng nhiều đến công tác thị trường, vẫn sản xuất theo cung cách cũ là sản xuất và bán cái mình có chứ không sản xuất và bán cái thị trường cần. Thiếu khả năng tự khai thác thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu là một trong những điểm yếu lớn nhất của các làng nghề TCMN hiện nay; nhiều chủ doanh nghiệp, làng nghề bế tắc trong tìm kiếm thị trường, chủ yếu là phụ thuộc vào các thị trường và khách hàng truyền thống, vì vậy khi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới xảy ra, các thị trường, khách hàng truyền thống bị thu hẹp hoặc mất hẳn, nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động cầm chừng, giảm quy mô sản xuất, đóng cửa hoặc thậm chí là phá sản. Theo số liệu điều tra và trao đổi với các Hội, Hiệp hội ngành hàng TCMN năm 2016 cho thấy: Cơ cấu thị trường theo sản phẩm có sự phân định rất rõ ràng, cụ thể nhóm mây tre đan gần 90% xuất khẩu, nhóm sơn mài hơn 80%, nhóm gốm sứ 50%, thêu ren 18%, gỗ khảm trai 30%, nhóm khác khoảng 30%. Tuy nhiên, cơ cấu này không ổn định mà biến động theo từng thời kỳ. Ví dụ trước năm 2014 nhóm gốm sứ đạt trên 70% xuất khẩu thì đến năm 2016 đã giảm xuống còn khoảng 50%. Trong giai đoạn từ 2011-2016, chỉ có 10% số doanh nghiệp được khảo sát có giá trị tiêu thụ tại các thị trường mới trên 30% trong tổng doanh thu một năm, còn lại đều dưới 10%. Điều này cho thấy việc mở rộng thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN làng nghề còn rất hạn chế. Cũng theo số liệu điều tra, chỉ có 15% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN làng nghề thực hiện các biện pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó phần lớn là việc tham gia vào các hội chợ, triển lãm, các công cụ khác (quảng cáo, khuyến mại, thiết lập kênh phân phối…) ít hoặc không được thực hiện.

- Về hệ thống các tổ chức sản xuất kinh doanh: Phần lớn các cơ sở sản xuất trong làng nghề TCMN vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay là các hộ kinh doanh cá thể. Theo số liệu thống kê của một số tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng thì hộ kinh doanh cá thể chiếm khoảng 93-95%, hợp tác xã và tổ hợp tác chiếm khoảng 0,5-1%, còn lại là doanh nghiệp (Công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân). Các hộ kinh doanh cá thể có ưu điểm là quy mô nhỏ, chủ yếu dùng vốn tự có của gia đình để duy trì sản xuất kinh doanh, tận dụng được lao động và thời gian nhàn rỗi, cơ sở vật chất sẵn có tại gia đình. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh cá thể bị hạn chế bởi địa vị pháp lý về các quan hệ kinh tế, nên khó khăn trong ký kết hợp đồng kinh tế và vay vốn phát triển sản xuất.

- Về nguồn vốn đầu tư sản xuất: Hiện nay trong các làng nghề chủ yếu là vốn tự có của các hộ gia đình, cá nhân, khả năng tiếp cận và huy động nguồn vốn khác là rất khó khăn, đặc biệt là vốn vay thương mại. Chính vì vậy mà năng lực tài chính cho đầu tư trang thiết bị, tìm kiếm thị trường, thiết kế mẫu mã sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực của các làng nghề rất hạn chế. Do đó, sản phẩm làm ra có năng suất chất lượng thấp, sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia trong khu vực thấp.

- Công nghệ, thiết bị sản xuất: Trong các làng nghề TCMN ở đồng bằng sông Hồng chủ yếu là thô sơ, lạc hậu. Mặc dù sản xuất sản phẩm TCMN chủ yếu là thủ công, tuy nhiên với trình độ phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, nhiều công đoạn đã được thay thế bằng máy móc với độ chính xác, tinh xảo, năng suất chất lượng cao hơn. Chính vì vậy, nhiều làng nghề đã đầu tư công nghệ, thiết bị cho một số công đoạn sản xuất, nhưng do hạn chế về nguồn lực nên các công nghệ, thiết bị đầu tư chủ yếu là cũ, lạc hậu vì vậy sản phẩm làm ra có năng suất thấp, chất lượng không cao, do đó chi phí sản xuất cũng tăng lên. Theo số liệu điều tra, khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2013 cho thấy, các làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ sử dụng máy móc thiết bị đứng thứ ba trong cả nước với tỷ lệ trung bình là 36% (xếp sau khu vực miền Đông Nam bộ với tỷ lệ là 51% và khu vực trung du và miền núi phía Bắc là 42,8%).

- Ô nhiễm môi trường làng nghề đã đến mức nghiêm trọng ở cả ba dạng: Ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải. Việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề hiện đang rất yếu, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân trong các làng nghề chưa cao…

Với những lý do trên, nên hiện nay nhiều tiềm năng, thế mạnh to lớn của các làng nghề TCMN đồng bằng sông Hồng vẫn chưa được huy động khai thác và phát triển.

3. Một số giải pháp chủ yếu

Để phát triển bền vững các làng nghề TCMN ở đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới, Nhà nước, các bộ, ban ngành, các địa phương cần phải triển khai một số giải pháp đồng bộ, quyết liệt cụ thể như sau:

3.1. Về cơ chế, chính sách

Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách tác động đến sự phát triển của các làng nghề như: Nghị định 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, Quyết định 132/2000/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, các văn bản trên còn nhiều chồng chéo, bất cập, nhiều nội dung không đi vào thực tế. Các Bộ, ngành cần đề xuất Chính phủ ban hành văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ thống nhất để triển khai được trong thực tế; Đồng thời cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương việc triển khai các chính sách này trong thực tế nhằm giúp các làng nghề phát triển nhanh, bền vững.

3.2. Tái cơ cấu sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Phát triển phương châm chi phối hoạt động của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là “sản xuất và đưa ra thị trường cái mà thị trường cần” chứ không phải cứ sản xuất ra rồi bắt thị trường phải chấp nhận. Người kinh doanh có tầm nhìn xa phải phán đoán và chuẩn bị đón lấy cái mới ngay trong hiện tại để hoàn thiện cái đang thực hiện, chứ không chờ đến khi thị trường từ chối sản phẩm của mình mới lo ứng phó. Vì thế, mọi quyết định về cơ cấu sản phẩm đều phải xuất phát từ thị trường, đều phải dựa trên cơ sở nghiên cứu, phân tích thị trường. Như vậy nghiên cứu thị trường nhu cầu sản phẩm là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp và nhất thiết phải được tiến hành một cách thường xuyên. Việc tái cơ cấu này nhằm đưa ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao nhất trên thị trường (mới, kiểu dáng đẹp, tính năng sử dụng cao, giá thành phù hợp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng…).

3.3. Tái cơ cấu thị trường tiêu thụ nhằm khai thác các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương Việt Nam đã ký kết

- Tạo lập và phát triển đồng bộ hệ thống tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề TCMN ở đồng bằng sông Hồng tại thị trường trong nước, trong đó tập trung việc gắn kết giữa hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ của các tập đoàn kinh tế lớn với các làng nghề để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối.

- Tổ chức các hội chợ triển lãm chuyên ngành nhằm quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề tới khách hàng trong và ngoài nước nhằm tạo ra cầu nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề tham gia các hội chợ xuất khẩu trong và ngoài nước. Tổ chức các hoạt động giao thương, trao đổi thương mại giữa các làng nghề và các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà nhập khẩu nước ngoài; hỗ trợ các làng nghề trưng bày sản phẩm tại các trung tâm trưng bày sản phẩm của Việt Nam tại nước ngoài.

- Đẩy mạnh việc hỗ trợ các làng nghề trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về vai trò và tầm quan trọng của thương hiệu, khuyến khích và đẩy mạnh việc xã hội hóa đăng ký xây dựng thương hiệu làng nghề thông qua việc hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu làng nghề.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng tại các làng nghề TCMN truyền thống, đặc biệt là hệ thống các trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, nhà đón tiếp để phục vụ cho việc đón và tổ chức các tour du lịch làng nghề. Khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành xây dựng các tour du lịch kết hợp tham quan, mua sắm tại các làng nghề nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tại chỗ thông qua con đường du lịch.

3.4. Phát triển các doanh nghiệp làng nghề

Để phát triển các làng nghề TCMN không thể không tạo điều kiện để các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh này hoạt động có hiệu quả với các quy mô và loại hình khác nhau, trong đó cần tập trung và chú trọng đến loại hình doanh nghiệp (Công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân). Sự phát triển của mỗi làng nghề tỷ lệ thuận với số lượng doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả. Vì vậy, chình quyền các địa phương cần thực hiện rộng rãi các chính sách nhằm phát triển thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm TCMN, việc phát triển doanh nghiệp phải đảm bảo cho các làng nghề TCMN phát triển nhanh, có chất lượng và bền vững. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các hội, hiệp hội chuyên ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các hộ kinh doanh cá thể về sự cần thiết phải chuyển đổi hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và những lợi ích mang lại khi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

3.5. Đẩy mạnh ứng dụng tiên bộ khoa học trong sản xuất

Mặc dù nghề TCMN chủ yếu làm thủ công, tuy nhiên hiện nay nhiều công đoạn có thể ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, các cơ sở sản xuất cần lựa chọn những công đoạn sản xuất mang tính đột phá, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm để đầu tư ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Khi đầu tư, cần mạnh dạn đầu tư các công nghệ, thiết bị hiện đại theo hướng đi tắt, đóng đầu, những công đoạn, công nghệ sản xuất bí truyền cần được nghiên cứu để nếu có thể thì thực hiện kết hợp giữa thủ công và bán tự động trong sản xuất, như vậy một mặt nâng cao năng suất lao động, mặt khác không làm ảnh hưởng đến nét thủ công của sản phẩm. Bên cạnh đó các làng nghề, cơ sở sản xuất TCMN làng nghề cần kết hợp chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành để đưa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học vào ứng dụng trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tính thẩm mỹ của sản phẩm, cũng như hạ giá thành sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

3.6. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động doanh nghiệp, người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ các lành nghề trong ứng dụng khoa học, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh việc xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề tập trung, hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp làng nghề. Khuyến khích các cơ sở sản xuất làng nghề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Làng nghề TCMN đã và đang có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đồng bằng sông Hồng. Làng nghề không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn lưu giữ những giá trị truyền thống quý báu của các làng quê thông qua chính những sản phẩm do bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ làm ra. Quan tâm, hỗ trợ các làng nghề TCMN phát triển bền vững chính là góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của các vùng miền nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế như hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bạch Thị Lan Anh (2010), Phát triển bền vững làng nghề truyền thống vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Luận án tiến sỹ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

2. Phạm Nguyên Minh (2012), Giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Luận án tiến sỹ kinh tế, Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương.

3. Nguyễn Trí Dĩnh (2005), Những giải pháp nhằm phát triển làng nghề ở một số tỉnh đồng bằng Sông Hồng, Đề tài khoa học cấp Bộ, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

4. UBND Thành phố Hà Nội (2011), Quy hoạch tổng thể phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội.

5. JICA (2008), Report of the Project Formulation Mission for the Project for Vitalization of Rural Areas through OVOP Movement in Timor- Leste,

6. Kaoru NATSUDA, Kunio IGUSA, Aree WIBOONPONGSE, Aree CHEAMUANGPHAN, Sombat SHINGKHARAT, John THOBURN (2011), One village one product - Rural Development strategy in Asia: The case of OTOP in Thailand, Ritsumeikan Center for Asia Pacific Studies (RCAPS), Ritsumeikan Asia Pacific University.

7. Morihiko Hiramatsu (2010), Report of One Village One Products.

RESTRUCTURING HANDICRAFT VILLAGES LOCATED IN THE RED RIVER DELTA TOWARDS A SUSTAINABLE DEVELOPMENT

Master. VUONG DINH THANH

Hanoi Department of Industry and Trade

ABSTRACT:

Trade villages are a distinctive economic characteristic which is associated with cultural values of Vietnam. Many traditional trade villages have robustly grown and significantly contributed to the socio-economic growth of locals and the country. The Red River Delta of Vietnam is now home of 1,336 handicraft villages which produce about 200 different products. These handicraft villages also generate more than 1.2 million jobs for local people. In addition, the total export turnover of products of these handicraft villages achieved over 500 miilion USD in 2016.

Keywords: Restructuring, trade villages, handicrafts, the Red River Delta.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây