Tận dụng thị trường trong nước: Bệ đỡ cho doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn "bình thường mới"

Dưới tác động của Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2020 ghi nhận mức tăng thấp nhất từ nhiều năm trở lại đây. Để thương mại nội địa có thể phát huy vai trò bệ đỡ giai đoạn hậu dịch bệnh, sẽ cần nhiều giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Khai thác thị trường trong nước: Lối ra cho phát triển thương mại hậu dịch bệnh

Phát biểu tại cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, thời gian qua, thị trường trong nước đã chịu tác động không nhỏ từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ Quý I ước đạt khoảng 1.246 tỷ đồng, chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019, cho thấy mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Năm 2019, mức tăng này đạt 11,96%, năm 2018 đạt 0,86%, năm 2017 đạt 9,18%.

Hoạt động thương mại nội địa trong 3 tháng diễn ra kém sôi động, người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, từ đầu tháng 4/2020 đến nay, việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội nhằm ứng phó với dịch bệnh cũng làm giảm các hoạt động mua sắm, tiêu dùng của người dân trong thời gian qua. Thêm vào đó, thu nhập của người dân giảm mạnh do giảm việc làm, nhất là trong các ngành nghề dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, du lịch,… dẫn đến giảm tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình, dung lượng thị trường trong nước theo đó cũng sụt giảm đáng kể.

“Mục tiêu 11,5% - 12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả năm 2020 là rất khó”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Để phát triển và khai thác tốt thị trường trong nước trong trạng thái “bình thường mới”, Vụ Thị trường trong nước cho rằng có 3 vấn đề cần giải quyết, 6 giải pháp cần thực hiện và đưa ra 8 khuyến nghị đối với các doanh nghiệp.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp của Bộ Công Thương chiều 24/4
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp của Bộ Công Thương chiều 24/4

Phát huy vai trò bệ đỡ của thị trường trong nước

Theo Ông Trần Duy Đông, trước hết, trong mọi trường hợp, cần phải bảo đảm đầy đủ thực phẩm và mặt hàng thiết yếu cho người dân, các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa thiết yếu cần được hỗ trợ kịp thời, tránh xảy ra đứt gãy trong quá trình cung ứng. Đây vẫn được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu trong giai đoạn mới này.

Đồng thời, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân trong và cả sau dịch, để vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì thị trường và ổn định hoạt động kinh doanh, phục hồi và dần đạt được mức tăng trưởng như trước.

Cùng với đó, tận dụng và khai thác thương mại điện tử để phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường trong nước, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ và đẩy mạnh liên kết trong toàn chuỗi cung ứng “trong trạng thái mới”.

Để đạt được các mục tiêu này, Vụ Thị trường trong nước khẳng định ngành Công Thương cần thực hiện đồng loạt 6 giải pháp. 

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan trong việc hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người tiêu dùng vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định sản xuất kinh doanh, trong đó có việc điều hành giá xăng dầu và tháo gỡ các thủ tục hành chính. Đồng thời, phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu nếu dịch bệnh bùng phát trở lại để kịp thời có biện pháp điều hành.

Thứ hai, thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu sau dịch để hỗ trợ tiêu thụ ngay khi các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; Tăng cường hỗ trợ đưa các sản phẩm nông thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ ba, triển khai kịp thời và hiệu quả các Chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua hai công cụ: kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu (các chương trình, đề án); tăng chỉ tiêu của Chính phủ thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, phát triển chợ đô thị; Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Thứ tư, phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và lực lượng chức năng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cung ứng thông qua phân luồng, phân tuyến lưu thông cho hàng hóa, phương tiện vận tải.

Thứ năm, tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hóa, nông sản Việt qua thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt”.

Thứ sáu, tiếp tục tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, định giá hàng hóa bất hợp lý.

Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch hành động về khôi phục các hoạt động của ngành Công Thương giai đoạn mới, trong đó có nhiều giải pháp thúc đẩy khai thác cơ hội của thị trường trong nước
Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với giai đoạn mới của dịch bệnh, trong đó có nhiều giải pháp thúc đẩy khai thác cơ hội tại thị trường trong nước

Doanh nghiệp phân phối cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng khẳng định, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua đã ghi nhận trách nhiệm xã hội ở mức cao nhất của các doanh nghiệp phân phối nhằm đảm bảo duy trì lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân.

Bước sang giai đoạn mới, các doanh nghiệp phân phối sẽ cần tập trung điều chỉnh việc quản trị doanh nghiệp, chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, trong trạng thái bình thường mới của nền kinh tế.

Việc các biện pháp phòng chống dịch bệnh thời gian qua được tăng cường một phần dẫn đến hạn chế tiếp xúc xã hội, giảm mua sắm trực tiếp, cũng đã cho thấy điểm yếu của một số doanh nghiệp trong áp dụng công nghệ, phát triển hệ thống phân phối đa kênh phục vụ khách hàng, theo ông Trần Duy Đông. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ phân phối hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến hơn nữa.

Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm, tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả offline và online để quản trị quan hệ khách hàng (CRM) hiệu quả. Đồng thời, đa dạng hóa và phát triển bán lẻ đa kênh nhằm tránh rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Giữa bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cũng sẽ cần xây dựng các kế hoạch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp, phát triển, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp qua mạng, trên các kênh internet, điện thoại di động, mạng xã hội,… và chú trọng phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của kinh doanh bán lẻ 4.0.

Cùng với đó, tăng cường liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, cũng như với các nhà sản xuất, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm và tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước, khu vực, toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Ngoài ra, Vụ Thị trường trong nước cũng lưu ý doanh nghiệp cần tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và người tiêu dùng về bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn, sức khỏe cộng đồng,…

Thy Thảo