Tăng cường phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan trong đấu tranh phòng chống hàng giả và gian lận thương mại

THS. LÊ VIỆT HUY (Công ty KPMG, Công ty Luật Việt Lê)

TÓM TẮT:

Để phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống hàng giả và gian lận thương mại, các lực lượng chức năng, như: Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cơ quan Thuế và Quản lý Thị trường cần căn cứ thực tiễn đặc thù của từng ngành để phối hợp ngăn chặn hành vi sai phạm, đồng thời rà soát các quy định của Pháp luật, sủa đổi bổ sung những quy định, chế tài có tính răn đe cao. Bài viết căn cứ vào số liệu tổng hợp của các ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành địa phương và số liệu tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để phân tích những kết quả đạt được trong việc phát hiện số lượng hành vi, số vụ việc được xử lý, số vụ án, bị can được khởi tố và ngân sách được thu hồi. Từ đó rút ra việc cần thiết phải tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh, phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Từ khóa: Quản lý thị trường, hàng giả, gian lận thương mại.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân và ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế cũng như việc điều tiết của Nhà nước trong quá trình phát triển hội nhập.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực 389 đã triển khai công tác đồng bộ, quyết liệt nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý, nhiều đường đây ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị triệt phá góp phần ổn định thị trường và phát triển kinh tế đất nước.

2. Tổng quan nghiên cứu

Việc nghiên cứu mô hình lượng lực Quản lý thị trường trong đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong thời gian qua, chỉ thể hiện qua một số những bài viết, báo cáo của các Cục Quản lý thị trường địa phương và Tổng cục Quản lý thị trường. Nội dung những báo cáo mang tính chất thống kê qua từng thời kỳ và phản ánh cá biệt tại một số địa phương, đơn vị độc lập, chưa có một nghiên cứu tổng thể đối với lực lượng Quản lý thị trường trong công tác phối hợp với các lực lượng gồm: Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát kinh tế và Cơ quan Thuế,… Vì vậy, cần có một nghiên cứu toàn diện, gắn liền với những đặc thù của từng cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ.

3. Phương pháp nghiên cứu

Trên cơ sở mô hình Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương quản lý hệ thống dọc bao gồm 63 Cục Quản lý thị trường các địa phương với những đặc thù về địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Do vậy, việc triển khai công tác quản lý thị trường cũng có những hình thức, nội dung, phương pháp khác nhau. Tác giả đã căn cứ vào số liệu tổng hợp của các ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành địa phương và số liệu tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để phân tích những kết quả đạt được trong việc phát hiện số lượng hành vi, số vụ việc được xử lý, số vụ án, bị can được khởi tố và ngân sách được thu hồi.

Từ đó rút ra việc cần thiết phải tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh, phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, rút ra những bất cập trong cơ chế chính sách, những hạn chế trong tổ chức biên chế, cơ sở vật chất, cũng như sự chồng chéo trong các quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan. Trên cơ sở những phân tích nêu trên, bài viết đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thị trường.

4. Kết quả và thảo luận

Theo báo cáo sơ kết các lực lượng chức năng,  6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc và thu nộp NSNN 11.291 tỷ 708 triệu đồng (tăng 83 % so với cùng kỳ), khởi tố 1.128 vụ với 1.346 đối tượng. Qua nghiên cứu số liệu tổng hợp và tình hình thực trạng của các Bộ ngành địa phương cho thấy kết quả cụ thể của các đơn vị: Lực lượng Hải quan đã phát hiện, xử lý 9.619 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 1.453.105 triệu đồng, khởi tố 18 vụ, chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 32 vụ. Tổng cục Thuế tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng, quản lý, lưu giữ hóa đơn và hồ sơ mua bán, thu gom hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu cư dân biên giới của các hộ, cá nhân kinh doanh khu vực biên giới để ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn hợp thức hóa hàng nhập lậu.

Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và cục Thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Lực lượng Thuế đã phát hiện, xử lý 21.863 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 9.544 tỷ 603 triệu đồng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, xử lý 1.078 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 22 tỷ 309 triệu đồng; khởi tố 279 vụ, 328 đối tượng. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển kết quả đã phát hiện, xử lý 161 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 52 tỷ 126 triệu đồng, khởi tố 63 vụ.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 9.255 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 68 tỷ 391 triệu đồng, khởi tố 768 vụ, 1.018 đối tượng.

Ban Chỉ đạo 389 các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường đấu tranh, phát hiện, xử lý các vụ vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, không để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân đã phát hiện, xử lý 134 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 5 tỷ 774 triệu đồng.

Đối với Lực lượng quản lý thị trường Bộ Công Thương đã phát hiện, xử lý 33.154 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 145 tỷ 400 triệu đồng. Một số Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh,... đã triệt phá một số vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lớn. Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc xây dựng, triển khai kế hoạch công tác năm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương triển khai nhiều giải pháp quản lý, điều hành thị trường cũng như đảm bảo các chính sách an sinh xã hội; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cơ sở làm tốt công tác quản lý địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng giả kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thường xuyên nắm tình hình, cập nhật thông tin, đề xuất lãnh đạo Ban xử lý các vụ việc liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chủ động tham mưu đề xuất Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt hàng hóa liên quan đến phòng chống dịch COVID-19; Đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành sơ kết, tổng kết các kế hoạch, chuyên đề chống buôn lậu và gian lận thương mại. Phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội thảo chuyên đề về thực trạng và giải pháp xử lý khó khăn vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp với Tổng cục Hải quan tham mưu Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ dừng thực hiện thí điểm Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất phương án tiếp tục thực hiện Quyết định số 2317/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 về việc tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Văn phòng Thường trực tiếp nhận gần 900 thông tin qua đường dây nóng liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó trực tiếp hướng dẫn người cung cấp tin liên hệ cơ quan có thẩm quyền xử lý hơn 840 cuộc. Tiếp nhận chuyển các địa phương xử lý 14 tin báo và đơn phản ánh có giá trị. Trong đó có 6 thông tin tiến hành xử lý hành chính, 2 tin xác minh phản ánh giao cho địa phương tiếp tục xử lý; 1 tin đang tiến hành thanh tra thanh tra.

5. Kết luận

Qua phân tích số liệu nêu trên cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, Lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện tổng số 33.154 vụ việc tương đương với 46% tổng số vụ việc được phát hiện và nộp ngân nhà nước  gần 146 tỷ đồng tương đương 13% tổng số tiền các lực lượng nộp ngân sách. Như vậy, có thể thấy để phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ không những chỉ có cơ quan QLTT mà cần có sự tham gia tích cực và quyết liệt của các cơ quan của các cơ quan chức năng.

Thời gian tới tình hình sai phạm về lĩnh vực hoạt động thương mại còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán ma túy; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất. Bên cạnh việc khắc phục một số nguyên nhân tồn tại hạn chế như một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, khó khăn điều kiện phương tiện, biên chế, chế tài… Chúng ta cần xem xét vai trò chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, địa phương chưa thường xuyên, chưa quyết liệt; Một số đơn vị chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thiếu kiểm tra giám sát, để cán bộ, chiến sỹ tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và bị xử lý, kỷ luật; Một số đơn vị chức năng chưa làm tốt công tác nắm tình hình, chưa chủ động trong công tác đấu tranh, còn để xảy ra một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách, gây bức xúc trong dư luận.

Đặc biệt sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ kịp thời. Để phát huy hiệu quả trong công tác quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp giữa các lực lượng như Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cơ quan cảnh sát kinh tế, Cơ quan Thuế và Lực lượng Quản lý Thị trường, căn cứ thực tiễn đặc thù của từng địa phương để phối hợp ngăn chặn hành vi sai phạm. Đồng thời rà soát các quy định của Pháp luật, sủa đổi bổ sung những quy định, chế tài có tính răn đe cao nhằm phát huy hiệu quả của công tác quản lý thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (2020), Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2020.
  2. Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ công Thương, Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2020.

Strengthening coordination between the market surveillance force and relevant government agencies in the fight against counterfeiting

 and commercial fraud

Master. Le Viet Huy

KPMG Vietnam, Viet Le Law Firm

ABSTRACT:

In order to enhance the effectiveness of the fight against counterfeiting and trade frauds, it is necessary for relevant government forces such as Customs, Border Guard, Coast Guard, Taxation Authority and Market surveillance forces to coordinate with each other based on their specific practices in preventing violations. In addition, the related law, regulations and sanctions should be adjusted and amended with greater deterrence. This paper uses data collected from the National Steering Committee for Combating Smuggling, Commercial Fraud and Counterfeit Goods (Committee 389) to analyze the number of violations, the number of resolved violations, the number of the accused and the amount of state budget arrears. This paper’s conclusion indicates that it is necessary for the market surveillance force and the local authorities to enhance their coordination in fighting against smuggling, counterfeiting, trade fraud violations and intellectual property infringements.

Keywords: Market surveillance, counterfeiting, commercial fraud.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]