Tăng cường tính liên kết trong chuỗi cung ứng chè tỉnh Thái Nguyên

ThS. NÔNG THỊ DUNG (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:
Bài báo tập trung nghiên cứu tính liên kết trong chuỗi cung ứng chè của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia vào chuỗi cung ứng chè tỉnh Thái Nguyên; từ đó đề xuất giải pháp nhằm tăng cường năng lực sự hợp tác, liên kết cho các doanh nghiệp (DN) nằm trong chuỗi cung ứng chè, tỉnh Thái Nguyên nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh của các DN trong chuỗi cung ứng.
Từ khóa: Chuỗi cung ứng chè, sự liên kết trong chuỗi, tỉnh Thái Nguyên.

1. Đặt vấn đề
Vùng chè Thái Nguyên là nơi trọng điểm về cung cấp trà ngon, sạch, đứng thứ 2 sau tỉnh Lâm Đồng. Nghề trồng và chế biến chè đã đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Chè được xem là cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của nông dân Thái Nguyên. Hiện nay, diện tích chè của tỉnh có hơn 18.600 ha, trong đó có gần 17.000 ha chè kinh doanh, năng suất đạt 109 tạ/ha, sản lượng đạt gần 185 nghìn tấn. Những vùng chè Thái Nguyên nổi tiếng phải kể đến như:
Vùng chè Tân Cương
Vùng chè Tân Cươngbao gồm 3 xã Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương, có tổng diện tích 4.861,8 ha. Chè Tân Cươngcó hương thơm tự nhiên, vị đượm, chát nhẹ, mầu nước vàng xanh, uống xong có hậu ngọt còn lắng sâu trong vị giác người thưởng thức. Chè Tân Cương đã được những người sành điệu rất ưa dùng và tôn vinh là "Đệ nhất danh trà". Chè Tân Cương đã khẳng định thương hiệu trên thị trường trên 100 năm nay, là một trong 5 sản phẩm quốc gia được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc.
Vùng chè La Bằng
La Bằng (huyện Đại Từ) nằm sát chân núi Tam Đảo là vùng đất sản xuất chè ngon đặc biệt của Thái Nguyên, có trên 328 ha diện tích trồng chè với năng suất bình quân 90 tạ/ha. Chất lượng chè La Bằng cũng ngang với các vùng chè nổi tiếng khác. Chè La Bằng đã có thương hiệu và luôn đoạt giải cao trong các cuộc thi chè trong phạm vi tỉnh và toàn quốc. Hiện nay, La Bằng có khoảng 40 nghệ nhân chế biến chè nổi tiếng.
Vùng chè Trại Cài
Chè Trại Cài - Minh Lập (huyện Đồng Hỷ)cũng đã nổi tiếng từ lâu bởi hương vị thơm ngon đặc biệt. Hiện nay, Trại Cài - Minh Lập có trên 460 ha chè canh tác, chủ yếu giống chè trung du. Sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 4.200 tấn chè búp tươi/năm.
Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện cho phát triển chè, đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản lý từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chè. Tuy nhiên, mức liên kết giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng chè tỉnh Thái Nguyên còn chưa tốt. Hiện tại, chè Thái Nguyên là thương hiệu được nhiều người biết đến và tiêu dùng, tuy nhiên để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ chè đạt hiệu quả tương xứng với tiềm năng của ngành cây trồng mũi nhọn, việc tăng cường tính liên kết trong chuỗi cung ứng chè là một tất yếu quan.
2. Mức độ liên kết trong các thành phần tham gia chuỗi cung ứng chè tỉnh Thái Nguyên
2.1. Mô hình chuỗi cung ứng chè tỉnh Thái Nguyên
Chuỗi sản xuất chè bao gồm các khâu: Trồng và chăm sóc, thu hái, vận chuyển, chế biến, đóng gói, bảo quản, thương mại, tiêu thụ đều có liên quan chặt chẽ về quy trình kỹ thuật và các biện pháp đảm bảo chất lượng sản phẩm chè.
Trong chuỗi giá trị ngành Chè: Hàng loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải quan hệ chặt chẽ với nhau từ việc cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến đến việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng.
Tại Thái Nguyên, có nhiều thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành Chè như:
+ Trong khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch chè bao gồm: Các hộ nông dân trồng và chế biến chè có quy mô sản xuất trang trại hoặc nông hộ, những hộ nông trường viên là những công nhân nông trường đã nhận đất của nông trường theo hợp đồng khi nông trường chuyển đổi thành công ty; các hộ có khả năng ký hợp đồng sản xuất cho các công ty chè Thái Nguyên; Các hộ là xã viên HTX (gồm cả những hộ tham gia tổ, nhóm nông dân).
+ Trong thu gom chè: Có các nhóm người thu gom, tư thương.
+ Trong chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm: Có các cơ sở chuyên chế biến tư nhân, hộ sản xuất kiêm chế biến, DNNN, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh chế biến và xuất khẩu; người thu gom, người bán buôn.
+ Các tác nhân hỗ trợ cho sản xuất, chế biến chè: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. (Sơ đồ 1) 2.2. Mức độ liên kết giữa các thành phần tham gia chuỗi cung ứng
Tỉnh Thái Nguyên là một trong những vùng trọng điểm nông sản, trong đó đặc biệt là phát triển ngành sản xuất và chế biến chè. Tuy vậy, mặt hàng chè tại Thái Nguyên vẫn chưa tạo dựng cho mình được đẳng cấp chất lượng toàn cầu để nâng tầm giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân chính là do chưa có kết nối từ khâu trồng, thu hoạch,chế biến sản phẩm Chè.
Để khắc phục tình trạng trên, Tỉnh Thái Nguyên đã tham gia vào dự án “Lồng ghép các nông hộ sản xuất nhỏ vào chuỗi cung ứng chè chất lượng và bền vững ở Việt Nam” triển khai từ tháng 01/2014. Theo đó, mục tiêu của dự án là nhằm tăng sản lượng chè ở Việt Nam đạt chứng nhận Raiforest Alliance được thu mua bởi Unilever lên 30.000 - 35.000 tấn/năm; cải thiện tính bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội của các nông hộ trồng chè quy mô nhỏ và các chủ nhà máy chè ở Thái Nguyên.
Trong điều kiện, môi trường thuận lợi trên. Các DNVVN trong chuỗi cung ứng chè tỉnh Thái Nguyên cũng đã tận dụng được các mặt lợi thế của dự án và đạt được một số kết quả kinh doanh khởi sắc đáng kể.
Hiện tại, toàn tỉnh Thái Nguyên có 11 DNVVN tham gia vào chuỗi cung ứng chè với tổng qui mô vốn như bảng sau: (Bảng 1)
2.3. Tình hình liên kết trong sản xuất chè ở Thái Nguyên
Tham gia vào chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành Chè ở Thái Nguyên hiện nay có 11 doanh nghiệp, 30 HTX, 50 làng nghề và hàng trăm tổ hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè với trên 60 ngàn hộ nông dân trồng chè. Sự liên kết giữa các tác nhân trong chuối giá trị ngành Chè còn chưa chặt chẽ, dẫn đến người trồng chè chưa có sự chia sẻ thu nhập công bằng.
Thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, sự liên kết giữa người trồng, chế biến chè là các hộ nông dân, hoặc Tổ hợp tác khá chặt chẽ với nhau. Các hộ trồng chè đã có sự kết nối, chia sẻ thông tin về: giống, phân bón, giá, chất lượng chè, thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, sự liên kết giữa hộ nông dân trồng chè nói chung với các doanh nghiệp chế biến,công ty chè Thái Nguyên, các đại lýtiêu thụ chè hầu như không có, hoặc nếu có cũng rất ít và chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng người trồng chè tự chế biến, tiêu thụ, doanh nghiệp có thu mua chè nguyên liệu nhưng chưa thường xuyên hoặc chưa thực sự có liên kết chặt chẽ với người sản xuất. Tình trạng trên dẫn đến sản phẩm chè tiêu thụ trên thị trường tuy đa dạng sản phẩm nhưng chất lượng chưa đồng đều. Qua khảo sát thực tế, tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trong chuỗi cung ứng cho thấy kết quả sau:
Số lượng các doanh nghiệp tích cực tham gia vào các hoạt động của chuỗi chiếm tỷ trọng 28%, đây là các DN đi đầu trong các hoạt động quảng bá chung, như tham gia vào Fesival Chè quốc tế được tổ chức định kì hàng năm của tỉnh Thái Nguyên. Các doanh nghiệp này cũng đã kết nối với một số hộ nông dân, trong thu gom chè làm nguyên liệu chế biến. 36% số doanh nghiệp tham gia chưa tích cực, chủ yếu mới dừng ở tham gia các hoạt động quảng bá chung cho sản phẩm của chuỗi. Các hoạt động thu gom chè diễn ra thụ động. 36% doanh nghiệp được điều tra, chưa có hoạt động nào trong chuỗi cung ứng. Số doanh nghiệp này hoạt động độc lập, thu gom chè một cách thụ động và chưa tham gia vào các hoạt động xúc tiến chung của chuỗi. Kết quả điều tra đối với các hộ nông dân trồng chè trên địa bàn cũng cho thấy, trong tổng số 100 hộ được điều tra, 20% hộ đã có những hoạt động tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng chè. Các hộ này trồng theo tiêu chuẩn chè Vietgap, đảm bảo chất lượng chè sạch và an toàn. Đồng thời, đã có sự kết nối với các doanh nghiệp để cung cấp chè theo phía đặt hàng của doanh nghiệp. 36% hộ tham gia vào hoạt động của chuỗi nhưng chưa tích cực. Các hộ này đảm bảo trồng chè theo tiêu chuẩn Vietgap, nhưng chưa kết nối với các doanh nghiệp trong cung cấp nguyên liệu, dẫn đến còn bị động trong khâu tiêu thụ chè, bị các đối tác thu gom, người bán buôn ép giá. Kết quả điều tra cũng cho thấy: 35% số hộ trồng chè chưa tham gia hoạt động nào trong chuỗi cung ứng chè, các hộ này trồng và tiêu thụ chè một cách tự phát, độc lập.
Qua kết quả điều tra thực tiễn trên, có thể nhận định rằng:
Mức liên kết giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng chè tỉnh Thái Nguyên còn thấp. 36% số doanh nghiệp và 35% hộ trồng chè chưa tham gia vào các hoạt động chung của chuỗi cung ứng. Xuất phát từ thực tiễn trên, chất lượng chè Thái Nguyên hiện nay tuy đã được nâng cao do việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật từ khâu giống, canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản và quan trọng nhất là biện pháp quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được áp dụng rộng rãi. Nhiều sản phẩm chè Thái Nguyên đã được công nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia VietGAP, cấp quốc tế như UTZ, GlobalGAP. Tuy nhiên, vẫn còn các hộ dân trồng và tiêu thụ chè một cách tự phát, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của ngành Chè trên địa bàn.
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè của tỉnh chưa có vùng nguyên liệu riêng, do vậy luôn bị động trong sản xuất và quản lý chất lượng. Một số ít các doanh nghiệp kinh doanh chè được chuyển đổi từ các nông trường mới có vùng nguyên liệu riêng và một số doanh nghiệp. Điển hình có thể kể đến là: Công ty XNK Thái Nguyên đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, liên kết với người trồng chè để có sản phẩm chè cao cấp, chất lượng cao, đảm bảo an toàn và có giá trị cao để xuất khẩu.
Mức liên kết giữa các tác nhân liên quan đến chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành Chè từ người trồng chè đến người chế biến, tiêu thụ chè chưa chặt chẽ, chủ yếu vẫn là người trồng chè tự chế biến và tiêu thụ là chính. Số đại lý,công ty chè Thái Nguyêncó liên kết với người trồng chè chưa nhiều, số hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè có hiệu quả chưa cao, các làng nghề, tổ hợp tác phần lớn mới được thành lập, sự liên kết mới chỉ là bước đầu.
Việc quản lý chất lượng chè chưa thực sự đồng bộ, chưa quản lý chặt chẽ được từ khâu sản xuất nguyên liệu, do vậy mặc dù chất lượng chè Thái Nguyên rất tốt nhưng vẫn chưa thực sự bền vững.
2.4. Những tồn tại trong chuỗi cung ứng chè Thái Nguyên
Mức liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè từ người trồng chè đến người chế biến, tiêu thụ chè chưa chặt chẽ. Hiện nay, sự liên kết chủ yếu mới xuất hiện giữa các hộ trồng chè trong chia sẻ kinh nghiệm trồng, giá cả, thông tin khách hàng.
Chưa có sự kết nối trong chuỗi cung ứng giữa các hộ trồng chè và doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ yếu thu mua một cách thụ động, chưa có sự thỏa thuận với các hộ dân để có được nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng và an toàn về số lượng đặt hàng cho doanh nghiệp.
Do chưa có hợp tác chặt chẽ giữa DN và các hộ dân, nên việc chế biến, tiêu thụ chè của các doanh nghiệp còn bị động trong sản xuất và quản lý chất lượng, ảnh hưởng không tốt tới chất lượng sản phẩm chè tiêu thụ.
3. Một số đề xuất nhằm tăng cường sự liên kết cho các thành phần trong chuỗi cung ứng chè tỉnh Thái Nguyên
Xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu về mức liên kết giữa các thành phàn trong chuỗi cung ứng chè tỉnh Thái Nguyên, nhằm tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin, hợp tác giữa các thành phần trong chuỗi, đồng thời tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển ngành Chè Thái Nguyên một cách bền vững, tác giả xin đề xuất một số giải pháp trọng điểm như sau:
Thứ nhất, xây dựng chuỗi và phát triển thương hiệu Chè Thái nguyên, an toàn, đảm bảo chất lượng và sản lượng, có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, nhằm mở rộng qui mô thị trường cho chuỗi cung ứng. Thông qua hoạt động kiểm soát từ gốc thông qua khuyến khích nông dân sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Các sở, ngành sẽ tăng cường tuyên truyền, kêu gọi các hộ dân trồng chè trên địa bàn tỉnh tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, góp phần cải thiện quy trình sản xuất theo hướng hiện đại.
Thứ hai, tăng cường sự kết nối trong chuỗi, thông qua hoạt động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tuyên truyền các hộ trồng chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè nhằm tận dụng lợi thế của chuyên môn hóa trong chuỗi cung ứng. Kết nối giữa các hộ dân và các doanh nghiệp kinh doanh chè, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp chè ổn định và đảm bảo an toàn. Tăng cường tổ chức các hoạt động quảng bá, điển hình là Festival Chè Thái Nguyên, nhằm quảng bá hình ảnh về sản phẩm chè của tỉnh; đồng thời cũng là thời điểm để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng kí kết hợp đồng với các hộ sản xuất chè về cung cấp số lượng chè, vừa đảm bảo lợi ích cho người trồng chè, vừa tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, do có nguồn cung ứng ổn định và an toàn. Thứ tư, khuyến khích các thành phần trong chuỗi cung ứng sử dụng các ứng dụng tích hợp trong công nghệ thông tin nhằm xúc tiến quảng bá, mở rộng qui mô thị trường, kết nối với khách hàng. Bên cạnh đó, hoạt động kết nối thông tin giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng cũng sẽ làm tăng cường sự liên kết trong chuỗi, giúp chuỗi cung ứng chè tỉnh Thái Nguyên hoạt động có hiệu quả hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Niên giám Thống kê tỉnh Thái Nguyên (2014 - 2016).
2. Giáo trình Quản lý chuỗi cung ứng - ThS. Nguyễn Công Bình, NXB Thống Kê, 2/2018
3. Giáo trình Quản trị kinh doanh, GS. TS. Nguyễn Thành Độ, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Huyền, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2011.

STRENGTHENING LINKAGE IN THAI NGUYEN TEA SUPPLY CHAIN

MA. NONG THI DUNG

Faculty of Business Administration, University of Economics and Business Administration - Thai Nguyen University

ABSTRACT:

The paper focuses on the linkages in the tea supply chain of small and medium enterprises (SMEs) involved in tea supply chain in Thai Nguyen. From there, the article proposes solutions to strengthen the capacity of cooperation and cooperation for enterprises in the supply chain of tea in Thai Nguyen province in order to increase the business efficiency of enterprises.

Keywords: Tea supply chain, linkage in the chain, Thai Nguyen province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây