Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

PV: Thưa Bộ trưởng, từ đâu mà chúng ta có ý tưởng xây dựng Cổng thông tin điện tử về FTA Việt Nam này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong bối cảnh thực thi chiến lược hội nhập, Việt Nam đã thay đổi vai trò, từ một nước phải chịu sức ép mà mở cửa hội nhập thì nay chúng ta đã là quốc gia dẫn dắt trong các khuôn khổ hội nhập song phương và đa phương. Tính đến nay, Việt Nam đã có tới 17 Hiệp định thương mại tự do, trong đó ký kết và tổ chức thực thi là 14 Hiệp định. Và chúng ta còn đang tiếp tục đàm phán 3 Hiệp định thương mại tự do khác.

Với cả một hệ thống các hiệp định thương mại tự do thế hệ cũ và thế hệ mới, hội nhập của chúng ta đã đi vào thực chất và có thể nói là lan tỏa tác động đến từng khía cạnh, lĩnh vực của nền kinh tế cũng như của đời sống doanh nghiệp và người dân.

Rõ ràng, một hệ thống thương mại, hiệp định thương mại tự do lớn như vậy bao gồm rất nhiều các nội dung và các quy định cụ thể. Các doanh nghiệp, người dân và ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta cũng sẽ rất khó khăn nếu như không có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ cho quá trình thực thi các hiệp định này, nhất là khai thác lợi thế có hiệu quả. 

Xuất phát từ yêu cầu này, Chính phủ cũng như Bộ Công thương đã trao đổi với Ngân hàng Thế giới để tìm kiếm những biện pháp có hiệu quả hơn để hướng dẫn và tổ chức hỗ trợ trong quá trình thực thi Hiệp định.

Đấy là lí do đầu tiên. Thứ hai, từ thực tiễn trong quá trình hội nhập vừa qua, một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ luôn xác định tầm quan trọng và yêu cầu phải làm tốt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp về các hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên, quá trình vừa qua chúng ta đã thấy có một bất cập còn tồn tại. Đó là hiểu biết và nhận thức của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, dường như còn rất hạn chế, dù chúng ta cũng làm rất nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến. Chính vì vậy quá trình khai thác những cơ hội từ các Hiệp định chưa mang lại hiệu quả cao, chúng ta còn bị “thiệt thòi” nhiều.

Chính vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu, phân tích rất kỹ với các bộ, ngành cũng như làm việc với cơ quan chức năng để tìm hiểu nguyên nhân, tìm ra những phương án mới đảm bảo hiệu quả cao hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và cho người dân khi chúng ta thực thi hội nhập.

Thứ ba, bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh và những nền tảng số đã được thiết lập. Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Những cổng dịch vụ công trực tuyến cũng như hàng loạt nền tảng khác của Chính phủ điện tử đã được triển khai thực hiện.

Do đó, việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong công tác hội nhập thông qua cung cấp, phổ biến pháp luật cũng cần phải được thay đổi theo định hướng này và theo xu thế này.

Trên cơ sở này, ý tưởng thành lập Cổng thông tin điện từ về FTA đã được cụ thể hóa thành đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã ký ban hành quyết định từ đầu tháng 2/2019 để triển khai thực hiện đề án này. 

Chỉ với 2 năm phối hợp xây dựng và hoàn thiện, Cổng thông tin điện tử chắc chắn vẫn chưa thể hoàn thiện đến mức độ cao như chúng ta kỳ vọng. Tuy nhiên, chúng ta đã cập nhật tương đối đầy đủ các nội dung hướng dẫn liên quan đến các Hiệp định như CPTPP, EVFTA,… Đây là điều có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hơn nữa, chúng ta sẽ không dừng lại ở đây. Chúng ta còn đặt mục tiêu cập nhật bổ sung tất cả thông tin liên quan đến những FTA khác mà Việt Nam tham gia và sẽ tham gia, với nội dung, hướng dẫn chi tiết, cụ thể về từng lĩnh vực, từng ngành nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực thi các cam kết hội nhập.

Trong thời gian tới, dự kiến, Cổng thông tin điện tử về FTA sẽ được kết nối trực tiếp với các trung tâm, cơ sở dữ liệu khác của Chính phủ, các Bộ, ngành, ví dụ như cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ mà Bộ Công Thương vừa khai trương mới đây, tạo sự liên thông dữ liệu, lan tỏa tác động đến tất cả lĩnh vực khác của nền kinh tế chứ không chỉ là xuất nhập khẩu hay hội nhập.

Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đều có điều kiện tìm hiểu, nắm vững những cơ hội tiếp cận thị trường và hiểu rõ cơ sở, nền tảng của các nền kinh tế đối tác, đặc biệt là những quy định, hướng dẫn, thể chế pháp luật có liên quan.

Lễ khai trương Cổng thông tin điện từ về FTA do Bộ Công Thương tổ chức sáng 23/12/2020
Lễ khai trương Cổng thông tin điện từ về FTA do Bộ Công Thương tổ chức sáng 23/12/2020

PV: Với 17 FTA mà Việt Nam đang tham gia, những FTA này đã hỗ trợ như thế nào cho chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh tới tình hình xuất nhập khẩu? Bộ trưởng có thể chia sẻ một số tín hiệu khả quan từ đây? 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước hết, điều chúng ta rất vui mừng là với hệ thống của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tham gia thực hiện thì chúng ta có thể thấy rõ vị thế và hình ảnh của Việt Nam đã được củng cố và thay đổi trên bản đồ thương mại, chính trị quốc tế.

Không chỉ có nền kinh tế tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm ngày càng phát triển cao, Việt Nam còn đang giữ vị trí rất bền vững, mạnh mẽ trong các liên kết của khu vực và quốc tế.

Thứ hai, chúng ta đã có sự cải thiện rất đáng kể năng lực của ngành sản xuất cũng như xuất nhập khẩu thông qua tận dụng các cơ hội từ những FTA. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà chúng ta trở thành quốc gia xuất khẩu thứ 22 thế giới và có tỷ trọng về xuất nhập khẩu đứng thứ 26 thế giới, với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trong thập kỷ vừa qua thường xuyên ở mức từ 8-10% .

Điều đó cho thấy chúng ta đã khai thác tốt cơ hội thị trường. Chính vì có những cơ hội thị trường này, không chỉ giá trị tuyệt đối về thương mại quốc tế của Việt Nam gia tăng, mà chúng ta còn có cơ hội tái cơ cấu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nhiều ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và hệ thống dịch vụ, cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước, tạo điều kiện cho hướng tới phát triển bền vững trong tương lai lâu dài hơn.

Thứ ba, trong giai đoạn vừa qua, khi thực thi 14 FTA, tất cả những thị trường trọng điểm của chúng ta đã được củng cố và khai thác. Có tới 15 trên 20 nền kinh tế trong G20 của thế giới đều đã có hiệp định thương mại tự do với chúng ta. Sự phát triển của thương mại với các quốc gia này không chỉ nằm ở tốc độ tăng trưởng mà trong cả cơ cấu mặt hàng, thị phần, thương hiệu của sản phẩm nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

Điều đó có được rõ ràng là do vai trò rất lớn của các cam kết hội nhập mang tính ưu đãi mà chúng ta được thụ hưởng từ trong các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Đơn cử, ngay trong năm 2020, thế giới bị tác động rất mạnh của Covid-19, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều có tăng trưởng âm về xuất khẩu. Thế nhưng, chỉ riêng Việt Nam và một số rất ít các nước có mức tăng trưởng dương. Thậm chí, Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng rất đáng kể, trong mức khoảng từ 5,5-5,9% trong năm 2020.

Không bao giờ chúng ta dám kỳ vọng rằng, khi Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc do dịch Covid-19, đặc biệt các ngành hàng thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ,…, chúng ta vẫn duy trì được tới 31 mặt hàng có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD; 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD; 1 mặt hàng trên 60 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực này đều có thể nói là rất ấn tượng.

Thứ tư, những thị trường xuất khẩu tiềm năng được khai thác tốt nhờ các FTA. 

Trong ba quý đầu năm 2020, dưới tác động nặng nề của Covid-19, xuất khẩu của chúng ta sang một thị trường lớn là châu Âu đã sụt giảm 3,8%.

Thế nhưng, trong 3 tháng từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu của chúng ta sang khu vực này đã tăng trưởng lên tới hơn 9%. Hàng loạt những sản phẩm trọng yếu của Việt Nam như thủy sản, trong đó có tôm, có mức tăng trưởng đột biến, như tháng 9 tăng tới 35%, tháng 8 tăng hơn 17%. Những mặt hàng khác như gạo có giá trị gia tăng cũng rất cao; hay điện tử, dệt may, da giày chắc chắn sẽ có cơ hội rất lớn trong năm 2021 tới đây. 

Phải nói rằng, các FTA là nền tảng rất quan trọng để chúng ta vượt qua những tác động tiêu cực của Covid-19 trong bối cảnh rất phức tạp của tình hình thế giới, nhất là liên quan đến bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh và chiến tranh thương mại giữa các quốc gia.

Thứ năm, thông qua các FTA, chúng ta có điều kiện thuận lợi để đón dòng đầu tư đang được tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên chuỗi cung ứng và tác động của xu thế bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh địa chính trị.

Cùng với những quyết sách của chúng ta trong tái cơ cấu lại ngành kinh tế, chúng ta chủ động xây dựng lại các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu mà trong đó Việt Nam có điều kiện tham gia, hướng tới những mục tiêu mang tính dài hạn hơn về phát triển bền vững cho đất nước trong nhiều thập kỷ tới.

Thứ sáu, năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nâng cao, không chỉ nhờ hưởng lợi từ những ưu đãi trong cắt giảm hàng rào thuế quan, mà còn cả đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nguồn nhân lực, cải cách để hoàn thiện thể chế pháp luật và tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, chưa bao giờ những nội dung cải cách của Chính phủ Việt Nam mạnh mẽ như hiện nay, khi bên cạnh thực hiện những chủ trương, chính sách quốc gia thì chúng ta còn đang thực thi những cam kết trong FTA với yêu cầu cao. 

Dù rằng những bối cảnh mới đang đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, chúng ta có thể tin rằng năm 2021 và các năm tiếp theo, Việt Nam về cơ bản có điều kiện thuận lợi để phát triển, thậm chí tăng tốc, đặc biệt với những cơ hội mang đến từ chiến lược hội nhập cũng như các FTA chúng ta đã và sẽ ký kết.

Nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu như chúng ta tổ chức thực hiện tốt một số vấn đề:

Một là, hướng dẫn, phổ biến pháp luật về hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp, người dân một cách cụ thể, hiệu quả, mà việc khai trương Cổng thông tin điện tử hôm nay là một minh chứng. Khi đó, chúng ta sẽ có điều kiện để tạo những động lực mới cho tăng trưởng và quan tâm, đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hai là, tổ chức thực thi các cam kết hội nhập thông qua nội luật hóa, xây dựng các văn bản hướng dẫn để kịp thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục khai thác cơ hội thị trường, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. 

Ba là, tái cơ cấu lại nền kinh tế, ngành hàng là yêu cầu chúng tôi cho rằng có ý nghĩa thiết thực và cấp bách.

Bốn là, chính sách xã hội cần đảm bảo trong quá trình hội nhập mỗi người dân, doanh nghiệp không bị bỏ lại phía sau, không chịu tác động xấu từ hội nhập.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, thể chế liên quan đến phát triển bền vững như công đoàn, môi trường lao động, bảo vệ môi trường,…

Tôi tin rằng thực hiện được những vấn đề này chắc chắn sẽ mang lại những động lực mới cho sự phát triển của đất nước ngay trong năm 2021 và cả những năm tiếp theo.