Tháng 10 các chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa có mức tăng trưởng tương đối tốt

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin như vậy tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sáng 2/11/2020.

Theo Bộ trưởng, Mỹ và châu Âu, Nhật Bản đang đối đầu gay gắt với dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Chính vì vậy các nước này đang tiếp tục phải thực hiện các chính sách mạnh mẽ để chống Covid-19 có hiệu quả.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta thì phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bên ngoài trong các lĩnh vực nói chung và thương mại nói riêng. Do đó, chúng ta vẫn phải bảo đảm mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng chống dịch, không để tác động  về kinh tế, nhất là kinh tế quốc tế.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt cho các bộ, ngành qua hàng loạt giải pháp không chỉ hộ trợ doanh nghiệp, người lao động trong nước mà còn thúc đẩy tăng cường quan hệ với các đối tác trên phạm vi toàn cầu.

Đặc biệt với một số thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) thì Chính phủ đã có chương trình hành động và kế hoạch thúc đẩy phát triển, nên trong 10 tháng của năm 2020, tháng sau phát triển tốt hơn tháng trước, quý sau phát triển tốt hơn quý trước.

Cụ thể, tháng 10 vừa qua là một tháng có mức tăng trưởng tương đối tốt cả về các chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu cũng như thương mại nội địa, giúp cho tăng trưởng đạt được mức cao.

Trong khi nhiều nước có mức tăng trưởng âm thì xuất khẩu nước ta trong 10 tháng tăng trưởng 4,7% so với mục tiêu từ 6,5 đến 7%. Đặc biệt trong tăng trưởng xuất khẩu đi kèm với con số tích cực khác là thặng dư thương mại 18,7 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.

Ở đây có câu chuyện là nhập khẩu trong 10 tháng có tăng nhẹ, chưa đến 1% nhưng qua đánh giá của Bộ Công Thương tháng 10 nhập khẩu đã tăng 10%. Như vậy xu hướng tăng nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu cuối năm và năm tới tương đối tốt.

Nhập khẩu của chúng ta giảm là giảm nhập khẩu những mặt hàng cần quản trị và quản lý để bảo đảm mục tiêu cân bằng thương mại và tính bền vững trong xuất nhập khẩu. Cụ thể, ô tô dưới 9 chỗ giảm tới 29%, rau qua, trái cây giảm 33%.

Một số mặt hàng đắt tiền cũng giảm tới 7%. Điều này cho thấy cơ cấu nhập khẩu của chúng ta đang được quản lý tốt, đặc biệt là các loại nguyên nhiên liệu, mặt hàng công nghiệp phụ trợ cho sản xuất như xơ sợi dệt cho dệt may hay như các thiết bị linh kiện điện tử vẫn có mức tăng trương tốt.

Trong cơ cấu doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp có vốn trong nước tiếp tục đà tăng của 2 năm trước và hiện nay tốc độc xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư trong nước tăng trưởng đến trên 20%. Đà tăng này cho thấy doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận tốt với các cơ hội của thị trường.

Nếu năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu vào Liên minh châu Âu bị sụt giảm 4,3% thì nhờ có hiệp định EVFTA, chúng ta đã tăng trưởng ở mức trên 4% và dự kiến cả năm 2020 tăng trưởng sang khu vực này ở mức trên dưới 10%.

Cùng đó tăng trưởng ở thị trường Hoa Kỳ, đạt 24% tăng cao hơn cả năm trước. Các thị trường khác như Trung Quốc tương đối ổn định.

Một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo như dệt may da giày rất khó khăn ở quý II khi các thị trường co sụt lại thì nay đã khôi phục lại được các đơn hàng.

Một số ngành công việc mới của chúng ta cũng có tăng trưởng và tạo ra cơ hội của thị trường như điện tử, điện thoại, đồ gỗ, thiết bị máy móc trong lĩnh vực giao thông vận tải v.v… Sắt thép có mức tăng trưởng tốt.

Trong tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,7%, góp phần đưa 10 tháng tăng hơn 2%. Dự báo trong năm 2020 các chỉ số sản xuất cả ba ngành thương mại quốc tế, luân chuyển thương mại nội địa và công nghiệp đều cao hơn mức dự báo của chúng ta ở đầu năm cho dẫu không đạt được mục tiêu của năm 2020 mà Quốc hội đã phê chuẩn.

Ngành Công Thương phấn đấu tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức 4-5%, thặng dư thương mại ở mức cao trên 15 -18%; công nghiệp duy trì ở mức từ 2 -3%; thương mại nội địa và luân chuyển hàng hóa cũng ở mức xấp xỉ 2%.

Tất cả những nền tảng này giúp GDP tăng trong khoảng 2-3% và đây cũng là mục tiêu cao mà Chính phủ đang nỗ lực.

Hào Nam