Thị trường lao động và việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

ĐỖ VĂN TÍNH (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Thất nghiệp và các chính sách giải quyết việc làm, thị trường lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang là vấn đề mang tính cấp thiết do Đà Nẵng đang trong quá trình chuyển mình sang đô thị thông minh, từng bước đổi mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Việc phát triển thị trường lao động là một yếu tố khách quan, thị trường lao động tạo ra cơ sở thuận lợi cho sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế. Tuy nhiên hiện nay, thành phố Đà Nẵng còn nhiều bất cập giữa các yếu tố thị trường như mất công bằng về cung - cầu lao động dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động, chuyển dịch cơ cấu còn chưa phù hợp. Ngoài vấn đề về thị trường lao động, vấn đề thất nghiệp và chính sách giải quyết việc làm cũng đang là vấn đề mang tính cấp thiết đáng quan tâm. Do vậy, bài viết phân tích thực trạng thị trường lao động và việc làm hiện nay tại thành phố Đà Nẵng, từ đó đưa ra giải pháp cải thiện thị trường lao động và tạo việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Từ khóa: Thất nghiệp, chính sách việc làm, thị trường lao động, thành phố Đà Nẵng.

1. Thị trường lao động ở thành phố Đà Nẵng

Thị trường lao động ở Đà Nẵng có những chuyển biến tích cực, do có sự cải cách và đầu tư trong công tác giáo dục và dạy nghề. Về số lượng, Đà Nẵng có một nguồn nhân lực khá dồi dào. Theo Cục Thống kê thành phố công bố kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở trên địa bàn thành phố, theo đó, dân số thành phố Đà Nẵng tính đến năm 2019 là 1.134.310 người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước đạt 56,1 triệu người, tăng 472,2 nghìn người so với quý trước và tăng 501,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý IV năm 2019 ước tính đạt 49,4 triệu người, tăng 278,7 nghìn người so với quý trước và tăng 442,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số người tham gia lực lượng lao động của quý 4/2019, có 13,2 triệu người đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) tăng 480,3 nghìn người so với quý III. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 41,3%, cao hơn gần 3 lần khu vực nông thôn.

Thị trường lao động thành phố Đà Nẵng chịu sự tác động bởi đa dạng hóa các hình thức sở hữu của nền kinh tế, mở ra thị trường nhu cầu lao động một cách phong phú. Hiện nay cung sức lao động tăng rất lớn, trong những năm gần đây, Đà Nẵng tăng 4,0% đến 4,2% (cả nước tăng 3,2% đến 3,5%). Mỗi năm, thành phố có khoảng 20 nghìn đến 25 nghìn người đến tuổi lao động và lao động nhập cư vào thành phố (cả nước 1,3 triệu đến 1,5 triệu người). Lao động thất nghiệp ở thành phố cuối năm 2015 vẫn còn 4%.

Hằng năm trên địa bàn thành phố có khoảng 15 nghìn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường; đào tạo nghề có bằng cấp khoảng gần 5 nghìn và hàng chục nghìn lao động được đào tạo ngắn hạn và đào tạo lại. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hơn 55% (cả nước 51%) qua đào tạo nghề 45% (toàn quốc 38%). Tuy nhiên, đào tạo không gắn với cơ cấu lao động của nền kinh tế, dẫn đến kết quả là thành phố Đà Nẵng có hơn 4 ngàn lao động tốt nghiệp đại học và trên đại học thất nghiệp. Mặt khác, với tâm lý của người lao động chỉ muốn làm thầy không muốn làm thợ và không có chính sách khuyến khích đối với đội ngũ công nhân lành nghề nên cơ cấu của lực lượng lao động được đào tạo không đáp ứng theo nhu cầu của xã hội.

Bảng 1. Lực lượng lao động Đà Nẵng giai đoạn 2015 - 2020

Lực lượng lao động Đà Nẵng

Nguồn: Dự báo Sở LĐTBXH

Qua Bảng 1, ta thấy được tỷ lệ tham gia lực lượng lao động so với dân số trong tuổi lao động có xu hướng giảm nhẹ. Năm 2015, tỉ lệ này là 73.76% và năm 2020 là 70.88%. Nguyên nhân là số thanh niên tham gia học tập, đào tạo gia tăng, số người không có khả năng lao động tiếp tục giảm, thêm vào đó là mức sống của các hộ gia đình tăng cao, xu hướng nhiều phụ nữ tập trung thời gian cho gia đình, nuôi dạy con cái nhiều hơn. Ngoài ra, lực lượng lao động còn bao gồm một bộ phận dân số trên độ tuổi lao động vẫn có khả năng lao động và tim việc làm. Đây là một số nguồn cung lao động bổ sung cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lao động Đà Nẵng sẽ tăng từ 65% năm 2015 và 80% năm 2020.

Bảng 2. Tổng số lao động cần giải quyết việc giai đoạn 2016 - 2020

Tổng số lao động

Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng

Từ Bảng 2, ta thấy giai đoạn 2016 - 2020 giải quyết việc làm mới cho khoảng 19.5 vạn lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 3,9 vạn lao động. Đến năm 2020, tỷ trọng GDP Đà Nẵng bằng 2.5% GDP cả nước. Đà Nẵng phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó cơ cấu kinh tế đến năm 2020 sẽ là dịch vụ 55%, công nghiệp - xây dựng 43%, thủy sản - nông lâm 2%.

2. Giá cả sức lao động

Theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 125 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ lao động hưởng lương dưới 1 triệu đồng/người/tháng ở công nghiệp-xây dựng là 71,20% cao hơn rất nhiều so với ngành du lịch là 39,45%. Ngược lại, tỷ lệ lao động được hưởng tiền lương thực tế từ 1 đến 5 triệu đồng ở ngành công nghiệp - xây dựng là 28,8% thấp hơn nhiều so với ngành du lịch là 60,55%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, công việc liên quan đến trình độ kỹ năng cao thì thu nhập càng cao. Theo đó, thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV/2019 đạt 5,06 triệu đồng, tăng 201 nghìn đồng so với quý III và tăng 797 nghìn đồng so với cùng kỳ 2018. Các nhóm ngành nghề khác nhau có thu nhập khác nhau, lao động giản đơn có mức thu nhập thấp nhất, thấp hơn thu nhập bình quân chung là 1,8 triệu đồng. Thu nhập của lao động làm công hưởng lương đều tăng ở tất cả các trình độ và tăng cao hơn ở nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Lao động có trình độ cao thì mức thu nhập cao hơn. Năm 2019, thu nhập của lao động có trình độ đại học là 9,3 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần so với lao động không có chuyên môn kỹ thuật (5,8 triệu đồng).

3. Tình hình việc làm ở thành phố Đà Nẵng

Trong những năm qua, kinh tế Đà Nẵng phát triển, nguồn lao động dồi dào, lực lượng lao động tăng nhanh; tỷ lệ thất nghiệp tuy đã giảm liên tục từ nhiều năm nay những vẫn còn khá cao so cả nước. Năm 2019, theo kết quả điều tra về lao động việc làm (LĐVL) thì tỷ lệ thất nghiệp trong tuổi lao động tính chung toàn thành phố là 3,97%, trong đó riêng khu vực thành thị là 4,16% và nông thôn là 2,64%.

Bảng 3. Cơ cấu lao động có việc làm theo nhóm ngành kinh tế [3]

Đơn vị tính: %

Cơ cấu lao động

Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng

Theo ghi nhận của Cục Thống kê Đà Nẵng, trong tháng 9/2019 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, người thất nghiệp rơi vào lứa tuổi từ 18-29 tuổi. Có khoảng hơn 60% người thất nghiệp trẻ tuổi từ 20-29, trong khi nhóm dân số này chỉ chiếm 22% trong tổng dân số từ 15 tuổi trở lên. Trong đó, nhóm tuổi có số người thất nghiệp cao nhất là 20-24 tuổi. Nhóm tuổi trẻ nhất là 18-20 tuổi có tỉ lệ thất nghiệp gần 14%. Lao động có việc làm tiếp tục tăng, cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh. Tuy nhiên, công việc đòi hỏi kỹ năng còn hạn chế, lao động làm khu vực tự sản tự tiêu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn chiếm tỷ lệ tương đối cao. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch nhanh theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng trong công nghiệp và dịch vụ. Ước tính quý IV, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 18,6 triệu người; trong khu vực dịch vụ gần 20 triệu người, trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,5 triệu người… Tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, có gần 4 triệu lao động đang làm các công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 7,3% lao động có việc làm, đa số ở nông thôn và không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, thậm chí 10% trong số đó còn chưa từng bao giờ đi học.

4. Những vấn đề cần quan tâm

Qua phân tích về những yếu tố cơ bản trên thị trường lao động Đà Nẵng thì lao động cung cầu và giá cả đã đạt ở một mức nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần quan tâm đó là: Mất cân bằng giữa cung và cầu trong thị trường lao động; Tình trạng việc làm còn mang tính thời vụ, chưa bền vững; Chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu; Chính sách về tiền lương cho người lao động vẫn chưa thỏa đáng; Nhiều ngành nghề đào tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; Số lao động chưa qua đào tạo nghề cao, dẫn đến tình trạng chưa tìm được việc làm cao.

4.1. Nguyên nhân

Về khách quan, do tốc độ đô thị hóa tăng cao, diễn ra nhanh chóng; một số ngành nghề truyền thống bị thu hẹp, dẫn tới nhiều lao động bị mất việc làm; việc di chuyển lao động từ các địa phương khác về thành phố tìm kiếm việc làm; trình độ học vấn của người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp đề ra. Về chủ quan, do cơ chế, chính sách thị trường còn mới, chưa đồng bộ; thông tin về thị trường lao động còn hạn chế; điều kiện lao động ở một số doanh nghiệp chưa được đảm bảo.

4.2. Định hướng giải pháp cải thiện thị trường lao động và tạo việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Một là, tập trung giải quyết dần tính mất cân đối cung - cầu về lao động bằng các gải pháp phát triển kinh tế, khuyến khích đầu tư thông qua việc quy hoạch phát triển kinh tế, nâng cao và giữ vững vị trí về chỉ số năng lực cạnh tranh, có chính sách khuyến khích về các điều kiện cho doanh nghiệp có kỹ thuật, công nghệ cao và các ngành kinh tế mũi nhọn; mở rộng và nâng cao chất lượng vườn ươm doanh nghiệp… tạo ra một thị trường cầu lao động phong phú, tạo nhiều chỗ làm việc mới.

Hai là, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chính sách phát triển thông tin thị trường lao động; Thu thập thông tin nguồn lao động từ các địa phương trên địa bàn thành phố; Thu thập thông tin cầu lao động từ các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động. Có kế hoạch dự báo về thị trường lao động nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.

Ba là, quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề nghiệp, mạng lưới dịch vụ việc làm; Giải quyết tốt bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng tiêu chí tái đào tạo và đưa lao động trở lại thị trường lao động nhanh và kết nối những người được đào tạo xong gia nhập thị trường lao động.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý và có những chính sách phù hợp, ưu tiên những lĩnh vực phụ trợ cho khu vực kinh tế chính thức phát triển bền vững.

5. Kết luận

Đà Nẵng là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung. Sự phát triển thị trường sức lao động góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với vị trí địa lý thuận lợi là hành lang kinh tế Đông - Tây đã tạo điều kiện cho thành phố phát triển về thương mại, dịch vụ du lịch, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, hợp tác giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Tuy nhiên, thị trường sức lao động ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập giữa các yếu tố thị trường như sự mất cân đối giữa cung - cầu lao động; chuyển dịch cơ cấu lao động bất hợp lý; tiền lương, tiền công chưa được xem là vấn đề cạnh tranh... Chính vì vậy, trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng cần phải có những chính sách hữu hiệu để điều tiết cung - cầu lao động cho phù hợp, tạo ra nhiều việc làm để nâng cao đòi sống vật chất và tinh thần cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng để thúc đẩy nhanh cơ cấu lao động hợp lý, kích cầu lao động, đồng thời nâng cao số lượng và chất lượng lao động, đa dạng hóa giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao động, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường sức lao động dưới vai trò quản lý của nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng.
  2. http://www.gso.gov.vn/
  3. http://www.mpi.gov.vn
  4. http://www.danangcity.gov.vn/

THE LABOUR MARKET AND EMPLOYMENT

SITUATION IN DA NANG CITY

• DO VAN TINH

Duy Tan University, Da Nang City

ABSTRACT:

Unemployment, job creation and labor market policies are urgent issues in Da Nang City as the city is in the process of transforming into a smart city and is gradually innovating itself in order to improve both the material and spiritual life for its residents. The development of the labor market is an objective factor and the labor market creates a favorable basis for the economy to effectively run.  However, Da Nang City’s labour market still has many inadequacies such as the imbalance between the labour supply and labour demand and the inappropriate labour restructuring progress. Besides the labour market issue, the unemployment and job creation policies are also a matter of urgent concern for Da Nang City. Therefore, the article analyzes the current situation of the labor market and employment in Da Nang City, thereby offering solutions to improve the labor market and create more jobs in Da Nang City.

Keywords: Unemployment, employment policies, labor market, Da Nang City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]