Tham quan cánh đồng lớn trồng mía áp dụng đồng bộ cơ giới hóa
Tham quan cánh đồng lớn trồng mía áp dụng đồng bộ cơ giới hóa

Chủ động tự đổi mới

Thông báo nêu rõ, qua 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay ngành mía đường Việt Nam đã tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, sẵn sàng tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế để ngành mía đường phát triển.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đối với mặt hàng đường, từ năm 2020, phải thực hiện cam kết theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 77/TB-VPCP ngày 07/6/2018, vì vậy, ngành mía đường phải chủ động tự đổi mới cách làm để có thể đáp ứng tốt hơn những yêu cầu đặt ra, tiếp tục phát triển bền vững trong tình hình mới.

Ngành mía đường cần nhìn nhận thấu đáo các thách thức, yêu cầu đang đặt ra hiện nay như gắn sản xuất với nhu cầu thị trường; biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng nhiều vùng trồng mía nguyên liệu; công tác tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tổ chức sản xuất chưa được chú trọng để có các giải pháp, đối sách phù hợp nhằm cơ cấu thực chất hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành mía đường.

Từ đó, phát huy hơn nữa các lợi thế của ngành như nhu cầu lớn của thị trường trong nước; cơ hội để phát triển các sản phẩm sau đường như sản xuất điện từ bã mía, ván ép, ethanol… để cải thiện năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các nhà máy sản xuất đường, phát triển ngành mía đường phù hợp với điều kiện hội nhập và quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường.

Đồng bộ các giải pháp

Để tiếp tục phát triển ngành mía đường Việt Nam tương xứng với tiềm năng, Thủ tướng đưa ra 9 biện pháp sau.

đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa nhà máy chế biến đường và các hộ nông dân trồng mía
Đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa nhà máy chế biến đường và các hộ nông dân trồng mía

Một là Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước.

Hai là áp dụng biện pháp chống phá giá đối với đường lỏng sirô ngô và các chất tạo ngọt khác.

Ba là tăng cường chống buôn lậu đường, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm.

Bốn là tăng cường quản lý thị trường, chống gian lận thương mại.

Năm là rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá điện đồng phát từ bã mía phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Sáu là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét tổng thể những vùng bị hạn hán, khó khăn để khoanh, giãn nợ cho nông dân trồng mía; xem xét, tiếp tục cho vay vốn ưu đãi đối với hoạt động trồng mía, chế biến đường tại những khu vực có hiệu quả.

Bảy là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đầu tư hàng năm, có nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung.

Tám là đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa nhà máy chế biến đường và các hộ nông dân trồng mía.

Chín là, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, chủ trì phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.

Thủ tướng yêu cầu, các nhiệm vụ và giải pháp phải hết sức cụ thể, căn cơ và khả thi, nhất là các giải pháp tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng giống mía, phát triển các sản phẩm sau đường. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2020.