Tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sáng nay 2/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần hạn chế phát triển thuỷ điện nhỏ.

Đề cập đến các vụ việc sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài, lượng mưa lớn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vùng núi ở các tỉnh miền Trung rất dốc, nhiều đất sét, mưa lớn đã phá hỏng kết cấu.

Ông Bùi Đặng Dũng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho rằng: "Có thông tin nói rằng, việc bão lũ vừa rồi gây tổn thất là do thủy điện, theo tôi nghĩ thông tin đó không khách quan".

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Hồ thủy điện Đăk Mi 4 ở Quảng Nam là hồ có dung tích lớn, có những thời điểm như đỉnh lũ ngày 28/10 nước về hồ lên đến 17.000m3/giây.

Chính nhờ dung tích của hồ đã có khả năng điều tiết cắt lũ lên đến 55%, nếu không hôm đó sẽ ngập trắng toàn vùng hạ lưu. Ngày 29 và ngày 30/10 chúng ta đã duy trì và kéo dài được và xả nước thấp hơn cái lượng nước về hồ. Chính vì vậy góp phần chống lũ có hiệu quả cho vùng hạ lưu".

Bộ trưởng thông tin thêm: "Cũng cần nói thêm là tính dị thường và cực đoan của thời tiết đã được Chính phủ đề cập đến rất nhiều và với con số thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chưa bao giờ mức độ mưa và lượng mưa lớn đến như vậy và như báo cáo có những lúc ở miền Trung có nơi lượng mưa lên đến 2.000 -3.000mm.

Với lượng mưa và thời gian lưu bão lâu thì hầu như các khu vực của miền Trung cùng với việc nhiều khu vực có địa chất yếu dẫn đến là đất sụt lở dẫn đến tan nạn rất thương tâm như Trà Leng, Rào Trăng…".

Trước đó, tại buổi làm việc về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn chiều tối ngày 1/11 tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Mưa to hàng nghìn mm, cả cánh rừng bạt ngàn cũng phải sạt, đừng có đổ cho thủy điện”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải thích, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở thời gian qua.

Thứ nhất, bản đồ dự báo sạt lở tỷ lệ 1/50.000 cho thấy những vùng này là nơi trước đây từng xảy ra sạt lở.

Thứ hai, những vùng này đều nằm trên cấu trúc có dải đứt gãy đã được xác định.

Thứ ba, những đứt gãy này và hoạt động kiến tạo cho thấy đất đá hình thành vùng phong hóa rất lớn, có nơi dày 15-16 m. Do đứt gãy nên phong hóa rất cao, khiến đất đá vỡ vụn, gồm có cát, bùn và đất sét.

Về thảm thực vật, hầu hết ở khu vực này, các thảm thực vật cây công nghiệp và cây lương thực có nơi chiếm 100% màu xanh, có nơi chiếm 70-80%. Như vậy, rừng công nghiệp mà vẫn giữ được độ phủ thực vật như vậy là rất tốt.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết luận, những khu dân cư ổn định nhiều năm như điểm sạt lở tại Trà Leng và có độ phủ đầy đủ mà vẫn xảy ra sạt lở cho thấy yếu tố ngoại sinh là nguyên nhân chính.

Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy trong 20 ngày, khu vực này phải đồng thời chống chọi 4 cơn bão, một áp thấp nhiệt đới kèm theo lượng mưa kỷ lục 250-300 mm, có ngày mưa đến 500 mm.

Vào trung tuần tháng 10, trước tình hình biến đổi cực đoan của thời tiết, qua các đợt mưa lũ rất lớn trên diện rộng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương đã có báo cáo, trong đó đề xuất:

- Về Qui hoạch thủy điện: Không xem xét đề xuất bổ sung các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn;

- Đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng: Tạm dừng, chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá tổng thể trên địa bàn.

- Đối với các dự án thủy điện đã vận hành và đang thi công: Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể về việc phát triển thủy điện trên địa bàn trong thời gian vừa qua, trong đó đặc biệt phân tích, đánh giá về an toàn các công trình và các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trong điều kiện biến đổi thời tiết khí hậu cực đoan.

- Nghiên cứu đánh giá những biến đổi cực đoan của thời tiết làm cơ sở để rà soát các chiến lược, kế hoạch trong phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế.

- Nghiên cứu, xây dựng các bản đồ tỷ lệ lớn về lũ quét và sạt lở đất để làm cơ sở trong đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng về kinh tế, xã hội.