Thừa Thiên Huế thu hút đầu tư để trở thành đô thị thông minh

Để trở thành đô thị thông minh, Thừa Thiên-Huế sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng thông minh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế

Mục tiêu đến 2025, 2030

Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đề ra mục tiêu: "Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á”.

Căn cứ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 54-NQ/TW, Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết. Chương trình đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.

Hoàn thành việc mở rộng thành phố Huế theo quy hoạch trước năm 2022. Tăng trưởng GRDP 7,5 - 8,5%/năm. Đến năm 2025, GRDP/người đạt 3.500 - 4.000 USD (theo cách tính hiện hành).

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2-2,2%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 62-65%;... Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Đầu tư ban đầu

Để trở thành đô thị thông minh, Thừa Thiên-Huế sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng thông minh. Trước đó, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế (IOC) hoạt động từ đầu năm 2019, được dầu tư xây dựng trên mô hình hợp tác điển hình giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Huế sẽ trở thành đô thị thông minh
Huế sẽ trở thành đô thị thông minh

Sau hơn 6 tháng vận hành, bước đầu IOC đã phát huy vai trò là đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành, tạo ra sự kết nối trực tuyến giữa công dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính.

Tiêu biểu nhất là chức năng phản ánh hiện trường được triển khai ban đầu gắn với hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh", thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cả cộng đồng.

10 dịch vụ đang được triển khai tại IOC gồm: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá.

Đến nay, IOC đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ đô thị thông minh, hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý, công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lý, người dân được tham gia tương tác với hoạt động nhà nước, bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiệu lực và hiệu quả.

Với cách làm đó, giải pháp phát triển dịch vụ đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế được Ban tổ chức giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019 vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, đây là một mô hình hiệu quả, thể hiện sự quyết tâm của Lãnh đạo, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh hướng đến xây dựng một môi trường sống và làm việc hiệu quả, chất lượng, an toàn.

Đây như là một trong những sản phẩm quyết tâm tạo ra sự "khác biệt, đột phá" của tỉnh trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển.

Việc phát triển các dịch vụ đô thị thông minh là sự khẳng định cho sự đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy thuận lợi làm mục tiêu, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển.

Đây cũng là sự cam kết mạnh mẽ của Lãnh đạo tỉnh về một sự quyết tâm đối mặt với tất cả các vấn đề của xã hội nhằm đưa tỉnh nhà phát triển về mọi mặt; đặc biệt là tăng cường sự vào cuộc của toàn dân trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế "Xanh, Sạch, Sáng", xây dựng môi trường sống hạnh phúc, môi trường làm việc thân thiện với tự nhiên.

Kỳ Anh