Thực hiện “mục tiêu kép” nhìn từ hoạt động xuất khẩu

Nhìn lại chặng đường đã qua, có rất nhiều con số tạo nên bức tranh kinh tế đối ngoại ấn tượng: Năm 2020 xuất khẩu tăng trưởng dương trong khi các nước trong khu vực sụt giảm; xuất siêu ở mức kỷ lục 19,95 tỷ USD, tháng 1/2021 tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD.

So với các nước trong khu vực, nền kinh tế nước ta có độ mở bậc nhất khi hoạt động ngoại thương gấp 2 lần GDP.

Mặc dù được cho là dễ gặp rủi ro khi thị trường thế giới biến động, nhưng năm 2020 và tháng đầu tiên của năm 2021 cho thấy, Việt Nam đã chứng tỏ sức chống chịu tốt trong bối cảnh giãn cách xã hội ở nhiều thị trường chính của nước ta.

Khi dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, bên cạnh việc giữ mối quan hệ với đối tác trong chuỗi cung ứng quốc tế, việc kết nối với nhà cung ứng trong nước cũng là một vấn đề cần giải quyết.

Để góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, ngay từ cuối tháng 1/2020 Bộ Công Thương đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các biện để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa xử lý những ách tắc ở cửa khẩu.

Đặc biệt là công điện 224 ngày 12/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra hướng tiếp cận khai thông hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngày 23/3/2020 Bộ Công Thương có báo Thủ tướng Chính phủ số 2035/BCT-XNK cho phép thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Không chỉ hỗ trợ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh, lãnh đạo Bộ Công Thương còn trực tiếp kết nối  thông qua hàng chục cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến với lãnh đạo cùng cấp ở tất cả các thị trường chính của nước ta.

Tại cuộc điện đàm với Bí thư tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, phía bạn hoan nghênh ý tưởng hợp tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường internet và tăng cường thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh.

Tại cuộc điện với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Chung Sơn, hai bên đã trao đổi các biện pháp thuận lợi hóa thương mại áp dụng công nghệ 4.0; thống nhất các hoạt động xúc tiến thương mại online, giúp doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc duy trì mối liên hệ thường xuyên.

Các cơ hội giao thương trên môi trường thương mại điện tử tiếp tục là chủ đề trong các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến giữa Bộ trưởng Công Thương Việt Nam với Tổng thư ký ASEAN; Cao ủy Thương mại EU; Hạ nghị sỹ của Bang Tây Virginia, Hoa Kỳ; Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc; Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia…

Có thể nói, chia sẻ ý tưởng kết nối giao thương trực tuyến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa là tinh thần chung của các cuộc điện đàm nói trên.

Với tư cách là nước Chủ tịch Asean 2020, Bộ Công Thương đã thúc đẩy ý tưởng chuyển đổi số thông qua các hội nghị khu vực.

Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26, ngày 11/3 nêu rõ: “Tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp tục hoạt động”.

Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản cũng thấm đẫm tinh thần này: “Tìm kiếm các giải pháp sáng tạo như kỹ thuật số để đảm bảo sự hoạt động liên tục của các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ”.

Đến nay, nhìn lại chặng đường đã qua của năm 2020, có rất nhiều con số tạo nên bức tranh kinh tế đối ngoại: xuất khẩu tăng trưởng dương trong khi các nước trong khu vực sụt giảm; xuất siêu ở mức kỷ lục 19,95 tỷ USD, tháng 1/2021 tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Năm tháng qua đi, rồi đến lúc chúng ta cũng có thể quên những những con số đó, nhưng cảm giác về niềm tin về tạo dựng cơ hội thuận lợi trong sản xuất kinh doanh sẽ còn lưu giữ bền lâu.

Hàng ngày hàng giờ trên bàn làm việc của Bộ Công Thương có vô vàn các dữ liệu, sự kiện, từ sự lên xuống của giá dầu, giảm phát nhập khẩu, cho đến hàng rào kỹ thuật ở các thị trường chính…

Là bộ kinh tế đa ngành, bao quát đến 70% GDP đất nước, không được phép bỏ qua một thông tin nào, nhưng chạy theo các dữ kiện sẽ bị cuốn trôi, nên trong ngàn vạn con sóng xô bồ của các tình huống, sự kiện, các cơ quan tham mưu thuộc Bộ Công Thương chọn chỗ đứng lùi xa hơn, bao quát toàn cảnh và tìm ra được cái điểm gút - có khả năng kích hoạt toàn bộ hệ thống.

Cái điểm gút ấy là cách tiếp cận toàn cầu hóa sau dịch bệnh Covid-19 theo hướng kép, một mặt đẩy nhanh hợp tác xuyên biên giới, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; một mặt, lọc ra những ngành, những lĩnh vực thiết yếu phải đảm bảo sản xuất trong nước nhằm tránh những cú sốc từ bên ngoài.

Mai Châu