Thực phẩm chế biến xuất ngoại

Bà Lê Thị Thanh Lâm- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food cho biết, doanh thu nội địa chiếm 40%, xuất khẩu chiếm 60%. đơn vị kinh doanh rất thành công ở thị trường Nhật. Hiện có 50 mặt hàng của doanh nghiệp (DN) được thị trường này tiếp nhận.

“Mong muốn thực phẩm chế biến của Việt Nam thâm nhập tốt vào thị trường thế giới, vì vậy chúng tôi nghiên cứu sản xuất các dòng sản phẩm mới, an toàn, tiện lợi, cạnh tranh nhằm nâng tầm sản phẩm Việt”- bà  Lâm chia sẻ. 

Theo DN ngành lương thực thực phẩm, điều kiện phát triển ngành chế biến thực phẩm trong nước tương đối tốt, tuy nhiên sự phát triển chưa thật sự đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu, do hạn chế về thiết bị, công nghệ, cho nên chưa đáp ứng tốt tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, sản xuất của ngành chế biến thực phẩm còn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Chi phí đầu vào lại ở mức cao, vì vậy sản phẩm làm ra lợi nhuận không nhiều. Một số DN sản xuất các loại bột và mì xuất khẩu cho biết, chi phí đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn TP HCM có xu hướng gia tăng, quỹ đất ngày càng bị thu hẹp nên giá đất bị đẩy lên cao nên chi phí đầu tư cho phát triển công nghiệp ngày càng lớn. 

Ông Phạm Thành Kiên- Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, cả nước có 5.515 cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm, thì riêng TP HCM có 1.976 DN đang hoạt động. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống của thành phố hiện chiếm tỷ trọng 19,15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Trong đó, 2 nhóm sản phẩm chủ lực là thực phẩm chế biến tăng 8,91%, cùng kỳ tăng 4,6% và đồ uống ước tăng 4,67%, cùng kỳ tăng 3,09%.

“Thực phẩm, đồ uống hiện đang chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng Việt (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu). Đây là cơ hội để các DN mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang các nước”- theo ông Kiên.  

Bà Lý Kim Chi- Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP HCM (FFA) cho biết, nắm bắt được tiềm năng và xu hướng phát triển của ngành thực phẩm, TP HCM đã có các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại, đối thoại tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các DN  thuộc ngành lương thực thực phẩm của thành phố không ngừng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo FFA, mong muốn ngành chế biến lương thực, thực phẩm phát triển xứng với tiềm năng của ngành rất cần những chương trình hỗ trợ cụ thể hơn về chính sách, vốn…