Thực phẩm hữu cơ ngày càng đa dạng

Khi thực phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh, nhu cầu của người tiêu dùng đối với thực phẩm an toàn ngày càng cao, đặc biệt là thực phẩm hữu cơ. Tại thị trường TPHCM, thực phẩm hữu cơ khá đa dạng về chủng loại và giá cả.

Đa dạng nhóm sản phẩm

Thực tế, nhiều người vẫn chưa phân biệt được thực phẩm hữu cơ và những sản phẩm khác. Một số cửa hàng thường giới thiệu sản phẩm của mình là hữu cơ với lý do chúng không bị phun thuốc sâu, không hóa chất tăng trưởng. Nhưng đó mới chỉ là thực phẩm có thể coi đáp ứng một số tiêu chuẩn an toàn khi sử dụng.

Thực phẩm có thể coi là an toàn là loại vẫn được sử dụng một số hóa chất như thuốc trừ sâu, chất hóa học tổng hợp… đúng quy trình trong quá trình sản xuất để sản phẩm ra thị trường chỉ còn dư lượng dưới mức cho phép, không gây hại cho sức khỏe người dùng. Còn thực phẩm hữu cơ phải thu từ nguồn sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào.

Quá trình sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái đảm bảo, không được gần các nhà máy, không gần quốc lộ, tại vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông. Thêm nữa, thực phẩm hữu cơ phải được chứng nhận bởi các tổ chức, đơn vị có uy tín, dựa vào hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nghiêm ngặt trong một khoảng thời gian nhất định.

Một vài năm trước, nhắc tới thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam, người ta thường chỉ nghĩ tới các nhóm mặt hàng rau củ, quả. Hiện nay, quan niệm này đã thay đổi do sự phong phú về nguồn cung trên thị trường. Chúng không chỉ có rau, củ, quả mà còn gồm nhiều nhóm sản phẩm khác như nhóm thịt bò, gà, heo; nhóm thủy hải sản; nhóm thực phẩm chế biến; nhóm sản phẩm tiêu dùng khác (sữa tắm, dầu gội đầu, bột giặt…). Trong đó bao gồm thực phẩm nuôi trồng, sản xuất ở Việt Nam và nhập khẩu.

Một số loại rau củ quả hữu cơ được bán trên thị trường.

 

Là người sử dụng thực phẩm hữu cơ nhiều năm nay, chị Huyền Mai (quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết hiện nay cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ tại TPHCM khá nhiều, danh mục các sản phẩm ngày càng dài ra. “Ngay trong mỗi nhóm sản phẩm, tôi thấy rõ sự đa dạng. Trong nhóm thực phẩm trẻ em, trước chỉ có một hai loại bánh ăn dặm hữu cơ thì nay có hơn chục loại, rồi thêm các loại bánh gạo hữu cơ đủ loại vị, các loại cháo ăn dặm…”.

Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, giá bán của thực phẩm hữu cơ tùy loại và tùy cửa hàng nhưng thường cao hơn thực phẩm cùng loại bán tại chợ hay siêu thị từ hai tới ba lần.

Tiềm năng nhưng nhiều khó khăn

Nhận định về thị trường thực phẩm hữu cơ, ông Phạm Hữu Thời, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống với thương hiệu Everyday Organic, cho biết đây là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp khai thác.

Khó khăn hiện nay đối với người sản xuất thực phẩm hữu cơ là ngoài chi phí đầu tư cho sản xuất còn là việc làm sao mở rộng thị trường, mở rộng đối tượng tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, ông Thời cũng nhấn mạnh rằng các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ phải đối mặt nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là chi phí đầu tư cao, dẫn tới giá bán sản phẩm cao, khó cạnh tranh với các đơn vị sản xuất sản phẩm chưa an toàn hoặc sản phẩm hướng hữu cơ. “Mong muốn ban đầu của chúng tôi là làm ra sản phẩm cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng, nhưng vào siêu thị không nổi vì giá họ thu mua còn thấp hơn chi phí sản xuất. Thế nên cuối cùng chúng tôi lại đầu tư mở hệ thống cửa hàng để tự bán sản phẩm”, ông nói.

 

Cũng theo ông Thời, mặc dù khó khăn nhưng thực tế ba năm xây dựng ba trang trại tại TPHCM; tỉnh Đak Lak và Hậu Giang cho thấy nếu tạo được lòng tin nơi người tiêu dùng thì việc kinh doanh sẽ thành công. Ông nói: “Làm nông nghiệp hữu cơ khó khăn nhưng mang lại nhiều cái lợi như lợi cho môi trường sống, môi trường sản xuất, lợi cho sức khỏe người lao động sản xuất và người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, cho rằng khó khăn hiện nay đối với người sản xuất thực phẩm hữu cơ là ngoài chi phí đầu tư cho sản xuất còn là việc làm sao mở rộng thị trường, mở rộng đối tượng tiêu dùng. “Xã hội phát triển, tiềm năng của thị trường ngày càng mở rộng dù chịu sự cạnh tranh gay gắt. Qua một thời gian, thị trường thực phẩm hữu cơ cũng đào thải dần những đơn vị, sản phẩm chỉ gắn mác hữu cơ”, ông nói.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, cho rằng khó khăn hiện nay đối với người sản xuất thực phẩm hữu cơ là ngoài chi phí đầu tư cho sản xuất còn là việc làm sao mở rộng thị trường, mở rộng đối tượng tiêu dùng. “Xã hội phát triển, tiềm năng của thị trường ngày càng mở rộng dù chịu sự cạnh tranh gay gắt. Qua một thời gian, thị trường thực phẩm hữu cơ cũng đào thải dần những đơn vị, sản phẩm chỉ gắn mác hữu cơ”, ông nói.

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của nhiều nước. Thế giới hiện có 50,9 triệu ha được canh tác hữu cơ và tiềm năng thị trường lên tới 81,6 tỉ đô la Mỹ.

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam có 33/63 tỉnh thành đã phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích đạt hơn 76.600 ha, tăng 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ – lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam.