Thực thi EVFTA: Việt Nam đồng ý bỏ yêu cầu “kiểm tra nhu cầu kinh tế”

Sau 5 năm EVFTA có hiệu lực, tức từ ngày 1/8/2025, Việt Nam sẽ bỏ kiểm tra nhu cầu kinh tế khi nhà đầu tư từ các nước thành viên EVFTA mở cơ sở bán lẻ ở Việt Nam, nhưng vẫn bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử.
 Sau 5 năm EVFTA có hiệu lực Việt Nam sẽ bỏ kiểm tra nhu cầu kinh tế
 Sau 5 năm EVFTA có hiệu lực Việt Nam sẽ bỏ kiểm tra nhu cầu kinh tế khi nhà đầu tư từ các nước thành viên EVFTA mở cơ sở bán lẻ ở Việt Nam

EVFTA có sự khác biệt đáng kể so với các hiệp định thương mại tự do trước đây mà Việt Nam đã ký kết.

Nếu các hiệp định trước đây chỉ có tiêu chuẩn trung bình và chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ nhưng không vượt quá cam kết trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì với EVFTA, cam kết mở cửa thị trường lên tới hơn 99% số dòng thuế và kim ngạch thương mại, thuế suất 0% được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của cả hai bên.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, cam kết của hai bên đều đi xa hơn cam kết trong khuôn khổ WTO.

Các doanh nghiệp EU sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính ngân hàng, phân phối, vận tải,...

Riêng đối với dịch vụ phân phối, Việt Nam đồng ý bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Kiểm tra nhu cầu kinh tế là thủ tục mà các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối sẽ được phép cung cấp dịch vụ đại lý hoa hồng, bán buôn và bán lẻ tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam phải trải đáp ứng được khi có nhu cầu thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất).

Theo Điều 23, Nghị định số 09 ngày 15 tháng 1 năm 2018 Quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì  có 5 tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế khi mở cơ sở bán lẻ, bao gồm:

a) Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động;

b) Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;

c) Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;

d) Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;

đ) Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể:

- Tạo việc làm cho lao động trong nước;

- Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý;

- Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý;

- Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử
Việt Nam bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử

 Sau 5 năm EVFTA có hiệu lực, tức từ ngày 1/8/2025, Việt Nam sẽ bỏ kiểm tra nhu cầu kinh tế khi nhà đầu tư từ các nước thành viên EVFTA mở cơ sở bán lẻ ở Việt Nam, nhưng vẫn bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử.

Có thể khẳng định, tiềm năng của EVFTA sẽ là rất lớn, đem lại lợi ích cho người dân và cộng đồng kinh tế cả hai bên.

EVFTA sẽ có những tác động tích cực, mang đến cơ hội thuận lợi để Việt Nam tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư FDI quy mô lớn trong các lĩnh vực với các dự án có hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến…

Đối với lĩnh vực phân phối, EVFTA sẽ thúc đẩy các luồng vốn chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại trong nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, EVFTA cũng có những thách thức đối với doanh nghiệp phân phối trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối có quy mô nhỏ và vừa nếu bộ phận doanh nghiệp này không thay đổi để thích ứng trước những tác động mạnh mẽ của EVFTA.

Văn Giang