Thực tiễn thực hiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương và một số giải pháp hoàn thiện

LÊ HUỲNH PHƯƠNG CHINH (Bộ môn Luật Thương mại - Phó Giám đốc Trung tâm Luật So sánh, Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ)

Tóm tắt:
Trong bài viết này, người viết đã thể hiện một cách khái quát nhất về những kết quả đã đạt được khi áp dụng thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân về tiền công, tiền lương trong những năm qua. Người viết nêu những tồn tại bất cập cũng như những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại đó. Bên cạnh đó, người viết cũng đề xuất một số giải pháp theo quan điểm cá nhân với mong muốn hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Từ khóa: Thuế thu nhập cá nhân, tiền công, tiền lương.

1. Thực tiễn thực hiện pháp luật về thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập chịu thuế từ tiền công, tiền lương
1.1. Những kết quả đạt được
Sau nhiều năm thực hiện, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư. Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định, người có thu nhập thấp hơn giảm trừ gia cảnh thì chưa phải nộp thuế. Người có thu nhập cao hơn mức giảm trừ gia cảnh phải nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc; quy định này thể hiện nguyên tắc công bằng và khả năng nộp thuế của người có thu nhập, người có thu nhập thấp thì chưa phải nộp thuế, người có thu nhập cao hơn phải nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khác nhau thì mức nộp thuế khác nhau. Việc quy định mở rộng diện điều tiết, góp phần điều tiết công bằng thu nhập của các tầng lớp dân cư theo hướng mọi cá nhân có thu nhập (trừ trường hợp thu nhập rất thấp và một số trường hợp đặc biệt) đều phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, góp phần giảm hợp lý khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.
Thuế Thu nhập cá nhân động viên phù hợp với khả năng thu nhập của mỗi người: Không thu thuế đối với những người có thu nhập thấp; chỉ điều tiết một phần thu nhập của cá nhân có thu nhập trên mức trung bình của xã hội, phần thu nhập còn lại đảm bảo nâng cao đời sống. Việc miễn thuế một số khoản thu nhập cũng thể hiện sự ưu đãi của Nnhà nước đối với một số đối tượng được hưởng thu nhập trong những trường hợp gặp khó khăn…, góp phần khuyến khích các tầng lớp dân cư làm giàu chính đáng, tăng tích lũy, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh để giải phóng mọi nguồn lực của đất nước.
Theo số liệu thống kê, số người nộp thuế từ thu nhập từ lương, tiền công ở bậc 1 chiếm tỷ trọng lớn trong số người phải nộp thuế (năm 2009 khoảng 77,3%, năm 2010 khoảng 73,3%, năm 2011 khoảng 77%), nhưng số thuế nộp không lớn so với tổng thuế thu từ lương, tiền công (năm 2009 khoảng 6,9%, năm 2010 khoảng 7%, năm 2011 gần 10%). Số người nộp thuế từ thu nhập từ lương, tiền công ở bậc 2 trở lên không lớn (năm 2009 là 22,7%, năm 2010 là 26,7%, năm 2010 là 23%), nhưng số thuế nộp chiếm tỷ trọng lớn (năm 2009 là 93,1%, năm 2010 là 93%, năm 2011 khoảng 90%)1.
Đơn cử như ở thành phố Cần Thơ tính từ năm 2009, thuế thu nhập cá nhân chiếm tỷ lệ 5,62% trong tổng thu ngân sách của thành phố Cần Thơ, bằng 215,55 % so cùng kỳ năm 2008; kế đến năm 2010 là 6,31%; năm 2011 là 7,72%; năm 2012 là 7,51%…; đến năm 2015, thuế thu nhập cá nhân chiếm tỷ lệ 6,67%, tăng 25,15% so cùng kỳ năm 2014. Như vậy, tỷ trọng thuế thu nhập từ năm 2009 đến năm 2015 có xu hướng tăng trong tổng thu ngân sách, thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của thuế thu nhập cá nhân đối với ngân sách nhà nước tại địa phương. Trong nhiều loại thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật, thì thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công ở thành phố Cần Thơ chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số thuế thu nhập cá nhân2.
Làm được điều này là do các cục, chi cục thuế đã tuân thủ đúng các quy trình quản lý thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công. Tổ chức thực hiện tốt hoạt động kiểm soát khai nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của các cá nhân từ khâu đăng ký mã số thuế, kê khai thu nhập, kê khai giảm trừ gia cảnh và giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, nộp thuế, hoàn thuế. Công tác thanh tra thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu xử lý nghiêm một số trường hợp kê khai không đúng với thu nhập thực tế hoặc kê khai sai, gian dối về giảm trừ gia cảnh.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã phát hành phần mềm đăng ký mã số thuế cá nhân nhằm hỗ trợ đăng ký thuế, góp phần giúp cơ quan chi trả thu nhập giảm bớt chi phí, công sức đi lại, thời gian liên hệ nhiều lần với cơ quan thuế, đồng thời giúp ngành Thuế giảm bớt sự quá tải trong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.
1.2. Một số tồn tại, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân đã bộc lộ tồn tại, hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, một số quy định còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế và khó khăn cho công tác quản lý thuế. Thể hiện như sau:
Văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập cá nhân đến nay có quá nhiều thông tư và văn bản hướng dẫn trên cơ sở thông tư, văn bản này sửa đổi, bổ sung thông tư, văn bản kia; đồng thời, quy định nhiều thủ tục thực hiện làm cho cả cán bộ thuế cũng như người nộp thuế khó khăn trong việc cập nhập, hệ thống chính sách thuế thu nhập cá nhân, chưa đảm bảo tính đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, minh bạch và công khai, như: quy định 10 khoản thu nhập chịu thuế, mỗi khoản thu nhập là một loại thuế có căn cứ tính thuế, thuế suất khác nhau; có loại thu nhập có hai phương pháp tính thuế (thu nhập hộ gia đình, cá nhân kinh doanh; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán); phức tạp nhất là việc tính thuế đối với tiền lương, tiền công.
Trong quá trình thực hiện Luật, có nhiều khoản trợ cấp phát sinh không thuộc phạm vi tiền lương, tiền công như: trợ cấp tinh thần giảm biên chế, trợ cấp một lần khi đăng ký nghỉ hưu sớm... không như ý của cá nhân rơi vào hoàn cảnh đó, nếu không cho trừ khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là không hợp lý. Đối với các trường hợp được Luật quy định về đối tượng là người phụ thuộc trong Luật Thuế thu nhập cá nhân. Luật chưa có quy định đối tượng là người bị bệnh tâm thần mà bản thân người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng. Luật chưa tạo ra được sự đồng tình của xã hội về ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh cho các đối tượng phụ thuộc. Vì vậy, Luật thuế cần phải xem xét một cách toàn diện để điều chỉnh lại ngưỡng khởi điểm tính thuế và mức chiết trừ gia cảnh cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo mức sống ổn định cho các đối tượng chịu thuế trước khi chưa có luật thuế và sau khi phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2015 có mức tăng 0,02% so với tháng trước đồng thời tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, CPI bình quân năm 2015 so với năm 2014 chỉ tăng 0,63%. CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với bình quân năm 2015 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI bình quân của một số năm gần đây. Đây là thông tin được công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong ngày 25/123.
Để phù hợp với chủ trương giảm dần tỷ lệ động viên về thuế theo Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 và quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân. Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh Luật bổ sung quy định “mở” để khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả4. Không nên đưa ra con số giảm trừ, người phụ thuộc cụ thể cần áp dụng chỉ số tiêu dùng (CPI) nếu % tăng lên thì sẽ áp dụng theo (CPI) cụ thể mỗi lần thay đổi nên áp dụng tính % (CPI) mới ra mức cụ thể giảm trừ.
Ngoài ra, hành vi trốn thuế của một số cá nhân có thu nhập cao từ tiền lương, tiền công là một trong những khó khăn, tồn tại của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Người viết xin đơn cử, trường hợp ở TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ để làm minh chứng cho những tồn tại trong thực tiễn thi hành.
Ở TP. Hồ Chí Minh, trường hợp trốn thuế của các ca sĩ nổi tiếng đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Theo nguồn tin từ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, cơ quan này đã mời một số nghệ sỹ lên khai quyết toán thu nhập cá nhân trong giai đoạn từ 2009 - 2014. Kết quả có 7 người bị truy thu thuế lên tới 4,4 tỉ đồng.
Theo bà Lê Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, thông thường mọi người sẽ đến cơ quan thuế để kê khai quyết toán thuế hàng năm. Tuy nhiên, rất nhiều nghệ sỹ cho rằng họ đã đóng, đủ 10% thuế cho các đơn vị tổ chức sự kiện, trừ vào tiền cát - xê nên không cần phải quyết toán thuế nữa. Trên thực tế thì đây chỉ mới là số tiền tạm thu bởi tiền thuế tính theo lũy tiến từ 5% - 35%, do vậy, tùyuỳ vào mức thu nhập, có người sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân cao hơn mức 10% và có người sẽ đóng thấp hơn. Nếu thấp hơn mức 10% sẽ được hoàn lại tiền thuế. Trong trường hợp nghệ sỹ thành lập công ty và công ty đó ký hợp đồng với đơn vị tổ chức biểu diễn thì phần tính là cát - xê sẽ được tính vào doanh thu công ty và có trách nhiệm phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thuế khác nếu có. Khi đó, tiền mà nghệ sỹ nhận từ công ty mình là tiền lương hoặc tiền công. Tuy nhiên, đây cũng là kẽ hở để cho một số nguời lợi dụng để né thuế. Theo đó, khi thành lập công ty thì hầu hết các giao dịch đều qua công ty, thông thường người đại diện lại chính là quản lý trực tiếp họ. Lúc này, nghệ sỹ không phải nộp khoản thuế thu nhập cá nhân nữa mà chuyển sang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Nếu công ty làm ăn bình thường, khai báo lời lãi nghiêm túc thì các khoản thuế đó sẽ được đóng bình thường. Nếu trường hợp họ khai báo thua lỗ thì đương nhiên không phải nộp các khoản thuế đó. Lúc này, nghệ sỹ vẫn hưởng cát - xê mà không tốn một cắc bạc thuế thu nhập cá nhân. Bảy trường hợp nghệ sỹ bị truy thu 4,4 tỉ đồng tiền thuế đều nằm trong các hành vi trốn thuế nêu trên... 5
Ở TP. Cần Thơ, việc thực hiện các quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động hành nghề tự do như giảng dạy, bác sỹ khám bệnh ngoài giờ, luật sư, môi giới... chưa được cơ quan thuế quản lý đầy đủ. Theo quy định của pháp luật, đối với các khoản thu nhập này thì phải kê khai để tính tổng thu nhập, từ đó xác định mức thuế thu nhập phải nộp, nhưng trong thực tế các đối tượng này chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật đăng ký, chưa tự giác kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân. Cục Thuế TP. Cần Thơ chưa thực hiện giám sát các hoạt động này một cách chặt chẽ, chỉ chờ việc tự giác khấu trừ thuế của các tổ chức chi trả thu nhập cũng như tự kê khai của cá nhân. Từ đó, số thuế thu được trong thời gian qua vẫn chưa đủ, dẫn đến thất thu thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, ngoài việc rất nhiều đối tượng phải nộp thuế bị bỏ sót thì ngay cả trong những người nộp thuế thu nhập cũng chưa khai báo trung thực số thu nhập thực tế mà họ nhận được. Bằng nhiều cách khác nhau, người nộp thuế thu nhập cá nhân tìm cách khai báo giảm thu nhập trong khi cơ quan thuế vẫn còn lúng túng trong việc thẩm tra mức độ chính xác của việc kê khai. Đối với các cá nhân làm việc trong các đơn vị sản xuất kinh doanh có đăng ký kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân cho lao động của cơ sở mình, thì cơ quan thuế cũng chưa kiểm tra được mà chủ yếu vẫn dựa vào kê khai của tổ chức chi trả thu nhập. Điều này tạo nên sự mất công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân.
1.3. Nguyên nhân các bất cập
Qua quá trình nghiên cứu đề tài, người viết nhận thấy bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân và các đối tượng chịu thuế thực hiện kê khai và nộp thuế còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Người viết cho rằng nguyên nhân của những bất cập là do:
- Chính sách thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung nhưng chưa có hướng dẫn đồng bộ. Quy trình kiểm tra thuế thu nhập cá nhân mới ban hành nên không dễ rà soát. Mặt khác, qua kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện một số tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có biểu hiện vi phạm như: kê khai thuế không đúng thời gian quy định; khấu trừ thuế thu nhập cá nhân không tương ứng với thu nhập thực nhận... Một bộ phận người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập, nhưng khai ít hoặc không quyết toán thuế dẫn đến khai man để trốn thuế. Ngoài ra, do cơ chế tự khai, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chưa thể kiểm soát chính xác được thu nhập của các cá nhân thuộc phạm vi toàn quốc, từ nhiều nguồn khác nhau...
- Riêng về hoạt động quản lý thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, đó là:
+ Chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát các khoản giảm trừ, đặc biệt là giảm trừ gia cảnh.
+ Công tác kiểm tra, kiểm soát khấu trừ thuế tại nguồn có nơi chưa chặt chẽ. Đối với những người có thu nhập ổn định như cán bộ làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cán bộ thuộc đơn vị hành chính sự nghiệp, những người làm công ăn lương… thì cơ quan chi trả tiền lương, tiền công nên những đối tượng này thực hiện nghiêm túc, nhưng còn những người có thu nhập tự do ở nhiều nơi, kinh doanh đa vùng miền, bán hàng qua hệ thống mạng internet…, đặc biệt là một bộ phận người mẫu, ca sĩ, cầu thủ… thì cơ quan thuế chưa kiểm soát được thu nhập, dẫn đến việc khai nộp thuế của một số cá nhân này thực hiện không nghiêm túc. Thực tế hiện nay, đa số thuế thu nhập cá nhân đa số thu được từ những người làm công ăn lương cố định,... còn những người có thu nhập thất thường khó kiểm soát. Điều này chứng tỏ rằng còn rất nhiều người có thu nhập cao nhưng vẫn chưa bị thu thuế thu nhập cá nhân hoặc mức thuế chưa hợp. Những người có hành vi tham nhũng, buôn bán trái pháp luật,... họ có thu nhập cao nhưng lại không bị chịu thuế của Nhà nước vì nó không nằm trong khoản kê khai,... Hay những trường hợp quản lý thuế thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng trốn thuế.
+ Ý thức của người dân về thuế thu nhập cá nhân còn chưa cao. Nhiều người còn chưa nhận thức đúng về vai trò của thuế thu nhập cá nhân dẫn đến chưa tự giác chấp hành hoặc hiểu sai về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cần giáo dục cho người dân, giúp họ hiểu được vai trò cũng như tầm quan trọng của thuế thu nhập cá nhân đối với chính phủ, người dân và đảm bảo công bằng xã hội.
2. Một số giải pháp hoàn thiện
Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thuế thu nhập cá nhân trên các phương tiện truyền thông để mọi người trong xã hội hiểu rõ được ý nghĩa, vai trò của hệ thống thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng đối với sự phát triển của xã hội, giúp cho họ có nhận thức đúng đắn và coi nộp thuế là trách nhiệm, là nghĩa vụ của người dân yêu nước.
- Có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các đối tượng cố tình khai man thu nhập hoặc giấu thu nhập để giảm bớt khoản thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho Nhà nước. Trong quá trình kê khai quyết toán, nếu phát sinh các vấn đề liên quan, cơ quan thuế sẽ yêu cầu người khai phải khai lại và sẽ truy thu, nếu phát hiện người khai không đúng với thực tế. Nếu phát hiện và truy thu nhưng người nộp không thực hiện thì cơ quan thuế có thể chuyển hồ sơ cho các cơ quan điều tra, tố tụng để tiến hành các bước tiếp theo. Trên thế giới đã có nhiều người nổi tiếng trốn thuế bị điều tra, truy tố. Còn ở Việt Nam, tình trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý mạnh tay nên nhiều người nhờn luật.
- Luật nên quy định ngưỡng khởi điểm tính thuế theo một tỷ lệ phần trăm nhất định so với mức tiền lương, tiền công tối thiểu, có như vậy khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, tiền công tối thiểu sẽ không ảnh hưởng đến luật thuế thu nhập cá nhân. Đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để tạo ra sức sống lâu bền cho Luật Thuế thu nhập cá nhân.
- Luật nên thay đổi mức thuế suất theo biểu thuế lũy tiến sao cho khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch, có như vậy mới khuyến khích được những người lao động có tài năng, đồng thời cũng giảm được hiện tượng khai man thu nhập, hiện tượng gian lận thuế.
- Phải tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thuế thu nhập cá nhân trên các phương tiện truyền thông để mọi người trong xã hội hiểu rõ được ý nghĩa, vai trò của hệ thống thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng đối với sự phát triển của xã hội, từ đó giúp cho họ có nhận thức đúng đắn và coi nộp thuế là trách nhiệm, là nghĩa vụ của người dân yêu nước.
Tóm lại, hiện nay, thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách nhà nước. Do đó, để pháp luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi, bổ sung) nhanh chóng phát huy vai trò trong cuộc sống, đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế, tránh thất thu, ngành Thuế cần tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với lĩnh vực này.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Luật Thuế thu nhập cá nhân, kết quả 3 năm, bất cập và giải pháp, http://www.ift.edu.vn/Ajax/Print.aspx?id=680 [truy cập ngày 16.11.2016]
2 Thực thi pháp luật thuế thu nhập cá nhân ở thành phố Cần Thơ, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=252 [truy cập ngày 6.12.2016].
3 Vương Diệu Quân, CPI cả năm 2016 tăng 4,74%, dưới mức trần Quốc hội đề ra, http://cafef.vn/cpi-ca-nam-2016-tang-474-duoi-muc-tran-quoc-hoi-de-ra-20161228171122308.chn, [truy cập ngày 6-1-2017]
4 Sen vàng, Thuế Thu nhập cá nhân: Tăng mức giảm trừ gia cảnh, http://ketoansenvang.vn/a74_tin-tuc-/105_thue-thu-nhap-ca-nhan-tang-muc-giam-tru-gia-canh.html, [truy cập ngày 5-11-2017].
5 Đời sống & Pháp luật, 7 nghệ sĩ trốn thuế bị truy thu 4,4 tỉ đồng, http://baodatviet.vn/van-hoa/sao/7-nghe-si-tron-thue-bi-truy-thu-44-ti-dong-3236217/ [truy cập ngày 20.11.2016]
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Quản lí thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014, 2016).
2. Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).
3. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008.
4. Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.
5. Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/ tháng 6/ năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
6. Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/ tháng 02/ năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.
7. Nghị định số 14/VBHN-BTC ngày 26/ tháng 5/ năm 2015 của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
8. Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân;, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
9. Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/ tháng 6/ năm 2015 hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối vói cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.
10. Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân;, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

THE PRACTICE OF IMPLEMENTING PERSONAL INCOME TAX LAW ON INCOME FROM WAGES, SALARIES AND SOME SOLUTIONS

LE HUYNH PHUONG CHINH
Department of Commercial Law
Deputy Director of Center for Comparative Law, School of Law
Can Tho University

ABSTRACT:
In this article, the writer has presented the most general view of the results achieved when implementing the Law on Personal Income Tax on wages and salaries in the past years. The writer points out the shortcomings as well as the causes leading to those problems and proposed some solutions from a personal perspective with the desire to further improve the legal system on fish tax human.
Keywords: Personal income tax, wages, salary.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây