TÓM TẮT:

Tái cơ cấu đầu tư phát triển ngành sản xuất công nghiệp có vai trò quan trọng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, phân bố không gian phát triển các ngành sản xuất công nghiệp hợp lý, phát triển sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, tăng tỷ trọng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu đặc biệt là đối với các ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam có lợi thế so sánh.

Từ khóa: Tái cơ cấu đầu tư sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Sản xuất công nghiệp là ngành xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam với tỷ trọng đạt khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu công nghiệp tăng khoảng 3,5 lần, từ 43,16 tỷ USD năm 2005 lên 148,9 tỷ vào năm 2015. Xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 4,5 lần, từ 33,68 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 78%) lên 144,85 tỷ USD (chiếm 97,3%). Đối với ngành Da giày, sản xuất công nghiệp da giày Việt Nam đứng thứ 4, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và I-ta-li-a và có tỷ trọng xuất khẩu đạt 91% trong tổng sản lượng giày dép sản xuất. Đối với ngành Dệt may, xuất khẩu chiếm thị phần xấp xỉ 5% thị trường toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, EU và Băng-la-đét. Đối với ngành Điện tử, Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 7 trong 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất châu Á và đứng vị trí thứ nhất khu vực Đông Nam Á và thứ 12 thế giới.

Cơ cấu xuất khẩu của các ngành sản xuất công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất công nghiệp đã hướng phát triển vào các ngành có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng qua các năm. Các ngành công nghiệp lớn vẫn tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng cao và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp dệt may, da giày; hệ số tiêu hao trong ngành Năng lượng đã được cải thiện, nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đã được chú trọng phát triển.

Tuy nhiên, đánh giá một cách thực chất cho thấy cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chuyển dịch vẫn còn chậm, chưa thực sự đi vào chiều sâu; năng suất lao động trong các ngành chậm cải thiện, các ngành sản xuất công nghiệp phần lớn vẫn chỉ tham gia được ở các khâu giá trị gia tăng thấp của chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành sản xuất trong nước; sản xuất tăng cao chủ yếu ở một số nhóm ngành có vốn đầu tư nước ngoài; phân bố không gian công nghiệp chưa khai thác được tốt lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương. Do đó, cần thiết phải tái cơ cấu đầu tư phát triển ngành sản xuất công nghiệp, chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất và chế biến công nghệ cao từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả xuất khẩu.

2. Thực trạng đầu tư phát triển ngành sản xuất công nghiệp

2.1. Thành tựu đạt được

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cho phát triển công nghiệp 10 năm qua tăng cao, tăng gần gấp 3 lần (557 nghìn tỷ đồng so với 206 nghìn tỷ đồng) và luôn chiếm xấp xỉ 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chỉ sau ngành Dịch vụ (xấp xỉ 50%).

- Cơ cấu đầu tư theo thành phần kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khu vực nhà nước vào sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm trong khi cơ cấu đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước tăng mạnh, đặc biệt là lĩnh vực thu hút nhiều FDI, cơ cấu đầu tư của khu vực Nhà nước vào sản xuất công nghiệp từ 36,7% xuống 29,2%, do sụt giảm trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng (giảm khoảng 2 lần). Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước vào sản xuất công nghiệp hội nhập mạnh mẽ trong thời gian qua về quy mô vốn đầu tư (tăng 5 lần từ 65,6 nghìn tỷ đồng lên 318,1 nghìn tỷ đồng) và tỷ trọng (từ 16,2% lên 23,3%), trong đó ngành Công nghiệp chế biến chế tạo trở thành ngành thu hút nhiều FDI nhất trong các ngành công nghiệp. Các ngành sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất hiện nay vẫn là điện tử, dệt may và da giày.

- Cơ cấu đầu tư phát triển các ngành sản xuất công nghiệp đã có sự dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao và giảm dần tỷ trọng các ngành công nghiệp thô và sơ chế. Các ngành sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn hiện nay gồm các ngành: Điện tử, Dệt may, Da giày, Thép, Điện, Nông - Thủy sản, Đồ gỗ nội thất và Hóa dầu. Có thể thấy khá rõ xu hướng dịch chuyển đầu tư sản xuất công nghiệp đó là trong giai đoạn đầu của những năm 1995 - 2005, tỷ trọng nhóm ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam tập trung mạnh vào các ngành Khai khoáng và Nông - Lâm - Thủy sản, thời kỳ 5 năm (2006-2010) là sự phát triển mạnh của nhóm ngành công nghiệp Da giày và May mặc và thời kỳ 5 năm gần đây (2011-2015) là ngành Điện tử, Thép. Hơn 10 năm qua, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như Dệt may, Da giày vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao và chỉ giảm nhẹ (xấp xỉ 1%), chủ yếu là do sự gia tăng của ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao là Điện tử, Điện thoại di động (tăng 3 lần), Hóa dầu (tăng hơn 10 lần).

- Quá trình tái cơ cấu đầu tư các ngành sản xuất công nghiệp đã có những chuyển biến tích cực theo hướng các ngành có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng qua các năm. Xuất khẩu chuyển dịch theo hướng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần ngành khai thác khoáng sản. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản năm 2015 đạt 5 tỷ USD, chiếm 3,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 44,6% so với cùng kỳ năm 2014, năm 2016 đạt 3,47 tỷ USD, giảm 29,2% so với năm 2015. Việt Nam cũng đã từng bước cải thiện được cán cân thương mại và hạn chế nhập siêu với việc nhập siêu có xu hướng giảm trong hai năm trở lại đây. Nhập siêu cả năm 2015 là 3,17 tỷ USD, chiếm 2% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2016, Việt Nam đã đạt được thành tích xuất siêu 2,68 tỷ USD, chiếm 1,52% kim ngạch xuất khẩu.

- Với sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư tích cực, sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo của nền kinh tế, Việt Nam luôn ở trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao. Giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2006 - 2015 tăng gần 3,5 lần, từ 0,34 triệu tỷ đồng lên 1,166 triệu tỷ đồng với tỉ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định khoảng 31 - 32% và trở thành ngành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước (chiếm 57,4% vào năm 2014).

- Cơ cấu xuất khẩu sản phẩm công nghiệp dịch chuyển mạnh theo hướng giảm các nhóm ngành công nghiệp sơ chế, khai khoáng. Tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng giá trị thương mại đã tăng từ 46,7% năm 2000 lên gần 89,5% năm 2010 và 97,3% vào năm 2015; trong khi nhóm ngành khoáng sản giảm liên tục, từ 22% năm 2007 xuống còn 7,7% vào năm 2010 và 2,7% năm 2015. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 9 nhóm sản phẩm công nghiệp lớn năm 2015 chiếm 86,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp. Trong đó, ngành Dệt may và Da giày liên tục là 2 ngành công nghiệp đóng góp lớn cho xuất khẩu (tỷ trọng luôn ở mức tương ứng 20% và 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là xuất khẩu thực phẩm chế biến (xấp xỉ 7%), ngành Gỗ (xấp xỉ 5%), máy móc thiết bị (xấp xỉ 5%). Ngành Công nghiệp điện tử có sự tăng trưởng đột phá trong tổng kim ngạch xuất khẩu với tỷ trọng tăng từ 5,6% vào năm 2010 lên 32,8% vào năm 2015 và trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu số một của Việt Nam, thay thế vị trí của ngành Dệt may. Ngành công nghiệp Dầu và khí thiên nhiên giảm mạnh từ vị trí xuất khẩu số 1 với 8,49 tỷ USD (chiếm 19,7%) xuống còn 3,65 tỷ USD (chiếm 2,5%), tương tự ngành công nghiệp Than giảm từ 1 tỷ USD (2,3%) xuống còn 0,19 tỷ USD (chiếm 0,1%).

2.2. Những mặt còn hạn chế

- Đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp vẫn mang tính chiều rộng hơn là chiều sâu, tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp còn thâm dụng vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, việc gia tăng đầu vào (vốn và lao động) vẫn đóng góp khoảng 71% vào tăng trưởng. Vốn con người, công nghệ, hiệu quả quản lý của Nhà nước (thể hiện gộp trong TFP) chỉ đóng góp khoảng 29%. Tỷ lệ VA/GO toàn ngành giai đoạn 2006 - 2015 có xu hướng giảm dần, từ 23% năm 2006 xuống còn 21% năm 2015. Hệ số ICOR tăng cao cho thấy vốn tiếp tục là yếu tố đóng góp cho tăng trưởng, không phải là yếu tố công nghệ (giai đoạn 2001 - 2005 là 4,88; giai đoạn 2011 - 2015 là 6,96). Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu chững lại, tốc độ tăng trưởng giảm trong những năm gần đây từ 14,3%/năm của giai đoạn 2006 - 2010 giảm xuống 10%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp.

- Việc thu hút và tận dụng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) còn nhiều hạn chế trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (2016) thì hiệu quả về chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI của Việt Nam rất thấp và có xu hướng ngày càng thấp so với các quốc gia trong khu vực. Năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 57 trên toàn cầu; đến năm 2014, Việt Nam đã tụt xuống ở vị trí thứ 103, giảm 46 bậc sau 5 năm, thấp hơn nhiều so với vị trí các nước trong khu vực như Malaixia xếp thứ 13, Thái Lan 36, In-đô-nê-xia 39, Phi-lip-pin 42 và Cam-pu-chia 44.

- Đầu tư phát triển công nghệ sản xuất trong các ngành sản xuất công nghiệp chỉ đạt ở mức trung bình thấp so với khu vực và toàn cầu; năng lực cạnh tranh trong công nghiệp đạt thấp. Nhóm các ngành công nghiệp công nghệ thấp luôn chiếm tỷ trọng cao nhất và mức độ cải thiện diễn ra chậm. Năm 2010 chiếm tỷ trọng 41,27%; tuy nhiên, năm 2014 vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao (39,61%). Công nghệ sản xuất của các ngành sản xuất công nghiệp hiện lạc hậu khoảng 2 - 3 thế hệ công nghệ so với các nước trong khu vực. Trong đó, có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang. Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu có hàm lượng công nghệ thấp vẫn còn cao, thậm chí còn tăng (31,7% năm 2014 so với 30,1% năm 2012 và 30,3% năm 2013). Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ thấp và trung bình năm 2012 chiếm 88% trong tổng số doanh nghiệp, chỉ có 12% số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

- Giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp, trong khi các ngành công nghiệp công nghệ thấp và trung bình lại có giá trị gia tăng cao hơn các ngành công nghiệp công nghệ cao, đã làm nới rộng thêm khoảng cách về trình độ phát triển công nghiệp của Việt Nam so với các nước khác. Tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) ngành Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân khoảng 7,6%. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị gia tăng ngành Công nghiệp có xu hướng giảm đi: Theo giá so sánh năm 2010, tỷ trọng giá trị gia tăng ngành Công nghiệp trong GDP giảm từ 32% năm 2010 xuống còn khoảng 28% năm 2015. VA của nhóm ngành Công nghiệp chế tạo (MVA) bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ 3,38 triệu đồng/người vào năm 2005 lên 4,48 triệu đồng/người năm 2015. Tuy nhiên, khoảng cách MVA bình quân đầu người của Việt Nam so với ngưỡng 1.000 USD của các nước công nghiệp hóa mới (theo phân loại các nước công nghiệp của UNIDO) còn khá xa. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số MVA bình quân đầu người. Trong các nước châu Á, Singapore xếp hạng cao nhất (thứ 2/143), tiếp đến là Nhật Bản (3/143), Hàn Quốc (6/143), Đài Loan (17/143), Malaysia (41/143) và Thái Lan (49/143). Với tốc độ như hiện nay, Việt Nam sẽ cần khoảng 20 năm nữa mới có thể đạt được mức MVA bình quân là 1.000 USD.

- Phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước dẫn tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp xuất khẩu do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, phụ thuộc vào biến động của cung cầu thị trường thế giới, đặc biệt là các biến động về giá. Các ngành sản xuất công nghiệp như Dệt may, Da giày, Điện tử hơn 90% nguyên liệu là nhập khẩu, Việt Nam chỉ đóng vai trò là nơi gia công cho xuất khẩu. Chẳng hạn, đối với chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, Việt Nam hiện mới tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng, khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất với tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5 - 10%. Ngành Nhựa, năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa mới đáp ứng được khoảng 23% nhu cầu…

2.3. Nguyên nhân của những hạn chế

- Các chính sách phát triển công nghiệp mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm trong thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Không xây dựng được những cơ chế đặc thù trong phát triển các ngành công nghiệp này để tạo đột phá trong tăng trưởng. Đầu tư vào các ngành công nghiệp thiếu sự tập trung một cách đồng bộ và có trọng tâm dẫn đến đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả và hầu hết là kém hiệu quả trong các doanh nghiệp công nghiệp của nhà nước.

- Năng lực nội tại của các ngành sản xuất công nghiệp yếu do khả năng hấp thụ công nghệ của nền kinh tế không đáng kể, đã dẫn đến các doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và gia tăng khoảng cách về công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

- Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành không cao.

- Sự phát triển thiếu đồng bộ trong kết nối các ngành sản xuất công nghiệp dẫn đến các ngành phát triển thiếu bền vững, chia sẻ giá trị gia tăng thiếu hợp lý giữa các công đoạn. Việt Nam chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp đối với các ngành công nghiệp lớn phục vụ xuất khẩu, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, đặc biệt là đối với các ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu như dệt may, da giày, điện tử, hóa chất...; thiếu đầu tư vào các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao hơn như hoạt động nghiên cứu và triển khai hay đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

- Việc triển khai tái cơ cấu trong ngành công nghiệp còn chậm, việc thực thi các chính sách về cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn còn nhiều hạn chế. Việc xác định nhiều ngành công nghiệp ưu tiên trong các thời kỳ đã ảnh hưởng đến tập trung nguồn lực trong thúc đẩy đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp.

- Quá trình hội nhập và ưu tiên thu hút đầu tư FDI tạo ra môi trường cạnh tranh và áp lực lớn hơn cho các doanh nghiệp nội địa, sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa diễn ra một cách hiệu quả.

- Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nội địa của Việt Nam quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh nhìn chung còn thấp, chưa có các doanh nghiệp công nghiệp có thương hiệu cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

3. Một số giải pháp tái cơ cấu đầu tư phát triển ngành sản xuất công nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu ở Việt Nam

Một là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế tái cơ cấu ngành sản xuất công nghiệp, điều chỉnh bổ sung và ban hành mới một số luật, pháp lệnh, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo ra khung khổ pháp lý cho đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp mới, công nghiệp ưu tiên như Luật phát triển công nghiệp, Luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Luật Hóa chất; Luật Cạnh tranh; Nghị định về khuyến công, phát triển sản xuất công nghiệp...;

Hai là, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn có khả năng lan tỏa cho toàn ngành sản xuất công nghiệp; áp dụng các mô hình cải tiến sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp; nâng cao tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, góp phần dịch chuyển mạnh từ tăng trưởng sản xuất công nghiệp theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu; định hướng theo lộ trình xuất khẩu sản phẩm công nghiệp giá trị gia tăng cao.

Ba là, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực nhằm cung cấp các giải pháp hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu đầu tư ngành sản xuất công nghiệp. Nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, các mô hình về chuyển giao công nghệ; các mô hình về nâng cấp chuỗi giá trị các sản phẩm của ngành công nghiệp, đề xuất các mô hình về cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất công nghiệp bảo đảm sản phẩm công nghiệp mới có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Bốn là, nâng cao hiệu lực quản lý về đầu tư. Vận dụng hợp lý các cơ chế, chính sách, cải tiến thủ tục đầu tư và thủ tục hành chính, nâng cao công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp thông qua việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư, đồng thời xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.

Năm là, điều chỉnh phân bố không gian sản xuất công nghiệp phù hợp với định hướng tái cơ cấu các ngành công nghiệp, dịch chuyển dần các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên và lao động từ các trung tâm kinh tế lớn về các địa phương khác và thay thế bằng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ và chất xám; hình thành các cụm ngành chuyên môn hóa phát triển các ngành công nghiệp. Dịch chuyển dần các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nguyên nhiên vật liệu từ tự nhiên và lao động từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh/thành phố khác và thay thế bằng các ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng nhiều chất xám. Dịch chuyển dần các cụm, khu công nghiệp, các dự án đầu tư, các nhà máy sản xuất công nghệ thấp, thâm dụng nhiều lao động từ các trung tâm kinh tế lớn sang các vùng, địa phương phát triển thấp hơn.

Sáu là, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tư nhân, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp có thương hiệu và sức cạnh tranh quốc tế; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp FDI. Phát triển khu vực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân có thương hiệu trong khu vực và toàn cầu; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm và thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế trong các ngành sản xuất công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn; đồng thời hoàn thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm cơ chế thị trường giữ vai trò chủ đạo trong phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển sản xuất công nghiệp, nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh minh bạch cho các doanh nghiệp tư nhân. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân đề xuất các dự án đầu tư lớn phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành sản xuất công nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

3. Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.

4. Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

5. Bộ Công Thương, 2017. Báo cáo “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020”.

6. Ariff M., Hill H, 1992. “Công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, kinh nghiệm của ASEAN”, NXB Khoa học Xã hội.

7. Kari Martin, 2003. “Vietnam: Deeping Reforms for Rapid Export Growth” (Cải tổ sâu để tăng trưởng xuất khẩu nhanh), http://siteresources.worldbank.org.

8. Nguyễn Đình Cung, 2010. “Định hướng và giải pháp nhằm tái cơ cấu nền kinh tế nước ta trong giai đoạn tới năm 2010 và các năm tiếp theo”. Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2009. Hà Nội;

9. Nguyễn Xuân Thành, 2013. “Tái cơ cấu đầu tư công 2011-2012: Những đánh giá ban đầu”, Kỷ yếu Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013;

10. Vũ Hùng Cường, 2013. “Economic Restructure and Reform of Growth Model in Vietnam (Tái cơ cấu kinh tế và cải tổ mô hình tăng trưởng ở Việt Nam)”, Wies Irolnictwo, Nr 3 (160).

Situation and solutions  Restructuring the investment in the  development of the industrial production sector to promote the Vietnamese export goods

MA. TRAN NGOC HAI

Department of planning, Ministry of Industry and Trade

ABSTRACT:

Restructuring investment in the development of industrial production plays an important role in boosting the export of Vietnamese goods, promoting the industrial production industries extensively and comprehensively. It is also vital for the space distribution for industrial production development with high added value and high export value, increasing the proportion of science and technology content in industrial production, deepening the involvement in the global value chain, especially for Vietnam's manufacturing industries with comparative advantages.

Keywords: Restructuring of industrial production and export of Vietnamese goods.