Thương chiến Mỹ-Trung, xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ sụt giảm

Dưới tác động của thương chiến Mỹ-Trung, xuất khẩu của Trung Quốc đã bất ngờ sụt giảm trong tháng 8/2019.

Xuất khẩu của Trung Quốc đã bất ngờ sụt giảm trong tháng 8/2019, trong khi nhập khẩu cũng ghi nhận đà đi xuống tháng thứ tư liên tiếp. Điều này cho thấy những điểm yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không ngừng leo thang.

Theo thống kế, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8/2019 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2019 (khi giảm 1,3%). Các chuyên gia tham gia cuộc kháo sát mới đây của hãng tin Reuters dự đoán, xuất khẩu của nước này sẽ tăng 2% trong tháng Tám, sau khi ghi nhận mức tăng 3,3% trong tháng trước đó.

Kết quả trên trái với dự báo của các nhà phân tích cho rằng “đám mây đen” thuế quan có thể khiến một số nhà xuất khẩu của Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong tháng Tám nhằm tránh mức thuế mới của Mỹ. Xu hướng này đã diễn ra trong các cuộc tranh chấp thương mại trước đó. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm hơn nữa trong những tháng tới.

Bên cạnh đó, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8/2019 giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018, tháng giảm thứ tư liên tiếp. Chỉ số này thấp hơn so với mức dự báo giảm 6,0% của các chuyên gia và không thay đổi so với mức giảm 5,6% của tháng 7/2019.

Nhu cầu trong nước ảm đạm cùng với sự sụt giá hàng hóa trên toàn cầu là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Cả tiêu dùng và đầu tư trong nước vẫn còn yếu, mặc dù Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kích thích tăng trưởng trong một năm trở lại đây.

Theo số liệu thống kê, thặng dư thương mại tháng 8/2019 của Trung Quốc đạt 34,84 tỷ USD, giảm đáng kể từ mức 45,06 tỷ USD của tháng trước đó.

Trước tình hình trên, giới quan sát cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) có thể sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 1 lần vào giữa tháng 9/2019, lần cắt giảm đầu tiên trong 4 năm qua, trong khi nước này cố gắng giảm chi phí đi vay của doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 6/9, PBoC thông báo quyết định cắt giảm khoảng 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với tất cả các ngân hàng trong nước. Đây là lần cắt giảm thứ bảy của PBoC kể từ đầu năm 2018 đến nay nhằm giúp các ngân hàng "giải phóng" thêm vốn để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang trên đà giảm tốc.

Các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ thông báo các biện pháp nới lỏng chính sách khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đứng trước sức ép ngày một tăng từ các mức thuế mà Mỹ đánh vào hàng hóa xuất khẩu của nước này giữa lúc nhu cầu trong nước suy yếu.

Giới phân tích cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể tiếp tục chậm lại trong quý III/2019, sau khi ghi nhận mức thấp nhất trong gần 30 năm qua là 6,2% trong quý II/2019. Ngân hàng Morgan Stanley nhận định kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 6% trong năm 2019, mức thấp nhất trong biên độ dự kiến tăng 6-6,5% mà chính phủ nước này đưa ra.

Với việc Mỹ áp các mức thuế mới kể từ ngày 1/9 và cảnh báo sẽ áp thêm thuế từ ngày 1/10 và 15/12 đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, một số nhà kinh tế mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 xuống dưới 6%, phá vỡ mục tiêu tăng trưởng dài hạn của Bắc Kinh.

QT