Thương mại Việt Nam duy trì đà tích cực 2 tháng đầu năm 2021

Phát biểu tại buổi Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương hôm nay (ngày 12/3/2021), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, so với diễn biến chung của thế giới thì kinh tế, thương mại Việt Nam vẫn duy trì được đà tích cực hơn.

Trong khi Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của ASEAN trong tháng 2 đã suy giảm nhẹ (đạt 49,7 điểm trong tháng 2, giảm so với mức 51,4 trong tháng 1). Cụ thể ở từng quốc gia: Myanmar có mức suy giảm mạnh nhất - Chỉ số PMI toàn phần đạt 27,7 là mức thấp kỷ lục khi tình trạng bất ổn chính trị khiến các nhà máy phải đóng cửa. Thái lan và Malaysia giảm tương ứng là 47,2 và 47,7... thì Việt Nam ghi nhận sự cải thiện nhanh nhất với PMI đã tăng từ 51,3 của tháng 1 lên 51,6 trong tháng 2/2021. 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2021 ước tính giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng 2/2021 ít hơn 8 ngày so với tháng 2/2020 và ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại một số địa phương. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng cao 10,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%); Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3% (cùng kỳ năm trước tăng 7%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8% (cùng kỳ năm trước tăng 4,6%); riêng ngành khai khoáng giảm 11% (cùng kỳ năm trước giảm 2,7%). Giảm chủ yếu ở nhóm khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 15,6%); khai thác than non và than cứng (giảm 8,6%)

Trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác dầu thô trong nước đạt 1,51 triệu tấn/1,34 triệu tấn (KH), đạt 112,6% so với kế hoạch (bằng khoảng 90% so với cùng kỳ năm 2020). Như vậy sản lượng khai thác trong 2 tháng đầu năm 2021 vượt so với kế hoạch đề ra nhưng có thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng giảm do các mỏ dầu khí ở Việt Nam hầu hết được phát hiện từ lâu, đã được khai thác hơn 20 năm, đang ở giai đoạn cuối của đời mỏ. Hơn nữa trong 5 năm gần đây do giá dầu thô xuống thấp nên đã ảnh hưởng đến công tác đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam của các nhà thầu dầu khí và cũng như không có các phát hiện mỏ dầu khí có trữ lượng lớn mới nào để có đưa vào khai thác. Do vậy, việc suy giảm sản lượng khai thác dầu thô đã được dự báo từ trước. 

Sản lượng khai thác than giảm nguyên nhân do lượng tồn kho than hiện nay đang ở mức khoảng 10,6 triệu tấn thương phẩm; nhu cầu tiêu thụ than thấp, vì vậy, 2 tháng đầu năm ngành than đang khai thác cầm chừng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì buổi họp báo
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì buổi họp báo

Xuất khẩu của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD  (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 48,74 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%). Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm nông - lâm - thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng tốt: Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 42,64 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ 2020, chiếm 87,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản ước đạt 3,66 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 45,6 triệu USD, giảm 45,6%.

Các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng giữ đà tăng tích cực: 2 tháng đầu năm xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 13,83 tỷ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8 tỷ USD, tăng 46,1%. Thị trường EU đạt 6,1 tỷ USD, tăng 17,6%. Thị trường ASEAN đạt 4,1 tỷ USD, tăng 4%. Hàn Quốc đạt 3,2 tỷ USD, tăng 7,1%. Nhật Bản đạt gần 3 tỷ USD, giảm 4,9%.

Đặc biệt, ngay sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Anh trong 2 tháng đầu năm 2021 đã tăng hơn 20 % so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,02 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã tăng 23,6% so với cùng kỳ, đạt 927,7 triệu USD. Đây là mức tăng ấn tượng khi Covid-19 vẫn đang gây tác động lớn đến hoạt động thương mại, đồng thời cho thấy Hiệp định Thương mại tự do Việt - Anh vừa có hiệu  lực rất hứa hẹn, giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó, ngành hàng được hưởng lợi lớn từ hiệp định này là thủy hải sản, gạo, dệt may, da giày, gỗ, rau quả…

Về thị trường trong nước, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày và dịch Covid-19 diễn ra tại một số địa phương trong tháng 02/2021 làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng giảm so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 5,4% so với tháng 1/2020 nhưng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%). 

Để bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 (số 28/TB-VPCP ngày 17 tháng 02 năm 2021); Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 19 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) cho các địa phương vùng có dịch (đặc biệt là tỉnh Hải Dương) và các tỉnh giáp ranh.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương luôn chú trọng đến nguồn cung hàng hóa cơ bản, thiết yếu và hàng hóa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như khẩu trang, nước sát khuẩn để phục vụ thị trường địa phương. Theo báo cáo của các địa phương, thị trường cơ bản không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung hàng hóa luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19.

Toàn cảnh họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tháng 3/2021
Toàn cảnh họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tháng 3/2021

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong tháng 3 và những tháng tiếp theo năm 2021, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp mục tiêu:

Một là, quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh; 

Hai là, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. 

Chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, thương mại, tiểu thương… tổ chức tốt việc đưa hàng hóa, dịch vụ đến các khu dân cư, khu công nghiệp, các địa bàn nông thôn, miền núi… tạo thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đẩy mạnh các hình thức, phương thức kinh doanh khuyến khích tiêu dùng như kinh tế ban đêm, các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Tích cực, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.

Ba là, đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Bốn là, tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn; bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước. Tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm… 

Năm là, tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nông sản tại các địa phương có dịch Covid-19, không để ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Sáu là, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu. 

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Thy Thảo