Tiết lộ lý do Nhật Bản quan tâm đến những dự án giao thông lớn của Việt Nam

Chỉ trong 3 năm trở lại đây, có nhiều phái đoàn của Nhật Bản sang Việt Nam bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia vào các dự án giao thông lớn của Việt Nam.

Tháng 3 năm 2016, Ủy ban Đặc biệt về Chiến lược Tổng hợp hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản đã tiến hành phiên họp đầu tiên dưới sự điều hành của ông Nikai Toshihiro, Chủ tịch Ủy ban Tổng hợp của đảng LDP. Ông Nikai Toshihiro đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả Sáng kiến đối tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, với mục tiêu đến năm 2020, Nhật Bản sẽ hỗ trợ 30.000 tỷ yen (tương đương 300 tỷ USD) cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đào tạo nguồn nhân lực với các nước, trong đó Việt Nam sẽ là nước được ưu tiên hàng đầu.

Tháng 8 năm đó, tại Hà Nội diễn ra hội đàm song phương giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT) Keiichi Ishii. Bộ trưởng MLIT Keiichi Ishii đề nghị Bộ GTVT Việt Nam quan tâm để có thể ứng dụng kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ Nhật Bản trong giai đoạn khảo sát nghiên cứu khả thi dự án đầu tư sân bay Long Thành cũng như các dự án đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc Bắc – Nam và đường sắt đô thị.

cau nhat tan
Cầu Nhật Tân, công trình với sự hợp tác của Nhật Bản

 

Tháng 12/2017, trong buổi làm việc với Bộ trưởng GTVT Việt Nam, Thứ trưởng Takao Makino - Quốc vụ khanh Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT) cho biết, Nhật Bản mong muốn được hợp tác, tham gia vào các dự án của Việt Nam  như  xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, một số đoạn ưu tiên trên tuyến Đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn.

Tháng 8/2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm việc với ông Tsukasa Akimoto, Quốc vụ khanh Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch (MLIT) Nhật Bản về tăng cường hợp tác hai bên lĩnh vực GTVT. Quốc vụ khanh Tsukasa Akimoto cho biết, Nhật Bản rất quan tâm và mong muốn tham gia các dự án trọng điểm của Việt Nam từ giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đến xây dựng và khai thác. Trong đó, dự án đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hiện đã được doanh nghiệp Index Consulting (Nhật Bản) nghiên cứu thí điểm đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP).

Đúng 1 tháng sau, tháng 9/2018 trong buổi làm việc vớiThứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông,  ông Tastuhiko Takesada, Giám đốc quản lý cấp cao của Ngân hàng JBIC JBIC khẳng định, JIBIC tài trợ trực tiếp thúc đẩy phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực khi có các nhà đầu tư và xuất khẩu Nhật Bản tham gia. JBIC mong muốn tìm hiểu chính sách phát triển và tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng GTVT.

Tháng 10/2018, tại buổi Toạ đàm về chủ đề đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và hạ tầng ở Việt Nam, các doanh nghiệp bất động sản Nhật Bản đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này, cam kết phát triển các dự án đi đôi với phát triển hạ tầng, áp dụng công nghệ cao, tỏ quan tâm đến những dự án như sử dụng kiến thức mới nhất để hỗ trợ Việt Nam quy hoạch đô thị tổng thể; mở rộng các khu đô thị, các siêu thị quy mô lớn ra các địa phương; kết nối hệ thống đường sắt với xe buýt cho các đô thị.

Ngày 25/12/2018, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tiếp ông Keiichi Ishii, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản. Một lần nữa, đại diện của Nhật Bản bày tỏ mong muốn được tham gia phát triển các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, có tính kết nối, có khả năng tạo động lực tăng trưởng như Cảng hàng không quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt tốc độ cao; tuyến cao tốc Bắc-Nam và các tuyến cao tốc liên vùng; các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM và một số đô thị lớn…

Vì sao Nhật Bản lại quan tâm đến những dự án giao thông trọng điểm của Việt nam? Trước hết, xuất phát từ sáng kiến Đối tác Cơ sở hạ tầng chất lượng cao mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố năm 2015.

Thứ hai, các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn thấy cơ hội mở rộng thị trường ở Việt Nam. Theo nghiên cứu mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), với mục tiêu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 300 tỷ USD đến năm 2020, tổng nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 lên tới trên 100 tỷ USD, trung bình là 25 tỷ USD/năm trong vòng 5 năm tới.

Thứ ba, các doanh nghiệp Nhật Bản rất tự tin với những thành tựu và công nghệ xây dựng của mình. Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia phát triển mạnh nhất mô hình PPP ở khu vực châu Á. Theo kinh nghiệm của nước này, có ít nhất hai lĩnh vực mà khu vực tư nhân tham gia hiệu quả, đó là các dự án không thể hoặc khó cổ phần hóa và các dự án mà nhà nước không thể tham gia trực tiếp. Cụ thể như các dự án về đường cao tốc, giao thông đô thị, dịch vụ cảng và các dịch vụ công cộng. Hiệu quả mà mô hình này đem lại là giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro và tạo ra môi trường cạnh tranh cao. Đó là những lý do cơ bản khiến Nhật Bản quan tâm đến các dự án hạ tầng giao thông quan trọng của Việt Nam.

Thành Trung