Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần qua (11/5 - 15/5)

Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả, dần tái khởi động các hoạt động kinh tế trong bối cảnh các rủi ro về bùng phát đại dịch Covid-19 lần 2 đang ngày càng gia tăng. Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng sức ép lên Trung Quốc trong vấn đề quan hệ thương mại.

Thứ Hai – 11/5

nới lỏng phong toả
Pháp, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả, dần tái mở cửa nền kinh tế như Italy và Đức (Ảnh: Yahoo News)

Sau gần 2 tháng áp dụng các biện pháp phong toả, Pháp và một phần Tây Ban Nha đã quyết định nới lỏng lệnh phong toả kể từ ngày 11/5, tái khởi động dần các hoạt động kinh tế như Italy và Đức đang làm. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết Vương quốc Anh cũng sẽ bắt đầu nới lỏng một số hạn chế kể từ ngày 11/5. Vương quốc Anh, Pháp và Tây Ban Nha nằm trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp phong toả không đồng nghĩa với việc Pháp và Tây Ban Nha đã hoàn toàn kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19. Người dân tại Pháp và Tây Ban Nha vẫn mang tâm lý lo ngại về dịch bệnh. Tại Hàn Quốc và Trung Quốc, hai quốc gia đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trước đó, đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong cộng đồng tăng trở lại. Điều này làm dấy lên lo ngại đại dịch Covid-19 có thể bùng phát lần 2 và thổi bay các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trước đây, cũng như đánh gục hoàn toàn các  nền kinh tế vốn đã chật vật trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Các chuyên gia cảnh báo việc tiếp tục kéo dài các biện pháp phong toả có thể khiến các nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp François Villeroy de Galhau cho biết hai tháng phong toả để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh đã khiến nền kinh tế Pháp suy giảm 6% trong năm nay, tính đến thời điểm hiện tại; tuy nhiên, mức thiệt hại có thể lớn hơn nhiều do vẫn có nhiều yếu tố chưa chắc chắn về sự phục hồi của nền kinh tế nước này.

Thứ Ba – 12/5

Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ
Trung Quốc có thể phải đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế nước này phục hồi chậm với nhiều thách thức kinh tế lớn (Ảnh: China Daily)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố báo cáo thực thi chính sách tiền tệ quý 1/2020 của Trung Quốc và cho biết nền kinh tế nước này “cần có các chính sách hỗ trợ quy mô lớn hơn, chính sách tiền tệ và môi trường tài chính hợp lý nhằm vượt qua các tác động của đại dịch Covid-19”.

Điều này cho thấy PBOC có thể đẩy mạnh hơn nữa việc nới lỏng các chính sách tiền tệ trong thời gian tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc phục hồi. Mặc dù hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã gần như được khôi phục hoàn toàn nhưng hoạt động xuất khẩu của nước này được dự báo sẽ giảm xuống trong thời gian tới do nhu cầu từ Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) hiện ở mức thấp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả.

Khối ngành dịch vụ của Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn khi người tiêu dùng trong nước vẫn còn e ngại đến những khu vực đông người và lo sợ đại dịch Covid-19 có thể bùng phát lần 2.

Báo cáo của PBOC cũng lưu ý những tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế có thể nghiêm trọng hơn những ước tính hiện tại và cho biết sẽ “cần tiếp tục quan sát thêm” việc tái mở cửa nền kinh tế của Hoa Kỳ và khối EU.

Thứ Tư – 13/5

Tổng thống Donald Trump và chiến tranh thương mại
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh khối G20 tại Nhật Bản, tháng 6/2019 (Ảnh: Kevin Lamarque | Reuters)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đăng tải dòng tweet cho biết “lợi ích của 100 thoả thuận thương mại (giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc) không thể đổi lấy những sinh mạng đã mất (vì đại dịch Covid-19)”. Đại dịch Covid-19 thường được ông Donald Trump gọi dưới tên “bệnh dịch hạch Trung Quốc”.

Dòng tweet này đã khiến nhiều người lo ngại căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xoay quanh vấn đề thực thi thoả thuận thương mại giai đoạn 1 cũng như tranh cãi về sự bùng phát của đại dịch Covid-19 lại bắt đầu bùng phát trở lại.

Dòng tweet của ông Donald Trump được đưa ra chỉ sau 1 tuần khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthize và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tổ chức điện đàm cấp cao về các vấn đề kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Kết thúc điện đàm, cả hai bên đều cho biết sẽ nỗ lực thực thi những cam kết đã nêu trong thoả thuận thương mại.

Giới phân tích nhận định ông Donald Trump vẫn cần ưu tiên duy trì thoả thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc và các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ có thể gia tăng áp lực để giảm thiểu các xung đột thương mại với Trung Quốc, Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế Hoa Kỳ, thị trường Trung Quốc được coi là “phao cứu sinh” đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Thứ Năm –14/5

Kinh tế Anh đối mặt suy thoái kinh tế
 Vương quốc Anh đối mặt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 300 năm trở lại đây vì đại dịch Covid-19 (Ảnh: Getty Images)

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh, GDP của nước này đã giảm mạnh 5,8% trong tháng 3/2020 khi sự bùng phát của đại dịch Covid-10 đã khiến hàng loạt donh nghiệp tại đây phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động. Đây cũng là mức sụt giảm tăng trưởng GDP theo tháng cao nhất mà Vương quốc Anh từng ghi nhận kể từ năm 1997 – khi bắt đầu thu thập dữ liệu GDP hàng tháng.

Tính chung quý 1/2020, GDP của Vương quốc Anh giảm 2% so với quý 4/2019, mức sụt giảm GDP theo quý cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Giới phân tích cảnh báo các dữ liệu kinh tế của nước này trong tháng 4 và tháng 5/2020 sẽ còn tệ hơn 3 tháng đầu năm 2020 do các biện pháp phong toả chỉ được áp dụng kể từ tuần cuối cùng của tháng 3/2020.

Trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo nền kinh tế Anh có thể suy giảm tới 14% trong năm nay, mức suy giảm mạnh nhất trong hơn 300 năm trở lại đây.

Thứ Sáu – 15/5

Tổng giám đốc WTO bất ngờ từ chức
 Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo từ chức sớm hơn 1 năm so với dự kiến kết thúc nhiệm kỳ (Ảnh: WTO)

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo bất ngờ thông báo sẽ từ chức sớm hơn 1 năm so với thời điểm dự kiến kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 8 tới đây. Ông Roberto Azevedo đã lãnh đạo WTO kể từ năm 2013 và cho biết việc quyết định từ chức là lý do cá nhân, không liên quan đến các lý do sức khoẻ hay chính trị.

Các hoạt động của WTO đã bị tê liệt từ cuối năm ngoái dưới các sức ép của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Hoa Kỳ đã từ chối phê duyệt những người được đề cử để lấp chỗ trống các thẩm phán giải quyết những tranh chấp thương mại. Ông Donald Trump đã cho biết Hoa Kỳ bị WTO “đối xử bất công” so với Trung Quốc.

WTO được thành lập nhằm thiết lập các quy tắc thương mại toàn cầu nhưng đã không tạo ra bất kỳ thỏa thuận quốc tế lớn nào kể từ khi từ bỏ "Vòng đàm phán Doha" hồi năm 2015. Các thành viên WTO đang đàm phán hai thỏa thuận liên quan đến đánh bắt cá và thương mại điện tử nhưng vẫn còn nhiều bất đồng.

Một số thành viên như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực thúc đẩy cải cách WTO với lý do các quy tắc giao dịch toàn cầu cần phản ánh thực tế mới.

Quang Đặng