Thứ Hai – 1/6

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng cho biết nước này sẽ nỗ lực thực thi thoả thuận thương mại giai đoạn 1 với Hoa Kỳ (Ảnh: Reuters) 

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết giới chức Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh nông sản quốc doanh của nước này như COFCO và SINOGRAIN hoãn thu mua nông sản như đậu tương và thịt lợn từ Hoa Kỳ trong khi Chính phủ Trung Quốc đánh giá lại mối quan hệ giữa nước này và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân của nước này chưa nhận được chỉ đạo tương tự.

Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc đối với việc Hoa Kỳ cho biết đang tiến hành thu hồi quy chế ưu đãi đặc biệt đối với đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) xoay quanh việc Trung Quốc thông qua áp dụng Luật an ninh quốc gia mới tại đặc khu này.

Việc ngưng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản từ Hoa Kỳ có thể đẩy thoả thuận thương mại giai đoạn 1 vốn được Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết hồi đầu năm nay vào nguy cơ đổ vỡ. Thoả thuận thương mại này vốn được cho là giúp Hoa Kỳ và Trung Quốc tránh đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nước đi xa hơn nữa. Theo thoả thuận này, Trung Quốc sẽ cần phải gia tăng mua thêm 50 tỷ USD sản phẩm nông sản so với mức năm 2017, trong hai năm 2020 và 2021.

Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thực hiện các cam kết trong thoả thuận thương mại. Trước đó, trong phiên khai mạc Quốc hội Trung Quốc cuối tháng 5/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định nước này sẽ nỗ lực thực thi thoả thuận thương mại giai đoạn 1 với Hoa Kỳ.

Thứ Ba – 2/6

Lắp ráp tại Ấn Độ
Công nhân lắp ráp xe ô tô tại một nhà máy tại Ấn Độ (Ảnh: AFP)

Cục Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại Nội địa Ấn Độ (DPIIT) cho biết tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ trong năm tài khoá 2019/2020 đạt 49,97 tỷ USD, tăng mạnh 13% so với năm trước.

Trong đó, dòng vốn FDI vào khu vực dịch vụ bao gồm hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là cao nhất với 7,8 tỷ USD; tiếp đến, lĩnh vực phần mềm và phần cứng máy tính thu hút được 7,67 tỷ USD, viễn thông với 4,44 tỷ USD, thương mại với 4,57 tỷ USD và công nghiệp ô tô với 2,82 tỷ USD.

Về đối tác đầu tư, Singapore nổi lên là quốc gia rót vốn FDI nhiều nhất vào Ấn Độ trong năm tài khoá vừa qua với tổng mức đầu tư lên tới 14,67 tỷ USD, tiếp theo là Mauritius với 8,24 tỷ USD, Hà Lan với 6,5 tỷ USD và Hoa Kỳ với 4,22 tỷ USD. Nguồn vốn FDI hiện đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2019 – 2024 của Ấn Độ. Hiện quốc gia này cần khoảng 1.000 tỷ USD vốn đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế.

Trước đó, ngày 17/4/2020, DPIIT sửa đổi quy định về chính sách thu hút FDI từ các nước láng giềng bao gồm Trung Quốc, Nepal, Myanmar, Bhutan, Afghanistan, Pakistan và Bangladesh. Theo đó các dự án FDI đầu tư vào Ấn Độ từ các quốc gia này phải được chính phủ Ấn Độ phê duyệt trước.

Thứ Tư – 3/6

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo nền kinh tế Pháp có thể suy giảm đến 11% trong năm nay vì đại dịch Covid-19 (Ảnh: France24) 

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire vừa cảnh báo nước Pháp có thể đối mặt với mức suy giảm kinh tế lên tới 11% dưới các tác động của đại dịch Covid-19, cao hơn nhiều so với mức dự báo 8% được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, ông Bruno Le Maire cho biết nền kinh tế nước này sẽ phục hồi trở lại trong năm 2021.

Cuối tháng trước, Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) cảnh báo nền kinh tế nước này có thể suy giảm tới 20% trong quý II/2020 trong bối cảnh hầu hết các hoạt động kinh tế tại đây bị đình trệ khi áp dụng các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 kể từ ngày 17/3. Theo INSEE, các hoạt động kinh tế tại Pháp hiện chỉ đạt 80% so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch, con số này cao hơn mức 60% trong giai đoạn phong toả.

INSEE cho biết cứ mỗi tháng nền kinh tế Pháp phải ngưng trệ vì dịch bệnh sẽ khiến GDP cả năm 2020 giảm tới 3%. Các ngành dịch vụ, công nghiệp nặng và xây dựng đều chịu tác động nặng nề, do nhà máy đóng cửa và chỉ có những cửa hàng thiết yếu như siêu thị, dược phẩm được hoạt động.

Thứ Năm – 4/6

Thất nghiệp tại Anh
 Hàng dài người thất nghiệp chờ đợi tại trước trung tâm hỗ trợ việc làm tại Anh (Ảnh: Getty Images)

Các dữ liệu mới nhất cho thấy đã có thêm khoảng 300.000 người lao động tại Vương quốc Anh rơi vào tình trạng thất nghiệp trong tuần trước. Qua đó, nâng tổng số người thất nghiệp tại đây lên mức 8,7 triệu kể từ khai đại dịch Covid-19 bùng phát tại đất nước này. Con số này cũng cho thấy đã có hơn 25% tổng lực lượng lao động tại Vương quốc Anh bị mất việc và phải phụ thuộc vào gói cứu trợ việc làm trị giá khoảng 14 tỷ bảng Anh của Chính phủ nước này.

Chính phủ Vương quốc Anh cũng vừa công bố kéo dài gói cứu trợ việc làm cho đến cuối tháng 10/2020 thay vì kết thúc vào cuối tháng 7/2020 như dự kiến trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại nước này tăng cao. Gói cứu trợ việc làm được công bối hồi tháng 3/2020 nhằm ngăn chặn tình trạng sa thải diện rộng tại Anh khi hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ vì các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19.

Dự kiến gói cứu trợ việc làm sẽ khiến Chính phủ Vương quốc Anh tiêu tốn khoảng 80 tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lao động Anh Anneliese Dodds cảnh báo tình trạng thất nghiệp sẽ tăng trở lại sau khi gói cứu trợ việc làm kết thúc.

Thứ Sáu – 5/6

Nền kinh tế Australia
Mạch tăng trưởng kéo dài kỷ lục 29 năm của nền kinh tế Australia chính thức chấm dứt vì đại dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters)

Dữ liệu chính thức mới công bố cho thấy GDP quý 1/2020 của Australia đã giảm 0,3%; giới phân tích cảnh báo nền kinh tế Australia sẽ đối mặt với suy thoái nghiêm trọng hơn trong quý 2/2020 khi các tác động của đại dịch Covid-19 được phản ánh đầy đủ hơn. Điều này cũng đã đánh gục mạch tăng trưởng kinh tế liên tục không suy thoái kéo dài 29 năm của Australia, đây là mạch tăng trưởng kinh tế dài nhất lịch sử đối với 1 nền kinh tế phát triển.

Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg cũng xác nhận nền kinh tế Australia đã bước vào giai đoạn suy thoái kinh tế mới. Giới phân tích kỳ vọng triển vọng của nền kinh tế Australia sẽ không quá u ám như các nền kinh tế lớn khác như Hoa Kỳ và Nhật Bản nhờ việc nhanh chóng kiểm soát được đại dịch Covid-19 của Chính phủ nước này. Đồng thời, sự kết hợp giữa các biện pháp tài khoá và tiền tệ với quy mô thuộc hàng lớn nhất trong khối G20 có thể hỗ trợ nền kinh tế Australia đương đầu tốt hơn với các tác động của đại dịch Covid-19.

Trong gần 30 năm trở lại đây, nền kinh tế Australia đã duy trì tăng trưởng bất chấp nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, bong bóng dotcom năm 2000 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.