Tìm giải pháp ngăn chặn thuốc lá nhập lậu

Dù đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua nhưng việc kiểm soát, chống thuốc lá lậu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi những giải pháp mạnh tay hơn từ các cơ quan chức năng.

Vì sao thuốc lá lậu “nóng”?

Tại hội thảo “Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) tổ chức mới đây, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch VTA cho biết, trong những năm qua, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã đạt nhiều kết quả tích cực nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Ban chỉ đạo 389 cùng các lực lượng chức năng đã triển khai hiệu quả các cuộc điều tra biên giới thường xuyên và giám sát thị trường trên toàn quốc, phát hiện thành công nhiều vụ buôn bán thuốc lá bất hợp pháp.

Quang cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Đặc biệt, trong hai năm gần đây khi việc lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ hơn do tình hình Covid-19, công tác chống thuốc lá lậu đã có những tiến triển đáng kể, cụ thể số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với 2019, thị phần thuốc lá lậu trong năm 2020 theo đó cũng giảm gần 2%. 

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thử thách đặt ra cho Chính phủ và các lực lượng chức năng trong công tác chống thuốc lá lậu. Theo các diễn giả tại Hội thảo, thực trạng này là do nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến đầu tiên là lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận của các sản phẩm thuốc lá lậu. Đơn cử, lợi nhuận thu được từ một bao thuốc lá Jet nhập lậu từ biên giới khoảng 7.000 - 8.000 đồng, cao gấp 3 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hộ
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội
phát biểu tại Hội thảo

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội chỉ rõ, mặc dù các lực lượng thực thi đã nỗ lực triển khai các giải pháp chống thuốc lá lậu, tuy nhiên tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn không suy giảm mà có xu hướng gia tăng để lại nhiều hệ lụy. Nguyên nhân là bởi lợi nhuận buôn lậu thuốc lá quá cao, lên đến 400%. Dù người buôn đều là những người dân nghèo vùng biên giới, họ cũng luôn thiệt thòi nhưng vì lợi nhuận cao người ta sẽ tìm mọi cách để có được nó - GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích.

Nghiêm trọng hơn, thuốc lá được nhập khẩu bất hợp pháp vào nước ta không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất độc hại bị cấm sử dụng, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như đường biên giới phức tạp với nhiều đường mòn lối mở, phương thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi, hay việc lợi dụng cư dân sống ở vùng biên giới trung chuyển… cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng biên phòng và các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát tình hình.

Ngoài ra, những năm gần đây đây xuất hiện tình trạng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam nhưng trên bao bì dán tem thuốc lá Việt Nam để qua mặt các cơ quan chức năng. Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu thường đối phó bằng cách vận chuyển mỗi lần dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự. Tại thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được bán lén lút tại các nhà hàng, quán cafe, tủ bán thuốc lá lẻ…

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực kiểm soát, tình hình buôn lậu thuốc lá đã diễn biến phức tạp trở lại kể từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 sau thời gian giãn cách xã hội. Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã quyết định mở cửa hoàn toàn giao thương, giao lưu kết nối trong nước cũng như quốc tế, đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hoạt động bình thường trở lại.

Điều này tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng tuyến biên giới, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Báo cáo của các đại biểu tại Hội thảo cũng chỉ ra, buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu phổ biến nhất là Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu, và tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc. Một số lượng khác đi qua các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Lào ở miền Trung và biên giới với Trung Quốc ở miền Bắc. Đó là chưa kể tới sự xuất hiện và xâm nhập thị trường ngày càng nhiều của thuốc lá lậu thế hệ mới trong những năm gần đây.

Giải pháp nào phòng chống thuốc lá lậu? 

Áp thuế là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra để hạn chế tình trạng buôn lậu thuốc lá. Theo đó, GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích: Nếu như tính thuế mà tính trên giá bán là 35% có nghĩa là cứ 2 lần người ta đi buôn chót lọt mà 1 lần bị bắt thì người ta sẽ tính toán có nên đi buôn hay không? Nhưng nếu thuế tăng lên 50% so với giá bán nếu tính 1 lần buôn, 1 lần bắt, 1 lần phạt người ta cũng sẽ tính toán có nên đi buôn hay không? Nếu thuế tăng theo mức của thế giới là 70% tức là 3 lần buôn 1 lần bị bắt thì người ta mới tính toán chuyện có nên đi buôn hay không? Nếu mà nói như chúng ta thuế hiện nay là 400% có nghĩa là kể cả 5 lần buôn 5 lần bị bắt mà 1 lần thoát tội thì người ta vẫn sẽ tính xem có nên đi buôn hay không?

Nói như thế để thấy rằng lợi nhuận đó chính là động lực lớn dẫn đến chuyện người ta có hăng hái tham gia hoạt động này hay không? Các lực lượng dù có cố gắng bao nhiêu thì người ta vẫn lao vào đi buôn lậu - GS. TS Hoàng Văn Cường nói. Đồng thời nêu ý kiến, vấn đề đặt ra ở đây là thuốc lá đúng là mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng, phải đánh thuế để hạn chế tiêu dùng.

Nhưng việc đánh thuế phải song hành với các biện pháp khác nhau, đặc biệt là công tác Phòng chống buôn lậu thuốc lá. Trong bối cảnh công tác chống buôn lậu của chúng ta chưa thực sự hiệu quả, còn phải rút ra nhiều kinh nghiệm thì chính sách thuế cũng là 1 phương pháp để chúng ta cân đối, giảm động lực của những người buôn lậu, đồng thời khuyến khích những người sản xuất trong nước kiểm soát chất lượng.

Bên cạnh đó, việc tăng thuế cũng nên ở mức độ nào đó và không tăng một cách đột ngột mà tăng từng bước. Việc tăng đều sẽ không tạo ra những cú sốc là tiền đề cho những người nghiện thuốc họ không thể ngay lập tức từ bỏ việc hút thuốc lá.

ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
phát biểu tại Hội thảo

Đồng ý kiến, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, tăng thuế thuốc lá cũng phải xử lý tốt chống lậu. Nếu chỉ tăng thuế mà bỏ quên việc chống lậu thì việc buôn lậu sẽ lại càng phát triển hơn, ảnh hưởng nặng nề hơn.

Ông Hồ Lê Nghĩa cũng nêu kiến nghị với Quốc hội về giám sát việc quản lý, sử dụng các mục tiêu của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, “thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá và sản phẩm thuốc lá”.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) tổ chức mới đây, ông Hồ Lê Nghĩa
Ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch VTA phát biểu tại Hội thảo

Hiệp hội còn kiến nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường các địa phương, các lực lượng chức năng: Ra quân kiểm tra, bắt giữ, xử lý hệ thống bán lẻ thuốc lá lậu. Nên thực hiện thường xuyên, liên tục bởi tình trạng này hiện tràn lan, rất dễ phát hiện. 

Riêng thuốc lá thế hệ mới, cần ban hành khung pháp lý hoặc cơ chế thí điểm cho việc kinh doanh, phân phối sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tạo hành lang pháp lý cho nguồn cung sản phẩm từ doanh nghiệp sản xuất hợp pháp.

Liên quan đến công tác tuyên truyền, theo các diễn giả tại Hội thảo, hiện nay đa phần tin tức công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông chỉ dừng lại ở các vụt bắt giữ thuốc lá, rất ít thông tin về việc áp dụng các hình phạt trong xử lý vụ việc sau đó nên tác dụng tuyên truyền chưa cao, dẫn đến sự lơ là trong chấp hành pháp luật ở các đối tượng.

Thanh Tú