Tín hiệu tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ khắp Châu Á

Hãng tin Bloomberg nhận định đà phục hồi kinh tế toàn cầu trong bối cảnh vaccine ngừa Covid-19 được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới cùng với nỗi lo lạm phát gia trỗi dậy và giá hàng hoá cơ bản tăng mạnh đang gợi lên đồn đoán rằng các ngân hàng trung ương sẽ sớm thắt chặt trở lại chính sách tiền tệ.

Áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ đang xuất hiện tại nhiều nền kinh tế và điều này có thể sẽ diễn ra sớm nhất tại Ấn Độ. Trong tháng  2 vừa qua, hợp đồng hoán đổi lãi suất (IRS) kỳ hạn 5 năm của Ấn Độ đã tăng 0,63 điểm phần trăm, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào năm 2013.

Việc IRS tăng phản ánh kỳ vọng gia tăng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Tập đoàn ngân hàng Standard Charterd (Anh) nhận định việc IRS tăng tại Ấn Độ cho thấy nước này sẽ nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ, sớm hơn nhiều so với các quốc gia khác tại Châu Á.

Ông Suyash Choudhary, trưởng bộ phận thị trường trái phiếu thuộc tập đoàn IDFC Asset Management, nhận định “Thị trường đang tràn ngập những giao dịch dựa trên kỳ vọng lớn vào sự trỗi dậy của lạm phát trên toàn cầu. Trong bối cảnh như vậy, sự nhạy cảm của Ấn Độ với diễn biến giá dầu thô, cũng như sự phục hồi hình chữ V trong các hoạt động kinh tế có thể tạo ra những kỳ vọng khác biệt về đường đi của chính sách tiền tệ trong thời gian tới”. IDFC Asset Management là hãng quản lý đầu tư tài sản lớn nhất Ấn Độ.

Hãng tài chính ICICI Securities Primary Dealership (Ấn Độ) nhận định mức tăng IRS tại Ấn Độ phản ánh kỳ vọng lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1% trong năm 2022 so với kỳ vọng tăng từ 0,25% - 1% trong năm nay.

Giới đầu tư trên toàn cầu đang đặt cược ngày càng nhiều vào khả năng lãi suất sớm tăng trở lại trong bối cảnh phục hồi kinh tế rõ nét hơn cùng với đó là rủi ro lạm phát tăng mạnh sau khi các ngân hàng trung ương trên thế giới duy trì mức lãi suất siêu thấp kéo dài cũng như tung ra các gói kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có.

Ông Nagaraj Kulkarni, chiến lược gia cao cấp về lãi suất thuộc Standard Chartered, nhận định “Thị trường đang kỳ vọng lạm phát tăng do sự mở rộng cung tiền ở khắp các nền kinh tế, và gần đây hơn là sự tăng giá hàng hóa cơ bản. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương đến thời điểm này vẫn còn lạc quan hơn thị trường về vấn đề lạm phát".

Đối với Ấn Độ, áp lực gia tăng lãi suất trở lại sẽ là thách thức đối Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI). Thống đốc RBI ông Shatikanta Das đã cam kết sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng lâu nhất có thể để hỗ trợ nền kinh tế Ấn Độ hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Các thị trường hoán đổi lãi suất khác trên khắp Châu Á cũng đang phát tín hiệu về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong thời gian tới, đặt ra thử thách cho các ngân hàng trung ương trong việc hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng của Ấn Độ hiện vẫn đang nằm trong khoảng mục tiêu 2-6% của RBI, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng giá xăng dầu tăng sẽ sớm kéo chỉ số này lên mức cao hơn. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 trên thế giới và nước này gần đây đã lên tiếng cảnh báo việc giá dầu thô tăng cao liên tục sẽ ảnh hưởng xấu đến đà phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia.

Trong tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ ông Jerome Powell đã phát tín hiệu cho thấy sẽ không nhanh chóng rút lại các biện pháp tiền tệ siêu nới lỏng mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ được dự báo sẽ về gần với trạng thái bình thường từ nay đến cuối năm.

Ông Jerome Powell dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên trong những tháng tới vì hiện nay chỉ số giá đang ở ngưỡng tương đương với mức cách đây 1 năm khi nền kinh tế Hoa Kỳ gần như bị đình trệ hoàn toàn. Ngoài ra lạm phát cũng tăng vì nhu cầu chi tiêu bù sau khi ngày càng có nhiều người được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, chủ tịch FED cho biết mức tăng của lạm phát là không lớn và sẽ không kéo dài.

Tại Trung Quốc, giới chức nước này đã phát tín hiệu cho thấy sẽ thu hẹp dần các chương trình kích thích kinh tế, hạn chế mở rộng tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Trong báo cáo chính thức trước Quốc hội nước này vào ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 trên 6% và cho biết sẽ giữ chính sách tiền tệ “ở mức hợp lý và phù hợp”.

Với lo ngại về lạm phát trong ngắn hạn, các nhà phân tích tại Trung Quốc đang theo dõi sự gia tăng giá của nhiều mặt hàng mà nước này sử dụng nhiều nhất thế giới như các kim loại công nghiệp và dầu thô.

Trong tháng trước, giá kim loại đồng đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011, giá dầu thô cũng đã chạm ngưỡng cao nhất kể từ tháng 1/2020 đến nay. Những đợt tăng giá hàng hoá cơ bản này sẽ làm tăng chi phí sản xuất ở Trung Quốc.

Quang Đặng (Tham khảo Bloomberg)