Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân theo pháp luật hình sự Việt Nam - Một số vấn đề cần hoàn thiện

ThS. KINH THỊ TUYẾT (Khoa Cơ bản - Trường Đại học Tài chính – Marketing)

TÓM TẮT:  

Pháp nhân thương mại, chủ thể khá quen thuộc của Luật Thương mại, Dân sự, nhưng không được xem là chủ thể của Luật Hình sự theo các văn bản trước đây xuất phát từ quan điểm cho rằng tội phạm phải là cá nhân. Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2017) bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi quy định thêm một chủ thể mới là tội phạm - Pháp nhân thương mại. Điều này hoàn toàn phù hợp với diễn biến của nền kinh tế thị trường hiện nay và thông lệ quốc tế. Tuy vậy, trên thực tế, áp dụng những quy định này không phải là việc dễ dàng. Bài viết bàn về tính cần thiết quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân, những quy định hiện hành và một số vấn đề cần hoàn thiện chế định này.

Từ khóa: Trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại, Bộ luật Hình sự.

1. Sự cần thiết phải quy định TNHS đối với pháp nhân trong giai đoạn hiện nay

Trước đây, xuất phát từ quan điểm cho rằng tội phạm phải là tổng hợp những hành vi khách quan do một con người cụ thể có nhận thức thực hiện, nên pháp luật hình sự Việt Nam không xem pháp nhân - một thực thể pháp lý trừu tượng - là đối tượng điều chỉnh với tư cách là tội phạm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc quy định TNHS đối với pháp nhân là cần thiết với những lý do sau:

Thứ nhất, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận đã và đang thực hiện nhiều hành vi bất chấp an toàn, tính mạng con người, xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, tổ chức, công dân, trật tự xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực về môi trường, thuế, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, xây dựng... với mức độ càng lúc càng gia tăng về sự tinh vi của hành vi, thiệt hại của hậu quả. 

Thứ hai, các chế tài hành chính, dân sự hiện hành chưa đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa.

Theo quy định trước ngày 01/01/2018, những vi phạm của pháp nhân, dù ở mức nguy hại cho xã hội ra sao thì cũng chỉ chịu trách nhiệm hành chính, dân sự.

Về xử phạt hành chính, theo Khoản 1, Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, tổ chức, pháp nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một trong các hình thức là cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ở nước ta, trong các biện pháp trên, phạt tiền được áp dụng là chủ yếu. Tuy vậy, mức phạt tiền tối đa theo Khoản 1, Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của tổ chức, pháp nhân là 2 tỷ đồng. Ngược lại, cái lợi nhuận về kinh tế mang lại cho các pháp nhân từ các hành vi trên có thể cao gấp hàng trăm, hàng ngàn lần con số 2 tỷ đó. Chính vì thế, nhiều pháp nhân là các doanh nghiệp có thể chấp nhận, thậm chí là vui vẻ nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Từ đó, ban hành một chế tài nghiêm khắc hơn so với biện pháp xử phạt hành chính là cần thiết.

Về trách nhiệm dân sự, mặc dù theo quy định của Bộ luật Dân sự, pháp nhân có hành vi vi phạm gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường. Qua thực tiễn nhận thấy, người chịu thiệt hại từ các hành vi vi phạm của các các pháp nhân thương mại chủ yếu là người dân và người dân muốn yêu cầu pháp nhân bồi thường phải trải qua thủ tục khởi kiện dân sự và phải tự chứng minh thiệt hại mà pháp nhân đã gây ra cho mình. Điều này trên thực tế hoàn toàn không phải dễ dàng thực hiện, đặc biệt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước kéo dài trong một thời gian dài, và muốn chứng minh thiệt hại phải trải qua việc xét nghiệm khoa học...

Bên cạnh đó, tâm lý “ngại ra Tòa” của người dân cũng là yếu tố gây khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm dân sự đối với pháp nhân. Nếu pháp luật quy định đây là hành vi phạm tội, thì việc truy cứu, chứng minh thiệt hại... thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, và sẽ dễ dàng thực hiện hơn.

Thứ ba, việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân là xu thế phù hợp với hội nhập quốc tế.

Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Canada, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... đã quy định TNHS đối với pháp nhân. Điều này cũng được quy định trong nhiều Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, Công ước về phòng chống rửa tiền… Do vậy, việc bổ sung loại tội phạm này trong pháp luật hình sự của nước ta như là một minh chứng cho việc hội nhập quốc tế của Việt Nam, như là một cam kết của chúng ta trong việc thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời, việc quy định này cũng đưa pháp luật nước ta xích lại gần hơn, phù hợp với luật pháp của nhiều nước trên thế giới.

Từ những lý do trên, việc quy định TNHS đối với pháp nhân trong bối cảnh hiện tại là điều tất yếu của pháp luật Việt Nam.

2. Quy định về TNHS của pháp nhân theo BLHS 2015

Thứ nhất, về chủ thể TNHS chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại

Việc xem xét loại pháp nhân nào TNHS ở các nước khác nhau không giống nhau. Có những quốc gia quy định tương đối rộng, truy cứu trách nhiệm đối với hầu hết các pháp nhân như Pháp, Anh; có những quốc gia quy định phạm vi hẹp, ví dụ Trung Quốc; có quốc gia quy định chủ thể phải có tư cách pháp nhân như Pháp, trong khi quốc gia lại không đặt ra vấn đề tư cách pháp nhân của chủ thể như Singapore, Anh.

Theo pháp luật nước ta hiện nay, “Pháp nhân” là khái niệm có nội hàm rất rộng. Tổ chức nào thỏa mãn các dấu hiệu tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 đều được gọi là pháp nhân. Đó là, (i) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; (ii) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; (iii) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình (iv) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Pháp nhân Việt Nam hiện nay bao gồm hầu hết các loại hình doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội... BLHS 2015 không điều chỉnh tất cả với tư cách là tội phạm. Điều 2 BLHS 2015 quy định rõ: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”, điều này khẳng định chỉ pháp nhân thương mại mới bị xem là tội phạm. Pháp nhân thương mại theo Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 là “Pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên”. Như vậy, pháp nhân thương mại Việt Nam chính là các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế.

Sự quy định hẹp này có lẽ xuất phát từ việc Nhà nước đánh giá các hành vi vi phạm hiện nay chủ yếu tập trung từ các hoạt động kinh doanh, môi trường, thuế... tồn tại chủ yếu ở doanh nghiệp. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên pháp luật quy định loại tội phạm này nên cũng cần thận trọng, tạo bước đệm để xu thế sẽ mở rộng trong tương lai.

Theo Điều 75 BLHS, Pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các điều kiện:

  • Hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại. Hành vi được thực hiện bởi một hoặc các cá nhân của pháp nhân nhưng nhân danh pháp nhân, sử dụng tên, con dấu của pháp nhân. Như vậy, việc xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân dựa trên hành vi vi phạm của một cá nhân – thường là người điều hành, lãnh đạo pháp nhân. Trường hợp cá nhân đó thực hiện hành vi mang danh nghĩa của cá nhân thì không thể đặt vấn đề truy cứu TNHS đối với pháp nhân ngay cả khi họ là người đại diện hợp pháp của pháp nhân.

- Hành vi phạm tội vì lợi ích của pháp nhân. Mục tiêu của hành vi phạm tội phải nhằm thỏa mãn nhu cầu về lợi ích kinh tế, tìm kiếm lợi nhuận của pháp nhân.

- Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Những hành vi phạm tội này được thực hiện dựa trên quyết định, kế hoạch được phê duyệt bởi pháp nhân. Dấu hiệu này cực kỳ quan trọng, xác định lỗi của pháp nhân, và việc “chỉ đạo, chấp thuận” của pháp nhân thương mại thể hiện rõ mặt lý trí là nhận thức được hành vi, hậu quả của người thực hiện hành vi đó.

- Hành vi phạm tội chưa hết thời hạn truy cứu TNHS đối với loại tội phạm đó.

Thứ hai, về loại tội phạm áp dụng đối với pháp nhân thương mại

Hiện nay, đa số các nước, đặc biệt là các nước theo hệ thống Common Law như Anh, Mỹ, Australia, và một số nước khác theo hệ thống pháp luật thực định như Hà Lan, Bỉ…, pháp nhân phải chịu trách nhiệm cho mọi loại tội phạm. Tuy vậy, khi áp dụng thì tuân theo một số nguyên tắc nhằm loại trừ một số tội phạm đặc biệt chỉ áp dụng cho cá nhân (như tội hiếp dâm, các tội phạm liên quan tới hôn nhân – gia đình). Chỉ một số ít nước có chế định này, ví dụ Trung Quốc, quy định rõ nhóm tội phạm áp dụng đối với pháp nhân.

Theo BLHS 2015 của nước ta, pháp nhân phải chịu TNHS về 31 tội, được chia làm 2 nhóm:

- Thứ nhất, nhóm tội phạm trong lĩnh vực kinh tế: Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã).

- Thứ hai, nhóm tội phạm trong lĩnh vực môi trường: Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại);

Năm 2017, Luật Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm 02 tội danh, đó là Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324).

Thứ 3, về hình phạt đối với pháp nhân thương mại.

Xuất phát quan điểm cho rằng, pháp nhân thương mại hoạt động với mục tiêu lớn nhất, chủ yếu nhất là kiếm tìm lợi nhuận, nên việc đánh vào lợi ích kinh tế là biện pháp hữu hiệu nhất, do vậy các hình phạt áp dụng sẽ theo hướng này.

Theo Điều 33, BLHS năm 2015, hình phạt áp dụng cho pháp nhân bao gồm 2 loại là hình phạt chính và hình phạt bổ sung, theo nguyên tắc “đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”.

Hình phạt chính bao gồm:

- Hình phạt tiền (Điều 77): Hình phạt này được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng -  cao hơn nhiều so với trách nhiệm hành chính.

- Đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78): Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế; Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.

- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79): Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra; Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Việc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với các pháp nhân thương mại thường dẫn đến một số hậu quả tiêu cực khác như: người lao động sẽ phải mất việc làm, giảm thu ngân sách nhà nước… Do vậy, chỉ áp dụng hình phạt này đối với những hành vi vi phạm thật sự nghiêm trọng và hậu quả là không thể khắc phục, trong trường hợp việc vi phạm có khả năng khắc phục được hậu quả thì hình phạt trên tinh thần tạo điều kiện cho pháp nhân khắc phục, sửa chữa sai lầm, do vậy sẽ chỉ chịu hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Hình phạt bổ sung bao gồm:

- Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80): Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội; Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể, thời gian bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động.

- Cấm huy động vốn (Điều 81): Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội, gồm: Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư; Cấm phát hành, chào bán chứng khoán; Cấm huy động vốn khách hàng; Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.

Ngoài ra, BLHS còn quy định các biện pháp tư pháp áp dụng cho pháp nhân phạm tội (Điều 82).

3. Một số vấn đề cần hoàn thiện trong quy định TNHS đối với pháp nhân

Tính đến ngày 19/6/2019 - hơn 1 năm rưỡi từ ngày chế định này được áp dụng, theo thông tin từ Bộ Tư pháp, chưa có pháp nhân thương mại nào bị khởi tố theo thủ tục tố tụng hình sự, mặc dù những hành vi vi phạm thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của pháp nhân trên thực tế đã và đang xảy ra không ít và các cơ quan nhà nước vẫn chỉ áp dụng trách nhiệm hành chính. Điều này khẳng định, việc áp dụng quy định này vào cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy còn một vài điểm cần hoàn thiện như sau:

- Thứ nhất, BLHS chỉ điều chỉnh pháp nhân thương mại là chưa thật sự thuyết phục. Các nhà làm luật với tư duy rằng hầu hết các tội phạm liên quan đến pháp nhân thường xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận, do vậy chỉ là pháp nhân thương mại. Thực tế, có những pháp nhân không hoạt động thương mại vẫn có mục tiêu lợi nhuận, hoặc vì một lý do nào đó, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều. Ví dụ, một tờ báo (không phải là pháp nhân thương mại) đăng bài mang tính xúc phạm danh dự, nhân phẩm một người gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đăng tin sai lệnh về hoạt động của một doanh nghiệp gây ảnh hưởng lớn, thậm chí có thể dẫn đến phá sản doanh nghiệp đó, thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm của người viết bài, cần phải xử lý hình sự với pháp nhân tờ báo thì mới thỏa đáng.

- Thứ 2, mặc dù Bộ luật Hình sự quy định pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm của cá nhân liên quan (Khoản 2, Điều 75: Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân), vấn đề này vẫn chưa được quy định rõ. Cá nhân này là ai? Từ trước đến nay, hầu hết trong các vụ việc cụ thể, nhà nước chỉ truy cứu trách nhiệm của “người đứng đầu” là Giám đốc (Tổng giám đốc) hay Chủ tịch Hội đồng quản trị. Nếu quyết định đó được thông qua bởi một tập thể như Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn... thì tất cả thành viên này chịu trách nhiệm hình sự hay không? Thiết nghĩ vấn đề này phải được quy định một cách cụ thể.

- Thứ ba, nên bổ sung hành vi tại Điều 319 BLHS 2015 (Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt) đối với pháp nhân. Trong những năm gần đây, khi lĩnh vực bất động sản càng lúc càng phát triển, nhiều công ty vì cần đất xây dựng khu du lịch, kho bãi... đã tự ý di dời trái phép rất nhiều mồ mả của người dân, gây nhiều bức xúc, nhưng chưa được xử lý một cách nghiêm minh. Những hành vi này thật sự nghiêm trọng nhưng chỉ bị xử lý hành chính là không thỏa đáng, trong khi một cá nhân nếu có hành vi tương tự với một ngôi mộ thôi cũng đã có thể chịu TNHS.

4. Kết luận

Việc quy định TNHS đối với pháp nhân không được xem là mới đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể nên chế định này bắt đầu được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Đây được xem là một bước tiến lớn trong việc hoàn hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời tiếp cận và hòa nhập với pháp luật quốc tế. Tuy vậy, chế định mới này muốn được thực thi tốt, trên thực tế cần phải có thêm nhiều yếu tố như thay đổi cách nhìn về tội phạm từ cơ quan tiến hành tố tụng, sự “mạnh tay” từ các cơ quan quản lý nhà nước, và sự am hiểu pháp luật từ người dân; quan trọng là cần thêm nhiều ý kiến đóng góp từ phía các nhà nghiên cứu luật trong và ngoài nước nhằm hoàn thiện hơn nữa chế định này trong pháp luật hình sự.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Hình sự năm 2015.
  2. Bộ luật Dân sự năm 2015.
  3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
  4. Luật Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
  5. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

6.http://vks.haugiang.gov.vn/luat-to-chuc-vkstc-cac-dao-luat-tu-phap/nhung-van-de-can-quan-tam-khi-xu-ly-hinh-su-doi-voi-phap-nhan-thuong-mai-78.html

7.https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-doi-voi-phap-nhan-thuong-mai-pham-toi

8.https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2219

9.http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/nghiep-vu/truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-cua-phap-nhan-van-de-moi-tai-viet-nam-khong-moi-voi-the-gioi-109680.html

  

CRIMINAL LIABILITY OF COMMERCIAL LEGAL ENTITIES UNDER THE CRIMINAL CODE OF VIETNAM - SOME ISSUES THAT NEED TO BE ADDRESSED

Master. KINH THI TUYET

Faculty of Basis, University of Finance - Marketing

ABSTRACT:

Commercial legal entities are a familiar subject of Commercial and Civil Law. However, they are not considered as the subject of Criminal Code based on the view that  criminals must be individuals.The Criminal Code 2015 (amended and supplemented in 2017), which came into effect on January 1, 2018, marks an important step as the commercial legal entity could be considered as a criminal. This step is entirely consistent with the evolution of the current market economy and international practices. However, the implementation of this new regulation is not an easy task.  The article discusses the necessity of criminal liability provisions  for legal entities, current regulations and some related issues that need to be improved.

Keywords: Criminal liability, commercial legal entity, criminal liability, Criminal Code.