“Trái ngọt” từ đầu tư công nghệ: Doanh nghiệp Việt hướng đến chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu

Nỗ lực đổi mới của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đang từng bước thay đổi diện mạo của toàn ngành công nghiệp hỗ trợ, và ứng dụng khoa học công nghệ vẫn sẽ tiếp tục là “chìa khóa vàng” nếu doanh nghiệp Việt muốn mở cánh cửa hội nhập, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp cao su - nhựa trong nước đã thành công tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp ô tô - xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử,… Các sản phẩm mang giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của những tập đoàn, công ty đa quốc gia nhờ doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng chiến lược đầu tư công nghệ bài bản trong quản lý và sản xuất, hướng đến phát triển trong dài hạn.

Theo ông Bùi Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội, một trong những lợi thế của ngành phụ trợ trong nước thời gian qua là nhân công giá rẻ, nhưng lợi thế này cũng không duy trì được lâu do mặt bằng lương đang tăng nhanh, gần tiệm cận với các nước trong khu vực.

Nhận thức điều này, công nghiệp hỗ trợ trong nước đang chuyển hướng từ thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ. Tức là, các doanh nghiệp nỗ lực giảm thiểu số lượng công nhân, thay vào đó nâng cao trình độ tay nghề, tăng số lượng máy móc, thiết bị và đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Nhà máy Nhựa Hà Nội
Nhà máy Nhựa Hà Nội được áp dụng tối đa các ứng dụng tự động hóa và đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt

Tại Nhựa Hà Nội, quy trình vận hành đã sớm được đầu tư chuyển đổi số, mà trước hết là phát triển phần mềm quản quản trị doanh nghiệp ERP nhằm số hóa hoạt động quản lý, giúp kết nối trực tiếp với hệ thống của khách hàng. Qua đó, thường xuyên cập nhật số liệu, báo cáo tồn kho và tình hình thực hiện đơn hàng của từng đối tác, giảm thiểu nhân lực cho khâu này.

Việc tham gia của hệ thống robot giúp giảm thời gian hoàn thiện sản phẩm tới 30-35%, nâng cao năng suất đi đôi với đảm bảo chất lượng.

Mặt khác, hệ thống quản lý chất lượng của Nhựa Hà Nội cũng được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như ISO 9000, 90001, 14001 và hướng đến tiêu chuẩn IATF16949.

Nhờ đó, Nhựa Hà Nội đã thành công tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện nhựa, đặc biệt linh kiện nhựa kỹ thuật cao, của các tên tuổi lớn trong ngành ô tô - xe máy và điện - điện tử như Honda, Toyota, VinFast, Piaggio, Yamaha, SYM, LG, Panasonic,…

Tháng 3/2019, thành viên của Nhựa Hà Nội là An Trung Industries chính thức trở thành nhà cung ứng cấp 2 của Samsung. Chỉ 4 tháng sau, An Trung Industries tiếp tục được Brother Việt Nam lựa chọn là nhà cung ứng cấp 1. 

Không dừng lại ở đó, Nhựa Hà Nội cũng như An Trung Industries vẫn đang tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư, cải tiến bài bản với định hướng trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung trong thời gian tới. 

Việc nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm đã giúp Nhựa Hà Nội thành công tham gia chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn
Việc nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm đã giúp Nhựa Hà Nội thành công tham gia chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn

Tháng 10/2020 vừa qua, Công ty TNHH Cao su Giải Phóng đã đón nhận tin vui khi có đơn hàng linh kiện cao su từ một doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất tụ điện tại Việt Nam. Ông Chu Trọng Thành - Giám đốc Kinh doanh Công ty cho biết, sản lượng mà đối tác đặt hàng lên đến khoảng 10 triệu đến 16 triệu linh kiện cao su mỗi năm. 

Kết quả này không ngẫu nhiên mà có được. Từ đầu năm 2020, Cao su Giải Phóng đã lên một kế hoạch đầy tham vọng để chuyển đổi số toàn bộ hoạt động hiện tại của mình. Bắt đầu từ việc áp dụng nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện, Cao su Giải Phóng tích hợp tất cả các ứng dụng quản lý doanh nghiệp trên một platform duy nhất base.vn, bao gồm giải pháp quản lý quy trình và nâng cao năng suất; quản trị thông tin và giao tiếp nội bộ; quản trị nhân sự; quản trị khách hàng và phát triển kinh doanh.

Từ đây, tất cả các loại giấy tờ, thông tin của doanh nghiệp đều được kết nối công khai trong nội bộ, phê duyệt nhanh chóng thông qua hệ thống trực tuyến. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu lượng giấy sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường, mà quan trọng hơn là khi xảy ra sự cố, ban lãnh đạo Công ty có thể lập tức nắm bắt tình hình, đưa ra các quyết định và huy động nhân sự để giải quyết trong thời gian ngắn nhất.

Cao su Giải Phóng đầu tư website có hình ảnh 360 độ của toàn nhà máy để đối tác dễ dàng "thăm quan" trực tuyến
Cao su Giải Phóng đầu tư website có hình ảnh 360 độ của toàn nhà máy để đối tác dễ dàng "thăm quan" trực tuyến

Cao su Giải Phóng cũng là một trong số ít những doanh nghiệp cao su có quy trình sản xuất khép kín bao gồm từ khâu sản xuất khuôn mẫu, thiết kế sản phẩm đến chế tạo hoàn chỉnh, đẩy nhanh tiến độ giao hàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm linh kiện.

Trong đó, mã QR code được đưa vào sử dụng nhằm kiểm soát từng lô nguyên vật liệu đầu vào đến khi xuất kho sản phẩm. Hệ thống phần mềm máy chủ kết nối và quản lý từng thiết bị máy móc, hiển thị tình trạng hoạt động, thời gian thao tác của công nhân, thời gian hoàn thiện sản phẩm,… 

Cao su Giải Phóng hiện đã thành công bắt tay với nhiều Tập đoàn lớn như Panasonic, LG, Jaguar, Nippon Seiki,… Hơn thế, sản phẩm linh kiện của donh nghiệp này còn được xuất đi 5 quốc gia khác bao gồm Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc).

Bên trong nhà máy Cao su Giải Phóng
Bên trong nhà máy Cao su Giải Phóng

Kết hợp với sự đầu tư “mạnh tay” của doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng đang ứng dụng tối đa khoa học công nghệ vào công tác quản lý và kết nối cung - cầu, hỗ trợ đưa các nhà cung ứng nội địa vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tháng 6/2020, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã chính thức ra mắt Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, kết nối, giao thương.

Đồng thời, mang đến cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có cái nhìn tổng quan về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, chất lượng sản phẩm và công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam; tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư.

Các đại biểu bấm nút tại Lễ Khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Các đại biểu bấm nút tại Lễ Khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, hệ thống này sẽ càng phát huy vai trò của mình, giúp doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay mới đây nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu này đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp phụ trợ, với hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày.

Trái ngọt từ nỗ lực đổi mới của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đang từng bước thay đổi diện mạo của toàn ngành công nghiệp hỗ trợ, và ứng dụng khoa học công nghệ vẫn sẽ tiếp tục là “chìa khóa vàng” nếu doanh nghiệp Việt muốn mở cánh cửa hội nhập, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thy Thảo