Trí thức Việt Nam với sự lựa chọn con đường cứu nước trong 30 năm đầu thế kỷ XX

TS. LÊ TIẾN DŨNG (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong mọi thời đại, trí thức luôn là một lực lượng xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn vong, hưng thịnh của mỗi quốc gia. Trong những giai đoạn chuyển tiếp hay trước những biến cố lịch sử, trí thức thường đóng vai trò tiên phong, xung kích, góp phần quyết định chiều hướng phát triển của đất nước. Ở Việt Nam, điều đó cũng được chứng minh trong giai đoạn 30 năm đầu thế kỷ XX trước khi thành lập Đảng. Bài viết sẽ phân tích về vấn đề này.

Từ khóa: Trí thức Việt Nam, trí thức, trí thức với Đảng, con đường cứu nước.

1. Đặt vấn đề

Trí thức Việt Nam có một bề dày truyền thống lâu đời, được hình thành vào đầu thế kỷ XI với sự kiện triều Lý mở khoa thi đầu tiên. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trí thức Việt Nam luôn là tầng lớp đại biểu cho tài năng và trí tuệ, gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của đất nước. Năm 1484, khi được vua Lê Thánh Tông giao nhiệm vụ viết vào văn bia nói về khoa thi tiến sĩ đầu tiên của triều Hậu Lê, danh sỹ Thân Nhân Trung đã viết: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn"[1].

Trong giai đoạn 30 năm đầu thế kỷ XX, trước thách thức mới của lịch sử, trí thức Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò của mình thông qua hoạt động tìm kiếm và lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn nhằm lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, giành lại nền độc lập và tự do cho dân tộc.

2. Tầng lớp trí thức Nho học

Năm 1802, vương triều Nguyễn được thiết lập đồng thời cũng đã kế thừa nền giáo dục khoa bảng truyền thống của dân tộc. Cùng với ý thức hiền tài là nguyên khí của quốc gia, các vị vua triều Nguyễn đã chú trọng tới việc đào tạo và sử dụng nhân tài. Trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, những người tài giỏi, đỗ đạt cao trong các kỳ thi đều được bổ nhiệm giữ những chức vụ quan trọng cả trong triều đình cho đến các địa phương. Nền giáo dục này đã tiếp tục làm xuất hiện tầng lớp trí thức Nho học cuối cùng trong lịch sử (đến năm 1919, chế độ khoa cử này chấm dứt).

Từ giữa thế kỷ 19, cùng với cả dân tộc, trí thức Việt Nam đứng trước một thách thức mới của lịch sử dân tộc khi đối diện với cuộc xâm lăng và sau đó là ách thống trị của thực dân Pháp. Được đào tạo bởi hệ thống giáo dục phong kiến, đa phần các trí thức Nho học vẫn xem việc học rồi làm quan như một biểu tượng của sự trung thành đối với đất nước. Tuy vậy, cũng có không ít trong số họ đã không tuân theo quan niệm cũ trung quân ái quốc của ý thức hệ phong kiến. Nhiều người dù đỗ đạt cao những đã từ chối làm quan hưởng bổng lộc của triều đình, lúc này đã đầu hàng và cấu kết với Pháp. Việc làm này của họ có ý bài xích quan trường, không chấp nhận và không chịu luồn cúi trước kẻ thù, thể hiện khí khái của người trí thức trước hiện trạng của đất nước.

Thái độ của bộ phận trí thức với thời cuộc đã có những thay đổi. Huỳnh Thúc Kháng tuy đỗ đầu kỳ thi Hương (năm 1900), thi Hội (năm 1904) nhưng đã từ chối ra làm quan vì lúc này chế độ phong kiến đã suy thoái, phản động, cam tâm làm tay sai cho giặc Pháp. Sau đó, ông bị bỏ tù và đã phải sống 13 năm (1908 - 1921) trong nhà tù của chế độ thực dân. Khi tên khâm sứ Trung Kỳ Passquier mời Huỳnh Thúc Kháng giữ một chức quan ở Viện Bác cổ Huế, cụ đã tỏ thái độ khinh bỉ trả lời: “Tôi chỉ có một cái tội là đậu tiến sĩ mà không đi làm quan nên mới bị đi tù. Trước đã thế, huống chi bây giờ, xin ngài miễn nói đến việc ấy”[2].

Phan Bội Châu, một chí sỹ yêu nước đã không để cái học khoa cử rập khuôn trói buộc mình. Mặc dù từng đỗ đầu kỳ thi Hương (1900) với giải Nguyên nhưng sau đó ông bôn ba khắp nước Việt Nam, liên kết với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân, Hồ Sĩ Kiện, Lê Huân, Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Lê Đại để cùng họ chống Pháp.

Một số nhà Nho khác mặc dù vẫn ra làm quan nhưng lợi dụng chức quan đó để làm công cụ tập hợp lực lượng, làm nơi bàn kế hoạch, phương pháp đánh Tây. Trần Quý Cáp là một ví dụ điển hình. Ông đậu tiến sĩ năm 1904, được bổ nhiệm làm Giáo thụ ở phủ Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), ông đã biến nơi này thành trung tâm truyền bá tư tưởng Duy Tân vào đầu thế kỷ XX.

Có thể nói, tầng lớp trí thức Nho học này đã kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, của các bậc tiền bối đi trước như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Tôn Thất Thuyết. Họ mong muốn có một con đường, một cách thức cứu nước mới tiến bộ hơn để đưa dân tộc thoát khỏi thân phận của người dân mất nước, phải sống cuộc đời nô lệ.

Trong lúc này, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản mới từ Trung Quốc, Nhật Bản đã truyền đến Việt Nam tác động sâu sắc đến nhận thức và tư tưởng của các nhà trí thức Nho học. Đứng ra thu nhận và truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản không phải là những nhà trí thức tư sản Tây học mà là những chí sĩ Nho giáo xuất thân từ cái cổ truyền, đồng thời tiếp nối trực tiếp một phong trào kháng Pháp có truyền thống. Do đó mà tư tưởng dân chủ tư sản được truyền bá lúc này tuy thiếu phần sâu sắc nhưng lại mang nhiều sắc thái, khía cạnh đặc biệt, biểu hiện được tâm hồn Việt Nam. Họ đã từng bước vượt qua được hàng rào ý thức hệ phong kiến để đến với tư tưởng tư sản.

Dưới ảnh hưởng của tư tưởng tư sản, các Nho sĩ đã tỏ rõ thái độ của mình. Họ đã cố gắng tìm ra lối thoát cho dân tộc bằng con đường cách mạng dân chủ tư sản. Một số theo chủ trương bạo động, đứng đầu là Phan Bội Châu. Một số theo chủ trương cải lương của Phan Chu Trinh. Chính vì vậy, trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX đã diễn ra rầm rộ các phong trào yêu nước dưới nhiều hình thức khác nhau.

Phan Bội Châu theo khuynh hướng bạo động đã cùng các đồng sự tập hợp những người thuộc dư đảng Cần Vương lập nên Hội Duy Tân (1904), tổ chức phong trào Đông Du (1906 - 1908). Hoạt động của Hội đã thu hút đông đảo quần chúng nói chung và tầng lớp trí thức nói riêng. Trong khoảng thời gian từ năm 1904 - 1911, Hội Duy Tân đã đóng vai trò như một đảng chính trị, phát động mạnh mẽ phong trào yêu nước trong toàn quốc, chuẩn bị về mọi mặt cho các cuộc đấu tranh đối với chính sách nô dịch của thực dân Pháp.

Trên cơ sở đó, Việt Nam Quang Phục Hội đã ra đời (1912) với chủ trương đánh đuổi giặc Pháp bằng bạo lực quân sự. Bởi vì, theo Phan Bội Châu không đem máu rửa máu thì không cải tạo được xã hội. Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa mà bất cứ một sự phản kháng hòa bình nào cũng bị đàn áp dã man thì việc dùng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng là con đường đúng đắn nhất để giành thắng lợi cho cách mạng. Tuy vậy, Phan Bội Châu và các cộng sự đã không thể giành thắng lợi trước sức mạnh của thực dân Pháp. Bản thân ông bị kết án tử hình vắng mặt, Việt Nam Quang Phục Hội tan rã. Nhà trí thức Nho học với tham vọng lấy máu để rửa máu đã rút ra bài học cho cuộc đời cách mạng gần 30 năm của mình: "Suy nghĩ việc này cũng rất hoang đường vì trong nước không có một kinh doanh tổ chức gì, chỉ chủ trương thế lực bên ngoài, trăm nghìn việc đều nương dựa vào người khác thì từ xưa đến nay, từ Đông đến Tây chưa bao giờ có một Đảng cách mạng ăn nhờ như thế"[3].

Chủ trương cải lương của Phan Chu Trinh trái ngược hoàn toàn với chủ trương bạo động của Phan Bội Châu. Tuy mục đích cuối cùng của ông cũng là giải phóng dân tộc nhưng ông cho rằng dân đang thấp kém, lực lượng vũ trang không có, nếu dùng bạo lực sẽ bị đàn áp. Ông chủ trương lợi dụng Pháp để thực hiện cải lương, làm cho dân khôn, dân giàu thì đó là lực lượng để tự giải phóng. Rất nhiều người đã tán thành chủ trương trên như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiền… Cuộc vận động duy tân của các trí thức Nho học này đã diễn ra trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, nông nghiệp, thương nghiệp… Việc thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) là một minh chứng điển hình cho lòng yêu nước, khát vọng nâng cao dân trí cho dân tộc để tự giải phóng của những nhà trí thức. Đông Kinh Nghĩa Thục đã không đơn thuần là một trường học, thực chất nó đóng vai trò của một tổ chức cách mạng. Cùng với ảnh hưởng của phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục đã góp phần nuôi dưỡng một phong trào cách mạng công khai, hợp pháp khá sôi nổi, khẳng định sức thu hút mạnh mẽ của tư tưởng Duy Tân và vai trò lãnh đạo của tầng lớp sỹ phu tiến bộ.

Chủ trương bạo động của Phan Bội Châu hay bất bạo động của Phan Chu Trinh mặc dù không giải quyết được yêu cầu của lịch sử, tuy vậy hoạt động của họ cũng đã khơi dậy tinh thần yêu nước của cả dân tộc trong ba thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Dù thất bại, nhưng các phong trào này đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, góp phần tìm kiếm, lựa chọn con đường đúng đắn, phù hợp để giải phóng dân tộc.

3. Tầng lớp trí thức Tây học

Sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp không chỉ dừng lại ở ý đồ khai thác thuộc địa mà còn thực hiện tham vọng biến Việt Nam thành thuộc địa. Để thực hiện điều đó, Pháp đã chủ trương: "Phải làm cho người Việt Nam biết nói tiếng Pháp, nhiễm tư tưởng Pháp, do đó phải bắt đầu từ nhà trường"[4], thực chất đó là mưu đồ muốn đồng hóa và nô dịch dân tộc Việt Nam. Tuy vậy, Pháp cũng không chủ trương xóa bỏ hẳn nền giáo dục Nho học và chế độ khoa cử cũ mà lợi dụng điều đó để phục vụ cho ý đồ của chúng.

Năm 1905, chính quyền thuộc địa đã thực hiện cải cách giáo dục lần thứ nhất với quy định trường Hán học có 3 bậc: bậc ấu học, bậc tiểu học và bậc trung học. Đồng thời các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình vẫn mở như cũ, chỉ khác là từ năm 1906 các thí sinh phải thi thêm môn tiếng Pháp, toán đố và các môn số học sơ đẳng. Hệ thống giáo dục này chỉ bị chính quyền thuộc địa xóa bỏ sau kỳ thi Hội cuối cùng vào năm 1919, đồng thời xác lập vị trí của hệ thống giáo dục Pháp - Việt

Trong nền giáo dục mới, Pháp cho mở các trường chuyên nghiệp để đào tạo một số trí thức, bác sỹ, kỹ sư có học vấn nhằm phục vụ cho công cuộc cai trị của chúng và còn nhằm thu hút, lôi kéo thanh niên chịu ảnh hưởng của nước Pháp để họ không tham gia vào các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Nhưng với những kiến thức được trang bị, trình độ hiểu biết của lớp trí thức mới này được nâng cao, họ càng ý thức về sự nhục nhã của số phận người dân mất nước, từ đó đã thôi thúc họ đi tiên phong trong các phong trào đấu tranh và cũng là điều kiện thuận lợi để học tiếp thu các tư tưởng mới nhằm xác định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Những gương mặt trí thức mới như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Bùi Quang Chiêu, Phan Văn Trường, Tôn Quang Phiệt… đã sớm bộc lộ hành động yêu nước qua sự lựa chọn giữa con đường cách mạng bạo lực của Phan Bội Châu hay xu hướng cải lương của Phan Chu Trinh. Bên cạnh đó, do những yếu tố tác động từ bên ngoài cũng như những chuyển biến từ bên trong, các trí thức Tây học đã tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Báo chí là hình thức đấu tranh được tầng lớp trí thức tiến bộ sử dụng để bộc lộ quan điểm chính trị của mình, bộc lộ rõ tư tưởng yêu nước tiến bộ. Hai tờ báo Chuông rạn của Nguyễn An Ninh và An Nam của Phan Văn Trường đã kịch liệt lên án chế độ thực dân, công khai chống lại chủ trương Pháp - Việt đề huề. Ngoài ra,  báo còn trích đăng một số bài trên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp, giới thiệu những tài liệu có liên quan đến cách mạng tháng Mười và chủ nghĩa xã hội. Ở Nam Bộ, tầng lớp trí thức đã lên tiếng phản đối những tên quan cai trị tàn ác và đòi nhà cầm quyền phải thi hành cải cách dân chủ cho nhân dân trên tờ Diễn đàn bản xứ của Nguyễn Phú Khai, Bùi Quang Chiêu. Các trí thức trẻ còn thành lập đại lý mua bán sách báo có tư tưởng yêu nước như Nam Đồng Thư Xã của Phạm Tuấn Tài và Phạm Tùng Lâm; Quan Hải Tùng Thư của Đào Duy Anh.

Không chỉ trên diễn đàn báo chí, các trí thức, học sinh, sinh viên cũng tham gia các cuộc biểu tình đòi thả Phan Bội Châu và lễ truy điệu Phan Châu Trinh. Khi ông Phan Bội Châu bị chính quyền thuộc địa đưa ra xét xử công khai ở tòa đại hình Hà Nội và bị kết án khổ sai chung thân thì làn sóng phản đối bùng lên trong cả nước. Tại phiên tòa, trước Hội đồng xử án cùng đông đảo quần chúng nhân dân, tú tài Nguyễn Khắc Doanh người làng Dầm, xã Nam Bình, huyện Nam Trực (Nam Định)  đã can đảm tự nguyện xin chết thay cho cụ Phan[5]. Nghĩa cử này của ông đã được nhiều báo đưa tin và bình luận, kích thích tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới học sinh và trí thức trong cả nước. Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, thực dân Pháp buộc phải hủy bỏ bản án chung thân khổ sai, ân xá cho Phan Bội Châu, và đưa cụ về an trí tại Huế.

Trong khi thắng lợi của cuộc đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu còn để lại những dư âm tốt đẹp thì ngày 16/3/1926, Phan Chu Trinh, một trong những lãnh tụ được mến mộ nhất của phong trào yêu nước Việt Nam, từ trần. Tin này đã thực sự gây xúc động lớn trong mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào truy điệu và để tang Phan Chu Trinh ở Sài Gòn đã lan rộng trên phạm vi cả nước. Hoảng sợ trước sự phát triển rầm rộ của phong trào, thực dân Pháp đã ra lệnh cấm tổ chức truy điệu Phan Chu Trinh. Hành động này không những không cấm được mà càng làm cho phong trào phát triển mạnh hơn, trong đó học sinh và sinh viên là lực lượng hăng hái nhất. Từ trong các phong trào đấu tranh sôi nổi này đã xuất hiện các tổ chức chính trị của thanh niên trí thức, tiêu biểu là Hội Phục Việt và Việt Nam Quốc dân Đảng.

Hội Phục Việt được thành lập ở Vinh vào năm 1925 vào đúng ngày quốc khánh nước Pháp. Một số tù chính trị cũ ở Trung kỳ như Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên,... một số giáo viên như Trần Mộng Bạch, Trần Phú, Hà Huy Tập... và một số sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai... đã lập ra Hội Phục Việt, về sau lấy tên là Tân Việt Cách mệnh Đảng. Chủ trương của hội là lãnh đạo quần chúng trong nước và liên lạc với các dân tộc bị áp bức trên thế giới nhằm đánh đổ đế quốc, xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái. Về sau, do chịu ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nội bộ của Hội bị phân hóa, diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng cách mạng và cải lương, cuối cùng xu hướng cách mạng theo quan điểm vô sản thắng thế. Một số đảng viên tiên tiến đã ngả sang Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, số còn lại chuẩn bị để tiến tới thành lập một chính đảng kiểu mới theo chủ nghĩa Mác - Lênin.

Những năm 1927 - 1930 có phong trào cách mạng quốc gia tư sản gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng. Hạt nhân đầu tiên của tổ chức này là nhóm Nam Đồng thư xã gồm một số trí thức yêu nước như Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính. Đây là tổ chức chính trị tiêu biểu nhất của khuynh hướng tư sản ở Việt Nam, tập hợp các thành phần tư sản, tiểu tư sản, địa chủ và cả hạ sỹ quan Việt Nam trong quân đội Pháp. Tuy có những mặt hạn chế nhưng chủ trương dùng bạo lực để chống lại thực dân Pháp của Việt Nam Quốc dân Đảng đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân ta, góp phần thúc đẩy các nhà yêu nước, nhất là lớp thanh niên trí thức tiên tiến chọn lựa một con đường mới, một giải pháp cứu nước, giải phóng dân tộc theo xu thế của thời đại, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Giữa lúc các trí thức yêu nước đang cố gắng tìm kiếm một con đường cứu nước mới thì ở nước ngoài xuất hiện một trí thức Việt Nam cũng đang bôn ba tìm kiếm, lựa chọn phương thức cứu nước làm nền tảng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang bị bế tắc ở trong nước. Người thanh niên trí thức đó là Nguyễn Tất Thành, xuất thân từ một gia đình nhà Nho, được đào tạo trong hệ thống giáo dục Pháp - Việt, là một nhà giáo trước khi trở thành nhà chính trị. Nguyễn Tất Thành là một trí thức lớn, trí thức cộng sản, tiêu biểu cho tầng lớp trí thức tây học.

Ra đi tìm đường cứu nước khi mới 21 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã trải qua một hành trình dài và đặt chân lên nhiều nước ở khắp các châu lục. Tại Pháp năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một đảng tiến bộ chủ trương chống lại các chính sách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp ở các thuộc địa. Tháng 7/1920, Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân Đạo đã giúp Người dứt khoát lựa chọn con đường cứu nước mới theo lập trường cách mạng vô sản. Sự chuyển biến trong lập trường chính trị này của Nguyễn Ái Quốc  đã mở ra cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản.

Sau khi trở về Quảng Châu (Trung Quốc) vào cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua các tổ chức yêu nước đang hoạt động tại đây với đa phần là những thanh niên trí thức đang khao khát tìm kiếm một đường hướng cứu nước mới. Lớp trí thức đầu tiên được Người bồi dưỡng, giảng dạy về chủ nghĩa cộng sản, về con đường giải phóng dân tộc là Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Ngô Gia Tự…

Nguyễn Ái Quốc không chỉ tham gia giảng dạy, đào tạo những trí thức Tây học, những thanh yêu nước trở thành người trí thức cộng sản mà còn tập hợp lực lượng thanh niêu yêu nước thông qua việc thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925). Thành phần của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên bao gồm "90% là trí thức tiểu tư sản, chỉ có 10% là công nông"[6]. Sau này mặc dù các thành phần công nhân và nông dân đã tăng lên nhưng số trí thức và học sinh vẫn chiếm một tỷ lệ cao. Trong quá trình hoạt động, Hội đã chứng tỏ được tính ưu việt và ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng và tổ chức của đông đảo tầng lớp trí thức, tác động và làm chuyển biến lập trường của họ theo lập trường cách mạng vô sản, tiêu biểu là sự chuyển biến của tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng với thành phần đa số là những trí thức. Sự chuyển biến nhanh chóng về tư tưởng của những thanh niên trí thức tiểu tư sản trong tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng nói lên sức cảm hóa và cuốn hút mạnh mẽ của chủ nghĩa cộng sản đối với những người Việt Nam lúc bấy giờ.

Dựa trên nền tảng tư tưởng đúng đắn là chủ nghĩa Mác - Lênin, tầng lớp trí thức Việt Nam đã tự nguyện rời bỏ lập trường tư sản để chuyển sang lập trường cách mạng vô sản, trở thành lớp chiến sĩ tiên phong xây dựng nền móng cho phong trào cộng sản ở Việt Nam. Thông qua tầng lớp trí thức ưu tú, chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước chân chính dẫn đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 mà đa số đảng viên ban đầu có xuất thân từ tầng lớp trí thức.

4. Kết luận

 Sự chuyển biến của phong trào yêu nước và cách mạng giải phóng dân tộc trong 30 năm đầu thế kỷ XX gắn liền với vai trò lãnh đạo của các tầng lớp trí thức Việt Nam, từ các trí thức có xuất thân từ cửa Khổng sân Trình cho tới tầng lớp trí thức được đào tạo trong hệ thống nhà trường Pháp - Việt. Nhờ hiểu biết cùng sự nhạy cảm về chính trị, trí thức là bộ phận đầu tiên tiếp xúc và tiếp thu các trào lưu tư tưởng mới, trong khi giai cấp phong kiến đã tỏ ra bất lực, giai cấp tư sản tuy đã xuất hiện nhưng còn yếu ớt, giai cấp công nhân chưa chiếm được vũ đài chính trị thì chính trí thức yêu nước là người đại diện cho lợi ích dân tộc và trở thành lực lượng đóng vai trò tổ chức và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân ta.

Những hoạt động yêu nước của trí thức Việt Nam 30 năm đầu thế kỷ XX đã khơi dậy phong trào giải phóng dân tộc phát triển rộng rãi trên cả nước. Một lực lượng quần chúng đông đảo đã được tập hợp và giác ngộ tạo thành sức mạnh đoàn kết dân tộc không thể phá vỡ.

Thông qua tầng lớp trí thức, chủ nghĩa Mác - Lênin đã được truyền bá rộng rãi và trở thành ngọn cờ tư tưởng, cơ sở lý luận khoa học của phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, cùng với sự lớn mạnh của phong trào công nhân, Đảng Cộng sản VN ra đời đầu năm 1930. Sự kiện này đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam, mở ra một trang mới đưa cách mạng Việt Nam tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác mà mở đầu là thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442). <http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1199&Catid=564>

[2] Vương Đình Quang (1965). Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, NXB Văn học, tr.85.

[3]  Phan Bội Châu (1957). Niên biểu - in lần thứ 2, NXB Văn Sử Địa , tr.139

[4] Nguyễn Đăng Tiến (1996), Lịch sử giáo dục Việt Nam trước cách mạng tháng 8-1945, NXB Giáo dục.

[5] Phong trào đòi tự do dân chủ ở Nam Định những năm 1925 - 1926. <http://baonamdinh.com.vn/channel/5093/201210/Phong-trao-doi-tu-do-dan-chu-o-nam-dinh-nhung-nam-1925-1926-2197627/>

[6] Trần Dân Tiên (1976). Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, tr.64.

 

VIETTNAMESE INTELLECTUALS WITH WAYS TO SAVE THE NATION DURING THE FIRST 30 YEARS OF THE 20TH CENTURY

Ph.D LE TIEN DUNG

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

Intellectuals have always been an important social force which determines the survival and the prosperity of a nation. During the historical transitional periods,  intellectuals often play a pioneering role, contributing to deciding the development of the nation. In Vietnam, it had been also proven in the first 30 years of the twentieth century before the establishment of the Communist Party of Vietnam.

Keywords: Vietnamese intellectuals, intellectuals, intellectuals with the Communist Party of Vietnam, seeking ways to save the nation.