Trợ giúp xã hội người đơn thân nghèo nuôi con nhỏ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

ThS. Lê Ngọc Dũng - TS. Lê Trung Đạo ( Trường Đại học Tài chính-Marketing)

TÓM TẮT:

Bài viết này nghiên cứu, phân tích về thực trạng đời sống của người đơn thân nghèo nuôi con nhỏ đang được hưởng trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, thông qua kết quả điều tra xã hội học thực hiện trong tháng 5 năm 2019 tại 5 địa bàn thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Từ khóa: Người đơn thân nghèo nuôi con nhỏ, trợ giúp xã hội, tỉnh Khánh Hòa.

 1. Đặt vấn đề

Trợ giúp xã hội (TGXH) là một trong những chính sách xã hội cơ bản của quốc gia để trợ giúp người nghèo, nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng. TGXH không chỉ là trợ cấp xã hội (như hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật của Chính phủ và của cộng đồng) cho các đối tượng hưởng lợi có thể duy trì mức sống tối thiểu mà rộng hơn còn là sự bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng, hạnh phúc và phát triển của nhân dân. Vì vậy, TGXH là một trong những trụ cột mong muốn không thể tách rời của hệ thống an sinh xã hội.

Người đơn thân (NĐT) thuộc diện hộ nghèo nuôi con nhỏ là một trong các đối tượng được hưởng TGXH theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Bài viết tập trung vào nhận diện đặc điểm cá nhân, đời sống, sức khỏe cũng như nguyện vọng của NĐT thuộc diện hộ nghèo nuôi con nhỏ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thông qua kết quả điều tra xã hội học thực hiện trong tháng 5 năm 2019 tại 5 địa bàn thuộc tỉnh Khánh Hòa.

2. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu

Bài nghiên cứu phương pháp định tính được sử dụng nhằm xây dựng hệ thống tiêu chí nhận diện đối tượng TGXH. Các kỹ thuật cụ thể được sử dụng trong nghiên cứu như phương pháp chọn mẫu có mục đích, thu thập dữ liệu mở, phân tích văn bản, số liệu thứ cấp, tổng hợp và giải thích các kết quả tìm thấy. Kết hợp với kỹ thuật phỏng vấn trực tiếp thông qua bảng câu hỏi điều tra được xây dựng từ quá trình tổng quan tài liệu, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. Nghiên cứu sử dụng phiếu khảo sát được xây dựng trên 40 chỉ tiêu. Cơ cấu mẫu được phân bổ như sau: 

Bảng 1. Tổng hợp thống kê mẫu khảo sát

bang 1
Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Trên cơ sở số liệu được thu thập về, nghiên cứu sử dụng một số phương pháp phân tích thống kê cơ bản. Thống kê mô tả với các chỉ tiêu như trung bình, tần số, tần suất…

3. Nhận diện đối tượng TGXH là NĐT

  • Đặc điểm NĐT

Cơ cấu giới tính của NĐT chủ yếu là nữ và dân tộc Kinh. Kết quả khảo sát cho thấy nữ chiếm 87,5% tổng số người khảo sát, trong khi nam chỉ chiếm 12,5%. Dân tộc Kinh chiếm 61,29% trên tổng số người tham gia trả lời câu hỏi này, tương ứng là 38,71% cho các dân tộc khác.

Tuổi trung bình của những NĐT chủ yếu từ 31 đến 50 tuổi. Dựa theo năm sinh của người được khảo sát để phân thành 3 nhóm tuổi là: Nhỏ hơn 31 tuổi, từ 31 - 50 tuổi và trên 50 tuổi. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ NĐT từ 31 - 50 tuổi chiếm số đông 75%, chỉ có 9,4% số NĐT được khảo sát là nhỏ hơn 31tuổi, 15,6% có độ tuổi trong khoảng trên 50 tuổi. (Hình 1)

Hình 1: Độ tuổi của người được khảo sát

hình 1

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Tình trạng hôn nhân của những NĐT chủ yếu là góa phụ. Kết quả khảo sát cho thấy với tỷ lệ NĐT là góa phụ chiếm 70,97%, còn lại là li dị 9,68% và 19,35% cho những trường hợp khác.

  • Thông tin chung về sức khỏe NĐT

Hiện nay, những NĐT đa phần đều có sức khỏe tốt. Có đến 56,3% số NĐT được khảo sát có sức khỏe tốt, trong khi tỷ lệ những người có sức khỏe kém chỉ là 6,2% và còn lại 37,5% có sức khỏe bình thường. (Hình 2)

Hình 2: Tình trạng sức khỏe NĐT

hình 2

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

NĐT đa phần không mắc bệnh. Kết quả khảo sát cho thấy, NĐT không mắc bệnh chiếm 67,7%, còn lại là mắc bệnh về bại liệt; tim, mạch; bệnh về tai, mắt; bệnh về răng; bệnh suy giảm trí nhớ. (Hình 3)

Hình 3: Các bệnh thường mắc ở NĐT 

hinh 3

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

+ Khả năng vận động, Khả năng tham gia lao động

Nhìn chung, tất cả NĐT tham gia khảo sát đều có khả năng vận động và phần lớn còn khả năng tham gia lao động. Với kết quả khảo sát, ta nhận thấy rằng, số người không còn khả năng tham gia lao động chiếm tỷ lệ tuy không nhiều nhưng cũng đáng để đánh giá (12,5%). Còn lại phần lớn những NĐT được khảo sát đều có khả năng tham gia lao động tạo thu nhập.

  • Thực trạng đời sống của NĐT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

+ Tình trạng sinh sống

Đa số NĐT sống chung với người có nghĩa vụ phụng dưỡng và khác. Kết quả khảo sát cho thấy rằng, NĐT sống chung với người có nghĩa vụ phụng dưỡng chiếm 25,0% và khác chiếm 59,4%; tỷ lệ NĐT sống một mình vẫn còn (chiếm 12,5%). (Hình 4)

Hình 4: Tình trạng sống của NĐT 

hinh 4

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

+ Danh sách hộ nghèo

Hiện nay, NĐT chủ yếu là người nghèo. Kết quả nghiên cứu cho thấy,  khoảng 96,8% NĐT thuộc hộ nghèo và chỉ có 3,2% NĐT không nằm trong danh sách hộ nghèo.

+ Tình trạng sở hữu nhà

Phần lớn NĐT đang sở hữu nhà ở. Đây là điều kiện vật chất, giúp NĐT có thể sống và sinh hoạt thoải mái. Tỷ lệ số NĐT sở hữu nhà chiếm 80,6%. Một số NĐT vẫn đang trong tình trạng nhà thuê và khác (chiếm 19,4%).

NĐT sở hữu nhà và ở nhà bán kiên cố nhiều hơn, gấp 2,5 lần so với nhà kiên cố. Trong số những NĐT có nhà chủ sở hữu, có khoảng 70,0% NĐT sở hữu nhà bán kiên cố và 26,7% NĐT sở hữu nhà kiên cố. Đối với nhà tạm bợ, vẫn còn 3,3% NĐT sở hữu nhà dạng này.

+ Tình trạng thu nhập và chi tiêu

Trong cuộc khảo sát nghiên cứu NĐT có 6 loại chi tiêu được đề cập gồm: Chi ăn uống, Chi chữa bệnh, Chi thuê nhà, Chi tiền học, Chi giao tế và Chi khác. Kết quả khảo sát về hoạt động chi tiêu hàng tháng của NĐT tập trung chủ yếu 2 loại chi là Chi ăn uống và Chi tiền học cho con với mức chi bình quân là 1.559 ngàn đồng và 865 ngàn đồng. Các chi phí như Chi giao tế và Chi chữa bệnh cũng được nhiều NĐT sử dụng với mức chi bình quân là 566,7 ngàn đồng và 483,3 ngàn đồng. (Bảng 2)

Bảng 2. Hiện trạng chi tiêu NĐT đang hưởng TGXH

ĐVT: 1000 đồng

bang 2
Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

NĐT có 5 nguồn thu gồm nguồn từ trợ giúp xã hội thường xuyên, trợ giúp đột xuất, từ người thân, từ tổ chức ngoài nhà nước và tham gia lao động. Trong đó, hầu hết NĐT có các nguồn thu chính từ người thân và tham gia lao động.  Kết quả khảo sát cho thấy, có 27/31 người có nguồn thu từ TGXH với mức thu bình quân là 570,7 ngàn đồng và 27/31 người có nguồn từ tham gia lao động với mức thu bình quân là 2.434,8 ngàn đồng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có sự chênh lệch rất lớn giữa số tiền NĐT nhận được trong mỗi nguồn thu. (Bảng 3)

Bảng 3. Hiện trạng thu nhập của NĐT đang hưởng TGXH

ĐVT: 1000 đồng

bang 3
Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

  • Thực trạng nhu cầu, kỳ vọng NĐT

Mức độ mong muốn của NĐT hưởng TGXH có sự tăng dần, từ rất ít đến rất cao và phần lớn ở mức nhu cầu mong muốn cao và rất cao. Cụ thể, với mong muốn rất ít chiếm 2,20%, mong muốn ít thì 1,50%, bình thường (hoặc là trung lập) là 10,20%, với mong muốn mức độ cao chiếm 29,90% và cuối cùng là mong muốn rất cao là nhiều nhất với 56,20% và rất nhiều NĐT quan tâm ở mức độ rất cao, chiếm hơn 86,1%. (Hình 5)

Hình 5: Cơ cấu mức độ mong muốn của NĐT hưởng TGXH

hinh 5

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Nhu cầu chủ yếu của NĐT là trợ cấp hàng tháng và phát triển kinh tế. Kết quả khảo sát cho thấy, 100% NĐT đánh giá về nhu cầu trợ cấp hàng tháng và phát triển kinh tế là mong muốn và rất mong muốn. Bên cạnh đó, nhu cầu khám chữa bệnh cũng được nhiều NĐT quan tâm, tỷ lệ đánh giá mong muốn và rất mong muốn chiếm đến 96,4%. Còn với mong muốn khác như Hỗ trợ vui chơi giải trí, Hỗ trợ làm nhà, cải tạo nhà ở được rất ít NĐT quan tâm. (Hình 6)

Hình 6: Cơ cấu các mong muốn của NĐT đang hưởng TGXH

Hinh 6

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Như vậy, NĐT mong muốn rất nhiều thứ, đây cũng là cơ sở khẳng định, họ quan tâm đến nhiều vấn đề có liên quan đến mình, nhưng trên hết, họ quan tâm nhất đến “trợ cấp hàng tháng” cùng với “phát triển kinh tế” và họ ít quan tâm nhất là “vui chơi giải trí”.

4. Kết luận

Đặc điểm của NĐT được khảo sát chủ yếu là nữ, dân tộc Kinh, có tuổi trung bình chủ yếu từ 31 đến dưới 50 tuổi. Tình trạng hôn nhân chủ yếu là góa phụ. Hiện nay, những NĐT đa phần đều có sức khỏe tốt, chỉ có một số mắc bệnh về bại liệt; tim, mạch; bệnh về tai, mắt; bệnh về răng; bệnh suy giảm trí nhớ.

Tất cả NĐT tham gia khảo sát đều có khả năng vận động và phần lớn còn khả năng tham gia lao động. Đa số NĐT sống chung với người có nghĩa vụ phụng dưỡng và khác NĐT chủ yếu là người nghèo. Phần lớn NĐT đang sở hữu nhà ở dạng bán kiên cố nhiều hơn, gấp 2,5 lần so với nhà kiên cố; và có 5 nguồn thu gồm nguồn từ trợ giúp xã hội, trợ giúp đột xuất, từ người thân, từ tổ chức ngoài nhà nước và tham gia lao động. Trong đó, hầu hết NĐT có các nguồn thu chính từ người thân và tham gia lao động. Chi tiêu của NĐT có 6 loại gồm: Chi ăn uống, Chi chữa bệnh, Chi thuê nhà, Chi tiền học, Chi giao tế và Chi khác; trong đó, hoạt động chi tiêu hàng tháng của NĐT tập trung chủ yếu 2 loại chi là Chi ăn uống và Chi tiền học.

Mức độ mong muốn của NĐT có sự tăng dần và phần lớn ở mức nhu cầu mong muốn cao và rất cao. Nhu cầu chủ yếu của NĐT là trợ cấp hàng tháng và phát triển kinh tế, ít quan tâm nhất là “vui chơi giải trí” và mong muốn của họ là được tăng mức hỗ trợ với hình thức tiền mặt và muốn thủ tục đơn giản.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2013), Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, ban hành ngày 21/10/2013,
    Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

SOCIAL ASSISTANCE FOR POOR SINGLE PEOPLE RAISING CHILDREN IN KHANH HOA PROVINCE

MA. LE NGOC DUNG

PhD. LE TRUNG DAO

University of Finance - Marketing

ABSTRACT:

This paper researches and analyzes the living conditions of poor single people raising children who are receiving social assistance in Khanh Hoa province, through the results of sociological surveys conducted in May, 2019 in 5 areas of Khanh Hoa province.

Keywords: Poor single person raising young children, social assistance, Khanh Hoa province.