Nhân dân tệ Trung Quốc
 PBOC kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp giảm bớt áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp Trung Quốc vốn đang phải vật lộn trước các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 (Ảnh: moneyandmarkets)

Trong ngày 20/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục cắt giảm mạnh lãi suất cho vay cơ bản (LPR) một năm, giảm 20 điểm phần trăm, từ mức 4,05% xuống còn 3,85%; mức lãi suất cho vay cơ bản 5 năm cũng được giảm 10 điểm phần trăm, từ mức 4,75% xuống còn 4,65%.

Đây là lần thứ hai trong năm nay, Trung Quốc cắt giảm mức lãi suất LPR và là động thái mới nhất cho thấy Chính phủ Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Lãi suất LPR đóng vai trò quan trọng đối với việc tính toán các mức lãi suất cho các khoản vay.

Động thái cắt giảm lãi suất LPR cũng phù hợp với dự báo của các chuyên gia đưa ra sau khi PBOC tuyên bố cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) đối với các tổ chức tài chính vào ngày 15/4. Mức lãi suất MLF đối với các tổ chức tài chính tại Trung Quốc hiện chỉ còn 2,59% - mức thấp kỷ lục kể từ khi mức lãi suất này được áp dụng tại Trung Quốc vào tháng 9/2014.

Ông Martin Rasmussen, chuyên gia kinh tế về thị trường Trung Quốc tại hãng tư vấn kinh tes Capital Economics, nhận định việc PBOC tiếp tục giảm lãi suất cho vay cơ bản là dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang ngày càng nhìn nhận việc nới lỏng chính sách tiền tệ là điều cần thiết trong bối cảnh các điều kiện tại thị trường lao động nước này vẫn còn yếu kết hợp với nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ từ Trung Quốc của các quốc gia khác sụt giảm khi hầu hết các nước ngoài lãnh thổ Trung Quốc đang vật lộn với đại dịch Covid-19.

Ông Martin Rasmussen dự báo PBOC sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế tại Trung Quốc.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy GDP của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong quý 1/2020 đã giảm mạnh 6,8% so với cùng kỳ năm 2019 dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Mức sụt giảm này cao hơn mức dự báo giảm 6,5% được giới phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra trước đó.

Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ghi nhận sự sụt giảm GDP trong quý 1 kể từ năm 1992 – thời điểm Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu GDP chính thức hàng quý. Trong năm 2019, tăng trưởng GDP của nước này đạt 6,1% - mức thấp nhất trong gần 30 năm trở lại đây trước các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.