Tóm tắt:

Đối với các trường đại học, thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có tri thức cho đất nước, thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển sản xuất và khoa học công nghệ. Ngày nay, hệ thống thư viện với kho tư liệu và khả năng cung ứng nguồn lực thông tin cho người dùng tin là tiêu chí không thể thiếu khi đánh giá chất lượng đào tạo đại học. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nắm bắt và đang phát triển theo xu thế của thời đại để xây dựng và phát triển Trung tâm Thông tin Thư viện theo hướng ấy. Bài viết bàn về những đóng góp của Trung tâm Thông tin thư viện của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Từ khóa: Trung tâm thông tin thư viện, thư viện, người dùng tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Đứng trước yêu cầu khách quan của việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đại học, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo, giáo án… mà còn đổi mới và đầu tư hệ thống thư viện cho Nhà trường. Hoạt động này được coi như là một phần không thể thiếu, giúp giáo viên và sinh viên có cơ hội tiếp cận với nhiều luồng thông tin rộng mở, kết nối với thế giới hiện đại. Đây là cách tiếp cận mới và là tầm nhìn rộng mở của nhà quản lý các cơ sở đại học.

2. Đôi nét về Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương, được thành lập ngày 02 tháng 12 năm 2015 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Tiền thân của Trường là 2 cơ sở đào tạo nghề nghiệp do người Pháp thành lập là: Trường Chuyên nghiệp Hà Nội thành lập năm 1898 (năm 1931 đổi tên thành Trường Kỹ nghệ Thực hành Hà Nội) và Trường Chuyên nghiệp Hải Phòng thành lập năm 1913 (năm 1921 đổi tên thành Trường Kỹ nghệ Thực hành Hải Phòng).

Hơn 120 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã trở thành một trung tâm đào tạo đại học đa ngành, đa cấp; một cơ sở nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ có uy tín tại khu vực phía Bắc và cả nước. Hiện tại,  Trường có 14 Khoa, 8 Phòng chức năng, 14 Trung tâm, 1 Viện, 1 Công ty trực thuộc với đội ngũ CBVC là 1.800 người, trong đó có 1.451 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn. Nhà trường đang triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ 4 ngành, trình độ thạc sĩ 11 ngành, trình độ đại học 34 ngành, chuyên ngành với số lượng gần 30.000 sinh viên.

3. Thực trạng hoạt động của Trung tâm Thông tin Thư viện

 Là một đơn vị độc lập trực thuộc Ban giám hiệu, Trung tâm Thông tin Thư viện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Nhà trường. Hiểu được công tác thông tin nói chung và thông tin thư viện nói riêng có một tầm quan trọng đặc biệt và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội rất chú trọng củng cố và hoàn thiện Trung tâm Thông tin Thư viện để Trung tâm thực sự là nơi góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Với mục đích phục vụ đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà trường, Trung tâm Thông tin Thư viện Trường Đại học Công nghiệp Hà nội đã xây dựng và phát triển thành 3 phân viện cơ sở với tổng diện tích hơn 6.000 m2. Trung tâm bao gồm hệ thống các phòng chức năng đa dạng: Phòng Đọc tổng hợp, Phòng Đọc báo, tạp chí, Phòng Khai thác mạng, Phòng Mượn, Phòng Học nhóm… Các phòng được bố trí theo hướng mở, thuận tiện cho bạn đọc. Thư viện được trang bị đầy đủ sách, giáo trình, tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài cho tất cả các đối tượng bạn đọc phục vụ tích cực mục đích nghiên cứu, dạy và học hiệu quả.

Hiện nay, Trung tâm Thông tin Thư viện của Trường có trên 8.000 đầu sách bao gồm gần 115.000 quyển sách, có cơ sở dữ liệu tài liệu điện tử với gần 2.000 đơn vị tài liệu điện tử đã được mã hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu tra cứu online. Số lượng sách và tài liệu tham khảo của thư viện đảm bảo đủ theo danh mục các học phần được xác định trong chương trình đào tạo Nhà trường đang thực hiện ở mức 1 học phần có ít nhất 1 giáo trình và 3 tài liệu tham khảo. Nhà trường thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các nguồn tài liệu cho Trung tâm như: tài liệu nội sinh, luận văn, luận án, giáo trình nội bộ, tài liệu tham khảo, tài liệu điện tử, tiếp nhận các nguồn tài liệu được trao tặng từ Quỹ sách Châu Á, Tập đoàn Denso Việt Nam. Trung tâm thực hiện công khai các thủ tục quy trình làm việc cùng với việc minh bạch thông tin, nội quy, quy định và hướng dẫn tra cứu tìm tài liệu.

Trung tâm Thông tin Thư viện ở cả 3 cơ sở đào tạo đều đã lắp đặt hệ thống wifi miễn phí phục vụ bạn đọc, trang bị gần 300 máy tính cấu hình mạnh được nối mạng LAN, mạng Internet đường truyền tốc độ cao, được kết nối với các thư viện thuộc hệ thống Liên hiệp Thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc, hệ thống Thư viện quốc gia, các trường đại học kỹ thuật trong cả nước... nhằm tăng cường trao đổi, học hỏi nghiệp vụ và tăng nguồn tư liệu. Trung tâm từng bước xây dựng thư viện theo hướng Thư viện điện tử sử dụng phần mềm chuyên dụng để quản lý nguồn tài liệu libol 8.0. Với chức năng là cầu nối giữa thông tin và người sử dụng, Trung tâm đã trở thành yếu tố căn bản và quan trọng, là thước đo đánh giá vai trò, chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả đào tạo của Nhà trường. Chính vì vậy, với truyền thống hơn 120 năm hình thành và phát triển, Nhà trường đã đặc biệt chú trọng xây dựng Trung tâm song hành với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

4. Tồn tại của Trung tâm Thông tin Thư viện - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

4.1. Nguồn lực thông tin còn hạn chế

Trong xu thế toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ 4.0, thông tin tràn ngập trên mạng đòi hỏi việc lựa chọn thông tin phục vụ cho việc xây dựng nguồn lực thông tin của Trung tâm là vấn đề cốt lõi cần giải quyết. Việc bổ sung và cập nhật thông tin, tài liệu của Trung tâm nhiều lúc còn hạn chế. Nhiều tài liệu lạc hậu, chưa thực sự sát với chương trình học, làm giảm tính hấp dẫn của thư viện, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng của người dùng tin.

Nguồn tài liệu điện tử bổ sung và đưa vào phục vụ còn phụ thuộc vào ngân sách nên hạn chế số lượng và tính đa dạng của tư liệu. Việc chia sẻ nguồn lực thông tin với các đơn vị tương tự tại Trung tâm còn nhiều hạn chế. Là thành viên của Hội Liên hiệp Thư viện Phía Bắc, Trung tâm có nhiều thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa các thư viện miền Bắc nhưng còn hạn chế với các thư viện trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Số lượng bạn đọc lớn từ cán bộ, giảng viên, sinh viên của Nhà trường đem đến áp lực đáng kể trong công tác điều hành thư viện.

4.2. Hướng dẫn tra cứu, xử lý thông tin còn bất cập

Hệ thống tra cứu tư liệu của Trung tâm đã từng bước điện tử hóa, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dùng tin. Bản thân người dùng tin tiếp cận trong việc tìm kiếm tư lệu cũng còn hạn chế. Bộ máy tra cứu tìm tin tại Trung tâm phục vụ người dùng tin tìm tin chủ yếu dưới 2 hình thức: Thông qua cơ sở dữ liệu và thông qua danh mục tài liệu. Tuy nhiên, cả 2 hình thức này vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người sử dụng, cụ thể:

- Với danh mục tài liệu: Một tài liệu chỉ một người dùng tin sử dụng, thời gian tra cứu lâu, mất thời gian, trong quá trình sử dụng có thể bị mất trang, rách nát… Sách được bổ sung trong kho có thể chưa được bổ sung trong danh mục dẫn đến tình trạng để sách “chết” trong kho một thời gian làm ảnh hưởng đến nhu cầu đọc của người dùng tin, cũng như giá trị thời sự của tài liệu đó.

- Với cơ sở dữ liệu: Người dùng tin có thể tìm kiếm thông tin nhanh, hiệu quả. Phần mềm libol 8.0 với modul bạn đọc khá thân thiện với người dùng tin. Đây là giao diện thông minh và thỏa mãn nhu cầu tìm tin của hầu hết người dùng tin. Tuy nhiên, do hạn chế về số lượng máy tra cứu và dung lượng nên máy tra cứu thường xuyên trong tình trạng quá tải, vị trí tra cứu lộn xộn, ồn ào gây mất trật tự thư viện.

4.3. Sản phẩm, dịch vụ thông tin nghèo nàn, chưa phong phú

Sản phẩm dịch vụ Thông tin - Thư viện của Trung tâm chưa phong phú, nhiều sản phẩm dịch vụ còn thiếu và yếu. Thông tin tóm tắt, tổng luận, dịch tài liệu, dịch vụ tư vấn và những sản phẩm dịch vụ thông tin thư viện có giá trị gia tăng cao rất hữu ích với người làm công tác quản lý và nghiên cứu khoa học nhưng hiện nay chưa được triển khai thực hiện tại Trung tâm. Các dịch vụ in ấn, sao chép, học nhóm… đã thực hiện song chất lượng chưa cao nên chưa thu hút người dùng tin đến sử dụng. Thư viện vẫn còn dáng dấp hoạt động theo kiểu truyền thống, chưa thay đổi và đổi mới từ cách nhìn đến thực hiện dịch vụ.

Hiện tại, Trung tâm đang thực hiện 2 dịch vụ cho mượn tài liệu chủ yếu là: Dịch vụ đọc tại chỗ và Dịch vụ mượn về nhà. Dịch vụ sao chụp tài liệu còn nhiều hạn chế. Dịch vụ học nhóm tuy đã phát triển được 12 phòng học nhưng công suất sử dụng chưa nhiều.

5. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Thông tin Thư viện - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

5.1. Phát triển nguồn lực thông tin nhằm cung cấp nguồn tư liệu cập nhật cho nghiên cứu khoa học, học tập và giải trí 

Hoạt động thư viện nhằm mục đích đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của người dùng tin, trong đó xây dựng nguồn lực thông tin toàn diện là nền tảng của toàn bộ hoạt động thư viện. Sự thành công của hoạt động thư viện phụ thuộc vào chất lượng, sự đầy đủ và đa dạng của nguồn lực thông tin. Công tác xây dựng nguồn lực thông tin là xác định cơ cấu nguồn vốn tài liệu - yếu tố đóng vai trò then chốt trong hoạt động học tập và nghiên cứu của tập thể cán bộ giảng viên và sinh viên, học viên trong toàn trường.

Thư viện nhà trường cần có ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các nguồn tài liệu nhằm phục vụ quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, nhất là từ khi nhà trường chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Các nguồn tài liệu được thường xuyên bổ sung bao gồm: tài liệu nội sinh, luận văn, luận án, giáo trình nội bộ, tài liệu tham khảo, tài liệu điện tử, tiếp nhận các nguồn tài liệu được trao tặng từ Quỹ sách Châu Á, Tập đoàn Denso Việt Nam.

Xây dựng lộ trình tiêu chí yêu cầu về chất lượng giảng dạy, chương trình đào tạo, cơ  sở vật  chất phù hợp với lộ trình phát triển hệ thống thư viện bao gồm phần tư liệu truyền thống và tư liệu điện tử. Đây là cơ sở để Nhà trường lên ngân sách đầu tư dài hạn và hàng năm cho Trung tâm.     

5.2. Hướng dẫn, tìm kiếm và xử lý thông tin

Việc hướng dẫn, giúp đỡ người dùng tin tìm tin sao cho dễ hiểu, khoa học nhất là cách để thu hút người dùng tin đến với thư viện. Cán bộ thư viện hướng dẫn, giảng dạy về các kỹ năng tìm kiếm và khai thác thông tin để hỗ trợ cho người dùng tin khai thác hiệu quả nguồn thông tin sẵn có. Với chức năng là cầu nối giữa tri thức và người dùng tin, Trung tâm Thông tin Thư viện của Nhà trường cần xây dựng qui trình hướng dẫn, tìm kiếm và xử lý thông tin đối với những người dùng tin.

Trung tâm đang từng bước xây dựng Thư viện điện tử, xây dựng trang thông tin nội bộ ở địa chỉ www.lib.haui.edu.vn, sử dụng phần mềm chuyên dụng để quản lý nguồn tài liệu libol 8.0 (bộ phần mềm Giải pháp Thư viện điện tử - Thư viện số), nhưng cần kết nối thành hệ thống có tính mở với 3 phòng máy tính ở cả 3 cơ sở đào tạo hiện tại và cổng chờ cho giai đoạn phát triển sau này, được nối mạng LAN, mạng internet đường truyền tốc độ cao.

Ngoài việc kết nối mạng internet, kết nối với các thư viện thuộc hệ thống Liên hiệp Thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc, các trường đại học kỹ thuật trong cả nước và hệ thống Thư viện quốc gia, Trung tâm cần mở rộng hợp tác với các đơn vị, tổ chức khác trong nước và quốc tế nhằm tăng cường số lượng và chất lượng nguồn tư liệu, đồng thời tăng cường kết nối, trao đổi, học hỏi nghiệp vụ.

Trung tâm cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho người dùng tin khai thác sử dụng thông tin, công khai các thủ tục, quy trình làm việc cùng với việc minh bạch thông tin, nội quy, quy định và hướng dẫn tra cứu tìm tài liệu.

Công tác xử lý thông tin tại Trung tâm cần áp dụng khổ mẫu, khung phân loại tư liệu áp dụng như các thư viện trên thế giới để sắp xếp toàn bộ sưu tập tư liệu, cập nhật, sửa chữa bổ sung và xuất bản tư liệu phục vụ người dùng tin. Định hướng chủ đề tài liệu theo chuẩn nghiệp vụ thư viện, nhằm giúp cho công tác bổ sung vốn tài liệu, tổ chức bộ máy tra cứu thông tin trong kho tài liệu và giúp người dùng tin chọn được tài liệu chính xác phù hợp với nội dung cần tìm và tiết kiệm thời gian.

5.3. Phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện phục vụ người dùng tin

Trung tâm thông tin Thư viện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã và đang cung cấp cho người dùng tin các nguồn tài liệu vô cùng phong phú. Các sản phẩm, dịch vụ của Trung tâm đang dần được cải thiện và ngày càng hấp dẫn, thu hút người dùng tin. Tuy nhiên, để phát triển lên một tầm cao mới, Trung tâm cần phát triển, nâng cao hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thông tin thư

viện gồm:

- Triển khai thực hiện thông tin tóm tắt, tổng luận, dịch tài liệu, dịch vụ tư vấn và những sản phẩm dịch vụ thông tin thư viện có giá trị gia tăng cao rnhằm phục vụ hữu ích cho người làm công tác quản lý và nghiên cứu khoa học.

- Dịch vụ in ấn, sao chép, dịch tài liệu… từ các nguồn tài liệu ngoại văn: Để sử dụng được tài liệu này, đòi hỏi người dùng tin phải có trình độ ngoại ngữ nhất định. Tuy nhiên, không phải người dùng tin nào cũng có thể khai thác được loại hình tài liệu này. Do vậy, Trung tâm Thông tin Thư viện cần mở rộng, phát triển dịch vụ này để hỗ trợ cho người dùng tin dịch các tài liệu theo yêu cầu.

- Dịch vụ đọc tại chỗ: Đây là hình thức phục vụ tài liệu gốc cho người dùng tin. Thông qua dịch vụ này, người dùng tin có thể tra cứu tài liệu, tìm kiếm thông tin, dữ liệu, số liệu ngay tại Thư viện. Dịch vụ này đang được Trung tâm tổ chức theo hình thức đọc tự chọn tại các phòng Đ1A, Đ2A, Đ3A, Đ1B, Đ2B, Đ3B, Đ2C. Dịch vụ được phục vụ tại 3 cơ sở Khu A, Khu B, Khu C với diện tích hơn 1.000 m2 và khoảng 1.200 chỗ ngồi. Tuy nhiên, với diện tích còn hạn chế, số lượng người dùng tin ngày càng đông, nhu cầu của người dùng tin ngày càng cao, Trung tâm cần ưu tiên mở rộng dịch vụ, tạo môi trường xanh cho phòng đọc, xây dựng phòng đọc gần gũi với thiên nhiên, tổ chức dịch vụ cung cấp thông tin cho người dùng tin 24/24.

- Dịch vụ mượn về nhà: Là dịch vụ cho phép người dùng tin mang tài liệu về nhà, sử dụng theo thời gian nhất định. Với dịch vụ mượn về nhà, người dùng tin đến thư viện tra cứu, tìm tài liệu qua mục lục truyền thống hoặc qua hệ thống tra cứu trên máy tính. Sau khi tìm được tài liệu mình cần, người dùng tin viết phiếu yêu cầu. Thủ thư căn cứ vào yêu cầu của người dùng tin và căn cứ vào thực tế sử dụng tài liệu để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Tuy nhiên, việc mượn - trả tài liệu hầu hết còn quản lý bằng thủ công, thủ thư phải mất nhiều thời gian tìm hồ sơ, ghi vào sổ mượn - trả của người dùng tin. Trung tâm cần nghiên cứu hình thức trả - mượn linh hoạt và phù hợp hơn để phục vụ người dùng tin và tăng hiệu suất phục vụ của thủ thư.

- Dịch vụ mượn liên thư viện: Với việc kết nối với các thư viện thuộc hệ thống Liên hiệp thư viện các trường đại học phía Bắc, các trường đại học kỹ thuật trong cả nước và hệ thống thư viện quốc gia, đồng thời đã thực hiện dịch vụ theo một số chuẩn cơ bản như khung phân loại, MARC 21, AACR2, việc xây dựng và phát triển dịch vụ mượn liên thư viện là điều hoàn toàn cần thiết đối với Trung tâm. Dịch vụ này nhằm tiết kiệm tối đa kinh phí cho Trung tâm, cho các thư viện trong hệ thống liên kết và người dùng tin, đồng thời vẫn đảm bảo sự thỏa mãn về nhu cầu tin của người dùng tin.

- Dịch vụ đăng ký mượn qua mạng: Nếu dịch vụ cho mượn tài liệu tại thư viện rất thuận lợi với những người dùng tin có thời gian đến thư viện thì dịch vụ đăng ký mượn qua mạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng tin không có thời gian đến thư viện. Với dịch vụ này, người dùng tin có thể lên mạng, đăng ký mượn tài liệu trước, sau khi được chấp nhận mới đến thư viện để lấy tài liệu. Dịch vụ này tiết kiệm được rất nhiều thời gian và thuận tiện trong việc mượn tài liệu của người dùng tin cũng như người cung cấp thông tin, phù hợp với mô hình hoạt động của một thư viện hiện đại trong thời đại công nghệ 4.0.

6. Kết luận

Nhờ có sự trang bị đầy đủ, đồng bộ, hệ thống thiết bị tin học được người dùng đánh giá phù hợp với nhu cầu quản lý, học tập và nghiên cứu, những năm qua, Trung tâm Thông tin Thư viện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lí giáo dục, nghiên cứu - đào tạo, xây dựng Nhà trường vững mạnh và đạt được nhiều thành tích. Kết quả nghiên cứu, giáo dục đào tạo của Nhà trường ngày càng được nâng cao. Nhà trường đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Hồ Chí Minh, Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 01 Huân chương chiến công hạng Ba, 12 Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều Huân chương, Cờ thưởng, Bằng khen của Chính phủ, Bộ, Ngành, địa phương… Những phần thưởng cao quý đó đã khẳng định nỗ lực không ngừng của Ban Giám hiệu cùng tập thể cán bộ, giảng viên, trong đó có sự góp sức của cán bộ Trung tâm Thông tin Thư viện - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đặng Quang Hiệp, (2006), Tăng cường hoạt động Thông tin Thư viện Trường Đại học Hàng Hải trong giai đoạn hiện nay, Luận văn thạc sỹ Khoa học Thư viện, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn.
  2. Hà Thị Huệ, (2005), Tăng cường nguồn lực thông tin tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Luận văn thạc sỹ Khoa học Thư viện, Hà Nội.
  3. Hoàng Thị Thu Hương (2005), Nghiên cứu nhu cầu tin và giải pháp đảm bảo thông tin tại Trung tâm Tin học Bộ Thủy sản, Luận văn thạc sỹ Khoa học Thư viện, Đại học Văn hóa Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Phương Nhung, (2003), Nghiên cứu nhu cầu hứng thú đọc tài liệu của bạn đọc tại Thư viện Trung ương Quân đội, Luận văn thạc sỹ Khoa học Thư viện, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
  5. Trần Mạnh Tuấn, (1998), Sản phẩm và dịch vụ Thông tin - Thư viện; giáo trình, Trung tâm Thông tin tư liệu khoa học và công nghệ Quốc gia, Hà Nội.
  6. ThS. Trần Văn Hồng - Trung tâm Văn hóa Quận 6, TP. Hồ Chí Minh, Phát triển và nâng cao chất lượng và sản phẩm và dịch vụ thư viện thông tin tại hệ thống thư viện quận, huyện TP. Hồ Chí Minh//Website Thư viện quốc gia Việt Nam.
  7. Trường ĐHCNHN, (2008), Dự án xây dựng Thư viện điện tử Trường ĐH Công nghiệp HN.
  8. https://www.haui.edu.vn (Trang Web Trường ĐH Công nghiệp HN)
  9. https://vietnamlibrary.org

Library and Information Center of Hanoi University of Industry and its contribution to the improvement of training quality

Master. Dang Quang Thach

Master. Nguyen Thi Tuyet

Master. Tran Thi Anh Dao

Pham Thi Thu Ha

Library and Information Center, Hanoi University of Industry

Abstract:

For universities, the library plays a crucial role in improving the nation's intellectual human resources, which in turn boosts living standards, production and scientific advancements. Nowadays, a library system with archives and a capacity to provide information to users is an indispensable criterion of a university. Hanoi University of Industry (HUI) is following this modern trend in order to build and develop its Library and Information Center. This article is to present the contribution of HUI’s Library and Information Center to the improvement of the school’s training quality.

Keywords: Library and Information Center, Library, users, Hanoi University of Industry.