Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI): Chuyển mình bắt kịp xu thế mới

Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là vấn đề thách thức của Việt Nam trước cách mạng công nghiệp 4.0. Sự “chuyển mình” kịp thời của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã gi
Đổi mới để đạt chuẩn quốc tế

Với mục tiêu xây dựng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành một cơ sở đào tạo chất lượng cao theo định hướng ứng dụng, nhiều ngành, nhiều loại hình, nhiều cấp trình độ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế, từ nhiều năm qua, HaUI đã luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo định hướng ứng dụng và thường xuyên được cập nhật, “chuẩn đầu ra” các chương trình đào tạo được công khai và đảm bảo đánh giá định lượng được.

Để thay đổi kịp với xu thế và yêu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Nhà trường đã chú trọng đổi mới mô hình, chương trình đào tạo. Thực tế tại HaUI hiện nay, có ít nhất 10% thời lượng của mỗi chương trình đào tạo được dành cho thực tập thực tế doanh nghiệp và hoạt động giảng dạy, báo cáo chuyên đề, seminar bởi các giảng viên thỉnh giảng, các chuyên gia có uy tín hoặc kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước. Việc tổ chức và quản lý đào tạo được thực hiện theo học chế tín chỉ với tất cả các chương trình đào tạo. Người học có thể chủ động lựa chọn chương trình, kế hoạch học tập để phù hợp với vị trí công tác, đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học hoặc theo công việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Mô hình đào tạo này với các ưu điểm nổi bật là đề cao vai trò của người học, coi việc tự nghiên cứu và học tập của sinh viên là yếu tố then chốt giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đào tạo, sinh viên có thể rút ngắn thời gian học, có thể vừa làm vừa học, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người học và người sử dụng lao động.

Sinh viên HaUI được thực hành trên máy móc thiết bị hiện đại

Từ năm 2016, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã áp dụng tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate: Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Thực thi - Vận hành các sản phẩm/hệ thống/quy trình/dự án…) trong phát triển các chương trình đào tạo. Theo đó, chương trình đào tạo được thiết kế, vận hành bám sát theo “chuẩn đầu ra” và “chuẩn đầu ra” phản ánh đầy đủ các yêu cầu tối thiểu về năng lực đối với người tốt nghiệp mà doanh nghiệp đang cần và sẽ cần trong tương lai. Đến nay, tất cả các chương trình đào tạo của Nhà trường đều thiết kế theo tiếp cận CDIO với định hướng ứng dụng và hội nhập quốc tế, cập nhật công nghệ mới theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiệu trưởng Trần Đức Quý luôn khuyến khích giáo viên & sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo ƯDCN

Theo PGS.TS. Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, HaUI đã không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tổ chức đào tạo. Đào tạo kết hợp (blended learning - kết hợp đào tạo trực tuyến với đào tạo truyền thống) đã được triển khai rộng rãi đối với các môn học chung ở phần giáo dục đại cương. Với mỗi học phần, phần đào tạo trực tuyến có giám sát được triển khai giúp sinh viên tự học và chuẩn bị bài ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào chỉ với điện thoại hoặc máy tính kết nối Internet. Phần đào tạo truyền thống trên lớp tập trung phát triển các kỹ năng vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn và các năng lực, phẩm chất cá nhân khác, như: kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề,…

Để thực thi đảm bảo chất lượng theo “chuẩn đầu ra” đã công khai, Nhà trường luôn chú trọng kiểm định chất lượng vì đây là một kênh đánh giá rất khách quan những điểm mạnh, điểm yếu trong các hoạt động của Nhà trường, từ đó mới có thể đề ra những hành động cải tiến phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Năm 2016, Nhà trường bắt đầu tiến hành tự đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Tháng 6/2017, đoàn chuyên gia của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học quốc gia Hà Nội đến khảo sát, đánh giá tại trường, kết quả Nhà trường đạt 85,2% các tiêu chí theo quy định (52/61). Tháng 9/2017 vừa qua, Nhà trường đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học quốc gia Hà Nội trao Chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Cao Quốc Hưng chúc mừng trường nhận Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục và khai giảng năm học mới 2017 - 2018

Song song với kiểm định trường, kế hoạch kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA (ASEAN) và ABET (Mỹ) cũng đã được Trường Đại học Công nghiệp tích cực xây dựng và triển khai. Việc thiết kế lại các chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO (triển khai năm 2016) đã tính đến đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA hoặc ABET để có thể tiến hành kiểm định ngay khi có sinh viên tốt nghiệp các chương trình này (năm 2020).

Bên cạnh đó, HaUI tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác với trên 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, chất lượng hợp tác tăng lên, thêm nhiều mô hình và hoạt động hợp tác mới được đề xuất và triển khai có hiệu quả. Sinh viên được tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận doanh nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm. Tổ chức cho sinh viên đi trải nghiệm thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp, triển khai chương trình hợp tác đào tạo trước tuyển dụng với Nissan techno, Foxcom, Minami Fuji,... Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, tập huấn, đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản, đăng cai tổ chức thi thợ giỏi cho các tổ chức Công đoàn Hà Nội; đăng cai huấn luyện thí sinh dự thi tay nghề ASEAN 2016,… Đồng thời, HaUI còn là một trong điển hình về công tác đào tạo gắn với xuất khẩu lao động và hoạt động dịch vụ.

Chú trọng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ

Bên cạnh việc nâng chất lượng đào tạo, Nhà trường còn chú trọng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng và phát triển đào tạo. HaUI đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, hoạt động khoa học và công nghệ một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực và thế giới; đưa khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Nhà trường và sự phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, Ngành, Nhà nước; đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế và thương hiệu của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong hiện tại và tương lai.

Xác định việc tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường xem đây là bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì thế, quan hệ quốc tế của Nhà trường được chú trọng mở rộng với các trường đại học danh tiếng thế giới, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các dự án của Nhà trường có mục tiêu chính là xây dựng mô hình phát triển nguồn nhân lực mới để cung cấp các kỹ sư có kỹ năng thực hành và khả năng sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đến nay, tổng số ngành/chuyên ngành đào tạo của HaUI gồm: 3 ngành tiến sĩ, 8 chuyên ngành thạc sĩ, 28 ngành đại học, 15 ngành/nghề cao đẳng. Quy mô đào tạo chính quy dài hạn của Nhà trường duy trì trong khoảng 28.000 - 30.000 sinh viên, học viên/năm, trong đó đào tạo trình độ đại học chiếm trên 90%. Số chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo, đồng cấp bằng với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài chiếm ít nhất 10% tổng số chương trình đào tạo.