Trường Quản trị Kinh doanh -Vinacomin: Nâng cao năng lực đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành Than

Trường Quản trị Kinh doanh - Vinacomin (VBS) có tiền thân là Trường Cán bộ quản lý của Bộ Mỏ và Than, thành lập ngày 17/01/1975. Năm 1995, sau khi thành lập Tổng công ty Than Việt Nam (TVN), Trường đư
PV: Xin thầy giới thiệu khái quát về chức năng, nhiệm vụ của Trường Quản trị kinh doanh Vinacomin hiện nay?

Thầy giáo Phạm Đăng Phú: VBS có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế, liên kết, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học về quản lý, cung cấp các dịch vụ thuộc lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn quản lý và các dịch vụ có thu khác.

PV: Theo Quy hoạch, phát triển ngành Than phải gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vùng than, đảm bảo an toàn trong sản xuất. Vậy, Trường Quản trị kinh doanh - Vinacomin đã đổi mới công tác đào tạo như thế nào để bám sát với qui hoạch của Ngành?

Thầy giáo Phạm Đăng Phú: Hiện nay, Tập đoàn Vinacomin đang đứng trước những thách thức lớn, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, trong khi đó, theo qui hoạch ngành Than mới được Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2015, Ngành phải đạt 55-58 triệu tấn than sạch. Sản xuất than phải gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn trong sản xuất. Đó là 1 thách thức lớn, đòi hỏi Tập đoàn cần phải có cách nhìn mới trong công tác sản xuất và quản lý, cần tái cấu trúc hợp lý doanh nghiệp hiện nay, đổi mới đi sâu vào chuyên ngành đặc thù, đổi mới công nghệ, hiện đại hoá công nghệ, nhất là khai thác xuống sâu, chế biến sàng tuyển... Với nhiệm vụ của Nhà trường, trước những thách thức đang đặt ra cho Ngành, VBS đang từng bước đổi mới, không chỉ trong công tác đào tạo mà trong tất cả mọi lĩnh vực để phù hợp với tình hình phát triển của Ngành trong giai đoạn mới. Trong thời gian vừa qua, Nhà trường đã kiện toàn bộ máy nhằm nâng cao năng lực cũng như chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý cho Vinacomin.

PV: Xin thầy cho biết công đào tạo gắn với việc chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp, cơ giới hóa, hiện đại hóa trong khai thác than thời gian tới?

Thầy giáo Phạm Đăng Phú: Trong qui hoạch phát triển ngành Than, việc chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp, hiện đại hoá, cơ giới hoá trong khai thác là tất yếu. Để thực hiện được những yêu cầu đó thì việc đầu tiên cần giải quyết là vấn đề “con người” theo đúng tiêu chí của Vinacomin: “Từ nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”. Từ tầm quan trọng của công tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực để phát triển ngành Than, Trường đang trình Tập đoàn xây dựng đề án “Tăng cường năng lực và chất lượng đào tạo cán bộ quản lý của Trường Quản trị kinh doanh - Vinacomin”. Hy vọng, thực hiện thành công đề tài này, Nhà trường sẽ đổi mới và nâng cao năng lực công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý thông qua các chương trình bồi dưỡng và đào tạo cán bộ các cấp phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp, hiện đại hóa công tác khai thác trong giai đoạn tới năm 2015, tầm nhìn tới năm 2020. 



PV: Trong những năm qua, mô hình liên kết đào tạo, đặc biệt là liên kết đào tạo với nước ngoài đã được Nhà trường triển khai rộng rãi và thu được những kết quả khả quan. Thầy có đánh giá và định hướng như thế nào về thực hiện mô hình này trong tương lai?

Thầy giáo Phạm Đăng Phú: Nhận thức được tầm quan trọng của liên kết đào tạo để đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong giai đoạn phát triển mới, trong những năm qua, Trường Quản trị kinh doanh - Vinamcomin đã liên kết với nhiều trường đại học uy tín trong nước, như: Quốc gia Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương, Luật Hà Nội, Mỏ địa chất, Học viện Hành chính Quốc gia, Viện FSB của Trường ĐH FPT… Ngoài ra, Nhà trường còn đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo ở nước ngoài, như: liên kết với Trường ĐH Liêu Ninh - Thẩm Dương (Trung Quốc) trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ công tác an toàn trong khai thác than; Tập đoàn MIBRAG - một tập đoàn lớn của Đức trong lĩnh vực khai thác than, họ có mô hình giống như Tập đoàn Vinacomin, mỗi năm khai thác khoảng 20 triệu tấn than, nhưng chỉ có hơn 2.000 cán bộ, công nhân và công tác làm môi trường của họ rất tốt, vào công trường sau khai thác như đi du lịch sinh thái ấy, mô hình đào tạo của họ rất chất lượng, họ đào tạo 1 cán bộ, công nhân nghề của họ theo một quy trình hoàn hảo và rất cụ thể. Ngoài ra, Trường cũng đang cùng Ban Môi trường của Tập đoàn tiếp tục theo dự án RAME của Đức về đào tạo đội ngũ cán bộ môi trường của các đơn vị; dự án với MIERCO của Hàn Quốc về phục hồi môi trường và xử lý nước thải; dự án NEDO của Tập đoàn ký với Nhật Bản. Trong thời gian tới, Tập đoàn Vinacomin đã chỉ đạo Trường liên kết với nước ngoài để đào tạo các chuyên gia, các cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo nguồn để bổ sung cho lực lượng cán bộ đang thiếu như hiện nay và nhu cầu những năm tiếp theo. 

PV: Trước khi nhận nhiệm vụ tại Trường Quản trị kinh doanh Vinacomin, thầy đã trải qua công việc của một người đứng đầu một doanh nghiệp. Thưa thầy, “quản trị” một trường đào tạo nghề có khác gì so với “quản trị” một doanh nghiệp?

Thầy giáo Phạm Đăng Phú: Để điều hành và phát triển đơn vị, cần nhất người lãnh đạo là phải có cái “Tâm” thì bất cứ việc gì cũng sẽ thành công. Khi từ doanh nghiệp chuyển sang VBS, tôi có đem theo một khái niệm cho cán bộ của VBS, đó là “Hàng hóa dịch vụ”. Khi chúng ta đã coi công tác đào tạo nguồn nhân lực là một công tác hàng hóa đặc biệt, thì ta phải đối xử với nó theo quy luật của cung - cầu. Sau một thời gian đảm nhiệm cương vị hiệu trưởng, tôi nhận thấy điều hành một doanh nghiệp và điều hành một trường học có nhiều điểm giống nhau.

PV: Xin thầy cho biết chiến lược phát triển của Nhà trường trong những năm tới để trở thành Học viện Đào tạo cán bộ cấp cao các ngành nghề trong tương lai? 

Thầy giáo Phạm Đăng Phú: Trong chiến lược phát triển Trường Quản trị kinh doanh Vinacomin thì đối tượng đào tạo chính là một trong những nội dung được Nhà trường hướng tới. Ngoài đào tạo cán bộ quản lý cho ngành Than, Nhà trường còn hướng tới mở rộng cho các đối tượng khác phục vụ theo nhu cầu của xã hội.

PV: Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!
  • Tags: