Truyền tải điện Quảng Nam đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa bão

Với mục tiêu nâng cao chất lượng cấp điện, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục trong mùa mưa bão, Truyền tải điện Quảng Nam đã chủ động lập phương án ứng phó ngay từ mùa khô.

Theo dự báo, mùa bão năm nay sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong số đó, khoảng 5-6 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020.

Với phạm vi quản lý vận hành hệ thống lưới điện rộng lớn của đơn vị đi qua địa hình rừng núi hiểm trở bậc nhất miền Trung gồm 03 tuyến đường dây 500kV có chiều dài 157,481 km; 08 tuyến đường dây 220kV mạch kép với 238.95 km; 01Trạm biến áp (TBA) 500kV công suất 900MVA, 03 TBA 220kV công suất 565MVA, có nhiệm vụ truyền tải công suất từ các Nhà máy Thủy điện Tây Quảng Nam, nước bạn Lào, Bắc Trà My hòa vào lưới điện Quốc gia.

Nơi đây, trong những năm qua là tâm điểm gánh chịu nhiều thiên tai lụt bão ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp. Một số đoạn tuyến đường dây 220-500kV đi qua địa hình đặc biệt phức tạp như vùng đồi núi cao Bắc Trà My, vùng biên giới Việt Nam –Lào, đèo Lò Xo… Vào mùa mưa lũ rất dễ gây sạt lỡ, ngã đổ cột, đường công vụ bị lũ lụt chia cắt,  công tác kiểm tra, xử lý sự cố đường dây trong và sau mưa bão gặp nhiều khó khăn.

Vì thế, đơn vị luôn theo dõi, bám sát các tình huống, đánh giá đúng hiện trạng thực tế, từng đặc điểm khu vực các tuyến đường dây, các vị trí xung yếu để lập ra các phương án xử lý sự cố và tổ chức diễn tập các tình huống giả định nhằm chủ động ứng phó cho mùa mưa bão sắp đến.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2020, đơn vị đã tiến hành kiện toàn bộ máy và triển khai công tác thực hiện phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) chuẩn bị cho mùa mưa bão năm nay, đề ra chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với thực tế, phù hợp với địa hình, vùng miền từng khu vực đã từng xảy ra trong những năm trước đây.

Triển khai đến các Đội, Trạm, Trung tâm vận hành  lập phương án diễn tập và tổ chức diễn tập, rút ra những bài học kinh nghiệm, những khiếm khuyết  nhằm bổ sung cho công tác chuẩn bị được thực hiện  đầy đủ hơn. Tiến hành rà soát vật tư, dụng cụ, hệ thống thông tin liên lạc để bổ sung, sửa chữa đảm bảo sẵn sàng phục vụ công tác PCTT&TKCN được hiệu quả.

Công tác sửa chữa lớn (SCL) năm 2020, Đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các nội dung thi công, giám sát, nghiệm thu theo các quyết định giao nhiệm vụ của Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) giao. Khối lượng SCL năm nay như lắp tăng cường lèo tại các vị trí néo đường dây 220kV Tam Kỳ-Dốc Sỏi, Sông Tranh 2-Tam Kỳ, đường dây 500 kV Đà Nẵng - Dốc Sỏi đã thực hiện và hoàn thành đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ trước mùa mưa bão.

Thi công hoàn thiện tăng cường lèo các vị trí néo trên các tuyến đường dây, đảm bảo vận hành trong mùa mưa bão

Thi công hoàn thiện tăng cường lèo các vị trí néo trên các tuyến đường dây, đảm bảo vận hành trong mùa mưa bão

Đối với các Đội đường dây, thực hiện tổng kiểm tra lưới điện nhằm phát hiện các khiếm khuyết và triển khai xử lý dứt điểm các tồn tại nhỏ ngay sau khi kiểm tra. Đánh giá, phân loại các tồn tại và đưa ra biện pháp, tiến độ xử lý đối với những hạng mục có khối lượng lớn như các vị trí kè móng dễ bị sạt lở trong mùa mưa, đặc biệt là các cây trong và ngoài hành lang có khả năng lớn nhanh, ngã, đổ gây sự cố  đường dây; thực hiện đền bù, chặt tỉa cành đảm bảo vận hành trong mùa mưa bão; Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và xử lý khơi thông, nạo vét mương, kè, móng cột.

Tăng cường kiểm tra rà soát kỹ các vị trí xung yếu, phát hiện các vị trí kè, móng cột và đường vào tuyến bị nứt, xói lở, từ đó có các giải pháp xử lý phù hợp. Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng và các phương tiện giao thông đảm bảo hoạt động tốt như: xe ôtô, các máy phát điện dự phòng …;

Ngoài ra, đơn vị còn triển khai áp dụng công nghệ mới như thiết bị bay không người lái (UAV) để sẵn sàng kiểm tra các đoạn tuyến đường dây khi bị lũ lụt chia cắt; trang bị camera  giám sát các vị trí xung yếu, đồi cao, vực sâu, địa hình hiểm trở, khó đi lại khó đi lại trong mùa mưa bão.

 Đối với các Trạm biến áp tăng cường kiểm tra thiết bị, đo nhiệt độ tại các vị trí tiếp xúc, kết hợp các đợt cắt điện thực hiện vệ sinh bảo dưỡng thiết bị và xiết chặt các hàng kẹp mạch nhị thứ tại các tủ bảng, xử lý các roăng hỏng nhằm làm kín các tủ bảng, chống thấm nước thiết bị.

Ngoài ra, để ngăn ngừa sự cố do chạm chập mạch nhị thứ, tại tất cả các hộp đấu dây của rơ le trên mặt MBA được làm kín bằng silicon, gia công các hộp nhựa hoặc mê ca để che đậy các hộp đấu nối của rơ le trên mặt MBA tránh nước xâm nhập vào và đặt các gói silicagen vào các hộp đấu dây rơ le để hút ẩm, vệ sinh bảo dưỡng các tủ hợp bộ định kỳ theo quy định;

Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật 2 hoàn thành thí nghiệm định kỳ các thiết bị tại các TBA và khắc phục các tồn tại ngay sau thí nghiệm. Kết hợp cắt điện để tổ chức vệ sinh bảo dưỡng thiết bị đặc biệt các đầu cốt dao cách ly (DCL), MBA,… và đã xử lý dứt điểm các tồn tại trước thời điểm quý 2 năm nay.

Đặc biệt, đơn vị đã giả định một số tình huống cụ thể như: Lún sụt đất phía taluy âm làm nứt gãy, kè móng, đất móng xói lở lòi 01 chân trụ phía taluy âm VT1824 đường dây 500kV mạch 1 Đà Nẵng - Thạnh Mỹ; Mưa lớn kéo dài làm sạt lở đất sát chân mương thoát nước gây vỡ 1 trôi đoạn mương thoát nước tại vị trí 61A đường dây 220kV Sông Bung 2&4 - Thạnh Mỹ; Xử lý chống nghiêng cột ngang tuyến, vị trí 102 Đường dây 220kV Đà Nẵng/NHS – Tam Kỳ; Gió bão làm ngã cây rừng trên ta luy dương ngoài hành lang tuyến gác lên dây dẫn pha B khoảng cột 1902-1903 đường dây 500kV 572 Thạnh Mỹ - 583 Pleiku 2 gây sự cố đường dây.

Có thể nói, các giải pháp tình huống giả định được xây dựng rất sát với thực tế, đáp ứng cơ bản đầy đủ các sự cố thường gặp trong mùa mưa bão và được thực hiện theo nguyên tắc 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, trong đó có tính đến phương án tăng cường lực lượng  từ các đơn vị khác trong và ngoài PTC2 như quân đội, công an, kiểm lâm và công tác lương thực, thực phẩm, thuốc y tế, xăng dầu được đơn vị chủ động liên lạc, hợp đồng trước với các đại lý ở gần nơi đóng quân để mua khi cần thiết.

Đến thời điểm này, kế hoạch chuẩn bị cho mùa mưa bão năm 2020 của Truyền tải điện Quảng Nam đã sẵn sàng. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong phối hợp nhân lực, hình thành các giải pháp xử lý sự cố đầy linh hoạt và chủ động cho các đơn vị trực thuộc không những đã tập kết đầy đủ các loại vật tư, phương tiện dự phòng ở mỗi Đội, Trạm, Truyền tải mà còn đề ra kế hoạch điều động hỗ trợ giữa các đơn vị lân cận mang tính liên hoàn.

Các loại phương tiện lưu động hỗ trợ từ đơn vị khác trong và ngoài Công ty khi có tình huống sự cố lớn xảy ra trên lưới điện đều được chuẩn bị từ trước. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể các thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo cho dòng điện Quốc gia được vận hành  an toàn, liên lục, hiệu quả nhằm phục vụ tốt các nhu cầu xã hội và sinh hoạt người dân trong mùa mưa bão năm nay.

 

Ngọc Dũng - TTĐ Quảng Nam