Từ thí điểm đến nhân rộng những mô hình chuyển giao công nghệ

Trong những năm gần đây, ngành Than Việt Nam đạt được những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Từ phương pháp khai thác thủ công, khoan nổ mìn, đến nay đã có những lò chợ cơ giới hóa công suất lớn với thiết bị

Từ những năm 1999 – 2000, Viện đã nghiên cứu và triển khai áp dụng vì chống thủy lực trong khai thác than hầm lò nhằm tăng mức độ an toàn, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất tài nguyên, giảm chi phí gỗ chống lò. Đây được coi là một cuộc cách mạng kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực khai thác than hầm lò của ngành Than Việt Nam nhằm loại trừ hoàn toàn vì chống gỗ ra khỏi lò chợ. Tuy nhiên, để mở rộng áp dụng vào sản xuất, ở một số mỏ gặp rất nhiều khó khăn vì chưa nắm bắt được công nghệ, chưa tin tưởng vào lợi ích, hiệu quả kinh tế từ việc áp dụng công nghệ mới... Nhằm đẩy nhanh việc áp dụng vì chống thủy lực ở các mỏ hầm lò, được sự khuyến khích và chỉ đạo của Tổng Công ty Than Việt Nam, năm 2001, Viện và Xí nghiệp Than Nam Mẫu – Công ty Than Uông Bí (nay là Công ty TNHH một thành viên Than Nam Mẫu) đã hợp tác triển khai Dự án áp dụng giá thuỷ lực di động tại vỉa 7 khu vực Than Thùng theo mô hình hợp đồng liên kết kinh doanh chuyển giao công nghệ trên cơ sở cùng tham gia góp vốn và phân chia sản phẩm theo tỉ lệ góp vốn. Tổng vốn đầu tư cho Dự án này 31,57 tỷ đồng, trong đó, phần vốn tham gia của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ là 6,16 tỷ đồng, chiếm 19,51% (bao gồm đầu tư mua giá thủy lực di động, thiết bị, chi phí tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, chi phí các dịch vụ khoa học kỹ thuật trong quá trình thực hiện Dự án…).

Theo mô hình liên kết này, sau khi hết hạn hợp đồng, dây chuyền thiết bị được các bên xác định giá trị còn lại và chuyển nhượng theo thỏa thuận. Việc phân chia sản phẩm theo nguyên tắc tỉ lệ chi phí chiếm trong giá thành sản phẩm và được thực hiện hàng tháng, quyết toán theo sản lượng thực tế tại cửa lò. Hợp đồng liên kết sản xuất được thực hiện trong vòng 5 năm, từ 2001 đến 2006 và đã thành công tốt đẹp với tổng sản lượng khai thác đạt gần 500 ngàn tấn than, năng suất lao động bình quân đạt 4,62 tấn/công, tổn thất than 19,2%.

Mô hình thí điểm liên kết sản xuất với Công ty Than Nam Mẫu có thể coi là một bước chuyển mình của V iện Khoa học Công nghệ Mỏ trong hoạt động khoa học công nghệ, tạo thương hiệu và vị thế vững vàng của Viện trong cơ chế thị trường. Từ kết quả và kinh nghiệm của Dự án liên kết sản xuất đầu tiên này, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã phát triển, nhân rộng mô hình chuyển giao công nghệ này ở các nơi khác như  Xí nghiệp than Cao Thắng, Xí nghiệp than Giáp Khẩu… với việc ứng dụng công nghệ khai thác chia lớp ngang nghiêng sử dụng giá thủy lực di động ở các vỉa dày dốc.

Để đẩy nhanh việc áp dụng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, Viện đã tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm, lựa chọn nhiều phương thức thực hiện các dự án đầu tư, đảm bảo vừa đạt được mục tiêu thử nghiệm kết quả nghiên cứu, vừa phù hợp với những quy định về hoạt động khoa học công nghệ và quản lý tài chính của Nhà nước. Với uy tín và năng lực công nghệ của mình, trong các cuộc đấu thầu rộng rãi do các công ty (chủ đầu tư) tổ chức, Viện đã được lựa chọn là đơn vị thực hiện tổng thầu EPC nhiều dự án đầu tư. Với mô hình này, cho phép Viện chủ động thực hiện các nội dung công việc thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán, cung cấp thiết bị, vật tư, xây lắp, đào tạo hướng dẫn vận hành thiết bị, rút ngắn thời gian thực hiện công trình. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ năm 2005 đến nay, Viện đã phối hợp với các công ty (chủ đầu tư) thực hiện hàng loạt các dự án chuyển giao công nghệ vào sản xuất theo mô hình tổng thầu EPC, mà trọng điểm là lĩnh vực khai thác than hầm lò, sàng tuyển than và an toàn mỏ. Có thể kể đến các dự án lò chợ giá khung di động, một loại hình chống giữ có nhiều ưu điểm vượt trội so với cột thủy lực đơn và giá thủy lực di động đã được Viện triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động tại các công ty than như: Thống Nhất, Mạo Khê, Nam Mẫu, Quang Hanh, Hà Lầm…; các hệ thống quản lý khí mỏ, quan trắc tập trung được đưa vào hoạt động tại các mỏ hầm lò Thống Nhất, Nam Mẫu, Mạo Khê, Quang Hanh… đảm bảo an toàn cho khai thác, phòng chống cháy nổ khí mêtan, nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ công trình thí điểm tuyển than bã sàng đầu tiên tại Công ty Than Uông Bí năm 2005, đến nay, hàng loạt dây chuyền tuyển than bã sàng, than chất lượng xấu bằng công nghệ huyền phù tang quay và huyền phù tự sinh – kết quả của các đề tài nghiên cứu cấp Bộ của Viện - đã được nhân rộng tại các mỏ, tạo nên một bước phát triển mới về khoa học công nghệ trong lĩnh vực sàng tuyển, chế biến than, đem lại lợi ích về mặt kinh tế, đóng góp vào sản lượng chung của toàn Ngành trên 2 triệu tấn than và hơn 50 tỷ đồng/năm.

Từ kết quả và kinh nghiệm thí điểm áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác từng phần đến cơ giới hóa đồng bộ tại Khe Chàm, để phát triển cơ giới hóa khai thác than rộng rãi ở các mỏ hầm lò, đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng, được TKV đồng ý và khuyến khích, từ cuối năm 2006, Viện đã phối hợp với Công ty Than Vàng Danh nghiên cứu lập Dự án đầu tư áp dụng thử nghiệm cơ giới hóa đồng bộ khai thác lò chợ hạ trần than nóc và đã ký hợp đồng nhận thầu khai thác khu lò giếng Vàng Danh với tổng vốn đầu tư hơn 221 tỷ đồng, công suất lò chợ 450 ngàn tấn/năm. Viện đã ký hợp đồng với Công ty ALTA (Cộng hòa Séc) về cung cấp bản vẽ thiết kế chế tạo, dàn chống mẫu và toàn bộ phụ kiện thuỷ lực, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát chế tạo, lắp ráp và nghiệm thu sản phẩm, hướng dẫn vận hành… Viện đã tập trung hiệu chỉnh bản vẽ thiết kế dàn chống do Công ty ALTA cung cấp và ký hợp đồng với Công ty Chế tạo máy- TKV chế tạo toàn bộ kết cấu cơ khí của dàn chống, lắp ráp và thử nghiệm không tải tại chỗ. Lô dàn chống tự hành VINAALTA đầu tiên đã được Viện máy Mỏ chế tạo thành công và được chuyển đến lắp ráp tại lò chợ khu giếng Vàng Danh, tiết kiệm được hơn 1,6 triệu USD so với nhập trọn bộ của Công ty ALTA. Đến nay, công trình này đã hoàn thành và đã được đưa vào hoạt động ổn định, cho các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt. Mô hình này là kết quả đúc rút được từ nhiều dự án thí điểm trước đây và được đánh giá rất cao, đặc biệt là đối với một cơ quan nghiên cứu khoa học. Trong thời gian tới, mô hình thầu khai thác sẽ được Viện xem xét mở rộng áp dụng trong các mỏ hầm lò trong TKV.

Trong năm năm qua, với sự đổi mới tư duy, táo bạo và niềm tin mãnh liệt vào sự thành công, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã tiến những bước vững chắc trong hoạt động khoa học công nghệ, khẳng định được thương hiệu của mình với sự tăng trưởng không ngừng, doanh thu đạt từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng/năm, trở thành một địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực tư vấn, chuyển giao công nghệ, đang sẵn sàng chuyển sang hoạt động như một doanh nghiệp khoa học công nghệ theo mô hình cổ phần hóa.

  • Tags: