UK ban hành chính sách ngoại thương hậu Brexit

Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UK) đã khẩn trương hoạch định chính sách ngoại thương mới bao gồm 3 chế độ cơ bản có mức độ ưu đãi từ cao xuống thấp.

Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, sau khi chính thức rời EU ngày 31/01/2020, Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UK) đã khẩn trương hoạch định chính sách ngoại thương nhằm tạo khung pháp lý mới điều chỉnh quan hệ thương mại của các doanh nghiệp UK với các doanh nghiệp nước ngoài sau thời kỳ chuyển tiếp kết thúc ngày 31/12/2020. Chính sách ngoại thương của UK bao gồm 3 chế độ cơ bản có mức độ ưu đãi từ cao xuống thấp gồm:

1. Chế độ FTA

Ưu đãi song phương với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ quốc gia hoặc Liên minh đối tác trên cơ sở thỏa thuận có đi có lại (Hiệp định thương mại tự do). Danh sách các nước đã ký FTA hoặc đang đàm phán FTA với UK được liệt kê trong Phụ lục kèm theo.

2. Chế độ GSP

Ưu đãi đơn phương đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ các nước nghèo và các nước đang phát triển. Chế độ GSP của UK tương tự Chế độ GSP của EU. Theo đó, bên cạnh một số nhóm hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế sẽ có một số nhóm sản phẩm bị loại trừ vì được coi là đã có ngành công nghiệp trưởng thành.

3. Chế độ MFN:

Ưu đãi đa phương trong khuôn khổ WTO đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ các nước Thành viên WTO không có FTA với UK. UK đã ban hành Biểu thuế quan chung (UKGT) cho đối tượng này. UKGT có nhiều điểm khác biệt với Biểu thuế quan chung của EU.

Sau nhiều thập kỷ dựa vào chính sách thương mại của EU, Vương quốc Anh đang bắt đầu đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia trên thế giới. Anh đặt mục tiêu trong vòng ba năm tới sẽ đạt được các thỏa thuận thay thế bao trùm tới 80% hoạt động thương mại của nước này.

Thanh Xuân