Ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

ThS. HOÀNG HIẾU THẢO (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích những thách thức nền kinh tế Việt Nam trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Việt đối mặt chính là năng lực cạnh tranh suy giảm do năng suất lao động thấp. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải ứng dụng công nghệ 4.0 gia tăng năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế phát triển theo xu hướng số hóa.

Từ khóa: Công nghệ 4.0, năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp, GDP.

1. Công nghệ 4.0

CMCN 4.0 là sự hội tụ của một loạt các công nghệ mới xuất hiện dựa trên nền tảng kết nối và công nghệ số và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Các công nghệ, lĩnh vực mới có thể kể đến như: Internet kết nối vạn vật (IoT); Cơ sở dữ liệu tập trung (Big data); Trí tuệ nhân tạo (AI); Năng lượng tái tạo/ Công nghệ sạch (Renewable energy/ Clean tech); Người máy (Robotics); Công nghệ in 3D (3D printing); Vật liệu mới (graphene, skyrmions, bio-plastic,...); Blockchain; Kết nối thực ảo (Virtual/Augmented Reality); Thành phố thông minh (Smart cities); Công nghệ màng mỏng (Fintech); Các nền kinh tế chia sẻ (Shared economics)... Khác với các cuộc cách mạng trước đó, CMCN 4.0 có sự khác biệt rất lớn về tốc độ, phạm vi và sự tác động. Cuộc cách mạng này có tốc độ phát triển và lan truyền nhanh hơn rất nhiều so với trước đó. Phạm vi của CMCN 4.0 diễn ra rộng lớn, bao trùm, trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ trong sản xuất chế tạo mà trong cả dịch vụ, trong đó có dịch vụ công.

CMCN 4.0 dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân,... tạo ra nền kinh tế số. Do đó, để duy trì lợi thế cạnh tranh và có thể bắt kịp được các nước tiên tiến, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều đang tập trung phát triển kinh tế số và ứng dụng các thành tựu công nghệ của CMCN 4.0. Điều này tạo cơ hội công ăn việc làm mới, tăng năng suất cho người lao động... Tuy nhiên cũng đặt ra thách thức về chất lượng lao động và khả năng người lao động động bị thay thế bởi robot, máy móc...

2. Ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn liền với trình độ ứng dụng công nghệ trong sản xuất và quản trị. Công nghệ giúp doanh nghiệp tăng tốc độ, giảm sai sót và loại bỏ lãng phí. CMCN 4.0  xây dựng nên các doanh nghiệp số dựa trên việc kết nối các chuỗi giá trị trong và ngoài doanh nghiệp, số hóa quá trình sản xuất và dịch vụ, và tạo những mô hình kinh doanh mới.

Các nền tảng ứng dụng quản lý hiện đại vận hành trên mạng máy tính diện rộng, Internet và điện toán đám mây cho phép kết nối tích hợp thông tin xuyên suốt toàn bộ tổ chức bất kể quy mô lớn hay nhỏ. Dữ liệu được tích hợp qua tất cả các quy trình từ lập kế hoạch, phát triển sản phẩm, mua sắm, sản xuất, hậu cần đến bán hàng và dịch vụ. Kết nối dữ liệu làm tăng tốc độ thực hiện quy trình, giảm thiểu sai sót do các thao tác thủ công hoặc nhập thông tin nhiều lần, và loại bỏ các lãng phí về nhân công, thời gian và cơ hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tích hợp dữ liệu thông suốt với các đối tác và khách hàng. Điều này cho phép tối ưu hóa giao dịch thương mại với các đối tác, thiết lập hệ sinh thái và củng cố địa vị của doanh nghiệp.

Ứng dụng các cảm biến thông minh, thiết bị thông tin liên lạc và giải pháp quản trị tích hợp, doanh nghiệp có thể số hóa toàn bộ quá trình hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến quản lý. Thông tin từ quá trình sản xuất, qua cảm biến được số hóa thành dữ liệu theo thời gian thực và truyền về các hệ thống xử lý và hệ thống quản trị. Nhờ đó, những hệ thống quản lý điều hành tập trung như ERP, BI luôn có dữ liệu đầy đủ, cập nhật và chính xác để giúp nhà quản lý đưa ra quyết định điều hành kịp thời. Mức độ số hóa càng đầy đủ, thông tin càng cập nhật và chính xác. Doanh nghiệp thương mại luôn cần thông tin cập nhật về hàng tồn kho và giá trị hàng hóa trên thị trường; doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cần thông tin cập nhật về nguyên vật liệu và tình hình bán hàng qua các kênh phân phối; doanh nghiệp sản xuất cần thông tin cập nhật về tình trạng máy móc, tiêu hao nguyên liệu và bán thành phẩm qua các công đoạn sản xuất... Thông tin thiếu cập nhật dẫn đến quyết định thiếu chính xác và kéo theo lãng phí về tài chính và cơ hội. Các cảm biến kết nối với sản phẩm, máy móc - thiết bị, tạo ra luồng dữ liệu đầu vào cho những hệ thống điều hành và quản lý. Hiện nay, chi phí cho cảm biến ngày càng rẻ tạo điều kiện ứng dụng công nghệ này ngày càng thuận tiện và phổ biến.

Hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) là thành phần không thể thiếu trong các doanh nghiệp có nhu cầu tự động hóa cao các hoạt động quản lý và vận hành sản xuất, đặc biệt là trong các ngành năng lượng, dầu khí, vận tải, sản xuất chế biến, cấp/thoát nước... Thuật ngữ “SCADA” ra đời từ đầu những năm 1970 cùng sự phát triển các bộ vi xử lý và PCL (bộ điều khiển logic lập trình). Hệ thống SCADA bao gồm các máy vi tính kết nối với một loạt đối tượng như máy móc, cảm biến và các thiết bị đầu cuối, định tuyến thông tin thu thập từ các đối tượng này về phần mềm SCADA. Từ đó, phần mềm hiển thị và xử lý các dữ liệu, giúp cho người điều khiển phân tích và đưa ra quyết định phù hợp.

Đóng vai trò cốt lõi trong doanh nghiệp số là hệ thống ERP. ERP giúp doanh nghiệp luôn được cập nhật thông tin và kiểm soát được các nguồn lực của mình: tài chính, hàng hóa và con người. ERP cũng giúp doanh nghiệp chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ trên hệ thống thông tin để tối ưu hóa và loại bỏ lãng phí. Cuộc cách mạng số tạo nên các doanh nghiệp thông minh. Doanh nghiệp thông minh phát triển theo hướng số hóa toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ. Trong đó bao gồm nhu cầu kết nối SCADA và ERP. ERP tích hợp con người, quy trình và dữ liệu tạo nên hệ thống nền tảng cho quản trị doanh nghiệp. Kết nối SCADA và ERP đưa dữ liệu từ các thiết bị, máy móc và tài sản doanh nghiệp trong quá trình vận hành, sản xuất truyền về hệ thống quản trị. Từ đó, các quy trình quản trị được rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và tránh các sai sót do nhập liệu thủ công. Và hệ thống ERP luôn có đầy đủ dữ liệu để công việc hoạch định được tiến hành chính xác, kịp thời.

Kết nối các hệ thống, tích hợp các quy trình nghiệp vụ là nhu cầu đặt ra cho mọi hệ thống ERP. Khả năng tích hợp được hỗ trợ rất tốt trên các giải pháp ERP lớn qua các giao thức tài liệu điện tử, API nghiệp vụ, dịch vụ web... CMCN 4.0 với các mũi nhọn như Internet vạn vật, điện toán đám mây (cloud), cảm biến thông minh, hỗ trợ di động, phân tích và xử lý dữ liệu lớn... tăng cường năng lực kết nối giữa ERP với các hệ thống thông tin nói chung và SCADA nói riêng. Sự gia tăng của không gian địa chỉ trong giao thức Internet IPv6 là yếu tố quan trọng cho việc phát triển khả năng kết nối các thực thể cần quản lý. Điều đó cho phép mọi vật trong thế giới thực đều được số hóa và quản lý trên mạng máy tính. Các công nghệ kết nối giúp thu thập dữ liệu theo thời gian thực từ các thiết bị, máy móc, cảm biến... kết hợp các khả năng phân tích dữ liệu lớn để cung cấp cho hệ thống quản trị cái nhìn toàn diện về các tài sản doanh nghiệp, các dây chuyền sản xuất cũng như quá trình hoạt động vận hành chúng.

Các hệ thống quản lý ngày nay không thể thiếu ứng dụng phân tích dữ liệu. Luồng thông tin từ các cảm biến, dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng, đối tác, khách hàng và các hệ thống IoT… tạo nên một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Doanh nghiệp cần hệ thống thông minh cho phép xử lý, phân tích khối dữ liệu đó, giúp đánh giá đúng đắn những thay đổi đang diễn ra và đưa ra quyết định kịp thời. Nhờ đó, doanh nghiệp khai thác được hiệu quả giá trị của khối “tài sản thông tin này”.

Điện toán đám mây mang đến một phương thức sử dụng hệ thống thông tin thuận tiện và tinh gọn. Khách hàng mua hệ thống theo hình thức thuê bao. Điều đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu bộ máy quản trị và vận hành hệ thống. Người sử dụng khai thác hệ thống qua Internet và không cần thiết phải lo lắng về hạ tầng để lưu trữ dữ liệu và cài đặt ứng dụng. Người Việt Nam đã quen với nhiều ứng dụng cloud như Facebook, Google, Salesforce, Amazon... Sự tiện lợi cùng xu thế phát triển của công nghệ làm cho các ứng dụng cloud ngày càng phổ biến. Các hãng cung cấp giải pháp ERP hàng đầu thế giới như SAP, Oracle, Microsoft... đã đưa sản phẩm của mình lên cloud. Mỗi hãng có chiến lược lên cloud riêng song họ đều có chung xu hướng ưu tiên phát triển sản phẩm cloud bắt kịp các sản phẩm tại chỗ (on-premise) truyền thống.

Các doanh nghiệp ngày nay bắt đầu làm ERP sẽ có cơ hội lựa chọn giữa giải pháp đám mây (cloud) và sở hữu (on-premise). Nhiều khách hàng tại Việt Nam hiện nay có cảm nhận rằng giá phần mềm cloud cao so với onpremise khi tính cho một giai đoạn sử dụng khoảng 3 - 5 năm. Tuy nhiên, nếu dùng cloud họ sẽ không phải lo về chi phí cho hạ tầng và các nguồn lực vận hành, bảo trì kèm theo. Không có câu trả lời chung cho mọi trường hợp rằng chi phí cloud hay on-premise tiết kiệm hơn. Sự lựa chọn tốt nhất phụ thuộc vào trường hợp cụ thể của từng doanh nghiệp. Khi đó cần xét đến các yếu tố như giải pháp có đáp ứng được yêu cầu quản trị không, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nguồn lực và hạ tầng CNTT của mình hay thuê ngoài... Dù sao, điện toán đám mây đem đến thêm những lựa chọn hấp dẫn cho các doanh nghiệp. Đó cũng là xu hướng lớn của công nghệ hiện đại.

Ngày nay, điện toán đám mây không chỉ là email, mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm. Nhiều hệ thống thông tin quản lý phức tạp như ERP, CRM, SCM, HCM, BI... đã được cung cấp trên cloud. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, các giải pháp mạng xã hội nội bộ như Facebook Workplace, SAP Jam, Salesforce Chatter... đã ra đời, tạo một môi trường tích hợp giữa các nhân viên trong tổ chức và giữa các quy trình nghiệp vụ. Các giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp thay thế nhiều hệ thống thông tin rời rạc bằng một hệ thống duy nhất, tích hợp các hệ thống nghiệp vụ với nhau, qua đó tinh gọn hóa kiến trúc CNTT tổng thể của mình.

Để đáp ứng các yêu cầu khác nhau của khách hàng cũng như chính sách quy định của các bộ ngành, địa phương, điện toán đám mây có thể được cung cấp theo nhiều hình thức: public cloud, private cloud, hybrid cloud (kết hợp onpremise và cloud)... Bên cạnh đó, cloud còn được cung cấp theo các mức độ khác nhau: hạ tầng (IaaS), nền tảng công nghệ (PaaS) và ứng dụng phần mềm (SaaS). Các kiến trúc và hình thức cloud đa dạng mang lại cho khách hàng sự linh hoạt tối đa để lựa chọn phương án tối ưu cho hệ thống thông tin.

Cuộc CMCN 4.0 tạo ra những giải pháp công nghệ thông minh hơn, có năng lực xử lý mạnh hơn, giúp nhà quản trị tại mọi nơi, mọi lúc có đầy đủ thông tin từ việc nắm được bức tranh toàn cảnh của doanh nghiệp cho đến truy vấn tới từng giao dịch nhỏ nhất, thay vì phải hỏi nhiều người hay tra cứu từ nhiều nguồn; đồng thời còn  giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả của các quy trình làm việc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Website: Bộ Thông tin và Truyền thông www.mic.gov.vn; Tổng cục Thống kê www.gso.gov.vn; Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia www.dangkykinhdoanh.gov.vn
  2. Website các DNVT Việt Nam www.viettel.com.vn; www.vietteltelecom.vn; www.vnpt.com.vn; www.vinaphone.com.vn; www.mobifone.com.vn
  1. Website các DNVT www.telstra.com.au; www.att.com; www.vodafone.com.au; www.optus.com.au; …
  2. Số liệu tổng hợp trên các báo: Lao Động; Thanh Niên; Tuổi trẻ; Vietnamnet.vn; itcnews.vn; genk.vn;…

APPLYING TECHNOLOGY 4.0 TO IMPROVE THE COMPETITIVENESS OF VIETNAMESE ENTERPRISES

Master. HOANG HIEU THAO

Faculty of Business Administration, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The paper analyzes the challenges that Vietnam's economy has to face in the context of the rapid-growing Industry 4.0. One of the biggest difficulties faced by Vietnamese enterprises is the competitiveness reduction due to the low labour productivity. This issue requires Vietnamese enterprises to apply technology 4.0 to increase their competitiveness, contributing to the digitalization of Vietnam’s economy.

Keywords: Technology 4.0, competitiveness, enterprise, GDP.