Vai trò của tổ chức tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ

Tham gia vào hoạt động chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn. Đó chính là lý do cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài của các tổ chức tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ.

 

I. Điều dễ nhận thấy nhất là khó khăn của doanh nghiệp trước sự phức tạp trong chuyển giao công nghệ.

Xung quanh vấn đề công nghệ, các học giả đã từng đưa ra nhiều tranh luận. Chẳng hạn, các bàn thảo dai dẳng về những điều cơ bản như định nghĩa về công nghệ và chuyển giao công nghệ (hàm chứa đằng sau là cách tiếp cận khác nhau), đánh giá đóng góp của  công nghệ vào tăng trưởng kinh tế, ... Các doanh nghiệp có thể không quan tâm tới những gì mang tính học thuật, hoặc tác động ở tầm vĩ mô, nhưng còn có cả những phức tạp khác liên quan trực tiếp đến hoạt động chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp.

Có nhiều phương thức chuyển giao công nghệ khác nhau mà doanh nghiệp phải lựa chọn: Mua thiết bị, hợp đồng chìa khoá trao tay, liên doanh, mua lixăng,... Các phương thức này có liên  quan tới lợi ích của các bên và đặc điểm công nghệ. Thông thường, người bán thích được tham gia cổ phần để có thể giám sát được nhiều hơn đối với người mua công nghệ, nhất là đối với những công nghệ quan trọng, hoặc đang ở giai đoạn đầu của vòng đời sản phẩm. Trái lại, nếu công nghệ thuộc loại không quan trọng, hoặc ở vào giai đoạn cuối của vòng thì người bán thích phương thức bán lixăng. Về phía người mua, quyết định lựa chọn phương thức chuyển giao nào phụ thuộc chủ yếu bởi năng lực công nghệ và các nguồn lực hiện có. Nếu công nghệ định mua đòi hỏi nguồn lực quá cao, người mua thích phương thức liên doanh; nếu người mua có năng lực công nghệ cao, họ không thích việc tham gia cổ phần, trừ khi có những lý do như để tiếp cận thị trường. Lựa chọn đúng phương thức chuyển giao công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp bởi, như Ramanathan đã chỉ ra Ramanathan. K,. "Application of Industria Technological Indicators", in Science and Technology Management Informtion Systems, N. Sharif and K. Ramanathan, eds., UNDP – UNESCO - Indonesian Institute of Sciences, Jarkarta, 1994., nó giúp cho chuyển giao công nghệ có hiệu quả, năng lực công nghệ phát triển và lớn mạnh lên một cách vững chắc.

Có những giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển giao công nghệ mà doanh nghiệp phải trải qua. Trong giai đoạn tìm kiếm cơ hội, doanh nghiệp cần nhận biết được các nhu cầu và lập luận chứng cho việc giao dịch. Giai đoạn lựa chọn đối tác bao gồm việc tìm đối tác, đánh giá và chọn đối tác. Giai đoạn tiếp theo là hoàn thiện phương thức giao dịch với nội dung nhận dạng phương thức chuyển giao công nghệ khả thi và chọn phương thức giao dịch. Tiếp đến là giai đoạn đàm phán, doanh nghiệp tiến hành đàm phán các điều khoản của hợp đồng, đồng thời hoàn tất các khía cạnh về pháp lý, nguồn lực và hậu cần.

Một trong các hoạt động quan trọng trong chuyển giao công nghệ là đánh giá công nghệ ở mức doanh nghiệp, nhằm lựa chọn một trong số nhiều công nghệ khác nhau để thoả mãn tối ưu những thông số do doanh nghiệp xác định trước. Đánh giá này thường diễn ra với 4 bước: Đánh giá sơ bộ, đánh giá khả năng chuyển giao, đánh giá thị trường, đánh giá thương mại. Ở đây có nhiều yếu tố phải xem xét đến. Chẳng hạn, trong đánh giá thị trường, tức là nghiên cứu sản phẩm được tạo ra từ công nghệ đáp ứng thị trường tiềm năng như thế nào, những yếu tố có liên quan là thị trường (nội địa, khu vực, toàn cầu; hiện nay, mới, có tính chiến lược) mà công nghệ hoặc sản phẩm tạo ra có thể đáp ứng; đánh giá thị phần (giá trị và khối lượng) của sản phẩm tạo ra do công nghệ trong vòng đời công nghệ; chi phí lưu thông và tiếp thị; độ nhậy của công nghệ/sản phẩm đối với biến động/thay đổi của thị trường/công nghệ; các chiến lược cạnh tranh; các đối tác tiềm năng/ có tính chiến lược để đảm bảo thành công trên thị trường...

Trước những phức tạp trên, cùng với các nỗ lực xử lý của doanh nghiệp, sự trợ giúp từ bên ngoài của tổ chức tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ là rất cần thiết và hữu ích.

II. Chuyển giao công nghệ không phải chỉ có nhiều thông tin phải xử lý và thể hiện sự phức tạp, mà còn liên quan tới một số vấn đề khá xa lạ đối với doanh nghiệp, loại hình tổ chức vốn quen với hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ thông thường. Đó là cảnh báo công nghệ Cảnh báo công nghệ (Veille Technologique) là một nội dung của đánh giá công nghệ nhằm thấy trước mặt lợi, mặt hại để từ đó ngăn ngừa, đối phó với những hậu quản tiêu cực có thể có do một công nghệ cụ thể,  hay một thế hệ công nghệ (dòng công nghệ) hoặc một công nghệ mới gây ra cho sản xuất, đời sống và xã hội., đánh   giá công nghệ, môi trường pháp lý liên quan tới chuyển giao công nghệ, chính sách phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ của nước xuất và nhập công nghệ... Chuyển giao công nghệ đòi hỏi phải có hiểu biết sâu sắc, hệ thống về công nghệ và môi trường pháp lý để có những quyết sách chính xác, kịp thời. Lấy ví dụ, thông thường, cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia (hệ thống hành chính hoặc hệ thống toà án) đều được phép tự do hành động với một phạm vi rất rộng trong việc xem xét tính hợp pháp của các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Nếu hợp đồng có các điều khoản thương mại không lành mạnh thì sẽ bị coi là vô hiệu. Hậu quả tất yếu là không thể tiến hành việc thanh toán ngoại hối, không có sự bồi thường về mặt pháp lý, một rủi ro mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải biết để phòng xa khi tham gia các hợp đồng chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài.

Không thể phủ nhận rằng, hiện nay đã có những doanh nghiệp chú trọng phát triển hoạt động NC&PT, tăng cường thu lượm thông tin công nghệ. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy những nỗ lực đồng thời hướng vào các lĩnh vực khác nhau đang đặt các doanh nghiệp trước mâu thuẫn. Nổi bật là mâu thuẫn giữa chú trọng kế hoạch hoá quá trình sản xuất ngắn hạn, bám sát vào thực tại và đi vào giải quyết những sự cố kỹ thuật cụ thể, với phải tiếp cận được với kiến thức khoa học của những tổ chức KH&CN hàng đầu, phải có khả năng tiến hành những nghiên cứu giầu trí tưởng tượng (thoát ly khỏi thực tế hiện tại) và phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự đổi mới, sáng tạo... Như vậy, thay vì phải tự mình đơn độc, sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp hơn và vị thế của doanh nghiệp trong đàm phán mua bán công nghệ.

III. Cũng như trao đổi hàng hoá nói chung, chuyển giao công nghệ được diễn ra trên cơ sở đồng thuận lợi ích giữa các bên tham gia. Đồng thời, lại có đặc thù ở đây là tồn tại sự khác biệt nhất định, khiến việc thống nhất lợi ích trở nên khó khăn: Trong chuyển giao công nghệ có nhiều yếu tố cần tính toán lợi ích và chỉ có ít yếu tố liên quan đến chi phí thuần tuý về tri thức công nghệ, còn hầu hết các yếu tố khác là về các dịch vụ có liên quan như cung cấp các chi tiết, phụ kiện, thiết bị, đặc quyền kinh doanh, tên nhãn hàng, các dịch vụ chuyên môn...; Trong chuyển giao công nghệ, các bên thường có động cơ và chiến lược riêng của mình. Do công nghệ là vũ khí cạnh tranh tiềm tàng quan trọng, nên nhiều khi nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm liên quan tới công nghệ chuyển giao cũng là nội dung được chú ý trong đàm phán; Khoảng cách sẽ càng rõ nét khi chuyển giao công nghệ diễn ra giữa giới khoa học và giới kinh doanh, bởi các nhà khoa học thường đánh giá quá cao sản phẩm nghiên cứu và họ còn có xu hướng muốn phổ biến kết quả khoa học do mình tạo ra.

Những khó khăn về thống nhất lợi ích giữa các bên mua bán công nghệ có thể khắc phục phần nào với sự hỗ trợ của tổ chức tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ. Đóng vai trò trung gian, các tổ chức tư vấn, môi giới công nghệ có những ưu thế để đưa ra các ý kiến công bằng, tỉnh táo của người thứ ba.

IV. Khác với mua bán hàng hoá thông thường, chuyển giao công nghệ đòi hỏi những quan hệ sâu sắc, lâu dài giữa các bên chuyển giao và tiếp nhận.

Độ tin cậy của hàng hoá công nghệ không cao do người ta không thể sờ mó và không dễ nhận biết trực tiếp các thuộc tính KH&CN. Trong khi người bán biết rõ hàng hoá của mình, thì người mua thường có rất ít thông tin về chất lượng thực của hàng hoá được mang trao đổi. Giá trị sử dụng của công nghệ chỉ thực sự bộc lộ trong quá trình sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ. Trước một đối tượng khá bí ẩn, quan hệ tin tưởng lẫn nhau có ý nghĩa quan trọng giúp chuyển giao diễn ra trôi chảy.

Chuyển giao công nghệ bao hàm cả việc chuyển giao, hấp thụ kiến thức mới của phía tiếp nhận. Sau hành vi mua bán còn có cả những hoạt động thiếp theo như đào tạo, sửa chữa,... thể hiện mối quan hệ gắn bó lâu dài của những người tham gia.  Trường hợp người tiếp nhận tiếp tục cải tiến, phát triển công nghệ được chuyển giao và cần sự hợp tác từ phía chuyển giao,  quan hệ giữa các bên càng phải bền chặt.

Chuyển giao công nghệ chứa đựng nhiều rủi ro. Người bán khó biết được người mua có giữ cam kết trong hợp đồng sau khi đã làm chủ được tri thức hay không. Người có hàng hoá KH&CN dễ bị tổn thương về mặt sở hữu và lợi ích. Tri thức KH&CN có những điểm khác với hàng hoá truyền thống. Việc một người sử dụng một khối lượng tri thức nhất định không ngăn ngừa được người khác sử dụng cũng những khối lượng tri  thức đó. Đồng thời, khi tri thức đã bộc lộ ra ngoài xã hội, thì người tạo ra nó rất khó ngăn không cho người khác dùng. Tính chất "không loại trừ" và "không thể bị loại trừ" theo cách gọi của các nhà kinh tế, thường làm tách rời giữa quyền sở hữu pháp lý và quyền sở hữu thực tế.

Chính vì vậy, trong chuyển giao công nghệ, người ta nhấn mạnh thuật ngữ ''Đối tác" với ý nghĩa là mua bán công nghệ cần quan hệ mật thiết hơn nhiều so với "mua đứt - bán đoạn", một sự hợp tác trên cơ sở bền vững. Việc hình thành quan hệ hợp tác bền vững rất cần trợ giúp từ tổ chức tư vấn,  môi giới chuyển giao công nghệ giống như những "bà mối". Bà mối là người có điều kiện đi sâu tìm hiểu các bên, là người làm chứng và bảo lãnh uy tín của các bên tham gia chuyển giao công nghệ.

  • Tags: