Vận dụng mô hình CIPO vào quản lý đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội

ThS. NGUYỄN HỮU VĂN (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang)

TÓM TẮT:

Với quan điểm chất lượng đào tạo là một quá trình, UNESCO đã đưa ra mô hình đào tạo CIPO (Context-Input-Process-Output/Outcome). Bài viết tiếp cận và vận dụng mô hình này trong quản lý đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp các cơ sở giáo dục quản lý tốt các khâu trong quá trình quản lý đào tạo nghề, như: quản lý đầu vào; quản lý quá trình; quản lý đầu ra. Qua đây, tác giả cũng đánh giá tác động của bối cảnh đến quản lý quá trình đào tạo nghề.

Từ khóa: Mô hình CIPO, quản lý đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp, nhu cầu xã hội.

1. Đặt vấn đề

Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là điều hết sức cần thiết. Hiện nay, các cơ sở giáo dục cần vận dụng các quan điểm, mô hình quản lý hiện đại nhằm đổi mới quản lý đào tạo nghề theo quy luật cung - cầu của thị trường lao động.

Bài viết trình bày cách tiếp cận quản lý đào tạo nghề theo mô hình quản lý CIPO (Context-Input-Process-Output/Outcome) của UNESCO. Đây là cách quản lý chất lượng những yếu tố thành phần gồm: Yếu tố đầu vào (Input); Yếu tố quá trình (Process); Yếu tố đầu ra (Output/Outcome) và được xem xét trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp với yếu tố hoàn cảnh (Context) cụ thể.

2. Thực trạng vận dụng mô hình CIPO vào quản lý đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội

2.1. Mô hình quản lý đào tạo CIPO

Với quan điểm chất lượng đào tạo là một quá trình, năm 2000, UNESCO đưa ra mô hình đào tạo CIPO (Context - Input - Process - Output/Outcome), được mô tả như Sơ đồ 1.

Sơ đồ 1: Mô hình CIPO về quản lý đào tạo

Mô hình CIPO về quản lý đào tạo

Mô hình CIPO có tính chất kiểm soát quá trình đào tạo do tất cả các yếu tố hoàn cảnh (Context) tác động lên quá trình đào tạo, gồm: Yếu tố đầu vào (Input); Yếu tố quá trình (Process); Yếu tố đầu ra (Output/Outcom). Cho nên, việc quản lý đào tạo theo CIPO là quản lý theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Xu thế sử dụng CIPO trong quản lý đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng đang ngày càng được quan tâm và tìm hướng vận dụng. Quản lý đào tạo nghề được đặt trong một môi trường “vận động” có ý nghĩa toàn diện hơn, chứ không chỉ là vấn đề thông tin phản hồi từ người học đã tốt nghiệp, từ các cơ sở sử dụng lao động hoặc vấn đề bảo đảm chất lượng của tổ chức hay các cơ sở đào tạo.

2.2. Vận dụng mô hình CIPO vào quản lý đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội

Vận dụng mô hình CIPO trong quản lý đào tạo nghề theo năng lực gồm các nhóm nội dung quản lý: quản lý đầu vào, quản lý quá trình, quản lý đầu ra, đồng thời cần quan tâm đến các yếu tố tác động của bối cảnh đến quản lý đào tạo nghề.

2.2.1. Quản lý đầu vào

Việc xác định nhu cầu đào tạo đối với các cơ sở giáo dục nói chung và đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng là một trong những khâu quan trọng trong công tác quản lý đào tạo nghề. Qua đó, giúp các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình đào tạo nghề và các điều kiện bảo đảm chất lượng cho đào tạo, như: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo một cách có cơ sở khoa học và thực tiễn. Từ đó, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu xã hội về số lượng cũng như chất lượng đào tạo. Việc làm này giúp giải quyết triệt để bài toán giữa nhu cầu xã hội và khả năng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Để đào tạo nghề đáp ứng được nhu cầu xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đảm bảo: Mục tiêu đào tạo (Outcome) - gồm Kiến thức

(Knowledge), kỹ năng (Skill), thái độ (Attitude), thói quen làm việc (Workhabit)); Chuẩn trình độ kỹ thuật nghề (Qualification Standard); Các khối kiến thức cơ bản, cơ sở, chuyên môn và thực hành - được thể hiện bằng các môn học hoặc các mô đun đào tạo với thời lượng tương ứng; Trình tự thực hiện và đánh giá kết quả trong khóa đào tạo.

Nếu xây dựng chương trình đào tạo cho một nhóm nghề, sẽ xuất hiện khái niệm chương trình khung (FrameWork Curriculum). Trong đó, bao gồm các nghề có chung cơ sở kỹ thuật hoặc quan hệ trực tiếp với lượng kiến thức, kỹ năng cơ bản giống nhau khoảng 70% và khác biệt đặc thù 30%. Mục tiêu của xây dựng chương trình khung nhằm đồng nhất để dùng chung chương trình môn học, mô đun đào tạo cơ bản hoặc giáo trình, sách giáo khoa trong quá trình đào tạo cho từng nghề.

2.2.2. Quản lý quá trình đào tạo nghề

Quản lý quá trình dạy và học nghề - một quá trình kết hợp đan xen liên tục, mềm dẻo, linh hoạt giữa việc dạy và học - được hoàn thành trọn vẹn từ khâu chuẩn bị ban đầu cho đến khi có kết quả cuối cùng.

Xây dựng kế hoạch dạy và học nghề là việc của nhà quản lý. Việc này gồm các nội dung cơ bản như: Xác định xu thế; Dự báo yếu tố có liên quan; Phân tích hiện trạng; Xác định mục tiêu; Xây dựng hệ thống các giải pháp thực hiện kế hoạch. Hoạt động này giúp nhà quản lý có thể kiểm soát quá trình tổ chức hoạt động dạy và học nghề tại đơn vị được diễn ra theo đúng kế hoạch và đảm bảo đạt kết quả tốt.

Do xây dựng kế hoạch là xác định trước tiến trình phát triển của hệ thống trong tương lai nên phải nắm bắt được mối quan hệ giữa mục tiêu và giải pháp để bảo đảm chiến lược mang tính khả thi.

Tổ chức là quá trình nhà quản lý xây dựng cơ cấu hoạt động, phối hợp giữa các thành viên và giữa các bộ phận trong nhà trường khi thực hiện một công việc cụ thể nào đó [4].

Công tác tổ chức thực hiện dạy và học nghề là quá trình phân phối và sắp xếp nguồn nhân lực theo cách thức nhất định, nhằm đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Tổ chức thực hiện dạy và học nghề có vai trò hiện thực hóa các mục tiêu giáo dục và đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho mỗi cá nhân, mỗi bộ phận đào tạo nghề phát huy được năng lực và nhiệt huyết của mình, đóng góp tốt nhất vào sự hoàn thành mục tiêu chung của đơn vị theo sự định hướng đã đề ra.

Chức năng kiểm tra đánh giá nhằm đo lường và chấn chỉnh việc thực hiện dạy và học nghề, từ đó bảo đảm các mục tiêu, kế hoạch đã và đang được hoàn thành. Kiểm tra đánh giá quá trình dạy và học nghề đáp ứng yêu cầu xã hội là một tiến trình gồm các bước như: Từ thực tế, xây dựng kế hoạch kiểm tra quá trình dạy và học nghề; Tiến hành kiểm tra chương trình, nội dung, tiến độ và chất lượng thực hiện quá trình dạy và học nghề; So sánh thực tại với các tiêu chuẩn về dạy và học nghề đã đề ra; Xác định các sai lệch trong quá trình dạy và học nghề; Tiến hành phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình dạy và học nghề; Rút kinh nghiệm và điều chỉnh quá trình dạy và học nghề để mang lại hiệu quả tốt hơn.

Trong đào tạo nghề, cơ sở sử dụng lao động là một trong những “khách hàng” trực tiếp sử dụng nguồn lao động do cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo. Do đó, cơ sở sử dụng lao động cần có kế hoạch cụ thể về nhu cầu đối với đội ngũ lao động trong hoạt động sản xuất hay phát triển kinh doanh dịch vụ; chỉ rõ yêu cầu về số lượng và chất lượng đầu ra đối với đội ngũ lao động; chi tiết về việc trả chi phí cũng như mức độ sử dụng, phản hồi mức đáp ứng yêu cầu cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tùy theo tình hình thực tế về các nguồn lực và nhu cầu cụ thể của các bên liên kết để xác định rõ cũng như thay đổi mục tiêu đào tạo sao cho phù hợp với từng giai đoạn liên kết.

2.2.3. Quản lý đầu ra

Quản lý công tác cấp văn bằng, chứng chỉ sau khi tốt nghiệp: Cần chú ý mức độ linh hoạt của chứng chỉ (tín chỉ) mỗi mô đun và sự lắp ghép các chứng chỉ của tất cả các mô đun đã hoàn thành để có được văn bằng, chứng chỉ tương ứng với trình độ đào tạo theo quy định.

Quản lý công tác tư vấn và giới thiệu việc làm cho người học tốt nghiệp: Để tiếp nhận yêu cầu cụ thể của thị trường lao động, rất cần hoạt động liên kết tư vấn và giới thiệu việc làm cho người học tốt nghiệp. Việc làm thiết yếu này sẽ giúp người học ổn định tâm lý, vững vàng thực nghiệp. Đồng thời, nó cũng giải quyết được tình trạng thất thoát nguồn lực và chi phí do người học từ bỏ nghề đã học để tìm kiếm một nghề mới hay một cơ hội học tập khác. Kết quả việc làm sau tốt nghiệp được xem xét qua các nhân tố như: thời gian có việc làm, việc làm đúng ngành nghề, đúng trình độ... Việc đáp ứng kết quả việc làm chính là hiệu quả của quá trình đào tạo nghề.

Thông qua nhu cầu của cơ sở sử dụng lao động như: việc làm (vị trí, số lượng, trình độ yêu cầu,…), triển vọng phát triển nghề nghiệp,…; thông qua quản lý thông tin đa chiều từ môi trường phát triển kinh tế - xã hội, từ các cơ sở sử dụng lao động và người học đã tốt nghiệp, từ khảo sát điều tra theo người học đã tốt nghiệp… cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, triển khai công tác tư vấn và hỗ trợ người học tốt nghiệp tìm việc làm, thực hiện điều chỉnh các hoạt động quản lý đào tạo khác.

3. Tác động CIPO đến quản lý đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

3.1. Về thể chế, chính sách

Những tác động từ Nghị quyết Trung ương Đảng, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, nghị định, thông tư,… là căn cứ pháp lý quan trọng góp phần định hướng tạo điều kiện cho đào tạo nghề nói chung và quản lý đào tạo nghề nói riêng phát triển đáp ứng yêu cầu đổi mới về kinh tế - xã hội.

3.2. Về sự tiến bộ của khoa học - công nghệ

Đại hội XII chỉ rõ: “Phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, làm cho khoa học - công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh” [3, tr.119 - 120]. Văn kiện đặc biệt chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp gắn kết giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hiệu quả quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Quy mô và tốc độ của sự tiến bộ khoa học - công nghệ xét trên cả hai phương diện sự phát triển và tính phổ biến, đều diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Xét cả về bề rộng lẫn chiều sâu, cách mạng công nghệ 4.0 đã báo trước sự chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội, theo đó là những thay đổi của giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở linh hoạt.

Những tác động từ khoa học - công nghệ được cập nhật, ứng dụng,… giúp quá trình quản lý đào tạo nghề thích ứng với sự biến động của thị trường lao động khi quá trình sản xuất, dịch vụ đã có sự nâng cấp và phát triển nhanh chóng của công nghệ. Đôi khi, việc tranh thủ thời cơ tốt từ tác động này giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nắm bắt được một phần xu hướng, nhu cầu đào tạo, thậm chí dự đoán được “một số nghề sẽ mất đi và một số nghề mới sẽ sinh ra” để kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp.

3.3. Về hội nhập quốc tế, đối tác cạnh tranh

Thực tế cho thấy, cạnh tranh trong hội nhập và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh của một quốc gia. Tranh thủ được cơ hội từ tác động của yếu tố này sẽ giúp cơ sở giáo dục nghề nghiệp có điều kiện so sánh, tự xác định vị trí, giá trị, thương hiệu không chỉ trong nước mà cả trong khu vực và thế giới. Đồng thời, nó sẽ tạo ra cầu nối để tận dụng triệt để những thời cơ quý giá trong quá trình liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ đào tạo, tiếp cận chương trình đào tạo nghề tiên tiến của thế giới [7]. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm đến các yếu tố khác - như dân cư, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cho dạy nghề,… để có được những chiến lược quản lý đúng đắn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2008), Báo cáo tổng quan dạy nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp thời gian qua - Định hướng, giải pháp cho những năm tới.
  2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, ban hành ngày 15/12/2017.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
  4. Trần Khánh Đức (2009), Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, NXB Giáo dục Việt Nam.
  5. Nguyễn Phan Hòa (2014), Quản lý liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, luận án Tiến sĩ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
  6. Phan Trần Phú Lộc (2017), Quản lý liên kết đào tạo Cao đẳng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực của các khu công nghiệp tại Bình Dương, luận án Tiến sĩ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
  7. Phan Văn Nhân (2009), Giáo dục nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
  8. Quốc hội (2014), Luật Giáo dục số 74/2014/QH13, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
  9. Nguyễn Đức Thắng (2017), Quy trình triển khai hệ thống chất lượng theo tiếp cận CIPO trong quản lý thiết bị đào tạo của các trường đại học kỹ thuật trong quân đội. Tạp chí Giáo dục, số 419, tr 62-64
  10. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 630/2012/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 ban hành ngày 29/5/2012.
  11. Nguyễn Trọng Sơn (2017), Cơ sở khoa học về quản lý đào tạo nghề theo hướng chuẩn đầu ra đắp ứng nhu cầu nhân lực. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 5/2016, tr 86-89.

IMPLEMENTTING THE CIPO MODEL

INTO THE TRAINING MANAGEMENT

OF VOCATIONAL TRAINING INSTITUTIONS

TOWARDS MEETING SOCIAL DEMANDS

● Master. NGUYEN HUU VAN

Rector, Hau Giang Province Community College

ABSTRACT:

With the view of promoting and maintaining the quality of training and education as a process, the United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO) launched the CIPO model (Context-Input-Process-Output/Outcome). This article analyzes and proposes ways of applying this model into vocational training management at vocational training institutions towards meeting social demands. This article is expected to help vocational training institutions better manage stages of the vocational training management process such as input management, process management and output management. In addition, this article assesses the impact of current conditions on the vocational training process management.

Keywords: CIPO model, vocational training management, vocational education, social demands.