VEAM cán đích sớm chỉ tiêu lợi nhuận cả năm

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu tài chính và lợi nhuận sau thuế của VEAM đã vượt kế hoạch cả năm. Theo đó, doanh thu tài chính đạt 7.561 tỷ đồng vượt 4% kế hoạch cả năm và vượt 41% so với cùng kỳ 2018, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty cũng đạt 7.074 tỷ đồng vượt 10% so với kế hoạch năm 2019.

Cán đích sớm chỉ tiêu lợi nhuận cả năm

Sáng 31/10/2019, tại Vũng Tàu, Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam-CTCP (VEAM) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm và kế hoạch 3 tháng cuối năm 2019.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2019, VEAM đạt doanh thu 3.352 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận sau thuế của VEAM tăng lên hơn 5.151 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Với mức lợi nhuận này, VEAM tiếp tục ghi nhận nguồn thu lớn nhất đến từ các liên doanh Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam với phần lãi liên kết và tiền gửi nên lợi nhuận sau thuế.

tổng công ty máy động lực máy nông nghiệp
9 tháng đầu năm 2019, VEAM đạt doanh thu 3.352 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ 2018

Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu tài chính của VEAM đã đạt 7.561 tỷ đồng vượt 4% kế hoạch cả năm và 41% so với cùng kỳ 2018, cùng với đó lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty cũng đạt 7.074 tỷ đồng vượt 10% so với kế hoạch năm 2019 và 37% so với cùng kỳ năm 2018.

Đóng góp thành công về đích sớm của lợi nhuận phải kể đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh tại Nhà máy đúc VEAM (VF). 9 tháng đầu năm, đơn vị này có tốc độ tăng trưởng khá tốt, dự kiến VF sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch với sản lượng đúc ước tính đạt 7.000 tấn vật đúc với doanh thu 220 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt khoảng 20 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp này đang triển khai đầu tư bổ sung lò nấu luyện để đảm bảo đồng bộ năng lực giữa nấu luyện và khuôn của dây chuyền tự động.

tổng công ty máy động lực máy nông nghiệp
Ông Ngô Văn Tuyển (trái) và ông Bùi Quang Chuyện (phải) phát biểu tại Hội nghị Sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm và kế hoạch 3 tháng cuối năm 2019

Ngoài ra, hoạt động đầu tư tài chính dài hạn cũng đóng góp một phần không nhỏ vào lợi nhuận của VEAM trong 9 tháng vừa qua. Dù hoạt động này chỉ chiếm 1/4 vốn điều lệ của VEAM nhưng đóng góp tới 90% lợi nhuận toàn Tổng công ty.

Trong số này, đầu tư tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có hiệu quả cao nhất như; Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam tiếp theo là các công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có hiệu quả cao nhưng số vốn đóng góp của VEAM chỉ có từ 51-55% như Futu1, Fomeco... trong khi các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh động cơ và máy nông nghiệp chiếm số vốn khá lớn của VEAM nhưng lại bị thua lỗ kéo dài.

Giai đoạn hiện nay, VEAM hoạt động dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp ô tô, máy nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Trong đó công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng được nhu cầu của thị trường và có tăng trưởng nhất định.

Các sản phẩm đóng vai trò dẫn đầu của VEAM thuộc về các sản phẩm như động cơ, bơm nước, ru lô cao su, phụ tùng các loại đều có mức tăng trưởng tốt. Cùng với đó là sản phẩm máy kéo tiếp tục xuất khẩu được sang thị trường Sri Lanka tăng 57% so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tăng tập trung vào nhóm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đến từ các doanh nghiệp như như SVEAM (6,3 triệu USD), FOMECO (6,2 triệu USD), Đúc Veam (4,5 triệu USD), DISOCO (3,5 triệu USD), FUTU1 (1,4 triệu USD).

Tuy nhiên máy Xay xát, máy cắt lúa rải hàng có xu hướng giảm hàng năm do xu hướng thị trường sử dụng các sản phẩm có công suất lớn hơn với tính năng cao hơn, báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm từ VEAM cho biết.

Tái cơ cấu từ mô hình hoạt đến sản phẩm

Ông Ngô Văn Tuyển - Quyền Tổng Giám đốc VEAM chia sẻ, có thể nói đây là giai đoạn thử thách đối với Hội đồng quản trị và Ban giám đốc điều hành VEAM khi mà hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc Tổng công ty gặp nhiều khó khăn, thậm chí là thua lỗ.

9 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu của toàn Tổng công ty đạt 3.775 tỷ đồng bằng xấp xỉ 48% so với kế hoạch năm 2019, theo ước tính hết năm 2019 tổng doanh thu của VEAM chỉ đạt 5.275 tỷ đồng tương đương 66% kế hoạch cả năm, ông Ngô Văn Tuyển nói.

veam
VEAM về đích sớm lợi nhuận năm 2019 nhưng nhiều đơn vị vẫn thua lỗ

Lấy dẫn chứng về những khó khăn hiện nay, ông Tuyển cho biết, tại Nhà máy ô tô VEAM (VM), kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm của VM rất thấp khi mà lượng xe tồn kho tiêu thụ chậm dẫn đến giá trị sản xuất giảm 24% và chỉ đạt 25% kế hoạch của cả năm, do chủ trương sản xuất phải gắn với tiêu thụ nhất là trong khi VM không còn vốn sản xuất để tồn kho như những năm trước đây.

Hiện công ty mẹ VEAM đã có nhiều biện pháp “cải tổ” về tổ chức nhân sự cho đến tìm các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ lượng ô tô còn tồn kho và kỳ vọng kết, ông Tuyển nói và thông tin, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do vậy, việc chuyển hướng sang lĩnh vực hoạt động khác bị hạn chế bởi nguồn vốn và nhân  lực...

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, tạo thuận lợi cho các đơn vị trực thuộc, ông Ngô Văn Tuyển nhận định, trong 3 tháng cuối năm, công ty mẹ sẽ tìm mọi phương án đẩy mạnh tiêu thụ xe ô tô tồn kho, triển khai mạnh mẽ các chính sách nhằm tiêu thụ máy nông nghiệp ISEKI đã nhập còn tồn kho từ những năm trước.

Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại bộ máy và nhân lực theo hướng hiệu quả và lập kế hoạch từng bước thoái một phần vốn nhà nước theo chỉ đạo của chủ sở hữu nhà nước đối với người đại diện vốn nhà nước..., ông Ngô Văn Tuyển nhấn mạnh.

Còn ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch HĐQT VEAM nhận định, để thay đổi, bứt phá tăng trưởng, các đơn vị thành viên phải đảm bảo hiệu quả sản xuất, công tác quản trị doanh nghiệp cần thực hiện tốt hơn. Thời gian tới, để tăng hiệu quả hoạt động, VEAM sẽ thực hiện tái cơ cấu công ty mẹ cũng như các đơn vị thành viên từ mô hình hoạt đến sản phẩm, ông Chuyện nói.

Phạm Ân