VEPR: Việt Nam đứng trước nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ

Trong buổi tọa đàm “Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III-2019” diễn ra sáng nay 10/10/2019 tại Hà Nội, nhóm chuyên gia kinh tế của VEPR đã đưa ra cảnh báo: Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ trong tương lai gần.

Sáng 10/10/2019 tại Hà Nội, tọa đàm “Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III-2019” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức đã chính thức được diễn ra. Tại đây, nhóm chuyên gia kinh tế của VEPR đã đưa ra cảnh báo: "Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ trong tương lai gần".

Điểm lại tình hình kinh tế vĩ mô quý II/2019, VEPR dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong quý III/2019 ở mức 7,31% và trong 9 tháng đạt 6,98%.

Trong đó, 9 tháng năm 2019, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,85%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu 2,02%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 9,56%. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,6%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%. FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính và tăng trưởng thông qua xuất khẩu.

VEPR: Tăng trưởng kinh tế 2019 sẽ đạt 7,05%
VEPR dự báo tăng trưởng Quý IV/2019 sẽ ở mức 7,26%, lạm phát bình quân 2,45 và tăng trưởng cả năm 2019 ở mức 7,05%

Về tình hình doanh nghiệp, trong quý III/2019, cả nước có 35.316 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 430,6 nghìn tỷ đồng, tăng 37%. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tiếp tục giảm xuống còn 12.505 doanh nghiệp.

CPI bình quân quý III/2019 là 2,23%, trong 9 tháng là 2,5% nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao bởi giá lương thực, thực phẩm tăng do bệnh dịch, giá hàng giáo dục tăng và giá năng lượng biến động không ngừng.

Với mức tăng trưởng đạt 7,31% của quý III, nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6% - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi.

Do đó, VEPR dự báo, mức tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2019 sẽ đạt 7,26% và tăng trưởng cả năm sẽ đạt mức 7,05%.

Đáng chú ý, trong báo cáo, nhóm chuyên gia kinh tế của VEPR đã đưa ra cảnh báo Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ trong tương lai gần.

"Việc Việt Nam trở thành 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý III, cùng với lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng tới hơn 71 tỷ USD đã đưa Việt Nam tới gần cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ", báo cáo VEPR chỉ rõ.

 Dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát từ VEPR
 Dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát từ VEPR

Ngoài ra, các chuyên gia VEPR cũng cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng nóng và có nguy cơ chuyển thành một cuộc chiến tiền tệ, khi Mỹ chính thức gắn nhãn “thao túng tiền tệ” đối với Trung Quốc. Dù hiện nay chưa rõ ràng về viễn cảnh tồi tệ này, nhưng đã có những nhận định ảm đạm về những hậu quả khó lường đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Việt Nam có thể bị “vạ lây” bởi cuộc chiến thương mại.

Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần phối hợp tốt để trao đổi thông tin, giải trình, thể hiện thiện chí, thường xuyên trao đổi với Mỹ. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc giải trình các vấn đề liên quan tới chính sách tỷ giá, thương mại của Việt Nam.

Đặc biệt, một mặt cần phải có giải pháp để tránh bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, gây rất nhiều bất lợi cho Việt Nam, mặt khác cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý.

"Ngân hàng Nhà nước cần điều hành lãi suất và tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt bất ổn của kinh tế thế giới, đặc biệt nên điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, giữ lãi suất ổn định”, VEPR khuyến nghị.

Hạ An