Vì sao cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm?

Năm 2018, 69 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó 48 doanh nghiệp báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu và 7/48 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch.

Đó là thông tin được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN tổ chức sáng ngày 6/11/2018 tại Hà Nội.

DNNN hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp

Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được xem là chủ trương chính của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế. Trong hơn 20 năm qua, số lượng DNNN từ 12.000 đã giảm xuống còn gần 5.600 doanh nghiệp vào năm 2001 và đến nay chỉ còn 500 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ở 11 ngành, lĩnh vực của kinh tế. Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 doanh nghiệp Nhà nước.

Từ năm 2016 đến hết tháng 10/2018, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 136 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó đã tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam, các Tổng công ty: Phát điện 3, Điện lực Dầu khí, Lọc Hóa dầu Bình Sơn… Theo đánh giá thì các doanh nghiệp này sau khi cổ phần hóa đã trở thành điểm sáng khi số lượng cổ phiếu IPO đều bán hết, nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm
Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, tình hình cổ phần hóa DNNN diễn ra còn chậm

Tuy nhiên, tham luận tại Diễn đàn, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tình hình cổ phần hóa DNNN diễn ra còn chậm.

Cụ thể, năm 2016, theo kế hoạch sẽ cổ phần hóa 66 doanh nghiệp (trong đó có 15 doanh nghiệp cổ phần hóa cùng công ty mẹ, 35 doanh nghiệp độc lập) với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 18/35 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những doanh nghiệp bán được rất ít như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Công ty TNHH MTV Bột mỳ Vinafood; Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên; Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai…

Đến năm 2017, 69 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị doanh nghiệp của 69 doanh nghiệp là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng.

Trong số 69 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, có 48 doanh nghiệp báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu và 7/48 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những doanh nghiệp bán được rất ít so với số cổ phần bán đấu giá công khai như: Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3); Tổng công ty Công ty Sông Đà; Tập đoàn Cao su Việt Nam; Công ty TNHH MTV Lệ Ninh Quảng Bình.

9 tháng đầu năm 2018, có 10 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, đáng chú ý là Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường (Quân khu 5) và Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTV cab) đã báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu. Tuy nhiên, VTV cab bán đấu giá không thành công.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng: “Tính đến tháng 10/2018, mới có 10% doanh nghiệp có kế hoạch cổ phần hóa. Như vậy là rất chậm. Mặc dù vậy, kết quả gần đây cho thấy, doanh nghiệp bán vốn đều được giá trị cao hơn, tức là đã có sự thay đổi về chất. Tuy vậy, các doanh nghiệp chưa mời được cổ đông lớn, có tiềm lực tham gia. Có trường hợp đáng không bán được, chẳng hạn như GENCO 3. Họ kinh doanh khá tốt nhưng cách làm không chuẩn”.

Đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp

Chỉ ra vài nguyên nhân khiến DNNN hoạt động yếu kém, chậm cổ phần, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, nguyên nhân là do tâm lý của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp chậm chuyển biến, nặng về sự e ngại, né tránh trách nhiệm hoặc lo mất quyền lợi nếu chuyển đổi mô hình doanh nghiệp; các vướng mắc liên quan đến đất đai, định giá tài sản, sự thiếu đồng bộ về thể chế, quy định pháp luật, vướng mắc trong xử lý sắp xếp lao động, việc tuyên truyền chưa đạt hiệu quả.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh tái cơ cấu... là những giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất để cải thiện tình hình tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN

Bên cạnh đó, năng lực quản trị doanh nghiệp của một số lãnh đạo còn yếu kém, chậm cập nhật, nhất là trong đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, thiếu tinh thần cầu thị và chưa đáp ứng được sự thay đổi cũng như thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế...

Thời gian tới, việc cổ phần hoá, thoái vốn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN, do đó, các đơn vị cần đẩy mạnh tốc độ sắp xếp, nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp; tuân thủ các quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu, thông lệ quốc tế trong bước chuẩn bị cổ phần hóa; có phương án khả thi, nhất là bảo đảm sự chính xác, minh bạch về thông tin, làm rõ vấn đề công nợ để hướng tới những nhà đầu tư giàu tiềm năng. Việc tuyên truyền, giới thiệu là rất quan trọng để phổ biến đến cộng đồng.

Cùng quan điểm, ông Phạm Đức Trung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để hoạt động hiệu quả, DNNN cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý; trong đó áp dụng thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế với DNNN; đồng thời, gia tăng hiệu quả quản lý tài sản nhà nước đầu tư trong kinh doanh với cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp.

 

Thanh Thúy