Việt Nam - Hàn Quốc tăng tốc cho mục tiêu 100 tỷ USD kim ngạch thương mại vào 2023

Tại kỳ họp lần thứ 10 UBHH Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác năng lượng, công nghiệp, thương mại, hai Bộ trưởng thống nhất thông qua và tiến tới ký kết Kế hoạch hành động triển khai mục tiêu kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2023.
Kỳ họp lần thứ 10 UBHH Việt Nam - Hàn Quốc
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 10 UBHH Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại (UBHH) và Kỳ họp lần thứ 4 UBHHTT Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc tại Hà Nội

Trong hai ngày, 10 và 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 10 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại (UBHH) và Kỳ họp lần thứ 4 Uỷ ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc tại Hà Nội.

Phát biểu tại Kỳ họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Kỳ họp lần thứ 10 UBHH Việt Nam - Hàn Quốc được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng về nhiều mặt.

Thứ nhất, tình hình kinh tế - thương mại thế giới và khu vực đang gặp nhiều khó khăn, bất ổn trước những tác động của đại dịch Covid-19, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, căng thẳng thương mại diễn biến phức tạp giữa các nước lớn, thương mại khu vực và toàn cầu tăng trưởng chậm. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thông qua cơ chế họp UBHH, là rất cần thiết.

Thứ hai, sau một thời gian dài, thương mại song phương tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng 2 con số. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đang suy giảm nhẹ. Tình hình này đòi hỏi hai Bên cần đánh giá, phân tích và có ngay các giải pháp tháo gỡ, đưa kim ngạch thương mại song phương trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.

Thứ ba, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề và làm thay đổi thế giới, đặc biệt thay đổi chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Điều này đã buộc các Chính phủ cũng như các doanh nghiệp phải vận động, điều chỉnh một cách quyết liệt để thích ứng, nhằm giảm thiểu thiệt hại, duy trì hoạt động, đồng thời tìm động lực mới cho phát triển.

Do vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kỳ vọng, đây sẽ là cơ hội để hai bên cùng thảo luận, tìm ra các định hướng lớn cho hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng trong thời gian tới, nhằm thích ứng với những thay đổi và xu hướng mới, giúp hợp tác song phương ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và thực chất, đóng góp vào sự phát triển bền vững của hai nước.

Kỳ họp lần thứ 10 UBHH Việt Nam - Hàn Quốc
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Kỳ họp lần thứ 10 UBHH Việt Nam - Hàn Quốc được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng về nhiều mặt

Tại Kỳ họp lần thứ 10 UBHH Việt Nam - Hàn Quốc, hai Bộ trưởng đã trao đổi các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đảm bảo duy trì, không gián đoạn và thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế của cả Hàn Quốc và Việt Nam.

Hai Bộ trưởng thống nhất thông qua và tiến tới ký kết Kế hoạch hành động triển khai mục tiêu kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2023.

Bản kế hoạch hành động nói trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, vạch ra các hoạt động chi tiết và lộ trình thực hiện cụ thể cho các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng trong các năm tiếp theo dựa trên 4 định hướng chính.

Cụ thể, Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam; Hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tiếp tục duy trì và nâng cao giá trị xuất khẩu sang Hàn Quốc; Hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc các mặt hàng tiềm năng như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, nông thủy sản và thực phẩm chế biến;

Tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật từ Hàn Quốc để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp ô tô, dệt may, hóa chất, cơ khí - chế tạo và linh kiện của Việt Nam, từ đó tạo năng lực cạnh tranh thúc đẩy xuất khẩu trở lại Hàn Quốc và xuất khẩu sang các nước khác.

Trong lĩnh vực công nghiệp, hai Bộ trưởng cũng đã thảo luận, thống nhất các hoạt động thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kết nối đầu tư, giao thương đặc biệt trong lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như toàn cầu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hai Bên tận dụng hiệu quả lợi ích của các FTA mà Việt Nam và Hàn Quốc tham gia ký kết.

Trong lĩnh vực năng lượng, các nội dung hợp tác thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trong các lĩnh vực phát triển các nhà máy điện LNG và năng lượng tái tạo, cũng như các hoạt động hợp tác nâng cao hiệu quả, an toàn năng lượng và hợp tác nghiên cứu khoa học để phục vụ cho việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam cũng được hai Bộ trưởng thảo luận và thống nhất tại Kỳ họp.

Kỳ họp lần thứ 10 UBHH Việt Nam - Hàn Quốc
Hai Bên dự kiến sẽ ký kết Thư trao đổi về việc triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU

Trong lĩnh vực thương mại, hai Bộ trưởng sẽ thảo luận giải pháp giúp mở rộng quy mô thương mại song phương cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa hai nước như thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông sản, giải quyết các vấn đề kỹ thuật ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu giữa hai Bên, hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ và chống hàng giả, phát triển hạ tầng logistics và phân phối....

Đặc biệt, hai Bên đã ký Thư trao đổi về việc triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, tiến tới sớm ban hành các hướng dẫn giúp các doanh nghiệp hai Bên tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao nhập khẩu từ Hàn Quốc, phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam đi các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Sớm hoàn thành xây dựng Hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử

Tại Kỳ họp lần thứ 4 Uỷ ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, hai Bộ trưởng đã trao đổi các nội dung hợp tác trong lĩnh vực như hải quan và xuất xứ hàng hóa, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật thương mại, phòng vệ thương mại, hợp tác kinh tế, dịch vụ, đầu tư..... nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực thi và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định VKFTA mang lại.

Một trong những nội dung nổi bật tại Kỳ họp lần này là việc hai Bên hợp tác chặt chẽ nhằm sớm hoàn thành việc xây dựng Hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (WG-EODES) trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA với mục tiêu giảm thời gian, chi phí thông quan cho hàng hóa giữa hai Bên.

việt nam - hàn quốc
Tại Kỳ họp lần thứ 4 Uỷ ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, hai Bộ trưởng đã trao đổi các nội dung hợp tác trong lĩnh vực như hải quan và xuất xứ hàng hóa, kiểm dịch động thực vật

Kết thúc kỳ họp, hai bên đã ký 4 văn kiện hợp tác bao gồm: Biên bản Kỳ họp lần thứ 10 UBHH Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác năng lượng, công nghiệp và thương mại; Biên bản Kỳ họp lần thứ 4 UBHH thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc; Kế hoạch hành động triển khai mục tiêu kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2023; Công hàm trao đổi giữa Việt Nam và Hàn Quốc để triển khai nguyên tắc cộng gộp tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU.

việt nam hàn quốc

việt nam hàn quốc
Kết thúc các kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo đã ký 4 văn kiện hợp tác

việt nam hàn quốc

việt nam hàn quốc

Bên cạnh các kỳ họp UBHH, sáng ngày 11/12, hai Bộ trưởng đã cùng tham dự Lễ khánh thành Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt - Hàn (VITASK). Đây là dự án ODA hợp tác quốc tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.

Sau khi được khai trương, Trung tâm VITASK sẽ ngay lập tức đi vào hoạt động với đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao và nhiều trang thiết bị hiện đại trong các lĩnh vực Cơ khí, Điện, Điện tử, Công nghệ Ô tô.

Trung tâm này sẽ là nơi đào tạo nguồn kỹ sư chất lượng cao, chuyên gia kỹ thuật cho Việt Nam cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, kiểm định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực kỹ thuật, công nghệ và năng lực cạnh tranh để có thể tham gia trước mắt vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và sau đó là chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Hạ An - Sơn Phạm