Việt Nam - Nga: Triển vọng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ

Hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Liên bang Nga sẽ tăng lên trong thời gian tới, nhất là khi sự hợp tác hai bên mang tính bổ sung, hỗ trợ cho nhau hơn là cạnh tranh, cả về cơ cấu kinh tế cũng như từng sản phẩm.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam duy trì kết nối với doanh nghiệp Liên Bang Nga, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại giữa hai nước, chiều 15/10/2020, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với các bên liên quan tổ chức Hội thảo, giao thương trực tuyến “Đẩy mạnh hợp tác thương mại Việt Nam - Liên Bang Nga”.

Hội thảo có sự tham gia đông đủ của đại diện các bên liên quan gồm: đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương; Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga; Đại sứ quán Nga tại Việt Nam; Phòng Công nghiệp và Thương mại Xanh Petecbua; Phòng Thương mại và Công nghiệp Primorye; Liên minh các nhà Công nghiệp và doanh nhân Nga - châu Á; Hiệp hội chuyên gia thị trường bán lẻ Nga và đặc biệt là hơn 60 doanh nghiệp Nga và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

việt nam - liên bang nga
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Hội thảo cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu nhu cầu và thế mạnh của nhau, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, tiếp cận thị trường

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, hiện nay, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã có bước phát triển vượt bậc. Việt Nam là đối tác quan trọng của Liên bang Nga tại Đông Nam Á khi 1/3 kim ngạch thương mại của Liên bang Nga với ASEAN là Việt Nam.

Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) có hiệu lực từ tháng 10/2016, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đã có bước tiến mạnh mẽ với mức tăng trung bình khoảng 30%/năm. Năm 2019, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã đạt mức 4,5 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Nga, đứng đầu trong ASEAN và thứ 6 trong số các nước APEC. 

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài nhận định, những kết quả này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước, nhất là khi sự hợp tác hai bên mang tính bổ sung, hỗ trợ cho nhau hơn là cạnh tranh, cả về cơ cấu kinh tế cũng như từng sản phẩm.

“Nga có tiềm lực kinh tế, tài chính và công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, năng lượng mới, khai khoáng, tự động hóa, sản xuất công nghiệp, công nghiệp môi trường, công nghiệp hỗ trợ.

Trong khi đó, Việt Nam có những lợi thế lớn về nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, vị trí địa lý thuận lợi.

Nếu như trước đây, dầu khí, năng lượng là các mặt hàng cơ bản, quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Liên bang Nga, thì đến nay đã xuất hiện những ngành và lĩnh vực hợp tác mới như nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, chế biến các sản phẩm sữa, công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực thủy sản, hợp tác trong lĩnh vực thông tin, vật liệu xây dựng mới. Đặc biệt là hợp tác công nghệ với việc áp dụng công nghệ của Nga trong xây dựng tuyến metro số 2 (Tân Tạo - Sân bay Long Thành) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Những thế mạnh của hai nước nếu được kết hợp chặt chẽ sẽ tạo ra những lợi ích to lớn góp phần củng cố hơn nữa quan hệ”, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ.

việt nam liên bang nga
Các hướng hợp tác triển vọng nhất giữa Việt Nam và Nga trong giai đoạn hiện nay đó là các sản phẩm nông nghiệp và các giải pháp công nghệ

Cùng quan điểm, ông Vitaliy Mankevich - Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga-châu Á (RASPP) nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, Việt Nam vẫn nổi lên là điểm đến lựa chọn của các doanh nghiệp khi đạt mức tăng trưởng cao so với rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Các hướng hợp tác triển vọng nhất giữa Việt Nam và Nga trong giai đoạn hiện nay đó là các sản phẩm nông nghiệp và các giải pháp công nghệ. Các doanh nghiệp thành viên của RASPP hiện đang sản xuất lúa mỳ, đậu nành, hạt lúa mạch, thịt bò, dầu cải, dầu hướng dương, thịt lợn, thịt gà và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Bên cạnh đó, RASPP cũng tích cực hợp tác với nhiều chuỗi siêu thị lớn như X5 Retail, Magnit, Diski. Và đặc biệt, nhiều doanh nghiệp hội viên của RASPP đã xây dựng nền tảng điện tử trong lĩnh vực giáo dục.

“Các doanh nghiệp này hiện đang rất quan tâm tới việc hợp tác với các doanh nghiệp IT của Việt Nam” Chủ tịch RASPP chia sẻ.

Từ đầu cầu Moskva, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nga Dương Hoàng Minh cho biết, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự năng động, tích cực của doanh nghiệp hai nước, hợp tác thương mại Việt Nam – Liên bang Nga vẫn đạt những kết quả tích cực.

Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nga đạt 2,2 tỷ USD (tăng 3,8%), trong đó có nhiều mặt hàng tăng trưởng khá như thủy hải sản, hoa quả, linh kiện điện tử…và ở chiều ngược lại, xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam cũng tăng hơn 14%, đạt 1,5 tỷ USD.

Ông Minh tin tưởng hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Nga sẽ vượt qua được những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

việt nam - liên bang nga
Hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Nga sẽ vượt qua được những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra

Cũng tại hội thảo, các đại diện của Nga đánh giá cao tiềm năng và thị trường Việt Nam, việc triển khai hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu, thể hiện quyết tâm và mong muốn cùng nhau tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại thị trường của nhau, đưa sản phẩm thương hiệu Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều tại chuỗi bán lẻ ở Nga.

Hội thảo bao gồm Phiên toàn thể và các Phiên giao thương, kết nối trực tuyến theo hình thức B2B giữa các doanh nghiệp với nhau. Sự tham dự đông đảo từ phía các đại diện Nga đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của giới doanh nghiệp Nga đối với môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, Hội thảo giao thương trực tuyến Việt – Nga là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu nhu cầu và thế mạnh của nhau, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, tiếp cận thị trường, thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga tăng trưởng nhanh và bền vững.

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đã tăng nhanh, đặc biệt từ sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực tháng 10-2016.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt-Nga năm 2017 đạt 3,55 tỷ USD; năm 2018 là 4,57 tỷ USD và năm 2019 là trên 4,49 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt trên 2,67 tỷ USD, nhập khẩu trên 1,82 tỷ USD. Nhiều mặt hàng của Nga, như: nông sản, nhiên liệu, than... đã được xuất khẩu sang Việt Nam.

Ngược lại, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, như: nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép… ngày càng hiện diện nhiều hơn tại thị trường Nga.

Về đầu tư, tính đến 20/12/2019, Nga có 137 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 943 triệu USD. Việt Nam cũng có khoảng 23 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn đầu tư đạt gần 3 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài, tập trung trong các lĩnh vực, như: khai thác dầu khí, viễn thông, trung tâm thương mại, nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa...

An Hạ