Việt Nam trong vai trò mới: Đối tác phát triển

Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) lần đầu tiên tổ chức vào năm 1993 tại Paris. Sau 20 năm tổ chức, Hội nghị được đổi tên thành Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF). Vì sao có sự c

3 lý do để chuyển hướng

Đã thành thông lệ hàng năm, Hội nghị CG cuối kỳ tổ chức vào tháng 12 thường công bố con số cam kết tài trợ ODA của các nhà tài trợ cho Việt Nam. Tuy nhiên, Hội nghị cuối năm 2013 vừa qua không còn phần công bố trên và, từ nay hội nghị được đổi tên thành Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF). Điều này có thể gây chút ngỡ ngàng, vì CG được coi là cơ chế hợp tác thành công của các nhà đầu tư quốc tế đối với sự phát triển của Việt Nam. Trong 20 năm qua, từ năm 1993-2012, tổng vốn ODA mà các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam thông qua CG là 78,195 tỷ USD. Càng về sau, mức độ hợp tác qua CG càng được đẩy lên mức rất cao; chỉ trong 3 năm gần đây, tổng cam kết tài trợ đã bằng một nửa toàn bộ số vốn những năm trước đó cộng lại.

Cùng với sự nỗ lực của Việt Nam, cơ chế hợp tác thông qua CG đã đóng góp đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy cải cách thể chế và cơ cấu kinh tế, tăng cường năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nước ta. Vậy thì tại sao hai bên không tiếp tục hợp tác thông qua cơ chế CG? Ở đây có ít nhất 3 lý do căn bản.

Thứ nhất, sau 20 năm duy trì mở rộng sự hợp tác, Việt Nam và các nhà tài trợ bắt đầu bước vào giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác phát triển, đó là giai đoạn có nhiều thách thức phải đối mặt, mà chủ yếu nhất là dễ ngủ quên trên thành tựu để sa vào “cái bẫy” có mức thu nhập trung bình.

Thứ hai, nền kinh tế thế giới hiện đã ổn định hơn những năm trước, nhưng quá trình phục hồi hết sức chậm chạp. Do đó, việc tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó có cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách cơ cấu kinh tế còn quan trọng hơn là tập trung nỗ lực vào thu hút nguồn vốn.

Thứ ba, trên thế giới có những thay đổi về chính sách và cơ cấu viện trợ theo hướng giảm dần viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ODA; trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về quản lý nguồn vốn ODA một cách hiệu quả trên cơ sở xem xét tổng thể với các nguồn tài chính phát triển khác.

Vì vậy, Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đã nhất trí đổi mới Hội nghị CG theo hướng là một diễn đàn đối thoại mở rộng, cùng sự tham dự của tất cả các đối tác phát triển ở Việt Nam, với tên gọi Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF).

Tầm nhìn và mục tiêu:

Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) là một diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao có tính thực chất hơn, hướng tới hành động và đối tượng bao phủ hơn.

Diễn đàn tạo điều kiện thảo luận chính sách giữa Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự quốc tế và trong nước, các viện nghiên cứu trong nước và các tác nhân phát triển khác nhằm tăng cường phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và cải thiện đời sống cho mọi người Việt Nam.

Chủ đề:

Chủ đề bao trùm của Diễn đàn cho giai đoạn 2013 – 2015 là “Tạo quan hệ đối tác mới hướng tới tăng trưởng cạnh tranh, toàn diện và bền vững”.


Đối tác chủ động

Vậy, rốt cuộc CG có khác VDPF không? Câu trả lời là có. Xét về bản chất thì rất khác nhau. CG được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam cần nhiều vốn, trong khi VDPF được tổ chức khi Việt Nam có nhu cầu về quản lý vốn ODA và các khoản viện trợ khác sao cho có hiệu quả. Vì vậy, chương trình nghị sự của VDPF không bao gồm nội dung thảo luận và cam kết vốn ODA như các Hội nghị CG trước đây, thay vào đó tập trung đối thoại thực chất hơn và sâu sắc hơn về ưu tiên phát triển cũng như thách thức trong việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Hơn nữa đối với Việt Nam hiện nay, con số tài trợ bao nhiêu tỷ USD không còn là mục tiêu lớn nhất nữa. Điều quan trọng là trong và sau cuộc họp, các bên tìm ra được giải pháp để giải quyết những thách thức mới đặt ra.

Như vậy, điểm cốt yếu của CG, nói một cách nôm na là nơi huy động vốn, còn với VPDF là đối thoại; vai trò của Việt Nam ở CG là thụ động (nhận viện trợ), vai trò của Việt Nam ở VDPF là chủ động (thông qua đối thoại chuyên sâu để tăng cường mối quan hệ đối tác, từ đó tìm ra các phương thức hành động cụ thể và nguồn tài chính nhằm giúp Việt Nam thành công với tư cách là một nước có mức thu nhập trung bình). Không phải từ nay Việt Nam không cần sự hỗ trợ vốn ODA hay các khoản viện trợ không hoàn lại của các đối tác nước ngoài nữa, điều này chỉ có nghĩa là, trong quan hệ hợp tác phát triển, từ nay Việt Nam không còn là quốc gia nhận viện trợ nữa mà đã trở thành một đối tác phát triển của cộng đồng quốc tế.

Năng lực tiếp nhận nguồn lực

Nhằm thực hiện tốt sự chuyển đổi sang vai trò đối tác của mình, tại Diễn đàn Hiệu quả viện trợ (AEF) năm 2012, Việt Nam đã làm việc với các đối tác phát triển, các tổ chức xã hội nhân dân và khu vực tư nhân để xây dựng văn kiện Đối tác Việt Nam (VPD). Văn kiện này hướng dẫn các hoạt động hiệu quả viện trợ cho Việt Nam đến năm 2015. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam cam kết lãnh đạo việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 dựa trên các chính sách phát triển được xây dựng đầy đủ và các thể chế được tăng cường, bao gồm phát triển năng lực ở cấp quốc gia và cấp địa phương để đạt được các mục tiêu phát triển 5 năm một cách có hiệu quả. Đồng thời cải thiện hệ thống kế hoạch và ngân sách của Chính phủ để phản ánh tốt hơn nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi vào Ngân sách Nhà nước. Về phía các đối tác, đã cam kết hỗ trợ Chính phủ trong việc lập kế hoạch và ngân sách hàng năm thông qua việc cung cấp kế hoạch giải ngân vốn ODA và các khoản vay ưu đãi định kỳ hàng năm một cách chính xác, đúng hạn và cung cấp các kế hoạch chi tiêu viện trợ định hướng (các cam kết trung hạn) để hỗ trợ Chính phủ xây dựng các kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trong năm 2013, trước khi tổ chức VDPF, nước ta tham gia hàng loạt các cuộc hội thảo và đóng góp tích cực vào các chương trình nghị sự về hiệu quả viện trợ ở cấp khu vực và toàn cầu. Đặc biệt là Hội thảo về tài chính phát triển tổ chức vào tháng 3/2013 tại Bali, Indonesia; Hội thảo quốc tế về thực hiện Quan hệ đối tác toàn cầu về hiệu quả phát triển và Mối liên hệ với Chương trình nghị sự phát triển hậu 2015, tổ chức tại Dhaka, Bangladesh, tháng 8/2013; Hội thảo Hợp tác toàn cầu, hành động địa phương, tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, tháng 11/2013… Tham gia vào các cuộc hội thảo trên, chúng ta xác định được những thách thức gặp phải để nâng cao năng lực tiếp nhận nguồn lực (tài chính, công nghệ), qua đó thúc đẩy sự hợp tác với vai trò là một bên đối tác phát triển ở cấp quốc gia.