Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.

Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi và cơ hội cho sản xuất và hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2016 tăng lên thành 25 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 88,7%.

Đến năm 2020 là 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

Đối với năm 2020, ngay từ những tháng đầu năm, khi dịch bệnh chủ yếu bùng phát ở Trung Quốc, Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12/2/2020 về khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu qua một số cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc.

Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương xây dựng quy trình quản lý thông quan đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh; chủ động điện đàm với Lãnh đạo các Bộ ngành địa phương Trung Quốc để tăng thời gian thông quan, bổ sung nhân lực bốc dỡ… từ đó giúp hoạt động thương mại biên giới được triển khai thuận lợi hơn.

Bộ Công Thương chủ trì họp với các Bộ, ngành (Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan) và địa phương để trao đổi những vấn đề phát sinh trong thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tổng hợp báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tháo gỡ. Qua đó, từ chỗ hàng hóa xuất khẩu của ta bị ùn ứ với khối lượng lớn thì ngay sau đó đã cơ bản được thông suốt.

Tiếp đó, khi dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc, Nhật Bản và sau đó là khu vực EU, Hoa Kỳ và cả thế giới, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã chủ động có phương án vừa tháo gỡ những khó khăn trước mắt, bảo đảm tốt nguồn cung cho sản xuất trong nước, khơi thông thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, Quốc hội đã hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) ngay trong kỳ họp tháng 6 năm 2020 để đưa vào thực thi từ tháng 8 năm 2020.

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, với Kế hoạch thực thi Hiệp định đã được Chính phủ chỉ đạo xây dựng kỹ lưỡng từ trước đó, các Bộ ngành, địa phương và đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện và đạt kết quả rất tích cực.

Việt Nam xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD).

Riêng đối với thị trường EU, cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU 34,94 tỷ USD giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch.

Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 18 tháng 12 năm 2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...

 Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi là rất tốt.

Đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tích cực. Năm 2020, xuất khẩu sang Canađa duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%...