Mọi sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn cầu hiện nay đều đổ dồn về diễn biến của dịch virus Covid-19 tại Trung Quốc. Mọi biến động của dịch bệnh vốn khiến hơn 70.500 người bị nhiễm bệnh và 1.771 người chết tại Trung Quốc (tính đến hết ngày 16/2) đều tác động ngay lập tức đến các thị trường chính trên thế giới.

Đã có hơn 80 thành phố tại Trung Quốc bị phong toả, bao gồm toàn bộ 5 tỉnh Hồ Bắc, Liêu Ninh, Giang Tây, An Hồi và khu tự trị Nội Mông và 4 thành phố chính của tỉnh Chiết Giang, ảnh hưởng đến hơn 275 triệu người. Hai thành phố lớn nhất Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đã hạn chế sự đi lại của người dân trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Trong số các thành phố bị phong toả có nhiều khu vực là những động lực tăng trưởng hoặc các trung tâm công nghiệp hàng đầu Trung Quốc như Vũ Hán và Hàng Châu.

Tác động của dịch virus Covid-19 đến khối ngành dịch vụ của Trung Quốc chủ yếu là một cú sốc nhu cầu như hồi dịch SARS bùng phát năm 2003 gây ra và vấn đề này có thể dễ dàng được giải quyết khi dịch bệnh được kiểm soát. Dữ liệu lịch sử cho thấy trong giai đoạn cao điểm của dịch SARS (tháng 2 – tháng 6/2003), nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát nhưng kể từ cuối quý 2/2003 trở đi, chỉ số lạm phát đã tăng trưởng dương trở lại.

Tuy nhiên, tác động của dịch virus Covid-19 lên khối ngành sản xuất của Trung Quốc lại là một câu chuyện phức tạp hơn nhiều trong bối cảnh hàng loạt nhà máy trên khắp cả nước buộc phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian dài. Đồng thời, các hoạt động giao thương giữa các khu vực sản xuất trong nước này lẫn với thế giới bên ngoài đều bị đình trệ. Khối ngành sản xuất đóng góp gần 30% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2018 (theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới).

Những biện pháp phòng chống sự lây lan của virus Covid-19 đang gây tổn hại sâu rộng đến nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời gây ra hiệu ứng cánh bướm đến nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đan xen phức tạp hơn bao giờ hết và đều phụ thuộc ít nhiều vào các nhà máy đặt tại Trung Quốc.

Khối sản xuất Trung Quốc với nguy cơ thu hẹp mạnh

Theo một số chuyên gia kinh tế, nếu nhìn vào chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) với chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 1/2020 thì sẽ thấy vấn đề tiềm ẩn trong khối ngành sản xuất của nước này. Chỉ số PMI phần nào phản ánh mức độ lạc quan của các doanh nghiệp sản xuất. Cụ thể, chỉ số CPI tháng 1/2020 của Trung Quốc tăng 5,4% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2011 nhưng chỉ số PMI trong tháng chỉ đạt 50 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2019. Ngược lại với việc chỉ số CPI sụt giảm trong thời điểm dịch SARS bùng nổ, chỉ số CPI trong tháng 1/2020 của Trung Quốc vẫn tăng lên là do nguồn cung tại nước này đã có tốc độ suy giảm nhanh hơn so với tốc độ suy giảm của nguồn cầu.

Chỉ số PMI ở mức 50 điểm là một dấu hiệu cảnh báo khối sản xuất bắt đầu bị đình trệ. Nhận định về triển vọng kinh tế Trung Quốc, ông Raymond Yeung – nhà kinh tế trưởng chuyên về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc Đại lục tại tập đoàn tài chính ANZ cho biết triển vọng kinh tế nước này đang bị “thổi phồng” do chưa tính đến tác động của dịch virus Covid-19. Ông Martin Lynge Rasmussen, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại hãng tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics, nhận định chỉ số PMI trong những tháng tiếp theo mới cho thấy tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc bị đình trệ vì virus Covid-19
Chỉ số PMI tháng 2/2020 của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm mạnh khi phản ánh chính xác hơn tác động của virus Covid-19 đến nền kinh tế nước này

Các nhà kinh tế học dự báo chỉ số PMI khối sản xuất của Trung Quốc trong tháng 2/2020 sẽ giảm sâu xuống mức 40 – 45 điểm khi tác động của dịch bệnh đến khối sản xuất bắt đầu được đánh giá đúng. Chỉ số PMI khối sản xuất của Trung Quốc đã từng chạm mức thấp kỷ lục – 38,8 điểm vào tháng 10/2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Kể từ thời điểm đó, chỉ số PMI khối sản xuất của quốc gia này luôn được giữ quanh mốc 50 điểm, trừ tháng 2/2009 khi chỉ số này giảm xuống còn 49 điểm.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc bị “nghiền nát” bởi virus Covid-19

Để giúp nền kinh tế, vốn đã bị “nghiền” bởi cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn 18 tháng với Hoa Kỳ, chống lại dịch virus Covid-19, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt gói cứu trợ như giảm lãi suất vay, gia hạn các khoản vay, giảm và miễn trừ thuế cùng với việc bơm 1.200 tỷ NDT (tương đương 174 tỷ USD) để duy trì thanh khoản trên thị trường. Trong ngày 15/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quyết định cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn 1 năm (MLF) từ 3,25% xuống 3,15% đối với các khoản vay tổng trị giá khoản 200 tỷ NDT (28,65 tỷ USD). Động thái này dự kiến ​​sẽ mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) nhằm giúp giảm chi phí vay và giảm bớt căng thẳng tài chính cho các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho biết những hành động này chỉ có thể giảm bớt căng thẳng tài chính trước mắt mà không giải quyết triệt để được những vấn đề mà cỗ máy sản xuất Trung Quốc đang đối mặt và các chuỗi cung ứng trở nên quá mỏng manh để đổ vỡ.

Hiện rất nhiều nhà máy tại Trung Quốc không thể tái sản xuất được đơn giản vì không thể tiếp cận được nguồn cung nguyên liệu thô khi các lệnh hạn chế giao thông được áp dụng khắp nơi; hoặc công nhân không thể đến được nhà máy hoặc bị cách ly để phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các nhà máy hiện chỉ có thể hoạt động lại được khi được phép của chính quyền địa phương.  Ví dụ, tính đến ngày 10/2, chỉ có 162 trên tổng số 29.814 doanh nghiệp tại Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang) được phép hoạt động trở lại.

Nhà máy tại Trung Quốc ngưng hoạt động vì virus Covid-19
Nhiều nhà máy tại Trung Quốc không thể hoạt động trở lại chỉ vì không có đủ khẩu trang cho công nhân

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc không thể xin được giấy phép để tái hoạt động vì họ không có đủ nguồn lực để cấp phát khẩu trang cho công nhân. Các doanh nghiệp nhỏ cũng không thể tiếp nhận lại các công nhân đến từ các địa phương khác do không cung cấp đủ chỗ ở đạt chuẩn để chống dịch. Các công nhân đến từ các địa phương khác phải tự cách ly 14 ngày trước khi được vào trong nhà máy. Việc cố tình vi phạm các quy định phòng chống dịch virus Covid-19 là tội hình sự và có thể đối mặt với án tử hình tại Trung Quốc!

Một số doanh nghiệp lớn với nhiều nguồn lực như tập đoàn điện tử Foxconn cũng chỉ có thể tái sản xuất theo từng phần tại các nhà máy và cho biết sẽ mất một thời gian dài mới đưa các nhà máy quay trở lại công suất sản xuất tối đa. Theo Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất ô tô Trung Quốc, tính tới ngày 12/2, chỉ có khoảng 30% trong số 183 nhà máy lắp ráp ô tô ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại.

Theo khảo sát của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) đối với 1.295 doanh nghiệp tại Trung Quốc, 43,9% doanh nghiệp được hỏi dự kiến sẽ phải chịu lỗ trong năm nay. Khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ không thể duy trì kinh doanh được nếu việc ngưng sản xuất kéo dài hơn 2 tuần và con số này giảm xuống còn 9% nếu việc ngưng sản xuất kéo dài đến hơn 1 tháng.  

Các nhà máy tại Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt thách thức từ giải quyết các đơn hàng, cân đối dòng tiền, duy trì hậu cần và thanh toán nợ. Nhiều đơn vị sản xuất đang đối mặt với các hình phạt do vi phạm hợp đồng khi không thể giao hàng đúng hạn.

Tính đến ngày 14/2, Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) đã phát hơn 1.600 chứng nhận “tình trạng bất khả kháng vì dịch virus Covid-19” cho các doanh nghiệp thuộc hơn 30 lĩnh vực với tổng giá trị hợp đồng lên đến 15,7 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp này tránh bị phạt vi phạm hợp đồng.

Ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu

Theo nhiều chuyên gia nhận định dịch virus Covid-19 là thử thách chưa từng có đối với ngành sản xuất Trung Quốc nói riêng và ngành sản xuất toàn cầu nói chung khi hàng loạt chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Sức tác động của dịch virus Covid-19 được dự báo sẽ lớn hơn nhiều so với thời điểm dịch SARS bùng nổ hồi cuối năm 2002.

Kết quả khảo sát của Câu lạc bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ở Thượng Hải cho thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng của 54% doanh nghiệp. Vào ngày 10/2, hãng sản xuất ô tô Nissan đã phải tuyên bố ngưng hoạt động sản xuất tại một nhà máy chính tại Nhật Bản. Trước đó, Huyndai đã công bố ngưng một số dây chuyển sản xuất xe tại Hàn Quốc. Hãng xe Fiat Chrysler cũng đang lên kế hoạch ngưng hoạt động sản xuất tại Serbia. Tất cả chỉ vì lý do thiếu phụ tùng sản xuất được cung cấp từ các đối tác Trung Quốc.

sản xuất xe ô tô chịu thiệt hại nặng vì virus Covid-19
Ngành sản xuất xe ô tô trên toàn cầu đang điêu đứng trước việc thiếu phụ tùng từ Trung Quốc

Sự đình trệ sản xuất của Foxconn tại Trung Quốc đã kéo theo sự căng thẳng của một loạt tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Apple, Hewlett-Packard (HP), Dell Inc. Việc các nhà cung ứng Trung Quốc đóng cửa khiến Apple khó có thể ra mắt kịp mẫu iPhone giá rẻ trong tháng 3 tới đây; trong khi đó, hãng xe điện Tesla đã thông báo hoãn giao các đơn hàng Model 3 mới đến khách hàng.

Campuchia cho biết ít nhất 4 nhà máy dệt tại nước này có thể phải ngưng hoạt động nếu như nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc không được khơi thông trong 2 – 3 tuần nữa. Theo Hiệp hội Dệt may Campuchia hơn 60% nguyên vật liệu của ngành dệt may và da giày Campuchia được nhập từ Trung Quốc.

Tại Ấn Độ, các công ty sản xuất dược phẩm lớn nhất sắp tiến hành họp khẩn cấp vì nguồn cung nguyên liệu dược phẩm, đặc biệt là các loại hoạt chất dược phẩm (API - active pharmaceutical ingredients), từ Trung Quốc bị đứt đoạn. Đối với một số loại API đặc thù, nguồn cung từ Trung Quốc chiếm đến hơn 90% tổng nguồn cung cho ngành dược phẩm Ấn Độ và giá các nguyên liệu dược phẩm tại đây đang tăng cao đột biến qua từng ngày.

Mới đây nhất, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo hàng loạt tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới là Walmart, TargetBest Buy có thể sẽ hết sạch hàng dự trữ vào giữa tháng 4/2020 nếu như các nhà máy tại Trung Quốc tiếp tục ngưng sản xuất trong vài tuần nữa.

Thế khó của nền kinh tế Trung Quốc

Kể từ năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh xảy ra xung đột thương mại nghiêm trọng với Hoa Kỳ. Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này trong năm 2019 chỉ đạt 6,1% - chạm mức thấp nhất trong vòng 29 năm trở lại đây. Sự bùng phát bất ngờ của dịch virus Covid-19 là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có thể khiến tăng trưởng GDP quý 1/2020 của Trung Quốc giảm thấp kỷ lục còn 5%.

Ông Dan Alpert, Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Westwood Capital dự báo Trung Quốc có thể buộc phải phá giá đồng nội tệ trong quý 2/2020 để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của nước này. Điều này cũng giúp níu kéo các doanh nghiệp nước ngoài vốn đang lên kế hoạch di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục ở lại. Tuy nhiên, việc phá giá đồng nội tệ sẽ vi phạm thoả thuận thương mại giai đoạn 1 mà Trung Quốc mới ký với Hoa Kỳ hồi giữa tháng 1/2020. 

Virus Covid-19 cũng đang khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp cân nhắc về việc phát triển chuỗi cung ứng với nhiều đối tác đa dạng hơn hoặc tái bố trí các cơ sở sản xuất kinh doanh rời khỏi Trung Quốc.

Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian tới, sự kết hợp các cú sốc cung và cầu có thể đẩy nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng đình lạm (stagflation) – lạm phát kèm suy thoái. Khi đó, Trung Quốc vẫn có mức lạm phát dương nhưng tăng trưởng kinh tế ở mức yếu đi kèm với đó là tình trạng thất nghiệp tăng lên và sẽ không có một chính sách tiền tệ nào đủ hiệu quả để giúp nền kinh tế Trung Quốc chống chọi.