Xếp hạng tín dụng Italy bị đánh tụt về gần mức "rác"

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã đánh gục nền kinh tế mỏng manh của Italy và khiến xếp hạng tín dụng của nước này giảm xuống còn BBB-, chỉ cao hơn 1 bậc so với mức "rác" - không đáng đầu tư.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại Italy
 Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã đánh gục nền kinh tế vốn nhiều bất ổn như Italy và khiến xếp hạng tín dụng của nước này giảm xuống gần mức "rác" (Ảnh: AFP)

Hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Italy từ mức BBB xuống còn BBB-, chỉ cao hơn 1 bậc so với mức xếp hạng tín dụng “rác” – không đáng đầu tư. Fitch cho biết, việc hạ cấp tín dụng của Italy, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), phản ánh những quan ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế và tình hình nợ công của nước này.

Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Italy đã đối mặt với nhiều thách thức và tăng trưởng kinh tế trì trệ kéo dài nhiều năm. Italy hiện là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất vì sự bùng phát của dịch bệnh và nhiều chuyên gia lo ngại dịch bệnh đang đào sâu thêm hồ chôn một nền kinh tế vốn đã quá mong manh như Italy.

Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Italy trong năm 2020 sẽ giảm 8% với giả định nước này sẽ khống chế được dịch bệnh vào nửa cuối năm nay, qua đó cho phép Italy phục hồi kinh tế mạnh vào năm 2021. Tuy nhiên, Fitch cũng cảnh báo các rủi ro đối với nền kinh tế này đang ngày càng tăng lên và nếu Italy để bùng phát dịch lần hai, dẫn đến việc kéo dài biện pháp phong toả ngăn chặn dịch bệnh sẽ khiến nền kinh tế nước này suy yếu hơn nữa trong cả năm 2020 lẫn 2021.

Fitch cũng dự báo tỷ lệ nợ trên tổng GDP của Italy sẽ tăng mạnh thêm 20 điểm phần trăm lên mức 156% GDP vào cuối năm nay. Hiện tại, Italy đang là quốc gia có số nợ lớn nhất thế giới chỉ sau Nhật Bản và Hy Lạp.

Theo kịch bản cơ bản của Fitch, tỷ lệ nợ trên GDP của Italy sẽ tiếp tục ở mức rất cao trong trung hạn, dẫn đến các rủi ro lớn đối với quốc gia này trong việc trả nợ. Fitch lưu ý tăng trưởng GDP thực tế của Italy trong năm 2019 chỉ ở mức 0,3% và nước này đã ở trong trạng thái đình trệ kinh tế trong hai năm gần đây.

Theo Fitch, việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu đẩy mạnh việc mua ròng các tài sản đã cho phép Italy có nguồn tài chính đáng kể để đối phó với các tác động của đại dịch Covid-19 và giảm rủi ro tái cấp vốn đối với nước này bằng việc giữ chi phí vay vốn ở mức rất thấp.

Tuy nhiên, chính phủ Italy sẽ đối mặt với áp lực tiếp tục bị hạ xếp hạng tín dụng nếu như nền kinh tế nước này không phục hồi tốt và không có phương án giảm tỷ lệ nợ trên GDP. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca tử vong vì đại dịch Covid-19 tại Italy hiện đang cao nhất Châu Âu với 27.359 ca, tính đến ngày 28/3 và có hơn 200.000 ca nhiễm được xác nhận.

Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng chính phủ Italy đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như cho phép các cửa hàng nhỏ hoạt động trở lại; các biện pháp hạn chế di chuyển nói chung cũng sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 3/5 tới đây.

Quang Đặng (Theo CNN)