Xu hướng kinh doanh: 89,4% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và ổn định trong quý II

Sự lạc quan của doanh nghiệp xuất phát từ môi trường kinh doanh đã ngày càng tốt lên

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2019 cho thấy: Có 33,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 25,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 40,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Khi được hỏi về dự định trong quý II, có 54,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 10,6% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Tức là có 89,4% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và ổn định.

Sự lạc quan của doanh nghiệp xuất phát từ môi trường kinh doanh đã ngày càng tốt lên; thể hiện phần nào qua tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, trong quý I năm nay, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,2 tỷ đồng, tăng 26,9%. Nếu tính cả 722,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong quý I năm nay là 1.098 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên hơn 43,5 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I năm 2019 là 317,6 nghìn người, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý I năm nay là 14.761 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 15.331 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 là 8.404 doanh nghiệp, chiếm 54,8%; doanh nghiệp thông báo giải thể là 3.378 doanh nghiệp, chiếm 22% và 3.549 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 23,2%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I năm 2019 là 4.116 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3.737 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90,8%.

Nhìn về sản xuất, quý I năm nay cũng cho thấy sự khởi sắc của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 96,1%; sản xuất kim loại tăng 37,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 20,8%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,8%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 11,6%; sản xuất đồ uống tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại tăng 10,9%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 3,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 2,9% (cùng kỳ năm trước tăng 29,3%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 1,3%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 0,4%.

Trong khi đó, một số ngành khai thác tài nguyên có xu hướng giảm; như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,2% (khai thác dầu thô giảm 10,3% và khai thác khí đốt tự nhiên giảm 2,4%); khai khoáng khác (đá, cát, sỏi…) giảm 0,2%; phù hợp với quá tái cơ cấu nền kinh tế nước ta.

Phú Châu