Xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong khu kinh tế theo pháp luật Việt Nam

ThS. Nguyễn Sơn Hà - ThS. Mai Xuân Hợi (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

      Khu kinh tế (KKT) là khu vực có sự khác biệt về ranh giới với nhiều chức năng nhằm thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng và an ninh của quốc gia. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại KKT cũng đòi hỏi những yêu cầu rất khắt khe và có tính tổ chức cao. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định nhằm bảo vệ môi trường trong KKT, đặc biệt là các quy định xử lý vi phạm hành chính về BVMT vẫn còn chồng chéo, bất cập. Do đó, nghiên cứu hướng tới phân tích để làm rõ nhằm đưa ra kiến nghị giúp hoàn thiện quy định xử lý vi phạm hành chính về BVMT trong KKT.

Từ khóa: Vi phạm về bảo vệ môi trường khu kinh tế, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường khu kinh tế.

1. Đánh giá quy định xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong Khu kinh tế

Hiện nay, xây dựng KKT là một trong những chính sách phát triển quan trọng của các quốc gia trên thế giới. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, với những tác động đi kèm, đặc biệt là đối với vấn đề ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh. cũng như đời sống - sinh hoạt của người dân. Điều này đang là trở ngại lớn, là thách thức của nhiều quốc gia và các đầu tư (NĐT) vào KKT.

Ở Việt Nam, thành lập và mở rộng KKT là chính sách phát triển kinh tế quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, trong cả nước đã có nhiều KKT được thành lập, mở rộng và đi vào hoạt động, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân. Đặc biệt, nó đã thu hút không ít vốn đầu tư từ các NĐT trong và ngoài nước nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế và mở rộng hội nhập quốc tế. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 17 KKT ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha, có 38 Khu công nghiệp (KCN) nằm trong KKT với tổng diện tích khoảng 15,2 nghìn ha. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2019, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được khoảng 340 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới đạt khoảng 8,7 tỷ USD, nâng tổng số dự án vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 8.900 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 186 tỷ USD[1].

Nhìn chung, các KKT ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tạo công ăn việc làm[2]. Đặc biệt, cùng với KCN, KKT đã thu hút được một số dự án đầu tư có quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam là điểm đến sản xuất công nghiệp toàn cầu.

Bên cạnh mục tiêu thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, Nhà nước và NĐT tại các KKT đang ngày càng quan tâm đến vấn đề đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế với BVMT. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản để điều chỉnh hoạt động BVMT trong KKT, đặc biệt là dần hoàn thiện quy định xử lý vi phạm về BVMT trong KKT. Các văn bản liên quan có thể kể đến như: Luật BVMT năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Quy định xử lý vi phạm hành chính về BVMT trong KKT trong các văn bản này tập trung điều chỉnh các nội dung chủ yếu: (i) Quy định về chủ thể có thẩm quyền xử lý; (ii) Quy định về chủ thể bị xử lý; (iii) Quy định các chế tài áp dụng. Các quy định này đã phần nào tạo cơ sở ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các chủ thể liên quan, kịp thời xử lý những hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ hiệu quả môi trường từ thời điểm thi công xây dựng cho đến quá trình vận hành của KKT. Tuy nhiên, qua phân tích nhận thấy, các quy định trong các văn bản này vẫn còn tồn tại những bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, quy định về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về BVMT trong hoạt động của KKT. Nghị định số 82/2018/NĐ-CP đã có những quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm hoạt động BVMT trong KKT[3]. Đặc biệt, tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về BVMT trong KKT. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính là Ủy ban nhân dân các cấp, công an nhân dân, thanh tra chuyên ngành và các cơ quan khác theo quy định[4]. Quy định này tạo thành hệ thống các cơ quan đủ mạnh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu nhận thấy, một trong những cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động BVMT tại KKT là Ban Quản lý KKT lại không được trao quyền trực tiếp thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính. Ngược lại, Ban chỉ có trách nhiệm phối hợp thanh tra, xử lý và kịp thời phát hiện để báo cáo cơ quan có thẩm quyền[5]. Quy định này thực sự chưa hợp lý, bởi lẽ:

 (i). Ban quản lý KKT là cơ quan trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động hàng ngày trong KKT. Vì thế, khi xảy ra vi phạm về BVMT thì cơ quan này có đủ điều kiện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn để xử lý, nhưng pháp luật chỉ quy định Ban quản lý có trách nhiệm phát hiện để kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Đối với hiện tượng ô nhiễm môi trường nếu không ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ lan truyền rất nhanh và rất khó để kiểm soát về hậu quả.

(ii). Vì pháp luật không quy định nên khi các cơ quan ban ngành có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh tra hoạt động BVMT trong KKT thường không cần sự đồng thuận hoặc phối hợp với Ban quản lý KKT[6]. Quy định này đã làm mờ nhạt vai trò, vị trí của Ban quản lý KKT. Đồng thời, ảnh hưởng đến hiệu quả, tính kịp thời và sâu sát của hoạt động kiểm tra, thanh tra môi trường KKT. Bởi lẽ, hơn chủ thể nào hết, Ban quản lý là cơ quan quản lý trực tiếp, nắm rõ hoạt động BVMT của các chủ thể trong KKT và thường là chủ thể đầu tiên phát hiện các hành vi vi phạm nếu có. Do đó, việc các cơ quan ban ngành khi triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra mà không có vai trò phối hợp của Ban quản lý KKT là chưa phù hợp với thực tiễn. Minh chứng là tại KKT Dung Quất, trong Quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong lĩnh vực BVMT được UBND tỉnh Quảng Ngãi thông qua tháng 4 năm 2011, quy định cho phép Ban quản lý KKT Dung Quất được phép xử lý vi phạm hành chính nếu có phát hiện. Nhưng Nghị định số 29/2011/NĐ-CP và nay là Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định, Ban quản lý KKT không có thẩm quyền thanh tra và xử lý vi phạm hành chính, nên trên thực tế Ban quản lý KKT Dung Quất chỉ làm hai nhiệm vụ là thu phí xả nước thải và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong kiểm tra, thanh tra công tác BVMT tại KKT. Điều này dẫn đến, Ban quản lý phải phụ thuộc hoàn toàn vào kế hoạch của các cơ quan khác trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường, gây nên tình trạng, các hành vi vi phạm không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất trong KKT[7]. 

 (iii). Bên cạnh đó, việc quy định cho phép nhiều cơ quan có quyền kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính về BVMT trong KKT đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Điều này gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp do phải tiếp đón rất nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra đến làm việc, từ Tổng cục Môi trường, Phòng cảnh sát Môi trường cho đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường,...[8]

Thứ hai, chưa quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong công tác tư vấn và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đặc biệt là các dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải trong các KKT. Pháp luật hiện hành quy định, chủ dự án có thể tự lập báo cáo hoặc thuê tổ chức dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM nhưng phải chịu trách nhiệm về các số liệu trong báo cáo. Đặc biệt, tại Điều 21 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định, chủ dự án có trách nhiệm đánh giá về vấn đề BVMT. Quy định này đã không ràng buộc được trách nhiệm của tổ chức dịch vụ đánh giá ĐTM khi xảy ra các vấn đề về môi trường trong KKT, đồng thời gây khó khăn cho các chủ dự án. Do đó, cần sửa đổi Nghị định số 19/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành các quy định về BVMT đối với KCN, KKT để bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức dịch vụ đánh giá ĐTM và chủ dự án trong vấn đề tư vấn lập báo cáo ĐTM, đồng thời quy định thống nhất tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP. Đặc biệt, để quy định này đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, cần có các chế tài xử lý như: Phạt hành chính nếu các chủ thể liên quan đến tư vấn lập báo cáo ĐTM trong KKT có những hành vi sai phạm. Bởi lẽ, khảo sát các quy định, đặc biệt là các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT KKT tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, chúng ta không nhận thấy bất kỳ chế tài nào gắn trách nhiệm của hội đồng thẩm định và tổ chức dịch vụ thẩm định trước các kết luận, đánh giá sai, gây tổn hại đến môi trường KKT trong báo cáo ĐTM. Minh chứng điều này, một nghiên cứu đã kết luận, ô nhiễm môi trường tại KCN, KKT diễn ra khá phổ biến, một số nơi nghiêm trọng kéo dài. Một số chủ đầu tư dự án chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung quyết định phê chuẩn của cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường, báo cáo ĐTM còn mang tính chất thủ tục, chưa thật sự là căn cứ kỹ thuật, pháp lý và trách nhiệm để tổ chức thực hiện[9]. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm môi trường tại đô thị và KCN là các vấn đề môi trường chưa được đề cập đầy đủ trong quy hoạch xây dựng. Ngoài việc quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng, các vấn đề về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý rác, nước thải,… chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù việc lập báo cáo ĐTM cho các đồ án quy hoạch đô thị và KCN đã được quy định trong Luật BVMT năm 2014, nhưng công tác triển khai thực hiện vẫn còn chậm, chưa hiệu quả[10].

Thứ ba, chưa quy định chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi của Ban quản lý trong việc cấp phép cho NĐT vào hoạt động trong KKT gây ô nhiễm môi trường. Theo Khoản 1 và 2, Điều 63, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định, Ban quản lý KKT có quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư và có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch về xúc tiến đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện. Tiếp đó, tại Khoản 15, Điều 60, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP tiếp tục quy định, UBND cấp tỉnh có quyền phê duyệt kế hoạch, cấp kinh phí và tổ chức vận động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch để phát triển KCN, KKT. Quy định này cho thấy, Ban quản lý KKT là một trong những cơ quan có quyền cấp giấy phép cho NĐT vào hoạt động tại KKT, đồng thời có trách nhiệm xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Quy định này là hợp lý, bởi lẽ Ban quản lý là cơ quan do Chính phủ thành lập nhưng trực thuộc sự quản lý của UBND cấp tỉnh, là cơ quan quản lý trực tiếp các hoạt động hàng ngày tại KKT nên nắm rõ các điều kiện và nhu cầu cần đầu tư tại KKT để tiếp nhận.

Hơn nữa, xuất phát từ nhu cầu được đầu tư bên phía doanh nghiệp cũng như nhu cầu mở rộng, phát triển KKT từ phía địa phương nên việc tiếp nhận các nhà máy sản xuất, kinh doanh vào hoạt động tại KKT diễn ra thường xuyên. Điều này giúp cho các doanh nghiệp có môi trường đầu tư để tạo ra lợi nhuận. Về phía chính quyền địa phương, thu hút được các nguồn vật lực và nhân lực nhằm khai thác triệt để các lợi thế về điều kiện tự nhiên vốn có, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phát triển, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đem lại, tại một số KKT, việc thu hút và tiếp nhận nhiều nhà máy sản xuất đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về môi trường do hành vi cấp phép trái với quy định của pháp luật. Một thực tế cho thấy, do là cơ quan trực thuộc chính quyền địa phương quản lý nên trong nhiều trường hợp, việc cấp phép cho các nhà máy sản xuất hoạt động trong KKT bị tác động và chi phối bởi chính quyền địa phương mà không tính đến khả năng đáp ứng các điều kiện về BVMT cũng như sự phù hợp về ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật. Minh chứng điều này, trong nghiên cứu của mình, tác giả Huỳnh Thế Du đã kết luận, việc thành lập, mở rộng KKT ven biển ở Việt Nam thời gian qua dường như đang bị chi phối nặng nề bởi quan điểm “lợi ích cục bộ”, chưa xem xét tổng thể, hài hòa với lợi ích quốc gia. Thực tế, các địa phương có vị trí thuận lợi về cảng biển thường có tâm lý muốn “xin” thành lập KKT. Dường như các địa phương đều coi mô hình KKT là một trong những công cụ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương[11].

Vì tiếp nhận ngày càng nhiều nhà máy sản xuất hoạt động nên lượng chất thải tăng dần, trong khi đó không xem xét khả năng đáp ứng công suất xử lý của các công trình xử lý chất thải tập trung trong KKT dẫn đến lượng chất thải vượt quá khả năng xử lý, phải trực tiếp thải ra môi trường gây ô nhiễm. Cùng quan điểm này, một nghiên tại Hội thảo về nghiên cứu phát triển các khu kinh tế ven biển theo hướng bền vững: “Nghiên cứu trường hợp khu kinh tế ven biển miền Trung” đã kết luận, tại một số địa phương, do muốn nhanh chóng mở rộng, phát triển KKT để khai thác tối đa các lợi ích đi cùng nên đã bỏ ngỏ việc giám sát và quản lý môi trường. Tại một số KKT đã tiếp nhận quá nhanh các nhà máy sản xuất, vượt quá khả năng của cơ sở hạ tầng xử lý chất thải, dẫn đến không đảm bảo về môi trường[12]. Hay một nghiên cứu khác đã kết luận, do cơ sở hạ tầng xử lý chất thải không đáp ứng được công suất nên ở một số KKT thường xả nước thải chưa xử lý vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần ra môi trường, có nơi đến vài chục lần. Điển hình tại các KKT Nghi Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, KKT Dung Quất thuộc tỉnh Quảng Ngãi, KKT Đình Vũ - Cát Hải thuộc thành phố Hải Phòng đã có dấu hiệu ô nhiễm môi trường nước mặt, chủ yếu là ô nhiễm các chất hữu cơ (như nhu cầu ôxy sinh hóa - BOD5) cao hơn quy chuẩn cho phép (QCCP) từ 1 đến 2 lần, ô nhiễm dầu mỡ cao hơn QCCP từ 4 đến 6 lần. Hơn nữa, một số KKT có hoạt động sử dụng nhiều năng lượng đã đẩy ra môi trường một lượng khí thải lớn nên gây ra hiệu ứng nhà kính[13]. Thậm chí, tại một số KKT, do việc thu hút đầu tư chưa đúng theo quy hoạch ngành nghề dự kiến ban đầu, dẫn đến hệ thống xử lý nước thải tập trung được thiết kế, xây dựng có thể không phù hợp về quy mô công suất, công nghệ xử lý nước thải[14].

Vậy vấn đề đặt ra là, trong trường hợp Ban quản lý KKT vi phạm quy định trong việc tiếp nhận NĐT như trên thì chế tài xử lý như thế nào. Qua khảo sát các quy định hiện hành, đặc biệt các chế tài được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, tác giả không nhận thấy bất cứ quy định nào liên quan để xử lý hành vi vi phạm nói trên. Đây là một lỗ hổng cần nghiên cứu để hoàn thiện, nhằm ràng buộc trách nhiệm pháp lý trong việc cấp phép. Từ đó, tiếp nhận các nhà đầu tư vào KKT, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về BVMT theo quy định.

2. Một số kiến nghị tiếp tục hoàn thiện quy định xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong Khu kinh tế

   Thứ nhất, cần bổ sung tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP để quy định quyền thanh tra và xử lý vi phạm hành chính cho Bản quản lý KKT. Đề xuất này xuất phát từ những lý do sau:

 (i) Tạo sự chủ động cho Ban quản lý KKT nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi vi phạm về BVMT trong quá trình hoạt động của KKT. Như đã phân tích, Ban quản lý KKT do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập nhưng chịu sự chỉ đạo của UBND cấp tỉnh và là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các hoạt động trong KKT trên địa bàn [15]. Vì là cơ quan trực tiếp quản lý trong KKT nên Ban quản lý thường nắm bắt, theo dõi kịp thời và sâu sát mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như của chủ thể vận hành, duy tu các công trình BVMT. Vì thế, việc cho phép Ban quản lý KKT trực tiếp thanh tra, xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động BVMT là phù hợp, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, giảm bớt tối đa tổn thất gây ra đối với môi trường cũng như hoạt động của KKT.

(ii) Tạo sự chủ động cho Ban quản lý trong phối hợp để kiểm tra, thanh tra, xử lý hoạt động BVMT trong KKT. Như đã phân tích, thực trạng hiện nay vì không được giao quyền tự thanh tra, xử lý vi phạm nên Ban quản lý KKT phải phụ thuộc vào kế hoạch phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong KKT. Hơn nữa, nếu phát hiện các hành vi vi phạm về BVMT thì buộc Ban quản lý KKT phải báo với cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý. Dẫn đến, các hành vi vi phạm không được kiểm tra, ngăn chặn kịp thời. Để khắc phục tình trạng này, cần phải giao cho Ban quản lý quyền trực tiếp thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về BVMT để cơ quan này chủ động trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, đồng thời chủ động trong xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong KKT.

Thứ hai, để hoàn thiện và nâng cao trách nhiệm của tổ chức dịch vụ đánh giá ĐTM và chủ dự án trong vấn đề tư vấn lập báo cáo ĐTM trong KKT thì phải sửa đổi Nghị định số 19/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành các quy định về BVMT đối với KCN, KKT để bổ sung nhằm hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức dịch vụ đánh giá ĐTM và chủ dự án trong vấn đề tư vấn lập báo cáo ĐTM trong KKT, đồng thời quy định thống nhất tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP. Bên cạnh đó, cần bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về chế tài xử phạt hành chính nếu các chủ thể liên quan đến tư vấn lập báo cáo đánh giá ĐTM trong KKT có những hành vi sai phạm như đưa ra các kết luận, đánh giá sai, gây tổn hại đến môi trường KKT trong báo cáo ĐTM.

Thứ ba, cần sửa Nghị định số 155/2016/NĐ-CP để bổ sung chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi của Ban quản lý trong việc cấp phép cho NĐT vào hoạt động trong KKT gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP đã quy định làm rõ thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư cho NĐT vào sản xuất, kinh doanh trong KKT, nhưng lại chưa quy định chế tài để xử lý hành chính nếu Ban quản lý vi phạm trong việc cấp phép để tiếp nhận các NĐT vào sản xuất trong KKT gây ô nhiễm về môi trường.

Như đã phân tích ở trên, việc thành lập và mở rộng KKT đang được các chính quyền địa phương hết sức quan tâm, xem là giải pháp hiệu quả nhằm thu hút đầu tư, khai thác lợi thế về điều kiện địa lý, tạo việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Do đó, với tư cách là cơ quan trực thuộc sử quản lý của UBND cấp tỉnh nên Ban quản lý không tránh khỏi sự chi phối trong các quyết định tiếp nhận NĐT vào sản xuất tại KKT, dẫn đến thực hiện nhiều hành vi trái với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến môi trường trong KKT. Vì vậy, bên cạnh quy định cho phép cấp phép hoạt động đầu tư tại KKT, trong thời gian tới, cần thiết phải bổ sung vào Nghị định số 155/2016/NĐ-CP những chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của Ban quản lý trong việc cấp phép cho NĐT vào hoạt động trong KKT gây ô nhiễm môi trường. Đây là giải pháp cấp thiết, gắn trách nhiệm với chế tài trong các quyết định của Ban quản lý, góp phần kiềm chế lại sự chi phối bởi những lợi ích cục bộ của chính quyền địa phương.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1,2] Vụ Quản lý các khu kinh tế (2019). Báo cáo tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT năm 2019, http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=43533&idcm=54, truy cập ngày 15/9/2019.

[3] Chính phủ (2018), Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, Chương V.

[4] Chính phủ (2016), Quy định cụ thể từ Điều 48 đến Điều 52 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.

[5] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015), Khoản 4, 7 của Điều 14 Thông tư số 35/2015/TT-BTN&MT;

[6,8] Võ Thanh Hùng (2015). Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế: Rà soát lại để có định hướng hợp lý.  <https://baodautu.vn/quan-ly-các-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-khu-kinh-te-ra-soat-lai-de-co-dinh-huong-hop-lyd35043.html> truy cập này 30/3/2020;

[7] Trà Thành Danh (2012). Mối quan hệ giữa Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất với chính quyền địa phương. Luận văn thạc sĩ Kinh tế, thực hiện tại Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

[9] Văn Hào (2017). Ô nhiễm tại các khu công nghiệp: Bài 2 - Những giải pháp căn cơ. <https://bnews.vn/o-nhiem-tai-cac-khu-cong-nghiep-bai-2-nhung-giai-phap-can co/69468.html> truy cập ngày 15/4/2020;

[10] Nguyễn Ái Dương (2016). Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Xây dựng. Tạp chí Môi trường, số 11/2016.

[11] Huỳnh Thế Du (2017). Thực chất việc các địa phương muốn có các KKT hay các dự án lớn là cách thức để tranh thủ hay xin nguồn ngân sách cũng như sự tự chủ về mặt chính sách. Mục 2.1 chương 2 của Báo cáo tổng hợp nghiên cứu phát triển các khu kinh tế ven biển theo hướng bền vững: Nghiên cứu trường hợp khu kinh tế ven biển miền Trung của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tổ chức ngày 24/9/2019.

[12] Mục 3 chương 1 của Báo cáo tổng hợp nghiên cứu phát triển các khu kinh tế ven biển theo hướng bền vững: Nghiên cứu trường hợp khu kinh tế ven biển miền Trung của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tổ chức ngày 24/9/2019.

[13] Đoàn Hải Yến (2016). Phát triển bền vững các khu kinh tế ven biển vùng đồng bằng sông Hồng. Luận án tiến sĩ thực hiện năm 2016, thực hiện tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

[14] CTTĐT (2020). Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Tạp chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường online. <http://botruong.monre.gov.vn/tin-tuc/tin-hoat-dong/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-bao-ve-moi-truong-tai-cac-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-va-kh-4096> truy cập ngày 25/4/2020.

[15] Quy định tại Điều 61 của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015). Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Bảo vệ môi trường trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp.
  2. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2008), Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Khu chế xuất.
  3. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2016), Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
  4. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2018), Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Khu chế xuất.
  5. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2014), Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
  6. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2012), Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
  7. Vũ Đại Thắng (2012). Nghiên cứu đề xuất tiêu chí đánh giá,  lựa chọn một số khu kinh tế ven biển có tiềm năng, thuận lợi nhất để phát triển, sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng và phát huy hiệu quả. Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  8. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2019). Báo cáo tổng hợp nghiên cứu phát triển các khu kinh tế ven biển theo hướng bền vững: Nghiên cứu trường hợp khu kinh tế ven biển miền Trung, tổ chức ngày 24/9/2019.
  9. Trần Duy Đông (2015). Kinh nghiệm phát triển các khu kinh tế tự do tại Hàn Quốc. Truy cập: http://www.khucongnghiep.com.vn/nghiencuu/tabid/69/article Type/ArticleView/articleId/400/Default.asp; truy cập ngày 10/3/2020;
  10. Vụ Quản lý các khu kinh tế (2019). Báo cáo tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT năm 2019, Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=43533&idcm=54, truy cập ngày 15/9/2019;

 

Handling administrative violations of environmental protection

in economic zones according to Vietnam’s laws

Master. Nguyen Son Ha

Master. Mai Xuan Hoi

                                      University of Law, Hue University

ABSTRACT: 

An economic zone (EZ) is an area with differences in boundary and it has many functions in order to attract investment, contributing to socio-economic development and protecting national defense and security. Therefore, economic zones have strict requirements for environmental protection with high organization. However, current regulations of Vietnam on environment protection in economic zones, especially regulations of handling violations, are being overlapped with many shortcomings. This research is to analyze, clarify and make recommendations to perfect regulations on handling violations of environmental protection in economic zones.

Keywords: Violating environmental protection in economic zones, handling violations of environmental protection in economic zones.