TÓM TẮT:

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được rất nhiều người quan tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm lĩnh vực ATTP lại chỉ ra rất nhiều mặt hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện.

Bài viết làm rõ những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác xử lý vi phạm ATTP tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Từ khóa: Thanh tra, vi phạm về an toàn thực phẩm, mức xử phạt, nâng cao hiệu quả, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

1. Một số hạn chế, vướng mắc trong xử lý vi phạm về ATTP tại thành phố Huế

Thứ nhất, tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP còn thấp.

Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa bàn đông dân cư, với nhiều khách tạm trú vãng lai, cũng như có cả chục ngàn sinh viên cư trú, mỗi ngày tiêu thụ hàng chục tấn thịt, cá, rau, củ, quả các loại, nên những hệ lụy từ vi phạm ATTP là hết sức phức tạp.

Trên địa bàn thành phố Huế mặc dù số lượng các vụ việc vi phạm về ATTP được phát hiện và xử lý ngày càng nhiều hơn, nhưng so với thực tế các vi phạm xảy ra trên địa bàn thì vẫn còn khá ít ỏi. Hiện nay, thành phố Huế có khoảng 2.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tuy nhiên số lượng các cơ sở được kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm còn hạn chế.

 Năm 2018, cơ quan chức năng mới chỉ kiểm tra được 1550 cơ sở và phát hiện 155 trường hợp vi phạm nhưng chỉ xử phạt 62 cơ sở (chiếm tỷ lệ 15,2%), trong đó xử phạt cảnh cáo là 41 trường hợp (chiếm tỷ lệ 4,9%), phạt tiền 8 trường hợp (chiếm tỷ lệ 0,05%)[1]. Năm 2019, số lượng cơ sở tiến hành thanh tra, kiểm tra tăng lên 1592 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó phát hiện 136 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 12,15%) nhưng chỉ xử phạt tiền 8 đơn vị[2]. Điều đó có nghĩa, vi phạm về ATTP đang tồn tại rất nhiều nhưng chính quyền lại đứng trước tình trạng không thể kiểm tra và xử phạt hết (theo ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục vệ sinh ATTP - Bộ Y tế thì “cứ tăng số cơ sở kiểm tra thì cũng tăng theo số cơ sở vi phạm”[3]). Điều đó cũng cho thấy năng lực quản lý nhà nước về ATTP của các cơ quan có thẩm quyền ở thành phố Huế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của đời sống. Có nhiều vi phạm về ATTP bị “bỏ sót”, hoặc chưa bị phát hiện, hoặc đã bị phát hiện mà chưa được xử lý.

Thứ hai, công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm về ATTP ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế.

Công tác xử lý vi phạm về ATTP chưa được thực hiện tốt ở cấp cơ sở. Công tác xử phạt thường đi liền với hoạt động thanh tra, kiểm tra nhưng ở các phường, khâu thanh tra, kiểm tra hầu như chưa thực sự được chú trọng, chưa tạo tiền đề tốt cho hoạt động xử phạt. Chẳng hạn như, năm 2018, trên địa bàn thành phố Huế đã thực hiện là 416 đoàn kiểm tra, thanh tra nhưng đại đa số các cuộc kiểm tra, thanh tra là do các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh thực hiện. Số đoàn công tác kiểm tra, thanh tra ở tuyến thành phố và cấp phường chỉ có 36 đoàn. Việc xử lý vi phạm ở tuyến dưới còn chưa nghiêm, chủ thể có thẩm quyền ở phường, thường chỉ dùng các biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo chung chung, ít khi ra các quyết định xử phạt[4]. Đây là điểm bất cập cần phải được khẩn trương khắc phục, bởi xử lý nghiêm các vi phạm ngay tại cấp cơ sở trong nhiều trường hợp là giải quyết được tận gốc vấn đề, ngăn ngừa kịp thời những hậu quả đáng tiếc, tránh được những diễn biến phức tạp, đồng thời góp phần giảm tải cho các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.

Thứ ba, việc áp dụng chế tài hành chính trong xử phạt chưa thực sự hợp lý.

Nhìn chung, việc xử lý các trường hợp vi phạm trên thực tế là chưa hoàn toàn thuyết phục nên chưa tạo ra sức răn đe chung. Các chế tài được lựa chọn áp dụng cho các trường hợp vi phạm này là còn quá nhẹ so với những thiệt hại đã và sẽ xảy ra cho xã hội. Chẳng hạn, năm 2018, trong 155 cơ sở vi phạm bị xử lý thì đã có 62 trường hợp bị cảnh cáo (chiếm hơn 40%) và chỉ có 8 trường hợp bị phạt tiền (chiếm 12%) và số tiền phạt là 14,2 triệu đồng. Tỷ lệ các trường hợp buộc tiêu hủy thực phẩm còn rất thấp, chỉ chiếm 0,5% (15 sản phẩm) và tỷ lệ đóng cửa cơ sở vi phạm còn khiêm tốn hơn khi chiếm chỉ 0,05%. (01 đơn vị)[5]. Tương tự, năm 2019, trong số 136 đơn vị vi phạm chỉ có 8 đơn vị bị phạt tiền, tổng số tiền phạt là 45,2 triệu đồng và chỉ có 1 cơ sở bị đóng cửa (chiếm 0,73%)[6].

Thứ tư, việc xử lý vi phạm về ATTP vẫn còn chồng chéo về thẩm quyền.

Lĩnh vực ATTP luôn phải chịu tình trạng chồng chéo về thẩm quyền của các cơ quan chức năng, không đảm bảo được tính thống nhất, chặt chẽ. Khó khăn vẫn là, một vấn đề nhưng lại có nhiều cơ quan quản lý. Đều là vi phạm về ATTP nhưng không phải lúc nào ngành Y tế cũng có thẩm quyền xử phạt. Sự phân định chưa thực sự rõ ràng giữa các cơ quan này dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, thậm chí với không ít vi phạm về ATTP, các chủ thể khá bối rối trong việc xác định trách nhiệm xử lý thuộc về ai. Ngành Y tế thì cho rằng trong khâu sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt lại thuộc về ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn; khâu lưu thông, phân phối lại là mối quan tâm của ngành Công Thương. Vì vậy, giả sử kết quả kiểm tra cho thấy hoa quả bày bán trên thị trường tồn dư lượng hóa chất bảo quản lớn, có dấu hiệu vi phạm về ATTP thì ai sẽ có thẩm quyền xử phạt? Tất nhiên, nếu viện dẫn Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thì trong trường hợp vi phạm sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều người, người thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết; trong trường hợp nhiều người thuộc các ngành khác nhau thì do cơ quan nơi có vi phạm giải quyết. Song, trong thực tế, thực hiện xử lý vi phạm về ATTP tại thành phố Huế cho thấy mọi chuyện có thể phức tạp hơn. Bởi khó có thể kết luận chất bảo quản đó được dùng trên trái cây ở khâu nào, sản xuất hay lưu thông? Nếu là khâu sản xuất thì thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở Nông nghiệp, khâu lưu thông lại thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở Công Thương. Nếu người tiêu dùng sau khi ăn hoa quả bị ngộ độc thì việc xử lý mới đến tay Thanh tra Sở y tế. Sự phân khúc về thẩm quyền xử phạt vẫn là câu chuyện được tiếp tục bàn cãi, vì đó là một trong những nguyên nhân tạo nên sự lúng túng nhất định trong quá trình tiến hành hoạt động xử lý vi phạm. Từ việc chồng chéo về thẩm quyền, dẫn đến hệ quả nghiêm trọng, đó là có thể bỏ sót các cơ sở vi phạm.

Thứ năm, quá trình triển khai xử phạt còn chậm.

Không ít trường hợp xử lý vi phạm về ATTP trên địa bàn thành phố Huế được triển khai khá chậm, chưa thực sự bảo đảm yêu cầu của nguyên tắc “nhanh chóng, kịp thời” mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề chúng ta có thể nhận thấy sự lúng túng của các chủ thể có thẩm quyền trước khi tiến hành xử phạt, mà gốc rễ của sự lúng túng lại xuất phát từ trình độ quản lý nhà nước về ATTP còn nhiều hạn chế. Muốn xử lý vi phạm về ATTP, trước hết phải kết luận có hành vi vi phạm về ATTP hay không. Nhưng muốn kết luận hành vi là vi phạm ATTP, phần lớn đều phải dựa vào kết quả xét nghiệm, giám định. Hiện nay, Việt Nam nói chung và thành phố Huế nói riêng thiếu trầm trọng các cơ sở kiểm nghiệm, phân tích thực phẩm đáp ứng yêu cầu.

Ngay việc kiểm tra các độc chất có trong hoa quả hiện cũng là điều khó khăn của cơ quan chức năng tại thành phố Huế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, việc kiểm tra hóa chất trong trái cây ngoại nhập cũng không hề dễ dàng, do muốn kiểm tra được thì phải chỉ định rõ là kiểm tra hóa chất gì. Ngoài ra, quá trình kiểm tra, đánh giá thường được tiến hành trong một thời gian nhất định. Thực tế nói trên ít nhiều có thể giải thích cho sự chậm trễ của các cơ quan chức năng trong quá trình xử phạt một số vi phạm về ATTP phức tạp xảy ra trên địa bàn. Không ít vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về ATTP đã phải gửi mẫu thực phẩm đến các cơ sở kiểm nghiệm (thông thường tại Đà Nẵng) để có cơ sở xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình chờ đợi kết quả, buộc cơ quan có thẩm quyền phải tạm giữ các lô hàng của doanh nghiệp. Thời gian chờ đợi để có được kết quả kiểm nghiệm này nhanh nhất phải mất hàng tuần dẫn đến các nguy cơ hư hỏng hàng hóa của doanh nghiệp (hoa quả, thực phẩm đông lạnh,...). Không những thế, cơ quan chức năng luôn đứng trước những áp lực đáng kể khi thực hiện kiểm nghiệm, bởi lẽ việc tạm giữ các lô hàng thực phẩm nghi ngờ vi phạm có thể dẫn đến doanh nghiệp bị trừ hoãn các hợp đồng, bị bên thứ ba phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại. Tất cả những hậu quả đó khiến cho doanh nghiệp có thể khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện xử lý vi phạm về ATTP.

Thứ sáu, tỷ lệ kiểm tra, thanh tra trên tổng số đối tượng cần kiểm tra còn thấp.

Có thể khẳng định rằng, Huế là một trong những thành phố có những nét đặc trưng về mặt ẩm thực. Ngoài những hấp dẫn về mặt văn hóa, thì Huế cũng đang ngày càng tạo ra những thách thức không nhỏ trong công tác xử lý vi phạm về ATTP. Một số lượng rất lớn các quán ăn nhỏ, hàng rong, xe đẩy quy mô kinh doanh nhỏ, lưu động, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình vẫn còn duy trì thói quen tiêu thụ thực phẩm không nhãn mác, kiểm nghiệm (chẳng hạn rượu sản xuất thủ công do hộ dân nấu). Tại một thành phố du lịch, vấn đề ATTP đối với những chủ thể này là vô cùng quan trọng, nhưng hiện nay việc tiến hành cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đã là một việc khó, xử phạt họ còn khó hơn. Bởi đối tượng quá nhiều, quá đông đảo, hoạt động không tập trung, tính chất buôn bán lại nhỏ, manh mún, như đã nêu.

2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý vi phạm hành chính về ATTP trên địa bàn thành phố Huế

Thứ nhất, hoàn thiện một số quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm về ATTP.

Mức xử phạt bằng tiền đối với các hành vi vi phạm về ATTP hiện nay chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa chung. Bởi đặc thù của những vi phạm về ATTP thường gây ra những hậu quả rất lớn về sức khỏe, tính mạng cho người tiêu dùng. Do vậy, hoàn toàn có thể thiết lập mức xử phạt cao hơn so với những lĩnh vực thông thường khác, tạo ra những áp lực tích cực cho việc tuân thủ các quy định về ATTP. Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm ATTP theo hướng tăng mức xử phạt bằng tiền cao hơn hiện nay và hạn chế hơn nữa chế tài cảnh cáo trong xử phạt.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành phải quy định minh bạch, rõ ràng về việc cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện việc kiểm nghiệm thực phẩm của người bị nghi ngờ vi phạm thì trong trường hợp nào sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại xảy ra (nếu có) từ việc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm thực phẩm. Nếu cơ quan có thẩm quyền có hành vi lạm dụng quyền hạn theo pháp luật, hoặc việc kiểm nghiệm kéo dài hơn mức cần thiết, hoặc không phối hợp với người kinh doanh thực phẩm lưu kho bảo quản thực phẩm,… thì mới phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại đó. Theo chúng tôi, quy định như vậy là cần thiết và phù hợp, nhằm không để cho người kinh doanh thực phẩm thiếu thiện chí hợp tác, lạm dụng để vi phạm, đồng thời cơ quan có thẩm quyền sẽ có cơ sở pháp lý minh bạch hơn trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong xử lý các vi phạm về ATTP trên địa bàn thành phố Huế là do những nhận thức, ý thức từ phía cộng đồng chưa có hoặc chưa đầy đủ để có thể đẩy lùi, tẩy chay những thực phẩm “bẩn” không an toàn. Do vậy, một trong những biện pháp thời gian sắp tới ở thành phố Huế, đó là phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách sâu, rộng tới nhiều tầng lớp nhân dân. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATTP cần bảo đảm một số vấn đề sau:

Nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến phải toàn diện, đa dạng, phong phú, bao hàm một cơ cấu thông tin hợp lý, hướng đến những trọng tâm cần tuyên truyền về ATTP. Cần lựa chọn những văn bản điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực này để công tác này được diễn ra chính xác và đạt hiệu quả. Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cần chú trọng vào thứ tự trước sau của các đối tượng tuyên truyền hướng tới để đạt hiệu quả tối đa. Trước tiên cần hướng đến các đối tượng có hiểu biết và ý thức pháp luật cao (phần lớn cán bộ - công nhân viên, các tổ chức đoàn thể, học sinh - sinh viên,…). Việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho các đối tượng này sẽ dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, sau khi đã thấm nhuần các quy định của pháp luật về VSATTP một cách đúng đắn thì các đối tượng này sẽ trở thành một đội ngũ tuyền truyền hùng hậu và rộng khắp.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về ATTP, cần tập trung ưu tiên hoạt động thanh tra, kiểm tra ở một số khâu như việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp, bảo đảm sử dụng đúng chất lượng, chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm; kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản thực phẩm. Tương tự, cần tập trung kiểm tra, thanh tra các cơ sở giết mổ và vệ sinh thú y, vệ sinh thủy sản, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện ATTP trong toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, cần tập trung kiểm tra, thanh tra việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP. Tăng cường giám sát, thanh tra các cơ sở dịch vụ ăn uống, giám sát các mối nguy về ATTP. Cần tạo điều kiện để đông đảo các tầng lớp nhân dân có thể tham gia tích cực vào quá trình kiểm tra, giám sát. Bởi lẽ, đây sẽ là một lực lượng hùng hậu, có mặt mọi lúc, mọi nơi và kịp thời phát hiện sai phạm trong ATTP, có hướng xử lý đúng đắn, kịp thời.

Thứ tư, cần quyết liệt hơn trong áp dụng chế tài xử phạt bằng tiền và kịp thời hơn đối các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Khi tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát nếu phát hiện có vi phạm thì vụ việc cần phải được xử lý một cách nghiêm minh, kịp thời, sao cho phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Hiện nay, các quy định của pháp luật hiện hành cho phép xử phạt cảnh cáo hoặc xử phạt bằng tiền. Trong thời gian tới, cần tập trung áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền, vừa bảo đảm phù hợp với pháp luật nhưng đồng thời tăng cường được hiệu quả ngăn ngừa, giáo dục ý thức tuân thủ cho các chủ thể khác. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp để việc xử lý kịp thời hơn nữa, nhằm đáp ứng nguyên tắc mà pháp luật quy định, đồng thời hạn chế, ngăn ngừa hậu quả xấu do thực phẩm không an toàn gây ra.

Thứ năm, tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo về ATTP, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.

Những phường chưa kiện toàn ban chỉ đạo công tác ATTP cần tiếp tục kiện toàn nhằm có sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động về bảo đảm ATTP. Định kỳ kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai hoạt động của Ban chỉ đạo các tuyến. Các sở, ban, ngành triển khai công tác quản lý theo phân cấp và chức năng nhiệm vụ, tránh chồng chéo trong công tác quản lý và xử lý vi phạm về ATTP. Các địa phương đẩy mạnh phân cấp quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ sáu, đầu tư các nguồn lực cho hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

   Hoạt động xử lý vi phạm hành chính về VSATTP sẽ trở nên hiệu quả hơn khi có sự đầu tư phù hợp, thỏa đáng về nguồn nhân - vật lực. Với điều kiện kinh tế, xã hội như hiện nay cùng với sự xuất hiện các hành vi vi phạm trên lĩnh vực VSATTP ngày càng tinh vi, khó phát hiện, khó xử lý thì nguồn lực này cần phải được chú trọng đầu tư hơn nữa.

 - Về tài chính: Tăng nguồn kinh phí cho hoạt động quản lý ATTP. Có mục chi riêng ngân sách cho quản lý ATTP trong mục lục ngân sách nhà nước hàng năm. Bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước về ATTP, chú trọng đầu tư cho công tác kiểm tra, thanh tra và  xử lý vi phạm pháp luật về ATTP, trang thiết bị kiểm nghiệm. Huy động kinh phí địa phương đóng góp, kinh phí viện trợ và kinh phí huy động từ các nguồn khác cho công tác này. Bên cạnh đó, cần ban hành chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực bảo đảm ATTP.

- Về nhân lực: Tạo mọi điều kiện để cán bộ, công chức trong ngành nghiên cứu khoa học áp dụng vào quản lý ATTP. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm ATTP tại các tuyến; từng bước nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đảm bảo ATTP. Tăng cường biên chế cho đội ngũ chuyên trách của các tuyến, đủ khả năng quản lý và điều hành các hoạt động bảo đảm ATTP trên phạm vi toàn quốc; bố trí đủ nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn phục vụ công tác quản lý nhà nước về vệ sinh thực phẩm.

- Về trang thiết bị: Đầu tư kinh phí trang bị các thiết bị máy móc, khoa học kĩ thuật ứng dụng trong việc phát hiện kịp thời các chất cấm, chất nguy hại sử sụng trong chế biến thực phẩm; phát hiện các loại thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người, để từ đó có những biện pháp xử lý phù hợp. Tiến hành hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm áp dụng các mô hình quản lý ATTP tiên tiến như: GMP, HACCP...

Bên cạnh đó, đầu tư kinh phí, hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm tại Thừa Thiên Huế đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố Huế nói riêng và cả tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Nâng cao tỷ lệ số phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025 và GLP. Tăng khả năng kiểm nghiệm các chỉ tiêu. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành nhất là các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,... trong công tác vận động, tuyên truyền bảo đảm ATTP.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Nguồn: Ban chỉ đạo liên ngành nghề ATTP tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo tổng kết công tác vệ sinh, ATTP năm 2018.

[2] Nguồn: Ban chỉ đạo liên ngành nghề ATTP tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo tổng kết công tác vệ sinh, ATTP năm 2019.

[3] Thái Hà, Vệ sinh ATTP: Vi phạm nhiều, xử lý ít, http://www.tienphong.vn/xa-hoi/508082/An-toan-ve-sinh-thuc-pham-Vi-pham-nhieu-xu-ly-it.html, truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2012.

[4] Nguồn: Ban chỉ đạo liên ngành nghề ATTP tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo tổng kết công tác vệ sinh, ATTP năm 2018.

[5] Nguồn: Ban chỉ đạo liên ngành nghề ATTP tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo tổng kết công tác vệ sinh, ATTP năm 2018.

[6] Nguồn: Ban chỉ đạo liên ngành nghề ATTP tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo tổng kết công tác vệ sinh, ATTP năm 2019.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2010) Luật An toàn thực phẩm.
  2. Quốc hội (2012) Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
  3. 3. Trương Thị Tố Oanh - ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Mối nguy từ hóa chất bảo quản trái cây và thực phẩm, Tạp chí Khoa học và Ứng dụng số 14-15/2011.
  4. ThS. Đặng Thanh Hoa, Giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 8.
  5. Báo cáo tổng kết công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm của Ban chỉ đạo liên ngành nghề ATTP tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018 và năm 2019.
  6. 6. Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Báo cáo đánh giá thực trạng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm phục vụ xây dựng Đề án nâng cao năng lực TTCN an toàn thực phẩm tại Việt Nam tại văn bản số 1475/QLCL-TTPC, Hà Nội, ngày 11/8/2014.
  7. Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Báo cáo tổng kết thực hiện hiệm vụ các năm 2014, 2015, 2016, 2017, TP. Hà Nội.
  8. Quyết định số 1850/QĐ-UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2014.
  9. Quyết định số 2412/QĐ-UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.
  10. Quyết định số 922/QĐ-UBND của UBND ngày 8/5/2017 về việc phê duyệt đề án nâng cao năng lực kiểm nghiệm an toàn về sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.
  11. Quyết định số 1220/QĐ-UBND ngày 4/6/2018 về việc phân công nhiệm vụ liên quan đến an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
  12. Quyết định số 25 ngày 19/4/2018 của UBND ban hành quy định điều kiện phương pháp đánh giá, công nhận chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

HANDLING VIOLATIONS OF FOOD SAFETY IN HUE CITY:

CURRENT SITUATION AND SOME EFFICIENCY IMPROVEMENT SOLUTIONS

Master NGUYEN THI PHI YEN

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

This article points out the limitations and obstacles in the practice of handling violations of food safety in Hue city, Thua Thien Hue province. In addition, this article also clarifies the causes of the above-mentioned limitations and obstacles, thereny proposing a number of recommendations to improve the effectiveness of provisions against  food safety violations in Hue city in the coming time.

Keywords: Inspection, violations of food safety, sanctioning level, improving the effectiveness, Hue city, Thua Thien Hue province.