Xuất khẩu rau quả giảm sút, dự báo còn tiếp tục khó khăn

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt 2,53 tỷ USD, giảm gần 6% so với 8 tháng 2018.
xuat khau rau qua sut giam
Xuất khẩu rau quả 8 tháng qua ước đạt 2,53 tỷ USD

Sụt giảm 4 tháng liên tiếp

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp, kể từ tháng 5 đến nay, trong đó, tháng 5 giảm 23,1% so với tháng trước đó, tháng 6 giảm 21,8%, tháng 7 giảm 11,8% so với tháng 6/2019, đạt 247,67 triệu USD và tháng 8 tiếp tục giảm còn 246 triệu USD.

Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 8/2019 ước đạt 246 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng qua ước đạt 2,53 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Về thị trường, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam chiếm 70,5% thị phần, với giá trị xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD 7 tháng qua, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Tiếp đến là Mỹ chiếm 3,6% thị phần, giá trị xuất khẩu đạt 84,07 triệu USD, tăng 12,5%; Hàn Quốc chiếm 3,3% thị phần, giá trị xuất khẩu đạt 76,91 triệu USD, tăng 13,1%...

Rau quả xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á cũng bị sụt giảm sâu, đạt 82,79 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất sang Thái Lan giảm 14,4%, còn 28 triệu USD, Malaysia giảm mạnh 44%, còn 17,6 triệu USD, Campuchia giảm 28,6%, còn 1,5 triệu USD…

Tiếp tục gặp khó trong những tháng cuối năm

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn do ảnh hưởng mùa mưa, sản lượng một số loại giảm.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang gây tâm lí lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.

xuat khau rau qua gap kho
Trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn

Thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc đã siết nhập khẩu tiểu ngạch, trong khi Việt Nam mới có 9 loại trái cây được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và mới đây là măng cụt.

Trung Quốc cũng sẽ có xu hướng đa dạng hóa các thị trường nhập khẩu các loại sản phẩm trái cây, hoặc chuyển sang cơ chế cấp hạn ngạch. Ví dụ có thông tin từ năm 2020, Campuchia sẽ xuất khẩu hàng năm sang thị trường Trung Quốc khoảng 500 nghìn tấn xoài, trong khi hiện Việt Nam hàng năm xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 350 nghìn tấn. Đây sẽ là bài toán cho Việt Nam cần phải từng bước sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khi Trung Quốc giảm lượng nhập khẩu một số mặt hàng từ Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều thị trường tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe như Uỷ ban châu Âu xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, nhiều thị trường ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc…

Tuy nhiên, hàng rau quả vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, khi hiệp định EVFTA được thực thi và CPTPP đã có hiệu lực sẽ mang lại những thuận lợi nhất định, tạo điều kiện cho hàng rau quả Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới.

Để tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu về qui tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kĩ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm…

 

Hoàng An